Mục Lục

Vào thế kỷ thứ tư sau Công nguyên, ở lưu vực sông Hoàng Thuỷ của thượng du sông Liêu (ngày nay là sông Tây Thích Mục Luân của vùng Nội Mông) ra đời một dân tộc thiểu số tên là Khiết Đan. Hồi đó họ sống lang thang du mục trên sông và trên đất, họ sinh sống bằng chăn nuôi và đánh bắt cá. Thời Đường Thái Tông, dân tộc Khiết Đan nhập vào nhà Đường, chính quyền Trung Ương nhà Đường đã thiết lập Tùng Mạc Đô Đốc Phủ ở trên đất của nhà Liêu, đồng thời ban cho thủ lĩnh của họ (một người họ Lý) đảm nhận chức Đô Đốc. 

Bắt đầu thời Võ Tắc Thiên, dân tộc Khiết Đan dần dần lớn mạnh nhưng vẫn bị vùng Đột Quyết khống chế và gây áp lực, do đó trong những năm cuối đời Đường, họ phát triển chưa mạnh lắm. Cuối đời Đường, khi mà vùng Trung Nguyên bắt đầu bị chiến tranh loạn lạc thì dân tộc Khiết Đan nhân cơ hội này vùng dậy, trở thành một thế lực rất hùng mạnh ở vùng đất hoang vu phía Bắc (vùng Nội Mông). Năm 916, thủ lĩnh của người Khiết Đa tên là Gia Luật A Bảo Cơ tự xưng là Hoàng Đế, lập một quốc gia độc lập lấy tên là Khiết Đan (quốc hiệu Khiết Đan này đã thay đổi luôn luôn: năm 947 sau Công nguyên đổi thành Liêu, đến năm 983 lại đổi thành Khiết Đan, đến năm 1066 lại phục hồi thành Liêu. 

Từ đấy trở đi, các sách đều gọi là Liêu). Vua lấy niên hiệu là Kiến Nguyên Thần Sách. Hai năm sau lại định đô ở Phủ Lâm Hoàng (ngày nay là vùng ngoại ô của Ba Lâm Tả Kỳ vùng Nội Mông), gọi là Thượng Kinh. Sau khi lập nên nước Liêu, họ không ngừng tiêu diệt các thế lực ở phương bắc, dần dần họ trở thành một lực lượng đối kháng với Vương Triều ở Trung Nguyên. Năm 937, nhà Liêu giành được 16 châu ở Yến Vân của nhà Hậu Tấn, do đó thế lực của họ ngày càng mạnh hơn. Sau khi Vương triều Bắc Tống được thành lập, nhà Liêu đã trở thành mọt trong những Vương Triều ở phương bắc đối kháng trực tiếp với nhà Bắc Tống. Chính quyền nhà Liêu do dân tộc Khiết Đan lập lên thì đến năm 1125 bị người Kim tiêu diệt. Chính quyền đó có 9 đời Hoàng Đế, kéo dài 210 năm.

Dân Khiết Đan vốn không có tín ngưỡng thờ Phật. Cuối thời Đường, Liên Thái Tổ Gia Luật A Bảo Cơ trong quá trình thống nhất các bộ tộc Khiết Đan và thiết lập chính quyền thì ông cũng có ý muốn tiếp thu nền văn hoá của Trung Nguyên chiêu mộ các nhân sỹ người dân tộc Hán. Năm thứ hai của Thiên Hiển (năm 927 sau Công nguyên), Liêu Thái Tổ tấn công vùng Bột Hải của dân tộc Nữ Chân vốn thờ Phật, đưa vị tăng tên là Sùng Văn cùng 50 người ở vùng đó lên sống ở phủ Lâm Hoàng của Thượng Kinh. Sau đó cho xây chùa Thiên Hùng để mời các vị về ở, tạo điều kiện cho các vị hoằng dương Phật pháp. 

