Thánh tháp “Huyền Diệu Quán Thế Âm”, là cơ sở tín ngưỡng danh lam thắng cảnh của những tín đồ Phật Tử tín ngưỡng Đức Bồ Tát Quan Âm, tọa lạc trong khuôn viên đại già lam Quan Âm Tu Viện, K2/77, đường Nguyễn Ai Quốc, Khu phố 3, Phường Bửu Hòa, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Âm Bồ Tát hay Quan Âm Bồ Tát cùng là danh hiệu của đại sĩ, một công hạnh vĩ đại của bậc Bồ tát đẳng giác. Là pháp thân đại sĩ, hình bóng của Đức Thế Tôn trải qua nhiều công hạnh độ đời lợi tha. Bồ tát Quan Âm thị hiện nhiều thân, như trong kinh Pháp hoa, phẫm Phổ môn Bồ Tát tùy theo nghiệp lực cơ cảm của chúng sanh mà phân thân ứng hiện .

Đức Phật có ba thân : Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân, trong đó thường thì thân tướng của Đức Bồ Tát Quan Âm được hiểu theo nghĩa Ứng hóa thân nhiều hơn…Ứng hóa thân nói đủ là ứng hóa sanh thân, thân ứng hóa là thân có thể tùy cơ cảm của chúng sanh mà thị hiện. Như Đức Phật muốn độ chúng hữu tình thì Ngài thị hiện vào thế giới chúng hữu tình, độ loài vô tình không hình bóng thì thị hiện vào loài vô tình không hình bóng để độ tha. Nơi đây Ngài thị hiện độ loài người; do đó Ngài thị hiện làm người có tình thương vô biên để tế khổ độ mê, đến đi tự tại vô ngại, có trí thức tuyệt vời, thức tĩnh con người quay về nẽo giác ngộ chấm dứt luân hồi .

Nhân lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm 19/02 âl, chúng tôi xin hướng về kính lễ và tôn vinh về hành trạng của Ngài.

Thị hiện trong cuộc đời, Đức Bồ Tát mang rất nhiều thân, không phải chỉ có thân tướng “Đức Bồ Tát Quan Âm” như trong các kinh đại thừa thường nói đến, nơi đây không có nói đến tướng nam tướng nữ nào cả. Tuy nhiên căn cứ vào công hạnh độ tha đó mà Bồ Tát cơ cảm hiện thân , như : “Phật Bà Quan Âm, “Phật Mẹ Quan Âm”, “Mẹ Hiền Quan Âm”, “Đức Mẹ Từ Bi” như hầu hết chúng sanh trong thế giới ta bà nói chung, các quốc gia Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore và các quốc gia Tây phương, mọi người trên hành tinh trái đất nói riêng đang tín ngưỡng phụng thờ…

Chúng ta có thể tìm hiểu vài nét về thân tướng thật của Bồ tát, thân ứng hiện cơ cảm và các thân khác… !

1/. Thân tướng thật của Bồ Tát : Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ thì thân của Bồ tát cao tám mươi muôn ức na do tha do tuần, da màu vàng tử kim. Trên đỉnh đầu có nhục kế, có vầng sáng tròn, mỗi phía rộng trăm nghìn do tuần, trong vầng sáng tròn xuất hiện 500 vị hóa Phật, mỗi vị hóa Phật tướng tốt như Phật Thích Ca Mâu Ni và có 500 vị Bồ tát hầu cận.

Toàn thân ánh sáng chiếu suốt 10 phương hình tướng của tất cả chúng sanh trong lục đạo đều hiện rõ bóng trong ánh sáng ấy. Trên đầu Bồ tát có thiên quan. Trong thiên quan có một vị hóa Phật cao 25 do tuần. Mặt Bồ tát sắc vàng diêm phù đàn. Lông trắng giữa đôi mày đủ bảy màu báu đẹp, chiếu tám muôn bốn ngàn thứ tia sáng xuyên suốt khắp 10 phương. Trong mỗi tia sáng có vô số vị Hóa Phật và vô số hóa Bồ tát.

