Hằng năm, sau những ngày lễ húy kỵ Đức Hòa Thượng Tôn Sư tại Quan Âm Tu Viện. Chư Tăng Ni, Phật Tử , chư Liên hữu lại chuẩn bị ngay đến khóa tu “Bá Nhựt Trì Danh, Cầu Sanh Tịnh Độ” tại Nhứt Nguyên Bửu Tự, ấp Trung, xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương .

Khóa tu được Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác, Viện Chủ Quan Âm Tu Viện, chư tôn giáo phẩm trong Hội Đồng Tông Phong kết hợp cùng với Thượng Tọa Thích Thiện Hỷ, Trụ Trì Nhứt Nguyên Bửu Tự, chư Tôn Đức Tăng Ni, Phật Tử địa phương đứng ra tổ chức .

Nhứt Nguyên Bửu Tự là đơn vị cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tỉnh Bình Dương, cũng là ngôi Chùa Niệm Phật của môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, nơi đã từng tổ chức thành công các khóa tu học, trong đó có khóa niệm Phật “bá nhựt trì danh” được Đức Tông Chủ Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước, huý Nhựt Ý, dòng Lâm Tế thứ 41, thuộc Pháp Phái Tổ Sư Nguyên Thiều (Tịnh Độ Thiền Tông) khai khóa lễ đầu tiên vào ngày mùng 08 tháng 08 năm At Tỵ (03.09.1965). đến nay đã được 43 khóa tu.

Theo truyền thống, khóa lễ mùa thu năm nay sẽ được khai khóa đúng vào lúc 21 giờ ngày mùng 08 tháng 08 âm lịch, năm Mậu Tý (chủ nhật, 07.09.2008). Mọi người tu trên khắp cả nước tề tựu về đây tham dự niệm Phật tinh chuyên trú dạ lục thời cho đến 21 giờ ngày 17 tháng 11 âm lịch,  Năm Mậu Tý (14.12.2008) thì mãn khóa.

Ban tổ chức do Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác làm Trưởng Ban, cung thỉnh Hòa Thượng Thích Minh Thiện, Uy Viên Hội Đồng Trị Sự GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Tỉnh Bình Dương, Chư Tôn Giáo Phẩm Ban Trị Sự Tỉnh Hội, Chư Hòa Thượng trong Hội Đồng Tông Phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng Chứng minh.

Được biết mỗi khóa tu “Bá Nhựt Trì Danh” tại Nhứt Nguyên Bửu Tự có từ 200 ngàn đến 350 ngàn lượt chư Tăng Ni, các Tự Viện trong và ngoài tông phong, các Đạo Tràng Phật Tử từ Bắc, Trung, Nam đến tham dự.

Tại trú xứ niệm Phật Nhứt Nguyên Bửu Tự hiện nay đã được trùng tu lại khang trang và đầy đủ tiện nghi Tăng phòng và Nam Phật tử , Ni phòng và Nữ Phật tử, giúp cho chư Tăng Ni, Phật Tử có thể đến an trú trong thời gian 100 ngày dự suốt khóa tu niệm Phật.

Theo nhận xét của chư Tăng Ni Phật Tử hằng năm đến an trú niệm Phật thì :”…cơ sở vật chất của Nhứt Nguyên Bửu Tự tuy có giới hạn về không gian nhưng thật trang nghiêm, sinh hoạt Phật sự có nguyên tắc nề nếp và tấm lòng của Ban tổ chức thì bao dung, đại lượng nên mọi người thường đến đây niệm Phật. Việc ăn uống có cực khổ nhưng đúng nghĩa với công hạnh của người tu Phật là :“người tu thanh bần lạc đạo”, không làm cho mọi người phải có ý đố kỵ : “quý Thầy tu có Thấy thì quá giàu sang ? trong khi Đệ tử của quý Thầy vẫn còn nghèo khổ…”

Theo giáo nghĩa của Tịnh Độ tông,  Pháp môn niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà rất thông thường, đơn giản dễ tu, nhưng tối thắng ở chổ : “pháp môn dung thông cả ba căn : thượng căn (nghiệp dứt tình không, đã giác ngộ), trung (sơ phát tâm hành đạo mới giác ngộ) và hạ căn (phàm phu rẫy đầy nghiệp lực,chưa giác ngộ) đều niệm được, đều có thể được gần Phật, thấy Phật, và thành Phật”.