Từ đó trở đi, từ các vị trong Hoàng tộc đến Đế Vương của nhà Liêu thường xuyên đến ngôi chùa này lễ bái Phật, đồng thời họ còn tổ chức các nghi lễ Phật giáo như cầu nguyện, truy tiến (còn gọi là truy phúc, tức là cúng tiền cho người đã chết), làm cơm chay khoản đãi các vị tăng. Từ đó Phật giáo dần dần được lưu hành ở trong Hoàng Thất (Hoàng tộc) và các vị quý tộc của Triều Đình. Năm đầu tiêu của Hội Đồng đời Liêu Thái Tông (Gia Luật Đức Quang), tức năm 937 sau Công nguyên, nhà Liêu thu được 16 châu của Yến Vân nhà Hậu Tấn. Ở vùng đất này thì Phật giáo tương đối thịnh hành, điều này đã thúc đẩy cho Phật giáo đời nhà Liêu được phát triển mạnh hơn. 

Mối quan hệ giữa Phật giáo và các Đế Vương nhà Liêu ngày càng thân mật, họ cũng giống các Đế Vương vùng Trung Nguyên là bắt đầu che chở, bảo vệ Phật giáo để lợi dụng Phật giáo. Trong số 9 vị Đế Vương của nhà Liêu, thì có 3 vị là Thánh Tông Gia Luật Long Tự, Hưng Tông Gia Luật Tông Châu và Đạo Tông Gia Luật Hồng Cơ là có mối quan hệ thân mật với Phật giáo. Trong ba triều đại này, (từ năm 983 - 1100), Phật giáo đời nhà Liêu rất hưng thịnh.

Trong thời gian Liêu Thánh Tông tại vị (từ năm 983 - 1030), ông đã từng cho xây thêm hàng loạt các chùa thờ Phật đồng thời đem một số lượng lớn đất đai và dân lao động thí xả cho các tự viện Phật giáo. Dưới sự đề xướng do ông ta đứng đầu, rất nhiều vị quyền quý, công thần, nhà giàu cũng đem trang trại và dân lao động của mình thí xả cho tự viện Phật giáo. Điều này đã khiến cho thế lực của kinh tế tự viện trong đất nhà Liêu tăng rất mạnh.

 Những người dân được đem thí xả cho nhà chùa là những người đã đem một nửa số thuế theo quy định của nhà nước phong kiến nộp cho các lãnh chúa phong kiến, sau khi đem họ thí xả cho các tự viện Phật giáo, họ sẽ đem một nửa số thuế còn lại nộp cho tự viện. Điều này đã giúp chi các tự viện Phật giáo mặc dù mùa màng thất bát nhưng vẫn có một khoản thu nhập nhất định. Liêu Thánh Tông coi đó là chế định và ông gọi những người dân này là "Nhị thuế tự viện". Mục đích của việc thi hành chế độ này là giúp cho các tự viện Phật giáo có một khoản thu nhập cố định, lấy đó làm cơ sở cần thiết thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo đời nhà Liêu. 

Con gái thứ của Liêu Thánh Tông là công chúa Tần Việt Đại Trường thấy Phụ Vương làm như vậy cũng cho xây dựng thêm nhiều chùa thờ Phật, đồng thời cô cũng thí xả ruộng đất và các người dân cho các tự viện. Cô đã thí xả tư dinh của mình ở Nam Kinh (cũng còn được gọi là Yến Kinh, ngày nay là Bắc Kinh) để xây thành chùa Đại Hạo Thiên, đồng thời cô cũng thí xả cho ngôi chùa này 100 khoảnh ruộng (mỗi khoảnh là 15 mẫu, mỗi mẫu là 40.000m2) và 100 người lao động. Cô công chúa này còn làm theo cha mẹ, tức là cô thí xả cho tự viện Phật giáo 13 vạn quan tiền (mỗi quan là 1000 xu bằng đồng). Hồi đó có một bà quả phụ giầu có, trong trào lưu thí xả cho tự viện Phật giáo đang diễn ra rầm rộ, bà không chịu thua kém mọi người, một lần bà cũng thí xả cho chùa Tịnh An ở Trung Kinh (còn được gọi là phủ Đại Định, ngay nay là thành phố Đại Danh trong vùng Nội Mông) 3000 khoảnh ruộng, 1 vạn thạch gạo (mỗi thạch là 100kg), 2000 quan tiền, 50 người dân lao động, 50 con trâu, 40 con ngựa, có thể nói bà là một người vô cùng hào phóng. 

