Vấn: Trong kinh Lăng Già, Đức Phật có dạy rằng tứ đại bắt nguồn từ tâm, giống như vàng và các đồ trang sức bằng vàng cũng đều có tính chất giống nhau. Tâm vốn là tịch tịnh nhưng dính mắc sáu trần nên hỗn loạn, từ đó tứ đại cũng hỗn loạn theo.

Vậy tại sao Đức Phật đã yên ổn tâm rồi mà khi chết (tịch diệt) phải lìa thân tứ đại. Vậy chẳng khác nào tứ đại và tâm đều không giống nhau, tách rời nhau; thế thì tại sao lại nói tứ đại bắt nguồn từ tâm ?

Đáp: – Câu hỏi làm cho mình tự nghĩ 50 năm qua, trong quá trình học Phật thì mình sẽ có đủ khả năng phúc đáp. Nhưng quá trình tu chứng thì tự thẹn lòng mình phước mỏng nghiệp dày, trí tuệ nong cạn, làm sao dò được ý Phật ý Tổ để có thể phúc đáp vấn nạn chăng ?

Tuy nhiên dù ý tưởng có được hay không xứng đáng với ý Phật ý Tổ, sớ giải của ngài Hàm Thị, nhưng cũng dốc sức bình sanh để cùng nhau luận đàm cho sạch nghiệp phiền não bôn ba trong cuộc thế.

Lắng nghe Đại sĩ Táo Bá nói :”kinh Lăng già được Phật nói trên núi Lăng già, ở trong biển Nam, vua Dạ Xoa và Bồ tát Ma Đế ngồi cung điện hoa đến thỉnh Như Lai vào núi thuyết pháp. Núi nầy cao chót vót, nhìn xuống biển cả, xung quanh không lối vào, người không tuệ tâm, chướng sâu nghiệp nặng không vào được…”

Ngài nói tiếp :” người được thần thông mới có thể lên được, để tiêu biểu pháp môn tâm địa, người không tu không chứng mới hay lên được. Nhìn xuống biển cả, để tiêu biểu tâm thanh tịnh, do gió cảnh thổi, nên sóng thức nổi dậy. Người đạt được ngoại cảnh vốn không thì biển tâm tự vắng lặng. Tâm cảnh vắng lặng thì việc gì cũng sáng tỏ, ví như biển cả lặng gió thì mặt trời, mặt trăng và vạn vật hiện hình rõ ràng…”

Nói về tâm địa trong kinh Lăng già thì nhằm chổ hành giả không tu không chứng, không có lối vào, không ngỏ ra, không ai là Phật để chứng, không ai là chúng sanh để tu…Nên nói về chữ tâm trong kinh Lăng già :”người không tu không chứng mới thấy biết được…” (kinh Lăng Già Tâm An, trang IX, bản dịch Thích Thanh Từ).

Tâm của hàng nhị thừa thì do thức quán chiếu tiến đến không tịch mà thành Thánh. Tâm của Phật nghiệp dứt tình không vốn sẳn chơn như tịch tĩnh nên không có thế giới không tịch để đến hay phiền não để diệt mà thành Phật. Từ đó không có vấn đề xa lìa phiền não tiến đến không tịch, hoặc ham thích không tịch mà chán bỏ phiền não.

Biển tâm trong kinh Lăng già chỉ thẳng thực thể bản tánh toàn chơn, liền thành trí dụng. Như biển cả lặng gió thì cảnh tượng dưới đáy biển hiện bày. Biển tâm chẳng động thì gió cảnh chẳng khác. Chỉ có người khéo hiểu được tánh chơn như, thì liền nơi thức biến thành trí (tuệ tâm) (kinh Lăng Già Tâm An, trang X, bản dịch Thích Thanh Từ).

Tâm, Phật và chúng sanh là một, do nhơn giác mà thấy có chúng sanh, do nhơn mê mà thấy có Phật, những hiện tượng nầy chính là hiện tượng tâm thức biến diệt. Nếu không có chúng sanh, thì không có Phật, nếu không có Phật thì cũng không có giác, nếu không có giác thì cũng chẳng có mê. Mê giác đều tự tánh không, tự tánh chơn như không mê giác chính là Phật, là bản thể Phật. Bản thể Phật là chơn như tự tánh, không có mảy mai ưu phiền, cho nên cũng không do người tu chứng để xa lìa mê (chúng sanh), tiến đến giác (làm Phật) .

Nói về tứ đại tức là Sắc chất, mà Sắc là một trong năm ngũ uẩn. Thọ tưởng hành thức là biến dịch của tâm. Tâm và Sắc vốn tự tánh không, không phải không có, do duyên hòa họp nên có, nên ngài Hàm Thị nói : “chẳng tự sanh, chẳng phải chẳng sanh”. Nên không có tâm nào sanh tứ đại, mà sinh hoạt của tứ đại cũng không bắt nguồn từ tâm, đấy chỉ là do duyên khởi mà thôi.

Tự tánh chơn như vốn là Như Lai tàng (vàng), không phải là không biến dịch (đồ trang sức). Biến dịch nhưng không đánh mất bản chất Như Lai (vàng). Biến dịch là phương tiện (tứ đại). Nên nói tứ đại bắt nguồn từ tâm.

Thường thì nói sanh tử luân hồi (nguồn gốc sanh ra thân tứ đại) bắt nguồn từ tâm nhưng là vọng tâm, ngược lại giải thoát sanh tử cũng bắt nguồn từ tâm nhưng là chơn tâm, chơn vọng bắt nguồn từ tâm, nhưng chơn vọng cũng chỉ là hiện tượng sanh diệt huyển hóa trong quá trình duyên khởi của vạn hữu. Người ngộ được đỉnh cao nầy thì cởi bỏ những ràng buộc, phiền não của thế gian, không còn bám níu theo ái dục, hỷ, nộ, ái, ố…. Có thể tùy duyên cảnh mà giác ngộ, sự giác ngộ có mặt khắp nơi trong 10 phương, giác ngộ là Phật. Bậc Phật thì giác ngộ là Phật, ở trong thế giới mê cũng là Phật. Vì giác ngộ tức là “bất biến nhưng tùy duyên cảnh mà sanh hóa”, còn mê tức là “tuỳ duyên cảnh sanh hóa, nhưng bất biến”, giác ngộ trong thế giới phiền trược (mê) nên gọi là Phật .

Tóm lại, Đức Phật đến với thế gian là “tuỳ duyên bất biến” vì ngài là Phật (Như Lai tàng), tuy có mang thân tứ đại, nhưng các đại đều thanh tịnh, nên nói các đại với tâm là một. Sở dĩ Phật có lìa thân tứ đại, thấy có sanh có diệt, có sống có chết là vì hạnh nguyện của Phật đến với thế giới sanh diệt nầy. Nếu không có thế giới sanh diệt nầy thì Ngài cũng không phát nguyện đến với thế giới sanh diệt, không đến với thế giới sanh diệt thì cũng không có thân tứ đại để Phật Niết bàn, xả bỏ thân tứ đại, nên nói :”Như Lai chứng Niết bàn – Dứt hẳn nơi sanh tử – Nếu người hết lòng nghe – Thường được vui vô lượng” (kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Quang Minh Biến Chiếu)



Có phản hồi đến “Phúc Đáp Về Tâm Trong Kinh Lăng Già Tâm Ấn”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com