Mục Lục
Từ xa xưa, thường thì phụ nữ Á Đông phải chịu nhiều khổ nhọc, do một số bộ luật tôn giáo cổ (luật Manou của BaLamôn giáo) ở An Độ, (sách lễ nghĩa của Khổng Phu Tử) bên Trung Quốc, tạo thành một xã hội phong kiến cực mạnh áp đặt cho phụ nữ, họ ít có giá trị quyền hạn trong đời sống làm người. Mặc dù có khi được gọi là “Bà Mẹ”, có khi gọi là “Bà Mẹ Quê”, “ hình ảnh của “Mẹ Quê Hương”, nhưng rồi, cũng chỉ được gọi là “làm người mà không phải là người” !
Một đại văn hào An Độ Hemacondra thật rất khinh rẽ và xem phụ nữ như những “ngọn đuốc soi sáng con đường dẫn đến địa ngục…”
Năm 423 (trước công nguyên) một con người quyền quý của Vương quốc Ca Tỳ La Vệ, mang chí xuất trần, tìm ra lẽ thật của cuộc đời, nâng giá trị phẩm hạnh, giá trị tâm linh của con người, nhất là khai thác những giá trị đời sống tri thức tối ưu (trí tuệ) của phụ nữ. Tạo điều kiện cho phụ nữ có những cuộc sống bình đẳng như nam giới .
Con người ấy là Đức Phật, một nhà hiền triết siêu việt, vượt hẳn tri thức thế gian đã “chứng vô sư trí”, biệt hiệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài không xem phẩm chất phụ nữ là hạ liệt, một đôi khi trong giáo pháp của Ngài, Ngài có nói đến thiên bẩm của Phụ nữ thì yếu đuối, nhạy cảm, mềm yếu. Nhưng vấn đề truyền đạo hay phát huy tinh thần cho nam giới hay nữ giới không phải là một trở ngại cho việc thanh lọc thân tâm hay vấn đề độ đời (Đức Phật và Phật Pháp của Narada, trang 279) hay đào tạo Tăng Ni .
Đức Phật muốn nâng giá trị người phụ nữ bằng tri thức và niềm tin cao thượng, đấy là vai trò “làm mẹ” của phụ nữ. Ngài thường cân nhắc chư Tăng, học đạo giải thoát, nhưng cũng không quên những hình ảnh khổ đau oằn-oại, công đức sâu nặng của các đấng song đường sinh ra ta, trong đó vai trò “Làm Mẹ” thật cao quý thay “Bà Mẹ” của lòng từ như suối nguồn vĩ đại ! Tấm lòng của “Bà Mẹ” cũng chính là cây thang thích nghi để con cái nương theo đó mà lên tận những cảnh trời, như trường hợp Thánh mẫu Ma-Gia, sau khi hạ sanh Thái tử Tất Đạt Đa, một tuần lễ sau đó Bà bỏ thân , rồi sanh về cung Đạo Lợi. Từ dó mỗi lần niệm tưởng đến Mẹ (Thánh mẫu Ma-Gia), là mỗi lần đến đêm không ngũ, nhập thiền lên cung trời Đạo Lợi viếng Mẹ, nên có bài thơ :
“Phật xưa hiếu thảo kể hằng sa
Đến kiếp hiện nay cũng đậm đà
Đạo lợi thiên cung về viếng Mẹ
Ca Tỳ La Vệ đến tìm cha
Khom lưng đảnh lễ đồi xương trắng
Đưa mặt cho hung một mẫu già
Đến thác kim quan còn bật nắp
Soi cùng hiếu tử ai dám qua !
Quá trình độ đời, chính Đức Phật cũng là người đầu tiên chấp thuận và là người sáng lập giáo đoàn Ni, tức là cho phép có mặt một đoàn thể phụ nữ có giới luật và kỷ cương vào khoãng năm thứ 20 trên bước đường hóa duyên độ chúng .