Trong trào lưu thí xả diễn ra rầm rộ và rộng khắp như vậy, nền kinh tế tự viện Phật giáo ở đời Liêu được phát đạt cực độ. Điều này đã khiến cho Phật giáo đời liêu càng thêm sức hấp dẫn. Do có sự nâng đỡ và che chở Phật giáo như vậy nên vào thời Liêu Tháng Tông, Phật giáo phát triển rộng khắp. Để cho sự phát triển của Phật giáo thích ứng với yêu cầu thống trị của nhà nước phong kiến, Liêu Thánh Tông đành phải tiến hành chỉnh đốn Phật giáo. ông đã từng ban chiếu cấm chỉ việc lén lút độ tăng ni, đồng thời cũng cấm chỉ chuyện lúc đó cũng rất thịnh hành là đốt ngón tay cúng Phật. Trên một ý nghĩa nhất định, điều này đã làm cho sự phát triển của Phật giáo ở đời Liêu đi theo một quỹ đạo đúng đắn.

Liêu Thánh Tông cũng rất chú ý xây dựng nền văn hoá Phật giáo. Chùa Vân Cư nổi tiếng ở Phòng Sơn, Bắc Kinh có một bản kinh khắc trên đá. Bản kinh này đang khắc dở vào cuối đời Đường thì bị ngừng lại vì chiến tranh loạn lạc. Vào thời Liêu, trải qua mấy lần chiến tranh loạn lạc, chùa Vân Cư cũng bị tàn phá. Sau khi Liêu Tháng Tông lên ngôi, ông liền ban chiếu chỉ trùng tu chùa Vân Cư. Trong quá trình trùng tu chùa, một vị quan viên của nhà Liêu ở Nam Kinh tên là Hàn Thiệu Phương đã cho mở hang đá bên trong là kinh khắc trên đá, sau đó kiểm tra đối chiếu kinh khắc trên đá rồi cho báo cáo lên Liêu Thánh Tông. Liêu Thánh Tông liền ra sắc lệnh cho tăng sỹ tên là Khả Huyền tổ chức người tiếp tục khắc kinh trên đá. Bản chưa khắc xong thì khắc tiếp và khắc tiếp bản khắc mới. Sau này ở hai Triều đại là Hưng Tông và Đạo Tông đã cho khắc tiếp được hơn 600 bản kinh trên đá, cộng với những bản có từ trước tất cả là 2730 bản. Việc này đã bảo tồn được văn hoá Phật giáo vô cùng phong phú.

Sau khi Liêu Thánh Tông qua đời, Liêu Hưng Tông lên ngôi. Liêu Hưng Tông cũng rất coi trọng Phật giáo. Ông thường xuyên đến thăm viếng các vị cao tăng, đề xướng Phật giáo, thúc đẩy sự hình thành một trào lưu rất rầm rọ về Phật học ở đời Liêu. Một vị tăng ở chùa Hải Vân trên đảo Giác Hoa (ngày nay là đảo Cúc Hoa, Hưng Thành tỉnh Liêu Ninh) tên là Hải Sơn Đại Sư, hồi ở thế tục ngài họ Lương tên là Tư Hiếu. Ông đậu đến tiến sỹ từ rất sớm, đã từng làm một vị quan nhỏ ở quận và ở huyện. Sau đó ông chán ghét trần tục, xuất gia thành tăng sỹ. 

Vì hạnh nghiệp của ông rất siêu tuyệt nên ông đã nổi tiếng thiên hạ. Các Hoàng Thân quý tộc của nhà Liêu coi ông là thầy. Sau khi Liêu Hưng Tông nghe tên vị tăng, ông liền cho ban chiếu mời vị tăng đó đến kinh sư, ban cho danh hiệu là Sùng Lộc Đại Phu Thủ Ty Không Phù Quốc Đại Sư. Hàng ngày khi rỗi rãi việc triều chính, Liêu Hưng Tông thường cùng với hoà thượng Hải Sư ngồi đàm đạo, hai người còn dùng cả thơ văn để xướng hoạ. Tình cảm giữa hai người rất sâu đậm. Trong các bức thư mà hoà thượng Hải Sơn gửi cho Liêu Hưng Tông, ông đều xưng là học huynh và học đệ chứ không hề xưng là bề tôi. Trong khi qua lại thăm viếng với các vị cao tăng, Liêu Hưng Tông đã được Phật giáo học cảm hoá. Về sau ông quy y thọ giới, tự xưng mình là một đệ tử của Phật. 

