Sự hiện hữu của Đạo Phật trong cuộc đời là suối nguồn phát sinh một sự tĩnh thức về sự thật của con người và cuộc đời qua bài phát biểu đầu tiên của Đức Phật :”…đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là đạo diệt khổ…” và chính tri kiến như thật của Đức Phật đã khẳng định bốn sự thật trên và ba lần chuyển pháp luân, Ngài hoàn toàn thanh tịnh và chứng ngộ .

Chúng ta từng nghe Đức Phật dạy :”Nầy các Tỳ kheo, tri kiến như thật của Ta, đối với bốn pháp thánh đế nầy, cùng tận ba lần chuyển, mười hai luân, hoàn toàn thanh tịnh. Nầy các Tỳ kheo, Ta tuyên bố Chư Thiên, Ma Vương, Phạm Thiên, các chúng Bà la Môn và Sa Môn gồm cả nhơn thiên rằng : Ta đã chứng ngộ vô thượng chính đẳng chính giác…chắc chắn tâm Ta, không có đời sống nào khác…(kinh Mahavagga – bản dịch HT Minh Châu).

Lời tuyên bố về bốn sự thật ở một thời kỳ mà mọi người chỉ tin tưởng vào các đấng siêu linh, nhiều thần thánh, những đấng vô hình định đoạt cho đời sống của nhân loại và chúng sanh…Đức Phật đã mạnh dạn khai sinh một ý thức mới, có ý sáng tạo và táo bạo giữa những cuộc sinh hoạt thần quyền, độc quyền, độc thoại về tâm linh thời bán khai, đã là một cuộc diễu hành, đưa đón các vị giáo chủ ngoại đạo hướng về cõi vô nguyên Niết bàn tịch diệt…

Sự truyền bá giáo lý Tứ đế đó, dù bao thế hệ thăng trầm có bao đổi ngàn thay, nhưng hệ thống triết trung vẫn phù hợp với từng nhịp đập của mọi trái tim tĩnh thức trong mọi hoàn cảnh của thời đại. Vì con đường giáo lý chính chân đó luôn có tính cách vượt lên trên cuộc đời. Sự vượt lên là một kết quả tất yếu của sự giác ngộ, của con người giác ngộ. Mọi sự giác ngộ là sống trong chân lý đưa tới sự tĩnh thức và giải thoát. Con người giác ngộ là con người sống với chân lý và mang một tâm hồn siêu thoát toàn diện .

Con người giác ngộ không còn là con người bị sai sử bởi ngũ dục (tài,sắc,danh,thực,thụy) và chìm đắm trong ái dục, đấu tránh trong cuộc đời nữa. Con người giác ngộ là con người tự do, tự tại, vượt ra khỏi tầm ngắm của vô minh, tối tăm đen đủi, những ngoại cảnh chi phối vô biên tận chân trời, những sự rượt đuổi, chìm đắm, quên lãng trong dong rủi khổ đau oằn oại của cuộcđời .

Tuy nhiên sự vượt lên trên cuộc đời của người đệ tử Đức Phật không có nghĩa là phủ nhận cuộc đời, chán bỏ cuộc đời để trở thành một sự xa lánh, yếm thế bi quan. Vì nếu là một sự chán bỏ, xa lánh, yếm thế bi quan thì không gọi là vượt lên, mà chỉ là một sự chán nãn hay khiếp sợ. Đối với người tu sĩ Phật giáo, sự vượt lên có một ý nghĩa siêu phóng cực tắc, bao gồm một ý chí kiên cường, một ý thức về sự giải thoát, một thái độ xem thường sự khổ đau trong đêm dài vô tận .

Quá trình tu học của người tu sĩ Phật giáo từ khi mới nhập môn cho đến khi trở thành vị Tỳ kheo chính chân : hai năm làm Cư sĩ, hai năm ở Chùa, hai năm làm Sa Di để bước lên địa vị Tỳ kheo (với chư Ni còn thâm niên hơn), họ phải được và đã được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản về Phật học và thực tập thiền tụng, kiện toàn những ý thức mới cho hành trang vào đời. Tất cả những sự thực tu thực học đó giúp họ thông suốt những gì “thuộc về tri kiến và giải thoát tri kiến”.Do vậy họ có đủ những tư chất tu sĩ, bản lãnh về sự giải thoát sanh tử luân hồi, đủ tiêu chuẩn giác ngộ trước những chuyện lằng nhằng của thế gian và bước đi trên đôi chân của chính mình. Vào đời với tất cả sự can đảm và thiện chí để hội nhập vào cuộc đời mà không bị vướng mắc những khổ đau dồn dập, những vị chanh chua của công danh phú quý… Từ đó, họ được rảnh thân, rảnh tâm mà phụng đạo giúp đời. Tiêu chuẩn nầy mới đúng là nguyên khí của đạo pháp…

Hơn thế nữa, đối với người tu sĩ Phật giáo, có một điều mà không ai bắt buộc : là chí khí của người đệ tử Phật đi vào đời bao giờ cũng mang theo tâm niệm giải thoát, không mê lầm, không cố chấp và si mê. Tâm niệm giải thoát, chính là sự vượt lên trên cuộc đời và dấn thân vào cuộc đời.

Bên ghế nhà trường, Tăng Ni sinh là những khoá sinh trãi nghiệm, vừa học vừa hành, ngay từ đầu đã ký gởi thân tâm mình sống theo môi trường nội trú, tuy chỉ là học lực Trung Cấp, nhưng song song với học vị đó là vị trí Tỳ kheo giới, thuộc giới Thinh văn, rất quan trọng với Tăng Ni khi mang giới nầy tiếp tục học lên những bậc Phật Học cao hơn, thậm chí đến xuất dương du học, đạt đến những học vị rốt ráo. Quá trình tu học đó, cũng chính là quá trình dấn thân vào đời, chư Tăng Ni sẽ làm không biết bao nhiêu việc Phật, cống hiến cho đời và nếu mang một tâm niệm vượt lên trên cuộc đời thì chính là sự dấn thân hội nhập có kết quả.

Chư vị Tăng Ni là những người đã học, đã thấy, đã biết về bốn chân lý của Đức Phật ban hành và chỉ có những đệ tử Phật mới chịu thấy, biết và trãi nghiệm về bốn đế lý của Đức Phật, cộng với sự tĩnh thức giác ngộ làm tu sĩ từ buổi ban đầu và sự trợ duyên của giới pháp, chúng ta tin tưởng rằng :”chư vị sẽ là những người ưu tú trong Tăng đoàn Đức Phật kế thừa và phát huy chánh pháp, hội nhập dòng đời, nối tiếp truyền thống các bậc tôn túc hôm nay cũng như mai sau”.

HT Thích Giác Quang

Uy viên Ban Tăng Sự TW-GHPGVN



Có phản hồi đến “Đạo Phật Và Cuộc Đời”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com