Trong giáo đoàn Đức Phật, Tôn giả Xá Lợi Phất cũng là vị lãnh đạo giáo đoàn thông thoáng nhất, chính tôn giả hóa giải những nghi ngờ của Mẹ là bà Thu Tử bằng tấm chân tình vô biên giới của “đứa con” cũng là thể hiện “đức từ” của người đệ tử Đức Phật giúp cho Mẹ khởi niệm kính tin Phật, Tam Bảo và bước vào Phật Đạo, trở thành người Phật tử thuần thành nhất trước khi sanh thiên.
Với tư cách người lãnh đạo và giáo hóa trên tinh thần vô ngã vị tha vì Tăng đoàn của Đức Phật, Giáo đoàn của Ngài mỗi ngày phát sinh nhiều vị phụ nữ lãnh đạo có phẩm chất đạo hạnh cao, như : Di mẫu Ma ha Kiều Đàm Di, Uppatavannã, Somã… đều là những vị phụ nữ tiêu biểu lỗi lạc. Người dân xứ Vajji đã cho phép phụ nữ có những đời sống như nam giới, đã đưa đất nước xa xưa cách đây trên 2000 năm thành một nước cộng hòa độc lập, văn minh, khiến cho Hoàng đế A Xà Thế không thể khuất phục được .
Ngoài giáo đoàn Ni (phụ nữ), thời Đức Phật sinh tiền cón có nhiều Hoàng Hậu, Phu nhân, Cung phi mỹ nữ, như : Vi Đề Hy (vợ vua Bình Sa Vương), Mạt Lợi (vợ vua Ba Tư Nặc), Bà Khenã (người hầu thiếp của vua Bình Sa Vương)..vv.. đều là những tín chủ Phật tử có nhiều tri thức tiếp thu nhiều về giáo lý Phật học theo hướng mới, giải thoát cho hàng phụ nữ thoát cảnh cơ hàn…
Qua những lời lẽ sâu sắc, Đức Phật từng thuyết giảng nhiều lần về bài kệ dành cho người phụ nữ thời xưa, như sau :
“Người chịu làm nô lệ cho luyến ái sẽ bị lôi cuốn
cũng như loài ruồi muỗi bị cuốn trong màn nhện.
Nhưng quả thật, thành thơi
người đã xa lìa tất cả những trói buộc
Tâm tư hướng về nơi khác, hãy quên thế sự
và bỏ lại một bên mọi dục lạc của ngũ trần..”
(Đức Phật & Phật Pháp của Narada, trang 281, bản dịch Phạm Kim Khánh)
Đức Phật còn nâng đỡ bà Pãtacãra mất cha mẹ, chồng con được thoát nổi khổ đau gia đình lý tán và chứng quả Tu đà huờn, phát huy được tri thức của phụ nữ đương thời và xuất gia làm Tỳ kheo ni. Minh chứng giáo lý từ bi của Phật có cơ sở thích nghi cho đời sống phụ nữ .
Tất cả, tất cả đều nói lên sự thức tĩnh của con người đứng trước những bộ luật thần thánh của tôn giáo Bàlamôn cổ (Manou) áp đặt cho họ. Lần lượt đông đảo nam giới và nữ giới đi theo Đức Phật tu hành, nhất là hàng phụ nữ như “thức tĩnh cơn mê”, một khi bị nhiều áp lực từ con người, buộc họ phải tìm đường hướng thoát khỏi gông cùm, hoặc đi theo Đức Phật, bất chấp mọi trở lực.