Hồi đó còn có một vị cao tăng nữa tên là Giác Uyển, là một người chăm chỉ dùi mài kinh sách, tinh thông về Mật Tông. Ông viết rất nhiều sách, được Liêu Hưng Tông phong là Yến Kinh Viên Phúc Tự Sùng Lộc Đại Phu Kiểm Hiệu Thái Bảo Hành Sùng Lộc Khanh Tổng Bí Đại Sư. Với hàm tước như trên thì ngoài nhiệm vụ là "Tổng Bí Đại Sư" (tương đương chức Tổng Thư Ký của Giáo Hội Phật Giáo bây giờ) ra, ông còn là người có tước vị Tam Công Tam Ti Kiêm Chính Sự trong triều đình. Điều này chứng tỏ rằng, Liêu Hưng Tông rất quý trọng các vị cao tăng, rất ưu tiên các Sư môn (sư), cử các vị vào những chức vụ cao để đề cao địa vị của Phật giáo trong xã hội. Theo ghi chép trong sách sử có liên quan, trong thời kỳ Liêu Hưng Tông tại vị (từ năm 1031 đến 1054 sau Công nguyên), ông đã tấn phong cho hơn 20 vị tăng vào chức "Tam Công Tam Ty Kiêm Chính Sự".

Từ trước đó, vào năm đầu tiên của Thái Bình Liêu Thánh Tông (năm 1022) nhà Liêu đã xin được bản in của "Khai Bảo Tạng" khắc từ đời Tống. Liêu Thái Tông sau khi có được bản kinh của Phật Tạng này, ông quyết định tổ chức in ấn Kinh Đại Tạng của Phật giáo vào thời mình. Mục đích căn bản của hành động này là gây ý nghĩa chính trị cạnh tranh với bản in từ đời Tống. Vào những năm Trùng Hy của Liêu Hưng Tông (từ năm 1032 - 1054 sau Công nguyên) nhà Liêu bắt đầu tổ chức khắc bản in kinh Đại Tạng, trải qua gần 30 năm, đến năm 1062 mới hoàn thành. Tất cả đóng vào 579 hộp, nội dung của các bản kinh đó có bổ xung hết những điều còn thiếu sót trong bản chép tay vào đời Tống, đồng thời đổi kiểu chữ Quyển thành kiểu chữ Triệt. Bản kinh Đại Tạng của Phật giáo này được gọi là "Khiết Đan Tạng". Bản in này tuy chưa được truyền xuống phía Nam, nhưng cũng đã được mang đến tận Cao Ly (ngày nay là Triều Tiên). Nó đã cấp một tài liệu tham khảo cho việc khắc và in kinh Đại Tạng ở Cao Ly.

Năm 1055 sau Công nguyên, Liêu Đạo Tông gia Luật Hồng Cơ lên ngôi. Theo ghi chép trong sách sử có liên quan thì Gia Luật Hồng Cơ là người thông hiểu giáo lý Hoa Nghiêm tông của Phật giáo, còn học thuyết của các tông phái khác trong Phật giáo cũng biết đôi chút. Do trong thời gian 45 năm ở ngôi của mình ông đã hoằng dương thêm các tông phái của Phật giáo được hình thành từ đời Tuỳ Đường nên các tông phái Phật giáo trên đất Liêu ngày càng thịnh hành, thịnh hành hơn cả ở vùng Trung Nguyên cùng thời đại.

Hồi đó có một vị hoà thượng tên là Pháp Ngộ, ông đã từng viết một bài văn ca tán Liêu Đạo Tông như sau: "bệ hạ truyền bá Hoa Nghiêm tông của nhà Phật, đó là kho sách báu các Vua truyền cho nhau; mỗi bước đi đều giữ được chánh pháp, ngăn ngừa tà đạo. Ngồi trên ngự tạo nói những điều vi diệu, rửa sạch mọi dị đoan. Xin hết lời nói rõ cái tận cùng vi diệu của tông phái, các vị thần dặn rằng ngừng ngay việc chinh chiến". Trong lời lẽ rất kính trọng như vậy, ông ta đã chỉ rõ Liêu Đạo Tông am hiểu về Hoa Nghiêm Tông trong Phật học. Đồng thời, Liêu Đạo Tông đã đích thân viết ra những bài ca tán Hoa Nghiêm Tông của Phật giáo. Trên thực tế thì Liêu Đạo Tông quả thực cũng là người nghiên cứu sâu sắc về Hoa Nghiêm học, bản thân ông cũng đã từng viết các bài luận như: "Hoa Nghiêm Tuỳ Phẩm Tán", "Hoa Nghiêm Kinh Tán", "Hoa Nghiêm Kinh Ngũ Tụng". 

