Mục Lục
A. Tự dối lòng mình
Trên đường du hóa, đức Phật dừng lại ở thành Tỳ-xá-ly. Lúc bấy giờ gặp lúc mất mùa, nạn đói kém xảy ra. Việc khất thực của Tỳ-kheo khó khăn vô cùng, nếu không muốn nói là chẳng nhận được gì. Trước thời buổi như vậy, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Các thầy tùy theo chỗ quen biết, nên đến đó an cư, đừng tập trung ở đây để chịu sự đói khát.
Ðược cho phép như thế, các Tỳ-kheo chia nhau đến những địa điểm thích hợp. Một số đến nước Ma-kiệt, một số khác về các xóm làng ven sông Bà-cầu-mạt. Cạnh bờ sông này, các Tỳ-kheo họp lại, bàn bạc như vầy:
- Nay gặp lúc khất thực khó được, trong xóm làng này có những người thành tín, chúng ta nên khen ngợi nhau, như nói: “Vị kia đắc sơ thiền, tôi cũng đắc sơ thiền. Vị kia đắc nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, bốn vô lượng xứ, bốn vô sắc định, tôi cũng đắc chứng như vậy. Vị kia chứng bốn niệm xứ cho đến tám chánh phần, ba giải thoát môn, tôi cũng được như vậy. Vị kia được tám giải thoát, chín cấp bậc định, mười nhất thiết nhập, mười trực đạo, tôi cũng được như vậy. Vị kia Chứng Kiến tín, Kiến pháp, bốn quả Sa-môn, Tam minh, Lục thông, tôi cũng chứng được như vậy”. Chúng ta cứ khen nhau như vậy, Cư sĩ nghe ắt sanh lòng cảm phục nhiều hơn. Họ sẽ vui mừng nói lên cảm nghĩ rằng: “Chúng ta được nhiều thiện lợi mới có những vị đắc Thánh đạo như vậy an cư nơi ấp chúng ta”. Từ đó họ sẽ mua sắm các thứ ngon bổ cúng dường, Sa-môn chúng ta không thiếu thốn, chúng ta sẽ sống trong an lạc.
Giải pháp được hình thành như thế, các Tỳ-kheo đi thẳng vào thành, chia nhau đến các nhà giàu có, ca tụng nhau những điều như trên. Các thầy còn nói với họ rằng:
- Quí vị được nhiều điều lợi lắm, ruộng phước của Thánh chúng đã đến với xóm làng của quí vị rồi đó.
Các Cư sĩ nghe thế, lòng rộn rã niềm vui, hân hoan với sự việc chưa từng gặp này. Họ đồng loạt giảm chi dụng trong gia đình, bỏ qua việc cúng kỵ, không bố thí cho ai, chỉ dồn hằng tâm, hằng sản vào việc cúng dường an cư.
Mùa an cư ở đây qua nhanh. Theo thường pháp của chư Phật thì trong hai kỳ đại hội vào cuối tháng mùa Xuân và mùa Hạ, tất cả Tỳ-kheo khắp mọi nơi đều phải về thăm hỏi nhau. Các Tỳ-kheo nước Ma-kiệt-đà an cư xong, thân thể ốm yếu, gầy guộc, về trước, họ vào thăm Phật, đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng lui qua một bên. Cũng theo thường pháp, đức Phật hỏi thăm, an ủy Tỳ-kheo từ nước Ma-kiệt: “Các thầy an cư có hoà hiệp? Khất thực có dễ được? Trên đường đi có vất vả lắm không?”
Các Tỳ-kheo thưa:
- Chúng con an cư hoà hợp, trên đường đi không mấy vất vả, chỉ có việc khất thực là khó khăn.
Sau đó, đức Phật vì họ nói từng vấn đề về diệu pháp, chỉ bày sự lợi ích của hoan hỷ. Các Tỳ-kheo theo đó có được chỗ đứng của mình trong an lạc.
Ngược lại, các Tỳ-kheo an cư bên sông Bà-cầu-mạt thân thể mập khoẻ, sung túc, đến trước Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng lui qua một bên. Theo thường pháp, đức Phật thăm hỏi, an ủy các Tỳ-kheo những vấn đề đã đề cập. Các Tỳ-kheo bạch:
- Chúng con an cư hoà hiệp, khất thực rất dễ dàng, trên đường đi không mấy mệt nhọc.
Ðức Phật liền hỏi:
- Hiện nay nơi đâu cũng mất mùa, khất thực khó được, tại sao các thầy nói khất thực dễ là sao?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
- Dễ là vì chúng con ca ngợi nhau về chỗ chứng đắc của mình. Nhờ ruộng phước đó mà Cư sĩ cúng dường đầy đủ.
Ðức Phật liền hỏi:
- Những điều các thầy ca ngợi với nhau là sự thật hay là hư dối?
Các Tỳ-kheo bạch:
- Thật có, hư vọng cũng có.
