Nhận lời mời của Long vương, đức Thế Tôn cùng các Ðại đức Thanh-văn đến A-nậu-đạt24. Ðiều-đạt chưa sở đắc thần thông nên không thể đi cùng. Ðiều này đã làm cho Ðiều-đạt xấu hổ vô cùng, do vậy, nảy sanh ý nghĩ: “Nay ta cần phải tìm học pháp tu thần thông”. Trước hết, Ðiều-đạt đến bạch Phật:

- Cúi xin Phật hãy vì con dạy cho pháp tu thần thông.

Ðức Phật hướng dẫn. Ðiều-đạt thọ giáo và trong thời gian an cư, Ðiều-đạt đắc thần thông.

Sau khi đắc thần thông, Ðiều-đạt nghĩ ngay đến việc khuếch trương thanh thế. Vấn đề giáo hóa được đặt ra, và ai là người cần giáo hóa trước? Ðiều-đạt nghĩ ngay đến Thái tử Chúng Lạc25, con vua Bình-sa. Ðối tượng đã được xác định, lập tức Ðiều-Ðạt-mất dạng khỏi Võng Lâm...

Trên giường của Thái tử, Ðiều-đạt hiện thành một đứa trẻ nít nằm ngữa, mút ngón tay. Thái tử thấy thế vô cùng hoảng sợ, hỏi:

- Mi là trời hay là quỉ thần?

Ðứa trẻ trả lời:

- Tôi là Ðiều-đạt, đừng nên sợ chi cả!

- Nếu là Ðiều-đạt thì nên hiện nguyên hình trở lại. - Thái tử bảo thế.

Ðứa bé liền biến thành Ðiều-đạt, đầy đủ oai nghi như cũ. Thái tử hoan hỷ trước sự biến hóa của thầy mình. Tâm niệm kính phục càng lên cao, hằng ngày Thái tử đích thân đến thăm hỏi, theo liền sau là 500 chiếc xe. Ðiều-đạt lại hóa 500 đứa trẻ nằm ngữa, mút ngón tay trên mỗi chiếc xe. Thái tử lại dùng 500 chiếc xe chở từng loại thức ăn sang trọng, ngon lành đến cúng dường...

Bấy giờ, người các nước không ai là không đồn ầm lên rằng: “Ðiều-đạt có đại thần lực nên mới biến hóa được như vậy. Vì thế khiến Thái tử Chúng Lạc ngày nào cũng đến thăm hỏi, cúng dường quá nhiều các loại thức ăn ngon bổ cho Ðiều-đạt”.

Về phía Ðiều-đạt đã không tự lượng sức mình, nên cứ làm theo ý muốn chiêu dụ, bảo bọc, nuôi dưỡng đồ chúng. Thanh thế lên như diều gặp gió.

Vào thời gian ấy, đức Phật rời Võng Lâm đi vào nhân gian hành du hóa độ. Ngài đến nước Câu-xá-di, trú ngụ trong vườn Cù-sư-la26. Riêng Mục-liên đi theo Phật đã an trú ở một nơi hoang vắng tịch mịch.

Tại nước này, trước đây có Kiều-trần-như Tử, tên là Kha-hưu27, tịnh tu phạm hạnh, đắc quả A-na-hàm, sau sanh lên cõi trời Phạm Thiên28. Nửa đêm vắng lặng, vị này từ cõi trời xuống, phóng ra ánh sáng rực rỡ, đến chỗ Mục-liên, đầu mặt kính lễ sát chân rồi có lời thưa báo với Mục-liên như sau:

- Nay Ðiều-đạt giáo hóa Thái tử Chúng Lạc, hiện các thần thông biến hóa. Tuy vậy, trong thâm tâm Ðiều-đạt có điều lo sợ nên quyết định thu nhận, nuôi dạy đồ chúng với ý đồ phá hòa hiệp Tăng.

Vừa dứt lời thưa, Kha-hưu nhanh như chớp biến mất.

Trời vừa sáng, Mục-liên y phục chỉnh tề, đến thẳng chỗ đức Phật, trình bày lên Ngài cặn kẽ hành động của Ðiều-Ðạt-mà Kha-hưu đã thưa báo.

Ðức Phật hỏi Mục-liên:

- Ý ông thế nào? Có nên xem xét lời của Kha-hưu thưa báo hay không?

- Ý con là nên như vậy. - Mục-liên thưa.

- Không nên nói lời ấy, tại sao vậy? Vì khắp thế gian này, Ta không thấy Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm nào có thể thống lãnh đồ chúng của Phật.