Cánh tay của Bồ tát màu như hoa sen hồng, tám mươi ức tia sáng đẹp kết thành chuổi ngọc. Bàn tay năm trăm ức màu hoa sen hồng. Đầu ngón tay có tám muôn bốn nghìn lằn chỉ. Mỗi lằn chỉ có tám muôn bốn nghìm màu, mỗi màu có tám muôn bốn nghìn tia sáng. Tia sáng dịu dàng chiếu sáng khắp mười phương. Quán Thế Âm dùng tay báu tiếp dẫn chúng sanh về Cực lạc (Đường Về Cực Lạc của HT Thích Trí Tịnh biên soạn). Giúp chúng sanh ra khỏi mê lầm giải thoát tử sanh.

2/. Thân ứng hiện cơ cảm của Bồ tát : Chúng sanh trong thế giới ta bà luôn được đón nhận tấm lòng từ sâu rộng như biển cả, vô biên như trời xanh của Đức Phật. Lòng từ của Ngài đến với chúng sanh như tấm lòng bà mẹ thương con, lòng bi của Ngài luôn nghĩ suy đến chúng sanh như “mẹ hiền che chở cho con”…Lòng từ bi đó là hạnh nguyện của chư Phật, của Đức Phật Thích Ca qua biểu tượng “Phật Bà Quan Âm, “Phật Mẹ Quan Âm” mà mọi người có được duyên lành tín ngưỡng. (sách Linh ứng Quán Thế Âm, trang 8 của Thích Tịnh Từ, Tu viện Kim Sơn ấn hành)

Khi nói đến Đức Bồ Tát Quan Âm, thì mọi người theo Phật giáo hay không theo Phật giáo đều cảm niệm đấy là “Phật Bà Quan Âm”, “Phật Mẹ Quan Âm”, “Mẹ hiền Quan Âm”. Thánh tượng “Phật Bà Quan Âm”, cũng chính là biểu tượng được tôn trí thờ phượng tại các Chùa lớn trong cả nước cũng như tại Quan Âm Tu Viện – Biên Hòa.

3/. Thân hạnh nguyện : Dựa trên cơ sở 12 danh hiệu của Đức Bồ Tát Quan Âm (có trong kinh Nhựt Tụng dành cho Tăng Ni Phật tử tụng đọc hằng đêm) chúng ta thấy mỗi danh hiệu là một hạnh nguyện hải, hạnh nguyện nào cũng nói lên nguyện lực của Bồ Tát Quan Âm hướng về cứu khổ chúng sanh trong thế giới Ta Bà đang lâm khổ nạn. Đây cũng chính là hạnh nguyện cao cả của Phật qua thâm ý Bồ Tát Quan Âm phát nguyện vì khắp muôn loài mà thị hiện thuyết pháp .

Đức Bồ Tát Quan Âm còn có những thân tướng pháp thân đại sĩ khác, như : Phật mẫu chuẩn đề, Tiêu diện đại sĩ, Lục độ mẫu…nhất là biểu tượng thị hiện thân ngàn tay ngàn mắt, nói thần chú “Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại bi tâm Đà ra ni”, tức là chú Đại Bi (trích Kinh Quán Âm Đại Bi Tâm Đà ra ni). Trong 84 câu thần chú đại bi, mỗi câu là một biểu tượng dáng vẽ hiền từ, trang nghiêm nhưng đầy uy lực và dũng mãnh dùng làm phương tiện cứu khổ độ sanh :”không muốn thấy chúng sanh đau khổ, muốn thấy chúng sanh đều được giải thoát.

