(HT Thích Giác Quang giảng tại Chùa Trúc Lâm, tỉnh Bình Phước nhân ngày vía Đức Phật Thích Ca thành đạo)

Lễ tổng kết công tác Phật sự hằng năm tại chùa Trúc Lâm, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước bao giờ cũng có ý nghĩa thật rộng rãi trong quảng đại quần chúng. Nhất là đối với đồng bào dân tộc Stiêng, luôn được vinh hạnh tham dự lễ hội nầy.

Buổi lễ được tổ chức nhân ngày vía Đức Phật Thích Ca thành đạo mùng 08/Chạp, một đôi khi có thỉnh mời lãnh đạo Ban Trị Sự Tỉnh Hội HT Thích Nhuận Thanh quang lâm chứng minh, cũng có khi chỉ thỉnh quý tôn túc HT Thích Giác Quang thay mặt lãnh đạo tông phong chứng minh.

Trước giờ khai mạc lễ, là thời thuyết pháp do HT Thích Giác Quang thuyết giảng.

Trước đông đão quần chúng Phật tử, năm nay Hòa Thượng lại trích những ý tưởng trong bộ “Chơn Lý Đại Đồng” của Đức Giáo Tổ Minh Đăng Quang để giảng dạy, chúng tôi là cộng tác viên Phatgiaovnn.com theo chân Hòa Thượng, xin ghi lại những lời dạy thiết thực nhất của Hòa Thượng…

Hòa Thượng giảng…

Khi còn học ở nhà trường Đạo thuộc Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão, có lần học chân lý đại đồng, còn nhớ rõ vì sao Đức Phật thị hiện vào thế giới ta bà ? Vì thế giới ta bà là một thế giới mà trong đó cuộc sống dẫy đầy những khổ đau thăng trầm vinh nhục, vui buồn lẫn lộn…nơi mà nước mắt muôn loài luôn “đẫm lệ” nhiều hơn nước biển. Chính nơi đây còn có “dòng sông sanh tử” luôn thủ triều và bất tận, bất cứ lúc nào cũng có thể nhấn chìm muôn vạn sanh linh trong từng thế hệ chết đuối nơi dòng sông đó.

Theo giáo pháp Đức Phật, quan điểm Thiền tông thì Đức Phật là thường trụ, nên không xa rời chúng sanh, thậm chí chúng ta còn nghe những đệ tử ưu tú của Ngài cũng đều phát nguyện như vậy mà còn thỉnh cầu Ngài trụ thế trường cửu để chứng minh cho các vị phát nguyện vào đời để cứu khổ chúng sanh : “…Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh – Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập – Như nhứt chúng sanh vị thành Phật – Chung bất ư thử thủ nê hoàn….” (trích kinh Thủ Lăng Nghiêm)

Còn bên Tịnh Độ thì Đức Phật muốn giúp cho chúng sanh thoát khổ, nhưng chờ mãi mà không thấy có người tĩnh ngộ phát tâm tu cầu giải thoát mê lầm, ra khỏi bốn bức tường sanh, lão, bệnh, tử, do không ai có trí năng hiểu biết để đến thỉnh cầu Đức Phật tuyên dương chánh pháp, nên Ngài phải tự tuyên thuyết hiển bày lý lẽ chơn thường, giúp cho chúng sanh dễ tiếp nhận giáo pháp tu hành. Bài kinh không ai hỏi mà Đức Phật tự nói thật đơn giản là “Kinh A Di Đà”.

Lúc bấy giờ nhân thời điểm có các vị Tỳ Kheo 1250 vị, chư vị Bồ Tát 10 phương, chư vị Đại A La Hán, nhân dân những vị nhân sĩ trí thức, thiên long bát bộ, Hộ pháp Thần vương, chư Thiên Vương khắp 10 phương và dân chúng của các vị đến thăm Đức Phật….nhân đây nên Đức Phật có gọi Ngài Xá Lợi Phất là vị thiện tri thức của đại chúng cõi Người và kể cả cõi Trời để bảo ban giới thiệu về Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc của Ngài…

Thế giới của Đức Phật A di Đà là thế giới không có khổ, mà chỉ có những sự việc vui, nhẫn đến vượt qua cả sống và chết, thế giới của Đức Phật A Di Đà không có cơ sở cho các vị Thập điện Diêm vương, ngục tốt, si mê hắc ám sinh hoạt, không có ma si mê, quỉ vô thường làm khổ chúng sanh.