Ðức Phật lại bảo Mục-liên:

- Ở đời có 5 hạng thầy, hiện nay đều có đủ, đó là:

1. Giới không thanh tịnh, tự nói thanh tịnh. Các đệ tử của họ đều biết rõ sự thật này nhưng che giấu tội lỗi của thầy để mong cầu lợi dưỡng.

2. Tà mạng, siễm khúc, tự nói mình chánh trực. Các đệ tử cũng che giấu điều đó.

3. Nói điều bất thiện, lại tự cho là lời nói thiện, nên các đệ tử vui mừng cho là thiện.

4. Hiểu biết không thanh tịnh, tự nói là thanh tịnh, cho nên các đệ tử hết lời ca tụng rằng sự hiểu biết ấy là trong sạch.

5. Nói lời không phải pháp luật, lại nói là pháp luật, nên các đệ tử cũng hùa theo nói là đúng pháp, vì thế đã không thể thuyết phục được kẻ trí chấp nhận tin theo.

Này Mục-liên! Giới của Như Lai thanh tịnh, không siễm khúc, đâu nói lời bất thiện, chỗ thấy, chỗ hiểu biết thanh tịnh, điều nói ra như pháp, kẻ trí chấp nhận tin theo, không cần đệ tử hùa theo che giấu và khen ngợi.

Cũng trong thời gian ấy, nguồn thông tin khác đến từ thành Vương-xá, đó là các Tỳ-kheo sau an cư về thăm Thế Tôn. Các thầy bạch lên Phật sự việc Ðiều-đạt giống như Kha-hưu đã thưa báo với Mục-kiền-liên. Ðức Phật dạy:

- Này Tỳ-kheo! Ðừøng ham muốn theo kiểu Ðiều-đạt làm các biến hóa đó..., đến cả lợi lộc cúng dường. Sự cung kính cúng dường ấy nếu có, nó càng làm tăng gánh nặng tối tăm, thống khổ mà thôi! Cũng như con chó dữ, dùng gậy đánh nó thì chỉ càng làm cho nó hung dữ hơn lên. Ðiều-đạt cũng như vậy, nhận được nhiều phẩm vật cúng dường thì phiền não càng nhanh chóng gia tăng. Ðức Phật vì muốn làm rõ ý nghĩa này nên lập lại vấn đề bằng lời kệ cô đọng như sau:

Người ngu, ác họ tăng

Ác sanh từ lợi dưỡng

Người si đoạn pháp lành

Như đầu lìa khỏi thân

Không tu hạnh thanh tịnh

Lại muốn chiêu dụ Tăng

Muốn ngồi trên mọi người

Vọng cầu mọi quy kính

Có người cầu lợi dưỡng

Có người cầu Niết bàn

Lợi dưỡng hại pháp lành

Tịch diệt trừ xan tham.

Ðức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

- Cây chuối, cây trúc, cây lau do kết trái mà chết. Con Cự Hư 29 mang thai cũng bỏ mạng. Nay Ðiều-đạt tham cầu lợi dưỡng cũng lại như vậy.

Ðức Phật lại đúc kết nhấn mạnh vấn đề này bằng lời kệ:

Do buồng, cây chuối chết

Do trái trúc, lau diệt

Cự Hư chết vì thai

Kẻ sĩ mất vì tham.

Tiếp tục du hóa, đức Phật rời nước Câu-xá-di du hành trên quảng đường dài về thành Vương-xá. Nơi đây, Ngài trú ngụ trong núi Kỳ-xà-quật. Ngài được các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Quốc vương, Ðại thần, Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí, Cư sĩ, cung kính, tôn trọng, tán thán và cúng dường thức ăn, y phục, đồ nằm, thuốc men... Giữa bao lợi dưỡng này, Ngài như hoa sen không hề đắm trước. Lúc bấy giờ, giữa một rừng người đủ mọi giai cấp vây quanh lắng nghe Phật thuyết pháp. Chộp lấy cơ hội, Ðiều-đạt từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, để trống vai bên phải, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, rồi quỳ gối, chấp tay bạch Phật:

- Kính bạch đức Thế Tôn, cúi xin Ngài hãy sống trong sự an lạc, mà hôm nay cho phép con được lãnh đạo, xử lý việc chúng Tăng.

Ðức Phật nói với Ðiều-đạt:

- Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên còn chưa thể thống lãnh đồ chúng của Ta, huống chi ông là kẻ ngu si, chẳng khác nào loại đờm dãi.