Thời đó những luận văn này rất có ảnh hưởng. Lúc bấy giờ có một vị tăng theo phái Hoa Nghiêm tên là Tiêu Diễn vốn quê ở Hoà Châu, ở thế tục họ Lý, ngay từ nhỏ vị tăng này đã được cha mẹ giáo dục bằng nho học và đã được tiếp thu Phật học về sau xuất gia thành tăng sỹ, ở chùa Khai Long của Thượng Kinh theo học Hoa Nghiêm. Sau khi học xong, ông liền đi chu du khắp thiên hạ, trở thành người nổi tiếng. Ông được mời làm giảng chính trong chùa Trúc Lâm ở Yến Kinh. Khi Liêu Đạo Tông đến Yến Kinh, có người đã tiến cử ông với Liêu Đạo Tông. Liêu Đạo Tông rất mê tài hoa của tăng Tiêu Diễn, ban chức quan và đặt cho tăng Tiêu Diễn hiệu là Từ Huệ Đức, đồng thời đổi nhiệm vụ của ông từ chùa Đại Khai Long đến giảng chính ở Phủ Hoàng Long (ngày nay là Nông An của Cát Lâm). Như thường lệ, cứ vào mùa đông và mùa hạ là Liêu Đạo Tông lại đích thân ban chiếu mời tăng Tiêu Diễn về kinh sư để cùng vua bàn về sự huyền diệu của Phật pháp, tìm hiểu ý nghĩa sâu xa, vi tế của một số từ trong sách Phật. Tăng Tiêu Diễn vốn là người rất giỏi về trình bày và diễn thuyết, lại chịu khó lắng nghe, điều này càng khiến cho Liêu Đạo Tông mê hơn. Không bao lâu sau, Liêu Đạo Tông liền đặc cách phong ông là "Viên Thông Ngộ lý Pháp Sư", về sau lại đổi thành "Sùng Lộc Đại Phu Kiêm Hiệu Thái Bảo", đứng ở hang Tam Công (3 người đứng sau Vua trong buổi lên Triều). 

Ngoài ra, hồi đó còn có một vị tăng tên là Chí Thực, ông là một người giỏi Hoa Nghiêm học, ông cũng đã từng viết cuốn "Hoa Nghiêm Kinh Tuỳ Phẩm Tán Khoa", quyển này là tài liệu để viết cuốn "Hoa Nghiêm Tuỳ Phẩm Tán" cho Liêu Đạo Tông, quyển này được đích thân Liêu Đạo Tông đón nhận. Hồi đó còn có một vị tăng giỏi Hoa Nghiêm học tên là Đạo Bức, là một sa môn ở phủ Hưng Trung và chùa Hoa Nghiêm, Long Sơn. Vì ông nghiên cứu rất sâu về Hoa Nghiêm học nên ông cũng được Liêu Đạo Tông ban danh hiệu "Sùng Lộc Đại Phu Thủ Ty Không Ngộ Lập Thông viên Đại Sư", cũng được đứng vào hàng Tam Công. Do có sự đề xướng và che chở, nâng đỡ của Liêu Đạo Tông mà Hoa Nghiêm Tông sau mấy lần bị tàn lụi, không ai học ở vùng Trung Nguyên thì nay dần dần thịnh trên đất nhà Liêu. Trên một ý nghĩa nhất định có thể nói rằng, điều này có tác dụng văn hoá kế tục điều đã mất. Phái Mật Tông của Phật giáo Trung Quốc được hình thành và những năm Khai Nguyên của nhà Đường. 