Ðức Phật quở trách nặng nề sự hư dối này, Ngài nói:
- Các thầy làm điều phi pháp, không hợp đạo lý. Người xuất gia không nên làm như vậy. Thà nuốt viên đá nung đỏ, hay uống nước đồng sôi, còn hơn dùng lời hư dối mà ăn của tín thí! Các thầy há không nghe Ta chê trách tội vọng ngữ, và bằng nhiều hình thức khen ngợi cái đức không nói lời dối trá đó sao?! Tại sao, nay các thầy lại vì lợi dưỡng mà dối trá nói chứng được pháp hơn người.
Ðức Phật lại quở trách các Tỳ-kheo:
- Ở đời có 5 hạng người được liệt vào loại giặc lớn: Một là hạng người dẫn đầu từ một trăm đến ngàn người đi phá thành ấp, xóm làng, hại người lấy của. Hai là có ác Tỳ-kheo dẫn các Tỳ-kheo du hành trong nhân gian nói pháp tà mạng. Ba là có ác Tỳ-kheo, đối với các pháp do Phật thuyết lại tự xưng là do họ nói ra. Bốn là có ác Tỳ-kheo không tu phạm hạnh, lại tự nói ra là tu phạm hạnh. Năm là có ác Tỳ-kheo vì lợi dưỡng, không có pháp hơn người lại tự xưng là sở đắc pháp ấy.
Hạng giặc thứ năm này được liệt vào hạng giặc lớn nhất, tột cùng nhất của thế gian, của Thiên, Nhơn, Ma, Phạm36, Sa-môn, Bà-la-môn. Tại sao các thầy chỉ vì một chút lợi dưỡng mà cam tâm làm kẻ đại tặc này?!
Trước Tăng, sau khi quở trách rồi, Phật chế giới cấm như đã ghi trong Tạng Luật.
Sau đây là các trường hợp xảy ra liên hệ, dẫn đến bổ sung giới điều trên.
B. Hiểu nhầm
Lúc bấy giờ, đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Nơi đây có một số đông Tỳ-kheo hạn chế việc nghe, học, không hỏi ai, không có pháp hơn người, nhưng lại tự cho rằng mình biết, mình thấy, mình chứng. Một thời gian sau, có dịp nghe các Tỳ-kheo giảng luận về trạng thái đắc đạo, chưa đắc đạo, các Tỳ-kheo ít hiểu biết kia mới nhận ra cái đắc đạo sai trái của mình. Lòng các thầy đầy xấu hỗ, lại có suy nghĩ: “Trước đây, chúng ta chưa đắc đạo mà mạo nhận là đắc đạo, lẽ ra ta phạm tội Ba-la-di, bị loại ra khỏi Tăng chúng”. Lòng hối hận này cứ dằn vặt các thầy.
Lại có trường hợp rơi đúng trường hợp trên, nhưng về sau các Tỳ-kheo thiếu học...này lại có cơ hội học rộng kinh điển. Bởi thế, các thầy cảm thấy hổ thẹn, hối tiếc cho việc mạo nhận đắc đạo của mình, lại có suy nghĩ: “Như chỗ hiểu biết của ta đối với Phật pháp hiện nay thì rõ trước kia ta chưa đắc đạo, mà dưng dưng tự cho là đắc đạo là Tăng thượng mạn37. Lẽ ra ta phạm tội nặng (Ba-la-di) bị đuổi ra khỏi Tăng chúng”. Lòng các thầy này cứ trăn trở với tội lỗi của mình.
Lại xảy ra một trường hợp tương tự, trùng lặp như trên. Về sau vị kia tu phạm hạnh, sở đắc được đạo quả. Thầy ngước nhìn lại, lòng thầy len lén bao điều xấu hổ, và rồi từ sự xấu hổ ấy, lại cất lên lời tự thú rằng: “Trước đây ta chưa đắc đạo, lại dưng dưng cho là đắc đạo, là Tăng thượng mạn”. Lẽ ra ta phạm tội Ba-la-di, cái tội bị đuổi ra khỏi Tăng chúng. Tội lỗi này trở thành nỗi ám ảnh trong tâm hồn của vị tu sĩ này.
Các trường hợp trên, qua trung gian Tôn giả A-nan, sau cùng được trình lên đức Phật. Trước toàn thể Tăng, từng trường hợp, đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:
- Thật sự thầy có mạo nhận như vậy không?
Tỳ-kheo thưa:
- Sự thật là đúng như vậy.
Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Có năm hạng người làm cho pháp hơn người38 hiện rõ là: 1.Người ngu si, 2.Người loạn tâm, 3.Người chạy theo xấu ác, 4.Người Tăng thượng mạn, 5.Người thật có pháp hơn người.
Nếu ngu si, loạn tâm, chạy theo xấu ác, Tăng thượng mạn và thật có pháp hơn người, mà nói ta chứng được pháp ấy thì phạm Ba-lA-di là điều không thể xảy ra.
Ðức Phật chế giới cấm này, nguyên văn ghi rõ trong Tạng.
Thích Đổng Minh