Bị quở trách như vậy, Ðiều-đạt lòng đầy phẩn hận, lại nghĩ suy: “Tại sao đức Thế Tôn đối trước đại chúng lại nhục mạ ta thậm tệ như thế!” Khởi ác tâm nhằm vào đức Phật nên Ðiều-đạt bắt đầu tổn giảm thần túc. Ðiều-đạt lại nghĩ rằng: “Ðức Phật khen ngợi Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên mà nhục mạ ta”. Lần nữa, Ðiều-đạt sanh ác tâm đối với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, nên thần túc của Ðiều-đạt lại bị tổn giảm lần thứ hai. Ðiều-đạt trở về nơi cư ngụ của mình. Ðiều-đạt lại thuyết pháp, vây quanh nghe, có quốc vương và đông đảo quần chúng. Có một Tỳ-kheo tham dự buổi thuyết pháp này, đến bạch lên Phật những điều mắt thấy tai nghe. Ðức Phật bảo:

- Này Tỳ-kheo! Ðiều-đạt không những đời này có được đại chúng, mà đời quá khứ đã từng có được số đông Tỳ-kheo vây quanh. Ðời quá khứ xa xăm ấy, có một Ma-nạp30 ở trong hang núi, tụng sách Sát-lợi31. Một con cáo rừng ở cạnh đó, chuyên chú nghe tụng sách này nên trong tâm có được điều tỏ ngộ. Qua sự tỏ ngộ cáo rừng nói lên: “Như chỗ ta hiểu lời văn trong sách này thì đủ để làm vua trong các loài thú”. Với ý niệm ấy, cáo rừng liền lên đường. Trên đường du hành, gặp một con cáo rừng khác gầy yếu, nó muốn giết đi. Con cáo kia nói:

- Tại sao muốn giết tôi?!

- Ta là vua loài thú, ngươi không thần phục ta thì bị giết ngay. - Cáo rừng kia nói thế.

- Xin ông đừng giết tôi, tôi xin làm kẻ tùy tùng ông. - Con cáo gầy yếu van xin.

Thế là hai con cáo lại tiếp tục lên đường. Lại gặp một con cáo khác và sự việc xảy ra giống như con cáo yếu đuối trước đây. Cả ba lại lên đường. Cứ như thế, suốt con đường vua cáo rừng đi qua, nó hàng phục được tất cả loài cáo. Sau đó, sử dụng bầy cáo của mình để hàng phục loài voi. Lại dùng loài voi hàng phục tất cả họ hàng nhà cọp. Lại dùng loài cọp hàng phục tất cả sư tử. Con cáo kia lâm thời làm vua trong các loài thú. Ðã được ngôi vua rồi lại nảy sanh ý nghĩ: “Nay ta đã là vua trong loài thú thì không nên lấy loài thú làm vợ”. Nó nghĩ ngay đến con gái vua thành Ca-di32. Nó phải hàng phục vua để được công chúa.

Ngồi trên lưng con voi chúa trắng, cáo ra lệnh xuất binh, các binh chủng thú đồng loạt vây hãm thành Ca-di đến ngàn vòng.

Nhà vua đứng trước sự uy hiếp kinh hoàng này liền sai sứ đến hỏi:

- Các ngươi là loài thú, tại sao lại hành động như vậy?

Cáo rừng vua liền trả lời:

- Ta là vua các loài thú, nên cần cưới con gái nhà vua. Nếu ông thuận ý ta thì mọi sự tốt đẹp, bằng không ta sẽ tiêu diệt nước ông.

Sứ thần về báo cáo với vua sự việc nguy kịch nạn như thế. Nhà vua liền triệu tập quần thần để nghị bàn, cùng tìm ra một giải pháp. Ý kiến gả công chúa cho vua cáo chiếm đại đa số. Với lý giải hèn kém như vầy: “Bởi lẽ, quốc gia chỉ dựa vào sức mạnh của voi, ngựa. Ta có đủ voi, ngựa mạnh, nhưng sức mạnh này sẽ bị đè bẹp bởi sức mạnh sư tử của đối phương. Voi, ngựa chỉ cần nghe rống khí của sư tử là run rẩy, bò mọp. Do vậy, cuộc chiến không thắng được, đất nước sẽ bị loài thú tiêu diệt. Sao lại tiếc một công chúa, không chịu gả để cho nước nhà bị tiêu vong?!”

Ðứng trước lập luận này, độc nhất có một vị thần phản đối. Vị thần thông minh, mưu lược này tâu với vua rằng:

- Xưa nay, thần chưa hề nghe thấy có mọât con gái của nhà vua nào đem gả cho loài thú thấp hèn cả. Thần tuy yếu đuối, nhưng thần xin quyết giết cho kỳ được con cáo chủ soái kia, như thế là phá tan được hàng hàng, lớp lớp thú đang vây hãm thành Ca-di.