Sự việc là như vậy ! Để đánh tan những luận điệu, những bàn tán xôn xao, những chỉ trích và phá pháp của ngoại đạo, khi nhận lời cầu xin của tôn giả A-Nan người đệ tử thân tín và Di mẫu Kiều Đàm Di, một nhà hiền đức “cho phép phụ nữ bước vào Phật đạo tu hành và thành lập giáo đoàn Ni”, Đức Phật có ban hành quy chế “Bát kính pháp” áp dụng trong giáo đoàn, như sau :
1/. Ni cô bao giờ cũng lễ bái chư Tăng (dù lớn tuổi thế mấy cũng vậy)
2/. Ni cô không được trách mắng rấy la chư Tăng
3/. Ni cô không được xem vào việc ưng oan của chư Tăng.
4/. Ni cô tập sự 2 năm, nếu muốn vào hàng xuất gia thật sự, phải có
Giáo hội Tăng chứng nhận.
5/. Ni cô phạm giới phải sám hối giữa hai Giáo hội Tăng và Ni
6/. Ni cô phải nhờ Giáo hội chư Tăng chứng minh cho đọc giới bổn mỗi
nữa tháng
7/. Ni cô không được tụ hội nghỉ mùa mưa ở một xứ không có chư Tăng
8/. Ni cô phải nhờ chư Tăng sắp đặt nơi hành đạo, khi dứt mùa mưa
(Chơn Lý Đại Đồng, của Tổ sư Minh Đăng Quang, trang 229)
Nhiều năm rồi có rất nhiều người mới vào đạo, đến hỏi chúng tôi “ : …Đức Phật cho Ni chúng xuất gia có điều kiện ?…”.
Lẽ ra thì tôi phải dạy các vị đến cầu pháp quý Sư Bà, nhưng tôi có mạo muội hóa giải những nghi ngờ cho các vị nghe và nay xin phép được đưa vào bài viết :”…quy chế trên, có giá trị đối với giới nữ tu trong hàng ngũ giáo đoàn Đức Phật, do Đức Phật ban hành. Dĩ nhiên, “quy chế” có gia trị tương đối, đối với chư tôn giả tinh chuyên hoằng truyền giới luật, hoặc những tu sĩ còn trong quá trình tu học giới, học giả Thinh văn.
Sở dĩ thiết lập quy chế “Bát kính pháp”, vì có thể có những lý do chính đáng khác, mà chúng ta đồng cảm nhận Đức Phật lúc bấy giờ phải làm một công việc : “uốn nắn từng bước vì sự cố chấp của mọi người đang bị bộ luật Manou áp đặt và thời điểm ấy là thời phong kiến vô lại…”.
Phụ nữ theo Phật xuất gia tu hành có điều kiện, là vì :
1/. Để cắt đứt những nghĩ suy “không tốt” của ngoại đạo thời bấy giờ và có thể có những“luận điệu xuyên tạc” đạo Phật. Cụ thể giới ngoại đạo cho phụ nữ giã “bụng chửa” đến vu oan Đức Phật.
2/. Lúc bấy giờ dân trí còn thấp, cần phải uốn nắn từ từ đối với mọi người, một khi họ chỉ tin, chịu sống theo bộ luật Manou của đạo Bàlamôn (cổ). Đại đa số còn lạc hậu, cố chấp còn chống đối phụ nữ.
3/. Không cho có kẻ hở để ngoại đạo có cơ sở chống phá, nghi ngờ giáo lý Đức Phật và tổ chức Giáo đoàn Đức Phật :“có tình cảm riêng với phụ nữ ?”
4/. Không cho ngoại đạo tà kiến xen vào phá giáo đoàn, phá pháp .
5/. Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề là bậc vĩ nhân siêu xuất chấp nhận vượt qua các điều khoản của “Bát Kính pháp” để được xuất gia. Vì muốn cho giáo pháp Phật được lưu thông vững chảy theo tiến trình nhân loại, nên Di mẫu chấp nhận thực thi “Bát Kính pháp” ! Đây là công đức lớn của giới phụ nữ đối với Phật Pháp trong quá khứ cũng như hôm nay :”làm hộ pháp, hộ giới, hoằng giới”
Bát Kính Pháp theo thiển nghĩ của chúng tôi không phải là một quy chế “trở ngại” cho sự tiến hóa của chư Ni và nói chung cho giới phụ nữ, mà vô hình trung còn làm tăng giá trị, phẩm hạnh cao thượng của người nữ tu Phật.