Như lời Phật dạy trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật :” đời mạt pháp các chúng sinh trong cõi diêm phù đề cang cường ngỗ nghịch, tâm tạp nghiệp nặng, mê đắm ngũ dục, không biết hiếu thuận cha mẹ, không biết cung kính sư trưởng, không thực lòng quy y Tam bảo, thiếu năng lực thọ trì năm giới cấm, làm đủ mọi chuyện tệ ác, phỉ báng thánh nhân..v..v cho nên con suy gẫm như thế nầy, phải có một pháp môn tu thật đơn giản, thật tiện lợi nhất, dễ dàng nhất để tất cả những chúng sinh kia khỏi đọa vào các đường ác, chấm dứt luân chuyển sanh tử khắp ba cõi, được thọ dụng pháp lạc, sớm bước lên địa vị vô thượng, chánh đẳng chánh giác.

Vì sao như vậy ? Sau khi như lai diệt độ khoảng 1000 năm trở đi, đó là thời kỳ Chánh pháp cuối cùng, các kinh điển dần dần ẩn mất, chúng sinh căn cơ hạ tiện ám độn, ngã chấp sâu dày, tâm tưởng thô trệ, tà kiến lan tràn, say sưa làm các nghiệp ác để tự vui. Do đó, tự nhiên chiêu cảm động đất, đói kém, tật dịch, binh đao, lũ lụt, mất mùa, gió bão, thời tiết viêm nhiệt bức não, thánh nhân lại không xuất hiện, tuổi thọ giảm dần. Nếu ai phát khởi tâm chí tu hành cũng không thể tu tập các môn giới luật, thiền định, trí tuệ, giải thoát vô lậu, không thể tu tập tứ niệm xứ, bát chánh đạo, tứ chánh cần, không thể tu tập tứ vô lượng tâm, không thể tu tập sáu ba la mật, hoặc là bố thí ba la mật, nhẫn đến tri tuệ ba la mật…

vì lý do trên……….chúng con phát khởi bồ đề tâm khẩn cầu đức Thế Tôn chỉ dạy giáo pháp nhiệm mầu…

Đức Phật dạy :”nếu có Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân nào đủ lòng tin thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi,  hiện tiền chiêu cảm được y báo và chánh báo của Phật A Di Đà ở cõi Cực Lạc, lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm nối liền nhau, lập tức vào chổ Phổ Đẳng Tam Muội của Đức A Di Đà, được Phật tiếp dẫn về Tịnh Độ Tây Phương, vĩnh viễn xa lìa đường ác, không còn luân hồi sinh tử, đó gọi là quả vị bất thối chuyển. Từ lúc ấy nhẫn lại về sau vượt qua Thập địa, chứng Vô thượng giác…”

Đây là môn tu thích đáng khế hợp mọi căn cơ mà chư Phật dùng để đưa hết thảy muôn loài xa rời nẽo khổ, chứng đắc Niết bàn tại thế… (trích Kinh Niệm Phật Ba La Mật, trang 11,13 bản dịch HT Thích Thiền Tâm)

Trong những năm mới khai đạo, Đức Tôn Sư cũng từng thuyết giảng cho các môn đệ Non Bồng khi còn thực tập khóa tu ở núi non, có lời cảnh tĩnh khuyến tu niệm Phật :

“Tây phương Bồng đảo chẳng đâu xa,

“Nhắn nhũ nhơn tâm giữ đạo nhà (tức là đạo tâm,đạo

nhà cũng chính là pháp môn Tịnh độ niệm Phật)

“Cảnh Phật non tiên đâu chẳng đẹp

“Đạo từ bi đâu rộng hep làm gì

“Khuyên ai trần thế gắng tu trì

“Cả kêu Phật tử A Di niệm

“Tìm kiếm chi đâu nhọc chí mình…

(trích trong Những bài giảng của Đức Tôn Sư tập I)

Và chính Ni Trưởng Tông Phong thượng Huệ hạ Giác đã từng tham vấn Đức Sư Ông năm 1973, khi Ngài còn sinh tiền hóa đạo tại Tổ Đình Thành An, Thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang.