Nhà vua hỏi:

- Mưu kế ra sao, khanh đề xuất cho trẫm rõ?

- Nhà vua sai sứ hẹn chúng ngày đánh nhau, và trước khi giao chiến yêu cầu vua thú chấp nhận một điều, là ra lệnh sư tử đánh trước rồi mới rống sau. Chúng nó tưởng ta sợ nên nhất định ra lệnh cho sư tử rống trước đánh sau. Và đến ngày ấy nhà vua sắc lệnh cho quân ta nhét kín lỗ tai lại. - Vị đại thần ấy kiến nghị như vậy.

Nhà vua chấp nhận ý này, và cho thi hành ngay mưu kế thông minh của vị đại thần kia.

Ðến ngày hẹn đánh nhau, quân hai bên giàn trận. Vua cáo ngồi trên bạch tượng thật oai phong, lẫm liệt. Ðến giờ, vua cáo ranh mảnh ban lệnh: “ Lệnh cho toàn bộ sư tử rống lên trước rồi mới giao chiến”. Tiếng rống sư tử rống lên như sét đánh giữa trời. Nghe tiếng rống ấy, con cáo rừng “vĩ đại” kia tim vỡ làm 7 mảnh, ngã nhào từ lưng voi xuống đất, chết không kịp ngáp. Và cũng tiếng rống của “binh lính” sư tử làm cho các loài thú khác khiếp cả hồn vía, nhanh chóng tán loạn, bôn tẩu.

Nhân việc này, đức Phật nói kệ:

Cáo đồng lắm kiêu mạn

Muốn tìm cầu vây cánh

Kéo đến thành Ca-di

Tự xưng là vua thú.

Người kiêu mạn cũng vậy

Muốn thống lãnh đồ chúng

Nên tại Ma-kiệt-đà

Tự xưng là Pháp chủ.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Vua Ca-di thuở ấy, nay chính là Ta. Vị đại thần thông mẫn ấy, nay chính là Xá-lợi-phất. Vua cáo rừng kia là Ðiều-đạt hiện nay.

Này các Tỳ-kheo! Xưa kia Ðiều-đạt dối trá để được thuộc hạ, vây cánh, thì nay cũng chẳng khác nào.

Này Xá-lợi-phất! Ông nên đến trong chúng của Ðiều-đạt công bố lời này: “Ai chấp nhận 5 pháp của Ðiều-đạt thì người ấy sẽ không thấy Phật, Pháp, Tăng”.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

- Xưa kia, con đã từng khen ngợi Ðiều-đạt, làm sao nay con lại chê bai được?

Ðức Phật lại hỏi:

-Trước kia ông khen ngợi là đúng sự thật hay không?

- Thưa Ngài là đúng sự thật. - Xá-lợi-phất đáp.

- Nay, Ðiều-đạt là người đáng chê, ông chê cũng là đúng sự thật. - Phật dạy Xá-lợi-phất.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Nay, nên bạch nhị Yết-ma, sai Xá-lợi-phất đến trong chúng của Ðiều-đạt tuyên bố lời chê trách này.

Tăng thi hành lời Phật dạy và Xá-lợi-phất thi hành đúng Yết-ma Tăng sai. Giữa chúng của Ðiều-đạt, Xá-lợi-phất dõng dạc tuyên bố:

- Nếu vị nào chấp nhận 5 pháp của Ðiều-đạt thì sẽ không thấy Phật, Pháp, Tăng.

Nghe Yết-ma này, hội chúng của Ðiều-đạt phản ứng ngay, họ nói lớn:

- Sa-môn Thích tử lại ganh ghét với nhau, thấy Ðiều-đạt nhận được nhiều phẩm vật cúng dường nên ganh ghét nói như vậy mà thôi!

Tuy nhiên, vua Bình-sa cũng ở trong hội chúng này, lại tuyên lệnh rằng: Ðừng nên nói lời ấy. Tại sao vậy? Bởi lẽ chúng đệ tử Phật thanh tịnh, không hề có sự ganh ghét như thế.

Ðể cắt ngang việc này, Ðiều-đạt hỏi trong chúng rằng:

- Ai muốn thấy hoa Mạn-đà-la33 trên cõi trời?

Cả chúng hội đồng thanh:

- Muốn thấy!.

Trước hội chúng, Ðiều-đạt biến mất dạng... Bên hồ A-nậu-đạt trên trời, trong ý niệm ham thích bẻ lấy hoa Mạn-đà-la, Ðiều-đạt liền mất sạch thần túc.