Chúng tôi trả lời cho chư Ni trẻ là như vậy !
Quá trình hành đạo của Phật, trình độ dân trí ngày càng tiến bộ, nên có khi Đức Phật thuyết giảng những bài pháp “tôn vinh kiến thức trí tuệ của phụ nữ”, như câu chuyện “Long Nữ thành Phật” trong kinh Pháp Hoa, sự giác ngộ của phụ nữ còn nhanh hơn sự nghĩ suy của Đại trí Xá Lợi Phất ! Những hạnh lành của Bồ Tát Quan Âm, Bồ tát Diệu Âm trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn, phẩm Diệu Âm trong những năm cuối cùng của Phật; sách mới nói về Sự Linh Ưng Đức Quán Thế Âm nói lên phẩm chất cao cả của người tu Phật. Nhìn chung giáo lý Phật, thật tuyệt vời và đặc sắc đối với phụ nữ “phá kiết sử Tỳ kheo thì không có tướng nam và tướng nữ” có một không hai trên thế gian.
Trong kinh “Thắng Man phu nhân Sư Tử Hống”, Bà Thắng Man là người phụ nữ tuyệt vời, Bà đã phát khởi đại nguyện, nhận lãnh 10 điều trọng đại để nhiếp thụ chính pháp, đưa người vào Phật đạo, khiến cho người tu thanh tịnh, không còn bị phạm giới cấm. Thật mãnh liệt quá !
Kinh Hoa Nghiêm dạy :”bà Tu Đa Nữ là thầy của Thiện Tài Đồng Tử !” thật là uy nghiêm phước huệ cho đại chúng. Bà “Lộc Mẫu” trong kinh Đại thừa Phương Tiện Phật Báo An phát đại nguyện :”…thà chỉ
sinh một người con mà biết phát lòng bồ đề thành Phật cứu độ chúng sanh, hơn là sinh nhiều con…rồi tất cả đều làm Thinh Văn tịch diệt, khiến cho chánh pháp không phát huy…”
Khoa giáo lý trên, được trải nghiệm qua nhiều thời kỳ, trở thành một “đạo lộ” cho nhiều “ý tưởng mạnh mẽ khác” thoát sanh theo lịch trình tiến hóa của nhân loại. Cho đến hôm nay, dù đối với những tư tưởng“khó tính nhất”, cũng phải công nhận giáo lý Đức Phật lúc nào cũng thông thoáng, tiến bộ. Người nghiên cứu, nghiêm tầm, học hỏi ở mọi gốc độ và thực hành đều có hiệu quả “giải thoát những khổ đau, phiền lụy” mang lại đời sống bình đẳng, hạnh phúc cho chúng sanh.
Giáo đoàn Ni ngày nay được lan rộng trên khắp hành tinh, đầu tiên Sư Bà Sanghamitra, con gái Hoàng đế A Dục cùng với anh trai giáo hóa giúp đỡ vua nước Tích Lan, đến thế kỷ thứ XI, hoàng hậu Kanaradevi xây dựng tinh xá Ni ở Sarnath, tồn tại suốt 1000 năm tại Tích Lan .
Năm 280, giáo đoàn Ni được thành lập ở Trung quốc, do Sư Bà Chen Chien sáng lập. Năm 429, Sư Bà Devasara cùng với Ni đoàn tiếp tục đến Trung quốc hành đạo mở rộng Ni đoàn.
Về sau Sunim sa Morye hổ trợ cho Hòa thượng A-do đem Phật giáo vào Silla-Hàn quốc (668-935). Hoàng hậu của vua Jinheung xuất gia làm Tỳ kheo ni hoằng thánh đạo. Phu nhân Jiso sau khi chồng là Tể tướng Kim Yu Si qua đời Bà cũng phát tâm xuất gia làm Tỳ kheo ni.