Tông phái này rất chú trọng phương thức tu hành, cho rằng chúng sinh nếu như theo pháp môn này mà tu gia trì (giữ gìn) tam mật tức là: một tay kết ấn khế (một kiểu để tư thế tay nào đó); hai là: miệng tụng chân ngôn (có 6 từ chân ngôn gồm: a, ma, ba, ni, mễ, hống); ba là tâm quán Phật tôn (quán tưởng đến một vị Phật nào đó) - thì có thể khiến cho 3 nghiệp của mình gồm thân, miệng, ý, được thanh tịnh. Thân, miệng, ý của người đó tương ứng với thân, miệng, ý của Phật tôn, như vậy người đó đã thành Phật. Mật pháp của tông này rất huyền bí, không cần phải nhận sự truyền thụ của Giới Sư, do đó sau khi nó hình thành vào thời Đường thì nó chỉ được truyền lại cho vài đời, sau đó có chuyện Vũ Tông phế Phật giáo và chiến tranh loạn lạc thời Ngũ Đại, nó đã suy yếu dần và diệt vong trên đất Trung Nguyên. 

Nhưng vào thời Liêu lại rất thịnh hành Mật Tông, trong dân gian lại càng thịnh hành hơn. Sở dĩ được như vậy là vì Mật Tông luôn luôn được sự đề xướng của Liêu Đạo Tông. Như trên đã nói, Liêu Hưng Tông vô vùng quý trọng hoà thượng Giác Uyển, mà vị hoà thượng này chính là một vị đại sư của Mật Tông. Khi Liêu Đạo Tông lên ngôi thì hoà thượng Giác Uyển lại càng được Liêu Đạo Tông tôn trọng. Liêu Đạo Tông luôn nhắc nhở hoà thượng Giác Uyển biên soạn cuốn "Đại Khoa" và "Diễn Mật Sao" để giải thích và phát triển rộng giáo nghĩa Mật Tông. 

Hồi đó cũng còn có một sa môn tên là Đạo Trấn ở chùa Kim Hà núi Ngũ Đài, ông tự là Pháp Tràng, ở thế tục ông họ Đỗ, quê ở Vân Trung, từ nhỏ ông đã nghiên cứu Phật học và kinh của Nho học. Ông thông hiểu về nội học và ngoại học, chuyên hoằng dương Mật giáo, ông đã viết rất nhiều sách, từng được Liêu Đạo Tông phong là Đại Sư. Ông được khắp nơi tạo điều kiện thuận lợi để viết sát. Về sau ông Đạo Trấn viết bộ "Hiển Mật Viên Thông Thành Phật Tâm Yếu Tập" gồm 2 quyển và một quyển phụ lục tên là "Cúng Phật Lợi Sinh Nghi". Hai quyển này chuyên bàn về tâm yếu tu trì theo Hiển tông và Mật tông của Phật giáo (ngoài Mật tông ra thì Phật giáo vẫn quen gọi các tông phái khác là Hiển tông) và các vấn đề như làm thế nào để hiểu rõ Mật giáo và Hiển giáo. Hồi đó hai quyển sách này đã từng gây ảnh hưởng to lớn trong giới Phật giáo.

Vào năm đầu của Thanh Ninh Liêu Đạo Tông (năm 1055), Liêu Đạo Tông đã phong thêm cho vị Bồ Tát Giới Sư chủ sám hối chùa Phụng Phúc ở Yến Kinh tên là hoà thượng Phi Trọc chức "Sùng Lộc Đại Phu Kiểm Hiệu Thái Bảo", vào năm sau lại tấn phong ông là "Kiểm Hiệu Thái Phụ Thái Uý", ban hiệu là "Thuần Huệ Đại Phu". Hoà thượng Phi Trọc tự là Chân Chiếu, ở thế tục ngài họ Trương, là một vị đại sư nổi tiếng trên đất Liêu và hoằng dương Tịnh Độ tông của Phật giáo. Tịnh Độ tông được sáng lập bởi ngài Thiện Đạo vào đầu thời Đường. Tông phái này dựa vào các quyển kinh như "Kinh A Di Đà", "Kinh Vô Lương Thọ", "Kinh Vãng Sinh". Tông phái này cho rằng, thế giới hiện tại mà con người đang sống là một thế giới trần tục ô uế, trong khi đó thế giới ở bên kia - nơi có các vị Phật đang cư ngụ, là một thế giới cực lạc, là một nơi mà con người đang mong được sống ở đó. 