Một ngày nọ Ni Trưởng hỏi :

Bạch Đức Ông : ” Người tu chứng đắc Thiền về đâu, tu chứng đắc niệm danh hiệu Phật A Di Đà về đâu ?”

Đức Sư Ông dạy : “Người Tu thiền, niệm không về với không, Người niệm Phật về với Phật…”

Vào ngày 20 tháng 07, sau lễ Vu Lan, có một người tướng hảo quang minh, đang làm việc, cũng đang học và thực tập tu học Thiền từ nhiều năm qua, vị nầy có học và nhớ mãi một câu pháp thoại thật ấn tượng trong thời buổi hiện sinh, đến Quan Âm Tu Viện thăm viếng Tam Bảo và hỏi tôi :

Bạch ngài, con được truyền dạy pháp thoại : ”Buông niệm Phật để thành Phật” ý nầy là ý gì ?

Tôi nói :”Buông là buông vọng chấp, để thành Phật ! Nếu buông niệm Phật mà không buông vọng chấp vẫn không thành Phật…”

Lại hỏi, buông bằng cách nào :” thì vẫn tiếp tục niệm Phật đi Ông Cụ ơi..!”.

Đã buông !

…………..

Nói như vậy, nhưng tôi cũng biết chắc là vị khách nầy thì cứ ôm khư khư bài “pháp thoại Buông Niệm Phật để thành Phật”; vì Ông ấy thấy bài pháp thoại có vẻ hay hơn câu danh hiệu Phật A Di Đà !

Tôi liền nói tiếp về câu chuyện “Trưởng Giả Diệu Nguyệt thấy Đức Thế tôn hiện thần biến tướng quảng đại, đẹp đẽ quang minh khiến tất cả chúng hội chư đại Bồ tát, chư vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, chư Cận sự nam, Cận sự nữ cùng hết thảy Trời, Rồng, quỷ, thần…đều sanh lòng hoan hỷ niệm Phật. Lúc bấy giờ Diệu Nguyệt Cư sĩ cởi xâu chuổi ngọc báu nơi cổ mình mà cúng dường Phật, đảnh lễ Đức Phật và nói kệ khen ngợi Phật như vầy :

Lành thay Đức Thế Tôn

Con được làm thân người

Lại được nghe mật pháp

Của chư Phật ba đời

Thế tôn là tối thắng

Sư tử trong dòng Thích

Thật là đại y vương

Đủ phương thuốc nhiệm mầu

Dứit hẳn khổ sanh tử

Giúp hết thảy chúng sanh

Xa rời ba đường ác

Chứng cái vui Niết bàn

Nơi cõi Phật thanh tịnh

Nay con chuyên một lòng

Luôn xưng niệm danh hiệu

Đức Phật A Di Đà

Nguyện cùng các chúng sanh

Vãng sanh nước Cực Lạc.

Bạch Đức thế Tôn ! Nay con do nơi năng lực vĩ đại của bổn nguyện Đức A Di Đà mà được dự tham dự Pháp hội nầy, được đích thân nhận lãnh lời giáo huấn của Như Lai. Cho nên con sẵn sàng đặt trọn tín tâm nơi Như Lai, nơi giáo pháp vi diệu hy hữu nầy. Nhưng các chúng sanh vào thời kỳ chánh pháp diệt tận thì căn lành sa đọa, phước đức yếu kém, tri kiến bị si mê che lấp, kinh điển tuy còn sót ít nhiều nhưng chẳng có ai hiểu đúng như lời Phật dạy. Do đó làm sao tin nhận giáo nghĩa uyên áo bí mật nầy để thẳng bước tiến tu mau thành Phật trí .