Năm 624, Thiên hoàng Suy Cổ thành lập Tăng Cang thống kê Tự Viện Tăng Ni, Phật giáo Nhật Bản bấy giờ có 816 vị Tăng 569 vị Ni. Năm 657 Nữ hoàng Saimeitennò (Tề Minh) là một Phật Tử thuần thành tổ chức lễ Vu Lan tại chùa Phi Điểu, mở đàn Nhân Vương Bát Nhã cầu quốc thới dân an. Năm 702, thiên hoàng Nguyên Minh ban pháp lệnh Tăng Ni để khen thưởng những Tăng Ni có công; hoặc đàn-hặc những Tăng Ni vi phạm giới luật, pháp luật.
Lần lượt Phật giáo cấp tiến xuất hiện, như tổ chức Hội Sakyadhita (Con Gái Thích Ca), tên của Hội hiện nay là : Sakyadhita International Association of Buddhist Women (Hội Phụ nữ Phật Giáo thế Giới CON GÁI THÍCH CA) thành lập tại California (Hoa kỳ), do Bà Karma Lekhe Tsomo làm Chủ Tịch Hội, Hội có 300.000.000 thành viên, 47 quốc gia có Hội hoạt động có quy chế. Bà có sang Việt Nam thăm quý chư Tôn giáo phẩm TW Giáo Hội và quý Ni trưởng Việt Nam, có lần Bà ghé thăm Chùa Bửu Phong, Biên Hòa và một số chùa trong Tp.Hồ Chí Minh. Từ khi thành lập đến nay, trải qua 21 năm, Hội tổ chức hội nghị đại biểu 10 lần : – Lần I năm 1987 tại An Độ – lần II năm 1991 tại Thái Lan – lần III năm 1993 tại Tích Lan – lần IV năm 1995 tại An Độ – lần V năm 1998 tại Campuchia – lần VI năm 2000 tại Nepal – lần VII năm 2002 tại Đài loan – lần VIII năm 2004 tại Hàn quốc – lần IX năm 2006 tại Mã Lai – lần X năm 2008 tại Mông Cổ. Lần nầy có Ni Trưởng Huệ Hương (Chùa Bửu Phong) và Sư cô Tiến sĩ Hương Nhũ (Quan Âm Tu Viện) được mời tham dự và Sư cô vinh dự đọc bài phát biểu của đại biểu Ni giới Việt Nam tại Ulaanbaatar nhan đề “NI GIỚI VIỆT NAM NGÀY NAI”.
Ơ vùng lãnh thổ Đài Loan, tại đây giáo đoàn Ni thịnh hành hơn Tăng giới, hiện nay Sư Cô Thích Nữ Chiếu Huệ khởi xướng phong trào đòi hủy bỏ “Bát kính pháp” mà Đức Phật ban hành cho Ni ? Còn Phật giáo Nguyên Thủy ở Tích Lan, Việt Nam thì có những phái cho phép phụ nữ xuất gia, đây cũng chính là hiện tượng “Đức từ của Phật” ngày càng lan tỏa khắp nhân gian.
Giáo đoàn Ni tại Việt Nam còn phong phú hơn nhiều, trong thời đại phong kiến đã có những phụ nữ đi tu Phật, trở thành Sư Bà, như Sư Bà Lê Thị Nữ ở núi Thị Vãi, Sư Bà Tống Thị Sương tu trên đảo Đại kim, Hà tiên, Sư Bà Diệu Thiện (1818-1899) Sư Bà Diệu Danh (1850-1914), Sư Bà Diệu Tín (1852-1923), Sư Bà Diệu Ngọc (1885-1952), Sư Bà Đàm Soạn, Sư Bà Diệu Không (Bà Cao Xuân Sang) Sư Bà Diệu Huệ (Bà Ưng Uy), Sư Bà Hải Triều Âm, Sư Bà Diệu Tịnh (1910-1942).