Trở về lại vị trí cũ, không một cành hoa, lại mất luôn thần túc, Ðiều-đạt sanh ác tâm muốn hại đức Phật, và ý đồ này được dàn trải trên một diện rộng.

Ðiều-đạt đặt vấn đề với Thái tử Chúng Lạc:

- Nay phụ vương của Ðiện hạ là vua Bình-sa cai trị bằng chánh pháp, theo chỗ tôi hiểu thì triều đại của vua cha khó suy tàn. Mạng người vô thường, khó bảo đảm được hơi thở sau. Tại sao cái vương vị này lại kéo dài thời gian để Ðiện hạ phải chờ đợi lâu như vậy? Ðiện hạ thể mưu đồ sớm chiếm lấy ngôi vua mà nắm lấy bốn biển. Phần tôi, tôi sẽ hại Phật, thay thế ngôi Pháp vương. Trong nước Ma-kiệt-đà này, sẽ có vua mới, Phật mới, chúng ta đủ cơ hội để cùng nhau hoằng hóa đạo, đời. Há đây không là điều tốt sao?

Thái tử trả lời:

- Công ơn cha mẹ lớn hơn trời đất. Công ơn nuôi dưỡng trời bể ấy tôi muốn báo đền nhưng chưa đền đáp được, tại sao nay thầy lại chỉ lối cho tôi làm điều nghịch ác như vậy?!

Ðiều-đạt nghe thế mà lòng vẫn không biết xấu hổ, lại cứ dùng lời điêu ngoa, xảo quyệt để khuyên dụ Thái tử, nhận chìm Thái tử trong sự mê muội tối tăm, lần lựa làm cho Thái tử mù quáng, xiêu lòng, mất tự chủ để trở thành con cờ điều động của Ðiều-đạt.

Ngày nọ, Thái tử bí mật mang gươm đi vào cửa vương cung. Vì ôm lòng ác độc, phản nghịch nên bất giác bị giằng xé hoảng sợ, lảo đảo té nhào trước vương cung rồi tự gượng đứng lên. Quan giữ cửa thấy vậy sinh nghi, nhanh trí suy đoán rằng: “Thái tử thường vào đây với oai nghi đỉnh đạc, tại sao hôm nay lại có hiện tượng như thế, chắc có lý do gì?” Quan giữ cửa vội vàng đến hỏi thì Thái tử trả lời không chút do dự:

- Tôi muốn giết vua cha nên mới như thế này!

- Ai xúc giục Thái tử làm phản? - Quan giữ cửa hỏi.

- Ðiều-đạt. - Thái tử đáp.

Các quan giữ cửa liền họp lại bàn định:

- Nên giải quyết sao đây?

- Nên giết sạch Sa-môn và Thái tử Chúng Lạc. - Quan thứ nhất nêu ý kiến.

- Trước đây đức Phật sai Xá-lợi-phất tuyên bố sự ác nghịch của Ðiều-đạt, tại sao lại muốn giết hết Sa-môn? Chính tội này chỉ có Ðiều-đạt và Thái tử chịu trách nhiệm. - Ðó là ý kiến của vị quan thứ hai.

- Chúng ta không nên vội phán quyết tội này, cần phải tâu lên nhà vua. Nhà vua có sắc chỉ, ta sẽ thừa lệnh thi hành. - Vị quan thứ ba đề nghị như thế.

Chung quyết lại, các quan thống nhất tấu trình việc này lên nhà vua.

Nghe tấu trình, nhà vua không chút biến đổi, lại hỏi:

- Chư thần! Ðối với việc này, ý kiến của các ông giải quyết sao đây?

Các quan liền trình bày đầy đủ ý kiến đã thảo luận. Nhà vua liền đuổi quan có ý kiến thứ nhất, cắt chức vị quan thứ hai và trao thêm quyền hạn cho vị quan đề xuất ý kiến thứ ba. Nhà vua lại cho triệu tập quần thần để lấy ý kiến về việc này. Các quan đều có nhận định chung rằng: “Vị quan đề xuất ý kiến thứ hai là hợp lý mà nhà vua còn giáng cấp bậc, xem thế thì rõ thánh tâm của Vua. Vua không nhẫn tâm nhìn thấy sự sát hại. Với hình phạt chính đã không áp dụng thì phải dùng hạ kế”.

Các quan nói:

- Người thừa kế ngôi vua không ai ngoài Thái tử. Nay Thái tử muốn tiếp nhận sớm ngôi vua ấy nên mới làm phản nghịch. Nên trao ngay ngôi vị vua cho Thái tử thì hy vọng ác tâm kia sẽ chấm dứt. Ý kiến này hợp với lòng Vua, vua liền thoái vị, truyền ngôi cho Thái tử, với vương hiệu A-xà-thế.