…Khi ấy Đức Thích Ca mỉm cười, giơ cao cánh tay hữu, lấy bàn tay xoa trên đảnh đầu của Trưởng giả Diệu Nguyệt mà nói lời nầy : Hay thay ! Hay thay ! Diệu Nguyệt Cư sĩ, đây là pháp khó tin khó hiểu bậc nhất mà Như Lai chưa từng nói. Đây là pháp tối thượng nhất thừa chứa đựng vô lượng vô biên ý nghĩa vi diệu…Ta sẽ nói cho hội chúng nghe :” nên biết rằng danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật chính là pháp thân viên mãn, là Phật tánh thậm thâm, bất tư nghì. Cho nên chúng sanh nào đem tâm của mình mà duyên với danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, thì tâm của người ấy dần dần trở nên vô cấu nhiễm, dần dần phát sinh vô lượng vô biên đức tướng Như Lai. Do vậy, tự nhiên thấy mình ở trong thế giới Cực Lạc trang nghiêm thù thắng…”

Thường thì Đức Phật hay dạy những thiện pháp có đề mục tu thực tiễn cho chư Tôn Giả; nhưng nay lại nói về pháp môn thù thắng Niệm Phật, không ngoài sự xem xét chúng sanh hay cố chấp vào sự quán sát cố hữu của mình, tu chưa đến đâu, thân mình còn chứa đầy những phiền não sanh tử mà tiến xưng cho là đã “đạt đạo” , rồi giới thiệu quảng bá cho nhau, làm những chuyện mê tín, giảng pháp không chất lượng, muốn được việc mình hôm nay, không cần biết đến việc tương lai cho đoàn hậu học thừa kế ra sao ? nhắm mắt nói thiền nói lý, dạy đạo không có cơ sở y cứ truyền thừa, duy trì và phát triển pháp môn tu !

Thật ra thì chẳng là gì cả, chỉ vỉ mang vào sự cố “ngã chấp” rồi lại đưa đẩy “ngã chấp” vào vùng đất phèn mơ tưởng vọng niệm; suy nghĩ cho là mình đắc đạo, rồi truyền đạt cho nhau thật rất khổ tâm. Vấn đề nầy ở đời mạt pháp lại thường hay xảy ra để mị bàn dân thiên hạ !

Nếu bảo niệm Phật, thì lại nói : “buông niệm Phật để thành Phật, vô tu vô đắc” ! Dường như lời nầy là tiếng nói thì thầm của kẽ lười biếng, sợ niệm Phật mất thời gian uống cà phê, hút thuốc lá của họ !

Đời mạt pháp có ai mà “nghiệp dứt tình không” đâu mà nói chuyện “ buông niệm Phật để thành Phật”. Chỉ có lời nói suông của kẻ chỉ biết nhắm mắt nói đại nói đùa với những người chẳng biết gì và lười tu mà thôi !

Chính Đức Phật Thích Ca đã dạy pháp môn niệm danh hiệu Phật A Di Đà như trên, nhưng lại nói với Ngài Diệu Nguyệt Cư sĩ là một người ở gần gũi với xã hội nhưng không còn cấu nhiễm.

Diệu Nguyệt Cư sĩ là biểu tượng của Thiện tri thức ở đời mạt pháp, nghiệp dứt tình không, một lòng vì chánh pháp, vì pháp môn tu, sống có nguyên tắc viền mối, không xu bồ xu bộn, không cầu xin cho những việc làm bất chánh ở thế gian, không rao bán những việc tà mị trong nhà đạo.

Là những người phát tâm quy y Phật, khi bước vào đường tu nên duyên với pháp môn niệm Phật, duyên với danh hiệu Phật, thì hiện tiền đã là vô cấu nhiễm, mà vô cấu nhiểm chính là thành Phật. Và chỉ như thế sự tín tâm quy y Tam Bảo mới có hiệu quả và chất lượng.

Khóa tu niệm Phật “Bá Nhựt Trì Danh” tại Nhứt Nguyên Bửu Tự ngoài việc đưa đón người Phật Tử trở về với thực tiễn tu hành, còn có một oai lực chính, đó là một trú xứ mang Đức hiệu của Tổ Sư Nhứt Nguyên Tông Bổn.