Cho đến hôm nay có quý Sư Bà Như Thanh (1911-1999), Sư Bà Huỳnh Liên (tịnh xá Ngọc Phương, Gò Vấp), Sư Bà Như Đức (Chùa Dược Sư), Sư Bà Huyền Học, Sư Bà Huệ Giác (Quan Âm Tu Viện, Biên Hòa), Sư Bà Huệ Hương (chùa Bửu Phong, Biên Hòa), Sư Bà Như Niệm (Tuần Chính Thiền Tự, Long Thành), Ni sư Như Tịnh, Như Đức (Tv Linh Chiếu, Viên Chiếu), những vị nữ Phật tử tín tâm hộ đạo như Thiên Cảm Hoàng Hậu, Công chúa Phật Kim, Thái hậu Dương Vân Nga, Đức Bà Từ Dũ, Bà Hai Ngó xây dựng chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu (1927)..vv.. là những hàng giáo phẩm Ni, những nữ tín đồ tiểu biểu mang lại sự an lạc tiến bộ cho nhơn thiên, cho hàng phụ nữ hôm nay và mai sau.
Ngoài ra, Phật Giáo Việt Nam còn có những bậc long tượng, giáo chủ, những bậc đại lão Hòa Thượng hành đạo độ Tăng và độ Ni, như : Tổ sư Phước Huệ (mở trường Phật học Diệu Đức, Huế), HT Thích Trí Tịnh (chùa Vạn Đức, Vạn Linh, Vạn Hạnh), HT Thích Thiện Hòa (Giáo Hội Tăng Già Nam Việt), Đức Giáo Tổ Minh Đăng Quang (sáng tổ Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam), HT Thích Huệ Thành (Tổ Đình Long Thiền), HT Thiện Phước-Nhựt Ý, dòng Lâm tế thứ 41 (biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai 1924-1986), HT Thích Quảng Đức (chùa Long Phước, Cai Lậy chùa Quán Thế Âm, Phú Nhuận… chính Bà của người viết là Trưởng Tử của Hòa Thượng), HT Thích Thanh Từ, sáng tổ Thiền Tông hậu thiền phái Trúc Lâm, HT Thích Minh Chánh (Chùa Giác Minh).
Thiền viện Thường Chiếu, Thiền viện Trúc Lâm, Quan Âm Tu Viện, Thiền Viện Phước Sơn đều có tổ chức cho chư Ni tu tại Viện. Sư Minh Đường (chùa Phước Huệ, Nam tông) có độ Ni, sau đó giới thiệu chư Ni đến cầu pháp hệ phái Khất sĩ để làm Tỳ Kheo Ni.
Ngày nay nhiều giáo đoàn Phật giáo các quốc gia Phật giáo ở Đông bán cầu truyền bá giáo lý Đức Phật sang Tây bán cầu, Châu Đại Dương trong đó cũng rất đông đảo chư Ni đi truyền giáo. Gần đây nhất vào năm 2006,2007 Ni Sư Như Nguyệt, biên soạn phát hành sách Hành Trạng Chư Ni Việt Nam.
Cho thấy quy chế “Bát kính pháp” là công hạnh của chư Ni, đã chẳng những không làm trở ngại cho sự phát triển của Ni giới mà còn kiến tạo thật nhiều giáo phẩm Ni tiếp tục kế thừa làm rạng ngời giáo pháp của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca trên hành tinh.
Viết mấy lời nầy để góp phần vào công cuộc diễn dương vi diệu pháp, phát huy chánh pháp, nếu có sơ xuất rất mong quý liệt vị thứ lỗi !
Nam mô Hoan Hỷ Tạng bồ Tát Ma Ha Tát
HT Thích Giác Quang