Buổi đầu ở ngôi vua, A-xà-thế thụ hưởng 5 thứ dục lạc nên tâm sát nghịch vua cha tạm thời quên đi, nhưng sau một thời gian ngắn, tâm ấy lại bị tác động khởi lên, cho dù không có việc gì xảy ra, A-xà-thế vẫn hãm hại phụ vương nơi lao ngục.

Bấy giờ, Vua A-xà-thế có một con voi rất hung hãn, Ðiều-đạt bí mật đến gặp người nài voi ấy với lời đề nghị đầy áp lực:

- Ngày mai Cù Ðàm sẽ đi qua con đường này. Ông vì tôi phục rượu cho con voi thật say, rồi thả nó ra nơi đoạn đường ấy. Phật với tâm nhiều kiêu ngạo ắt sẽ không tránh nó, do đó, voi say dày đạp chết. Tôi sẽ hậu tạ ông nếu có kết quả.

Sáng hôm sau đến giờ khất thực, đức Phật đắp y, trì bát cùng 500 đệ tử vào thành. Từ xa đã trông thấy Phật, người nài voi liền thả con voi đã say mèm ra đường. Nhìn thấy hiện tượng bất thường này, những người có lòng tin, yêu mến Phật pháp, sợ Phật bị voi hại, liền hối hả đến trước bạch Phật:

- Cúi xin Thế Tôn nên đi con đường khác.

Năm trăm đệ tử và A-nan cũng đều bạch Phật như vậy.

Song sau ba lần thưa thỉnh của đệ tử, Phật đều trả lời:

- Không can chi! Rồng còn không hại ta, huống nữa là voi.

Các đệ tử thấy Phật vẫn bình tĩnh, nhưng họ hoảng sợ và do phản xạ tự nhiên, họ đều rời Phật đi sang đường khác, chỉ một mình tôn giả A-nan đi theo hầu sát Phật mà thôi.

Lúc ấy, người hiếu kỳ càng lúc càng đông dần, từng nhóm đông kháo nhau:

- Nay hai con rồng thử sức, xem con nào hơn.

Nhóm ngoại đạo thì nhận định:

- Voi, rồng sức đều mạnh, nhưng phần thắng chắc là voi thôi.

Hàng Phật tử thì nói:

- Người rồng, đạo cao đức trọng, chắc hàng phục được voi. Hãy đợi đấy!.

Lời qua tiếng lại suông chẳng ích gì, họ lại cá nhau bằng tiền và chờ kết quả ăn thua. Họ chờ đợi đến nghẹt thở...

Hai sức mạnh như đang tiếp cận nhau. Từ xa đã nhìn thấy Phật, con voi say đập tai, cất cao vòi như tạo ra một sức gió mạnh, xông thẳng về phía đức Phật. Tôn giả A-nan hoảng hốt, khiếp sợ, bất giác chui ngay vào nách Phật. Ðức Phật lại bảo khẻ với A-nan:

- Này A-nan ! Vừa rồi chính ông đã nghe ba lần Ta nói: “Không hề chi”. Tại sao không tin mà còn hoảng sợ đến thế?!

Ðức Phật thấy con voi tiến tới, Ngài liền nhập Từ tâm Tam muội và nói kệ:

Ngươi đừng hại Ðại Long

Ðại Long ra đời khó.

Nếu ai hại Ðại Long

Ðời sau đoạ ác đạo.

Nghe bài kệ rồi, con voi dừng lại, cúi xuống đưa vòi ra trải lên đất, ôm chân đức Thế tôn. Ðộng tác này được lập lại 3 lần như biểu lộ sự kính cẩn cao độ. Nó chiêm ngưỡng Phật từ trên xuống dưới, rồi đi quanh bên phải Phật ba vòng, sau đó, voi đi lùi lại rồi ra đi. Ðược biết, từ đó về sau con voi trở nên hiền lành. Thật là một điều kỳ lạ!

Mọi người đồng thanh khen ngợi:

- Sa-môn Thích tử không dùng đao, gậy... mà hàng phục được con voi hung tợn này. Kỳ diệu thay! Người dân trong nước không còn bị sự khủng bố của voi. Kỳ diệu thay!

Các ngoại đạo không ai không lấy làm xấu hổ. Còn đối với hàng đệ tử Phật thì hớn hở vui mừng, sung sướng, hảnh diện... Kiểm thu số tiền thắng cược lên đến bảy mươi vạn...