Trong kinh quán Vô Lượng Thọ, kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ môn, Đức Phật có nói đến hạnh nguyện của của Bồ Tát Quan Âm :

“Quan Âm vị Cổ Phật

Chánh Pháp Minh Như Lai

Hạnh nguyện sâu rộng lớn

Cứu độ khắp muôn loài

Nghe tiếng kêu liền đến

Lợi ích chúng hằng sa

Nếu ai thương xưng niệm

Cảm ứng bất tư nghì”

(sách Linh ứng Quán Thế Âm, trang 7 của Thích Tịnh

Từ, Tu viện Kim Sơn ấn hành)

Với bài kệ trên chúng ta thấy rằng Đức Bồ Tát Quan Âm là vị Phật cổ có đức hiệu là Chánh Pháp Minh.

Chúng ta còn có thể hiểu thêm một danh hiệu khác của Đức Bồ Tát Quan Âm là “Quán Tự Tại Bồ Tát” trong kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, nên nói :” Quá khứ Chánh Pháp Minh, hiện tiền Quán Tự Tại” là vậy.

Thật vậy, vì Ngài có đủ trí tuệ thần thông diệu dụng, soi thấy ngũ uẩn ngũ ấm chúng sanh đều giai không nên rất tự tại mà thị hiện vào chín cõi chúng sanh, như vào chổ “không” để có đủ cơ duyên cứu vớt mọi loài.

Quan Âm Tu Viện thuộc môn phái “Tịnh Độ Non Bồng” nơi tôn trí Thánh tượng Bồ Tát Quan Âm trong điện tháp “Huyền Diệu Quan Thế Âm”, tôn trí điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn làm nền tảng trợ duyên cho môn phong truyền bá chánh pháp.

Tháp “Huyền Diệu Quan Thế Âm” là biểu tượng của Quan Âm Tu Viện, cũng là nơi hoằng truyền giáo pháp Đức Phật qua các hạnh nguyện, hạnh lành của Bồ tát Quan Âm. Tháp cao 12 mét, thánh tượng cao 7 mét, do Điêu khắc gia Minh Dung, nhà điêu khắc nổi tiếng ở Cầu Chữ Y, Tp.Hồ Chí Minh thực hiện. Bửu tháp còn tạo cho phong thủy môi trường sông núi Trấn Biên thêm trong lành xanh mát, là thắng cảnh bên dòng Đại giang, nơi vùng ngoại ô Thành phố Biên Hòa. Tháp được xây dựng vào ngày 19/02 âl năm 1970 đến tháng 06 âl năm 1971 thì hoàn thành đến nay đã tròn 39 năm. Ngày 19/06 năm 1971 Đức tôn sư tổ chức lễ khánh thành Tháp tượng, có khoãng 20.000 Phật tử tham dự.

Các ngày lễ vía Đức Bồ Tát Quan Âm, gồm : ngày 19/02 âl, 19/06 âl và 19/09 âl. Người Phật Tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước trong những ngày nầy đều dâng hương đăng hoa trái đến cúng dường Đức Bồ Tát.

Vấn đề tín ngưỡng Bồ tát Quan Âm của tín đồ Phật tử, của nhiều người ở ngoài đạo, không theo Phật vẫn tín ngưỡng Đức Bồ Tát Quan Âm rất mãnh liệt có cảm ứng, niềm tin “Phật Bà Quan Âm”, “Đức Mẹ hiền Quan Âm” có hiệu quả. Đấy là sự tín ngưỡng của mọi người thắm đượm một niềm tin cao thượng.

Chúng tôi thì tin như vậy ! Xin gởi “trọn một niềm tin”, dù Đức Bồ Tát Quan Âm hiện thân nam hay thân nữ, hay bất cứ thân nào khác ! Xin trích bài kệ của Tổ Sư :

“Nếu người trồng căn lành,

Nghi thì hoa không nở.

Người tín tâm thanh tịnh,

Thời hoa nở thấy Phật”.

(Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa, của Tổ sư Long Thọ)

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Niềm Tin Quán Thế Âm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com