Mục Lục
Quan Âm Tu Viện – Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng hoằng truyền giáo hóa môn đệ Tăng Ni, Phật tử tu hành Pháp môn niệm Phật từ 75 năm qua. Tuy nhiên người sáng lập môn phái Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước chủ trương cho phép đệ tử tu theo pháp hạnh Khất Sĩ. Ngày nay trên khắp các Tự Viện của môn phái đại đa số đều tu theo pháp hạnh Khất sĩ.
Năm 1963, tại Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão, lúc bấy giờ Hòa Thượng Thích Giác Quang còn là Sa Di, được chư Sư thuyết giảng về Khất sĩ :”Khất sĩ là đạo hạnh của mười phương ba đời chư Phật, đạo hạnh Khất sĩ là pháp giải thoát chính chân. Ngày xưa hình bóng người Khất sĩ bước đi “đầu đội trời chân đạp đất, hóa duyên trì bình khất thực, không sợ nắng mưa sa, mang pháp lành đến thuyết giảng cho mọi người cùng nghe, phát tâm dõng mãnh mà thực hành tu tịnh hạnh, phạm hạnh…”
Hòa Thượng Thích Giác Quang là một trong những biểu tượng Nhà sư Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, từng du tăng hành đạo trì bình hóa duyên khắp Trung Nam từ những năm 1968 đến năm 1975.
Do một vài nhân duyên thiện nguyện từ ngàn xưa nay hội tụ; đây là lần thứ 50 chư Tăng Ni trong môn phái Tịnh Độ Non Bồng tưởng niệm và sẽ cử hành lễ tưởng niệm Đức Giáo Tổ vào lúc 24 giờ ngày mùng 01 tháng 02 năm Kỷ Sửu – 2009 tại Đại Chính điện Quan Âm Tu Viện. Với tâm lòng tưởng niệm nầy là do Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước, biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai truyền dạy cho đến nay vẫn còn hiệu lực với chư Tăng Ni, Phật tử.
Nay nhân đến ngày tưởng niệm lần thứ 55 Đức Giáo Tổ vắng bóng (1954-2009).
Nhằm tưởng niệm ân cao nghĩa cả của Đức Giáo Tổ sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, Quan Âm Tu Viện xin được trích bài văn vần, nội dung minh lý về “Đường Lối Khất Sĩ” do một vị Sư Đạo Phật khất sĩ Việt Nam ở Quảng Trị sáng tác ngày 29.05.1961 (năm Tân Sửu) – từ trang 15 đến 18 trong quyển Pháp Kệ Phá Mê :
Người khất sĩ nghĩa là người xin học
Xin nuôi thân bằng vật chất hữu tình
Học nuôi tâm là các pháp vô hình
Lẽ xin học, sẽ viên minh toàn thiện…
Người khất sĩ gót lữ hành dũng tiến
Bước phiêu linh lấy bốn biển làm nhà
Lấy chín châu làm sự nghiệp độ tha
Quyết thực hiện chí tang bồng hồ thỉ.
Đường lối ấy sẽ lập đời thiện mỹ
Vì ngoài vòng, của ích kỷ cá nhân
Nhà du tăng nguyện ra sức độ trần
Bằng phương pháp đem thân hành đạo lý.
Cõi tịnh lạc nhà du tăng khất sĩ
Là chơn không là vô trị vô quyền
Không lợi danh không nhà cửa bạc tiền
Chay đạm bạc kết duyên cùng vạn loại.
Người khất sĩ đủ đầy tâm bác ái
Tính đại đồng cùng muôn loại tương thân
Quyết đắp xây một thế hệ ai lân
Dây thân ái dính liền người với vật.
Người khất sĩ là người yêu lẽ thật
Quyết xả thân vì vạn vật chúng sanh
Quyết xả thân với một chí nguyện lành
Quyết xả phú cầu bần vui đạo lý.
Người khất sĩ phải là người cao quý
Bước ta bà nguyện xả kỷ lợi tha
Quyết ra tay san phẳng hố mê tà
Biến ác thế đổi ra thành cõi Phật
Chơn đạp đất hòa vui cùng lòng đất
Đầu đội trời biểu hiện kính yêu trời
Gần gũi đời là để cứu độ đời
Nêu bác ái nguyện lấp bằng bể ái.
Ôm bát đất sống chung cùng vạn loại
Khoác y vàng hòa thân với hàm linh
Mượn tiếng xin để tế độ chúng sinh
Đem gương Phật cho người gieo giống Phật
Không một vật để được gần vạn vật
Dộng chuông từ cho tĩnh giấc hoàng lương
Đi đây đó, để dắt lối dẫn đường
Và chỉ rõ, lý vô thường vô ngã.
Người khất sĩ sống cung cùng tất cả
Vừa học người, vừa dạy cả mọi người
Vừa xin đời vừa bố thí lại đời
Con tất cả…cũng là vua tất cả.
Đời khất sĩ, đời tự do, thong thả
Bước du phương đi khắp cả non sông
Đấng tu mi chẳng thẹn mặt tang bồng
Một nếp sống đại đồng và giải thoát.
Khi rảo bước xem núi đồi bát ngát
Khi lê chân nhìn nước bạc chói trong
Lúc tọa thiền nơi thạch động non bồng
Lúc cất bước hóa duyên nơi thị dã
Người khất sĩ xin học cùng tất cả
Để trau dồi đạo quả ở ngày mai
Trên phương châm, học ngàn bạn muôn Thầy
Mới chứng đắc quả Như Lai toàn giác.
Tiếng khất sĩ nếu ai mà ngộ đạt
Thì mới mong được giải thoát nhẹ nhàng
Bát vai mang, thân choàng mãnh y vàng
Kết bạn với mây ngàn cùng hồ hãi…
Người khất sĩ đem pháp lành ban rải
Nhắc khuyên đời đừng tạo nghiệp gây nhân
Ơ trong trần mà tâm chẳng nhiêm trần
Thật xứng đáng là con của vũ trụ.
HT Thích Giác Quang