Những công hạnh phát nguyện vào đời cứu vớt chúng sanh – Thỉnh đức Phật thị hiện thế giới ta bà chứng minh – Cứu vớt chúng sanh ra khỏi thế giới sanh tử (đói nghèo, nô lệ, chém giết lẫn nhau, tàn sát lẫn nhau mà sống…) là những ý nguyện mà Đức Phật tự đứng ra tuyên thuyết, là những việc làm nói lên tính từ bi vô biên giới, một tình thương cao cả thật sinh động và vô bờ bến của Đức Phật đến với muôn loài.

Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy :”Phật thị hiện vì một nguyên nhân lớn là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến….”. Phật tri kiến dành cho chúng sanh nghiệp dứt tình không, trí tuệ siêu quần bạt tụy. Ai là người nghiệp dứt tình không, trí tuệ siêu quần bạt tụy thì bước vào Phật đạo. Ai bước vào Phật đạo thì người đó là người “nghiệp dứt tình không trí tuệ siêu quần bạt tụy” .

Cho thấy đại nguyện của ba đời chư Phật, chí nguyện cao cả của Bồ tát Sĩ Đạt Ta đã mở toan cánh cửa Niết Bàn, hiển bày Đạo Bát Chánh giúp cho muôn loài phát huy trí năng biết cách tự hóa giải khổ đau

Mỗi năm vào ngày mùng 08/chạp là ngày mà chư Tăng Ni, Phật tử chúng ta nhớ lại cách đây 2597 năm, vào ngày trăng tròn bên chân núi Hy Mã Lạp Sơn, một siêu nhân vĩ đại, đã sáng thế và vượt cung điện Ca Tỳ La Vệ để vào rừng sâu núi thẳm, tìm phương cách cứu giúp muôn loài. Với 6 năm năm tu khổ hạnh tại “Khổ Hạnh Lâm”, năm 35 tuổi đã không thấy có hiệu quả cao, lại thêm không còn sức khỏe, mà trí tuệ thì biệt tăm, không còn nghị lực để thực hiện chí nguyện đến với người đang khổ đau oằn oại. Cuối cùng phải chổi gót đến tận địa phương khác, xa rời lối sống cực đoan quá khắc khổ như ngoại đạo, rồi được người phụ nữ tín tâm Su-Già-Ta dâng bát sữa cúng dường trợ duyên phục hồi sức khỏe cho Ngài và cuối cùng Bồ Tát Sĩ-Đạt-Ta thoạt ngộ :

Trí tuệ, thấy biết được những đời trước của người và mình luân chuyển trong ba cõi thế nào để tự hóa giải.

Trí tuệ thấy biết việc của mình và người tái sinh theo nghiệp lực thế nào để tự chuyển hóa.

Trí tuệ, thấy biết những cảnh khổ trong đời hiện tại của mình và tự biết tầm phương giải thoát các phiền não thế gian.

Bồ tát Sĩ-Đạt-Ta thành Phật năm 35 tuổi, cách đây đúng 2597 năm.

Giáo lý của Đức Phật không phủ định giáo lý Phệ đà, nhưng có một điều là đức Phật tuyên bố :” tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, tức là mọi người đều có tri thức trí tuệ ngang nhau, cuộc sống kinh tế bình đẳng ngang nhau, nếu người đó biết phát huy tri thức trí năng của mình. Con người có quyền tự quyết định cho chính mình và cộng đồng của mình, không có thần linh tối cao nào xen vào định đoạt đời sống cho con người và cộng đồng của con người.

Vì mọi người đều có quyền sống bình đẳng, không có giai cấp trong chúng sanh, khi chúng sanh đó có dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn.

Sự đắc đạo của Đức Phật Thích Ca vào ngày trăng tròn mùng 08 tháng thứ mười hai bên chân núi Hy Mã Lạp Sơn năm ấy là một hiện tượng chuyển hóa thế giới Ta bà, khiến cho người khổ được vui, người mù tối được sáng, vượt ra ngoài vòng cương tỏa cơ chế khắc khe của đạo Bà La môn bên An Độ, thoát khỏi tam đồ bát nạn câu ly khổ luôn đè đầu cởi cổ chúng sanh.

Ngày nay, người Thích tử học Đạo Phật, chúng ta cần có thời gian suy gẫm về Đức Phật nhiều hơn nữa, tiếp thu những tinh hoa Phật pháp cho sâu, thực hành cho đúng, nhằm giúp cho đời sống tâm linh ngày càng sáng tỏ, mang lại hạnh phúc cho nhơn thiên và loài người…



Có phản hồi đến “Sự Thành Tựu Của Đức Phật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com