Ngài Nhứt Nguyên là người Nam Tống, ở đất Thường Châu, học đạo đắc pháp Niệm Phật Tam Muội với Tổ sư Bách Trượng Hoài Hải. Ngài là bậc Thạch Trụ Tòng Lâm, hoằng truyền Pháp môn niệm Phật; Vua Tống Thần Tôn phong cho Ngài là Phước Huệ Thiền Sư. Ngài biên soạn nhiều bộ sách giá trị, như “Sơn cư bách vịnh”, nhất là bộ Quy Nguyên Trực Chỉ, 3 tập (do Trung Ương Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam chủ xướng phiên dịch và phát hành năm 1960) đã làm chấn động trong giới Phật gia và làn mắt xanh hàng hậu học bằng pháp môn tu niệm Phật thật lợi ích và hiệu quả đối với chư Bồ Tát, Thanh Văn Tứ Quả, chư Hiền thời xưa, chư Tăng Ni Phật Tử trong chốn Tòng lâm Tự viện ngày nay.

Thật sự pháp môn Phật dạy cũng có những tình huống tu mà vẫn không xa rời Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín ở đời, những người cùng sống chung trong một xã hội. Từ hàng Vua, Quan đến thứ dân đều có thể tu được; từ hàng tín sĩ, nhân sĩ, học sĩ, học sinh, sinh viên, thiện hữu tri thức, đến anh chị em công nhân, nông dân, từ vùng nông thôn dân dã đến thành thị phồn hoa đều có thể niệm được dễ dàng, mỗi khi có thời gian thuận lợi.

Sự thật đó đã cho chúng ta thấy được lý Bát Nhã của niệm Phật cao siêu mầu nhiệm đến bực nào :”niệm Phật cầu sanh Tây Phương mà không sanh về đâu cả, không sanh về đâu, nhưng đã vãng sanh về nước Phật tự bao giờ…”

Thân tuy còn ở thế tục, nhưng tâm hồn thì đã giải thoát mọi phiền muộn thế gian, sanh tử luân hồi. Với một Pháp môn như thế, ai mà không tự phát tâm tu hành; không phát khởi tâm tu hành thật rất phí tiếc thời gian theo học Phật .

CÁCH THỨC NIỆM PHẬT ĐƠN GIẢN, KHÔNG KHÓ :

Trong suốt 2 tiếng đồng hồ, tại Đạo tràng bạn được nhập chúng và đồng thanh niệm “Cao thinh trì”. Nơi đây thì đồng niệm Cao thinh trì, không niệm Kim Cang trì hay Mật trì nữa (cách niệm nầy được niệm tại nơi bạn đang ở, những nơi ồn ào hay vắng vẽ nhưng chỉ một mình bạn) .

Thời gian có thể phân ra thành 4 đợt chuyển hướng niệm Phật, như sau : – Ban đầu ngồi niệm Phật (30 phút) – tiếp đến kinh hành niệm Phật (30 phút) – tiếp đến ngồi lại niệm Phật (30 phút) – sau đó quỳ lên niệm Phật (30 phút) trong đó có 15 phút cuối cùng chuẩn bị thay đổi chúng (ca) niệm Phật .

Thời gian đi kinh hành, quỳ niệm Phật thì phải chấp tay là đương nhiên, vì không được buông tay lỏng thỏng. Nhưng nếu bạn ngồi niệm Phật thì Bạn có thể ngồi kiết già, bán già nhưng cũng phải chấp tay (hiệp chưởng) niệm Phật, hoặc một tay chấp trên ngực, một tay lần chuỗi niệm Phật (tay trái lần chuổi) hình ảnh nầy thật đẹp mắt, giống như Đức Quan Âm Bồ Tát rưới nước cam lộ cứu dân độ thế.

Bạn mới biết niệm Phật hay đã niệm Phật thâm niên đều có thể ngồi như cách trên để dễ dàng điều chỉnh thân trở lại “hình ngay bóng thẳng”. Nếu không thì thân bạn đang ngồi niệm Phật khoảng 15 phút, sẽ bị ngả tới, ngả lui, nghiêng qua, nghiêng lại mất trang nghiêm…mà bạn không hề hay biết !