Sau khi hàng phục được voi, đức Phật lại nói kệ:

Voi say đầy sân nhuế

Tiến về đấng Ðạo sư

Trăm họ đều thấy rõ

Hơn thua tiền cược nhau

Voi to tựa Thái Sơn

Sáu mươi voi nào bằng

Vang dội rúng lòng người

Rống lên địch quân phá

Ðại lực của Ðạo sư

Thương chúng sanh, xuất thế

Muốn độ con voi dữ

Trước nó Ta đứng yên

Voi lạy mọi người thấy

Ðạo, đời đều vui mừng

Khen Ta hàng voi dữ

Phật là sư tử vương.

Chứng kiến sự thất bại của mình, ác tâm của Ðiều-đạt lại lồng lộn. Ông ta suy nghĩ: “Nay hại Phật bằng cách thức này không thắng được, thì nên tìm một hung thủ khát máu, không biết Phật là ai, thuê nó thật nhiều tiền là có thể hạ thủ được”. Lập tức, Ðiều-đạt đi khắp nơi tìm kiếm cho ra con người “lý tưởng” này. Ðiều-đạt dò la và gặp một người đàn ông “đúng tướng”, có thân hình vạm vỡ, dữ dằn. Ðiều-đạt đề nghị:

- Ông vì tôi giết Phật, bao nhiêu tôi cũng hậu tạ.

Người kia ham của, chấp nhận ngay.

Bấy giờ, đức Phật đang kinh hành nơi đất trống, Ngài nhìn thấy hung thủ đang tiến dần về phía mình. Ngài vận dụng Từ tâm Tam muội phủ xuống khắp người này rồi đưa tay vẫy gọi. Như bị thôi miên, hung thủ buông dao trong trạng thái không ý thức. Như đi theo sự chỉ dẫn, hung thủ tiến gần đến Phật rồi sụp lạy sát chân Ngài. Hung thủ ngẩng lên nhìn Phật rồi tha thiết thưa rằng:

- Hiện con là người si cuồng, muốn hại đức Thế Tôn. Con tự biết tội nặng, cúi xin Ngài gia ân cho con xin sám hối.

Ðức Phật dạy:

- Ông thật là người ngu si nên mới ham tiền mà hại đức Như Lai. Trong giáo pháp Ta, nếu người biết có tội mà sám hối thì sẽ tăng trưởng căn lành.

Ðức Thế tôn lại nói pháp để độ ông ta. Ngài phân tích việc bố thí, vấn đề trì giới, vấn đề sanh Thiên, vấn đề nhiễm ô của kẻ tại gia và vấn đề an vui của người xuất thế. Tâm hồn hung thủ như trút hết gánh nặng, vui mừng hiện rõ lên. Ðức Thế Tôn biết rõ điều đó nên lại vì ông ta, Ngài nói về các pháp Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Nghe các pháp này, ông ta liền tỏ ngộ, xa lìa cấu trần, sở đắc con mắt pháp trong sạch. Thấy pháp, đắc quả rồi, ông ta xin quy y Tam bảo, thọ trì 5 giới.

Ðức Phật bảo ông ta trở về bằng con đường khác, vì Ðiều-đạt đã thuê hai người đón đường cũ để giết người này, vì muốn bịt kín tiếng xấu ác.

Ðâu phải dừng lại ở thất bại này, Ðiều-đạt còn thuê 4 người rồi 32 người và lần nào cũng thất bại.

Tất cả người Ðiều-đạt thuê để hại Phật, đều đến trước Phật sám hối và được Phật độ. Họ cũng chứng quả Tu-đà-hoàn như người đầu tiên đến hại Phật.

Nếp sống chư Phật là cứ mỗi sáng lúc mặt trời mọc, rời phòng ra ngoài trời. Sáng hôm ấy, đức Phật bước ra khỏi phòng và thấy ngay các Tỳ-kheo cầm dao, gậy đứng hai bên. Ngài liền hỏi:

- Vì lý do gì các thầy cầm đao, gậy đứng ở đây?

Các Tỳ-kheo thưa:

- Chúng con nghe Ðiều-đạt thuê người hại Phật, không an tâm, nên tổ chức canh giữ khắp nơi trong trú xứ, kể cả nơi đây.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Như Lai mà bị hoạnh tử là điều không thể xảy ra. Năm hạng thầy ở đời mới cần sự hộ vệ, chứ Như Lai thì không, các thầy cứ an tâm đâu về đó, tự bảo hộ lấy tâm mình.

Gián tiếp không giết được Phật thì phải trực tiếp, Ðiều-đạt tìm được một người đi với mình rồi cùng leo lên núi Kỳ-xà-quật. Khi ấy, đức Phật đang kinh hành trên một tảng đá ở phía dưới núi. Ðiều-đạt nhìn thấy, vội vã sai người kia xô đá tảng xuống hại Phật nhưng người này vừa vận dụng tâm xô thì tay chân của y bủn rủn, không cử động được. Tâm ác của y nhanh chóng đổi thay, ý niệm lại nghĩ về Phật, về đức độ bao dung to lớn của Ngài. Với tâm niệm ấy, tay chân ông ta bình phục như cũ. Ðiều-đạt thấy vậy quát:

- Tại sao ngươi vô dụng đến thế! Cút ngay cho khuất-mắt ta!

Nhanh chóng, Ðiều-đạt liền tự tay đẩy một tảng đá lớn xuống chỗ Phật. Ðá lăn ào ào thì ngay lúc ấy Thần núi tên là Kim-bính-lô34 xuất hiện, đỡ hòn đá ném ra ngoài xa nhưng có một mảnh vỡ nhỏ văng trúng ngón chân Phật, làm ngón chân Ngài chảy máu. Ðức Thế Tôn chứng kiến hành động như thế, Ngài liền nói với Ðiều-đạt:

- Nay ông phạm phải việc Vô gián. Nếu ai với ác tâm làm cho thân Phật bị chảy máu thì chắc chắn đọa vào Vô gián A-tỳ điïa ngục...

Ðiều-đạt lại tự nghĩ như vầy: “Ta đã không thể hại được Phật, nhưng phá hòa hợp Tăng liệu không được sao? Ta thực hiện được việc này thì dù Phật có đại thần lực, uy danh của ta lại càng chấn động khắp nơi”. Ðức Phật biết ý đồ đó, liền chận ngay Ðiều-đạt:

- Ông chớ nên phá hòa hợp Tăng. Nếu Tăng bị phá và ai có thể làm hòa hợp lại thì người đó sẽ được sanh lên cõi trời. Họ nhận lấy một kiếp vui. Còn người nào phá hòa hợp Tăng thì người đó phải đọa vào địa ngục một kiếp khổ.

Ðiều-đạt nghe Phật can răn như vậy, tâm ác của ông chùng xuống và ý đồ phá Tăng tạm gác lại, nhưng sau một thời gian tâm ác ấy lại nổi dậy. Ðức Phật lại khuyên can Ðiều-đạt như trước bằng lời kệ:

Chúng Tăng hòa hợp vui

Hòa hợp thường an ổn

Ai phá hòa hợp Tăng

Một kiếp địa ngục khổ

Chúng tăng hòa hợp vui

Hòa hợp thường an ổn

Hàn gắng tăng bị phá

Thọ vui một kiếp trời.

Nếu chia rẽ riêng biệt

Thường nói lời bất thiện

Ðể phá hòa hợp Tăng

Một kiếp địa ngục khổ.

Không chia rẽ riêng biệt

Thường hay nói lời lành

Ðể hàn gắn Tăng phá

Thọ vui một kiếp trời

Ðiều-đạt nghe rồi, tạm thời bỏ tâm phá Tăng nhưng thời gian sau tâm ấy lại sống dậy mạnh hơn trước. Các Tỳ-kheo nghe Ðiều-đạt rấp tâm phá hòa hiệp Tăng, liền đến bạch Phật. Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng khiển trách Ðiều-đạt và lời khiển trách này được Tăng chuyển đến Ðiều-đạt. Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Nên sai một Tỳ-kheo thân tình với Ðiều-đạt đến khuyên can lời như vầy: “Thầy đừng phá hòa hợp Tăng, đừng làm việc phá Tăng, nên cùng Tăng hòa hợp, Tăng hòa hợp nên được hoan hỷ không tranh cãi, một lòng, cùng học hỏi như nước với sữa hòa hợp. Cùng nhau phát huy lời thầy dạy về hạnh an lạc”. Nếu Ðiều-đạt thuận lòng thì tốt, bằng không thì sai một số đông đến khuyên can. Nếu Ðiều-đạt không nghe theo thì Tăng nên đến can gián.

Tăng thực hiện lời dạy này đến lần thứ ba nhưng Ðiều-đạt vẫn ngoan cố phá Tăng như nhằm trả đũa lại Phật.

Do bởi sự ngoan cố này mà điều giới về việc phá hòa hợp Tăng được Phật tuyên bố trước Tăng nhằm loại trừ, về lâu về dài, sự phá hòa hiệp Tăng.

Thích Đổng Minh





Có phản hồi đến “13. Điều-Đạt Phá Hòa Hợp Tăng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com