Thời gian tu thâm niên rồi bạn có thể ngồi như hình ảnh của Đức Phật ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề; vì lúc nầy bạn đã thuần thục không phải bị nghiêng ngả tới lui nữa .

Trong lúc niệm Phật (ngồi, quỳ, đi kinh hành), niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, tiếng niệm phải được chính mình luôn kiểm soát từng tiếng một, sao cho thật đều theo đại chúng rất dễ đi vào chánh niệm; không niệm lớn quá lấn át tiếng đại chúng làm mất chánh niệm; niệm nhỏ quá cũng không xong vì sẽ rất khó đưa đến chánh niệm; phải điều chỉnh đôi mắt ngó ngay chớp mũi, nhìn thẳng nơi ngón tai giữa của bạn đang chấp tay, tức là lúc bấy giờ đôi mắt đang mở 1/3 mắt (gọi là hám mục hay xủ mày), như vậy dễ dàng giữ chánh niệm.

Nếu niệm Phật mà mở mắt to, bị ngoại cảnh chi phối, tâm ý bạn sẽ tán loạn. Niệm Phật mà nhắm nghiền đôi mắt, bạn sẽ bị thụy miên, tức ngủ gục, xấu lắm.

Nhứt Nguyên Bửu Tự là nơi tổ chức khóa tu niệm “bá nhựt trì danh”, là cơ sở tinh chuyên thực tập tu hành của chư Liên hữu. Chúng ta nên đến đó để tham dự vào hàng Thánh chúng niệm Phật, trong suốt thời gian 3 tháng.

Trân trọng !

Kệ Phát Nguyện Niệm Phật

Cúi lạy A Di Đà

Thần chú dứt gốc nghiệp

Cùng Quan Âm, Thế Chí

Hải chúng Bồ Tát Tăng

Con mê bổn trí quang

Vọng đọa luân hồi khổ

Nhiều kiếp không tạm ngừng

Không được cứu được nương

Nay được thân là người

Vẫn nhằm đời trược loạn

Dầu lại dự Tăng luân

Mà chưa nhập pháp lưu

Mục kích chánh pháp suy

Muốn chống sức chưa đủ

Chỉ vì từ đời trườc

Chẳng tu thắng thiện căn

Nay tâm con quyết định

Cầu sanh Cực lạc quốc

Rồi ngồi thuyền bổn nguyện

Vớt hết kẻ trầm luân

Nếu con không vãng sanh

Thời khó toại bổn nguyện

Vì vậy với ta bà

Quyết định phải thoát lìa

Cũng như người bị trôi

Trước cầu mau đến bờ

Sau rồi tìm phương thế

Ra vớt người giữa dòng

Nay con chí thành tâm,

Thâm tâm hồi hướng tâm

Dự vào hàng niệm Phật

Chỉ trừ giờ ăn ngủ

Đem công đức tu nầy

Cầu quyết sanh Cực lạc

Nếu con thối bổn nguyện

Quên tưởng về Tây Phương

Thì liền đoạ địa ngục

Để mau biết ăn năn

Thề chẳng luyến nhơn thiên

Cùng vô vi Niết Bàn

Ngưỡng nguyện Phật oai thần

Lực vô úy, bất cộng

Tam Bảo đức vô biên

Gia bị cho chúng con

Chiết phục khiến bất thối

Nhiếp thọ cho Tăng trưởng

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Đại sư Trí Húc là người rộng truyền giáo pháp Thiên Thai Tông ở Ôn Lăng, Chương Châu, thạch Thành, Thành Khê, Trương thủy, và Tân An. Sau khi cao tuổi trở về an dưỡng ở chùa Linh Phong.

Đương thời, những nhà tu thiền ở các nơi, phần đông cho pháp môn niệm Phật thuộc quyền giáo (phương tiện, chớ không phải viên tu). Riêng Ngài Trí Húc thì cho rằng pháp môn niệm Phật chính là “Tâm Tông Viên Đốn”. (Đường Về Cực Lạc, trang 177,HT Thích Trí Tịnh soạn thuật)



Có phản hồi đến “Khóa Tu “Bá Nhựt Trì Danh Niệm Phật””

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com