Cách tu hành theo tông phái này rất dễ, không cần phải thông hiểu kinh Phật, cũng không cần phải tĩnh toạ chuyên tu mà chỉ cần có tín nguyện là đủ rồi. Chỉ cần luôn niệm "A Di Đà Phật" không gián đoạn thì có thể được vãng sinh về thế giới Cực Lạc của Tịnh Độ Tây Phương. Sau khi tông phái này ra đời, do nó rất dễ thực hành nên nó được lưu hành rộng rãi trong nhân dân. Tông phái này cũng được các nhân sỹ cùng với các tín đồ trong Hoàng tộc nước Liêu nhiệt liệt chào đón. Do có tình hình như vậy, nên ở nước Liêu, phái Tịnh Độ tông không hề bị suy thoái. 

Vào năm thứ 6 của Thanh Ninh (năm 1060), Liêu Đạo Tông đến Yến Kinh, thọ giới Bồ Tát giới từ vị chủ sám hối của Yến Kinh, tự nguyên quy y theo đạo Tịnh Độ tông của Phật giáo. Trong quá trình quan hệ với Liêu Đạo Tông, hoà thượng Phi Trọc luôn luôn mang quyển sách do mình viết có liên quan đến Tịnh Độ tông trình lên Liêu Đạo Tông đọc. Sau khi xem quyển sách về Tịnh Độ tông do ngài Phi Trọc viết, Liêu Đạo Tông còn phát triển thêm, đích thân ông tiến hành hiệu đính và thêm bớt, chế tác thêm lời trích dẫn cho quyển sách đó, đồng thời hạ lệnh đưa toàn bộ quyển sách này vào trong "Kinh Đại Tạng" của Phật giáo. Sau này, những quyển sách về Tịnh Độ tông đó của ngài Phi Trọc từ Cao Ly (ngày nay là Triều Tiên) truyền sang Nhật Bản, nó đã từng gây ảnh hưởng tương đối lớn trong giới Phật học Triều đại An Bình bên Nhật Bản.

Luật tông của Phật giáo Trung Quốc hình thành vào thời kỳ Tuỳ Đường. Người sáng lập ra Tịnh Độ tông trên thực tế là hoà thượng Đạo Tuyên sống ở đầu thời Đường. Cái gọi là "Luật" chính là những giới luật mà các tín đồ Phật giáo phải tuân thủ. Luật tông của Phật giáo Trung Quốc là một tông phái hình thành để chủ yếu giúp cho giới luật của Phật giáo thích nghi với tình hình Trung Quốc. Vào thời Liêu, tông phái này có một vị cao tăng luật học nổi tiếng tên là Trừng Uyên. Thời Liêu Đạo Tông trị vì, vị cao tăng này trụ trì chùa Phụng Phúc, Yến Kinh. Ông đã nhiều lần được Liêu Đạo Tông mời vào Triều để tiếp kiến, giảng giải về luật học của Phật giáo cho Đạo Tông nghe, do đó ông được Liêu Đạo Tông vô cùng quý trọng.

 Ngoài ra còn có các vị cao tăng trong Luật học của Phật giáo như Thủ Đạo, Trí Viễn. Các vị này đã nhiều lần được Liêu Đạo Tông mời vào trong Nội Cung để chủ trì giới đàn. Có một vị Đại hoà thượng ở núi Yên Ngựa truyền giới Bồ Tát tên là Pháp Quân vào năm Thanh Ninh thứ bảy (1061) cũng được Liêu Đạo Tông ban chiếu yêu cầu hiệu đính các quyển sách luật, đồng thời giao cho ông trụ trì Luận Trường (nơi diễn ra các cuộc thảo luận) ở chùa Tam Học, Yến Kinh. Một năm sau, ông được Liêu Đạo Tông ban áo tím (tức là được làm quan) cùng đức hiệu là Nghiêm Huệ. Việc Liêu Đạo Tông cung kính các vị cao tăng Luật học của Phật giáo đã thúc đẩy sự phát triển của Luật tông trong Phật học đời nhà Liêu.

Trong lịch sử của Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo đời Liêu do có sự nâng đỡ và đề xướng của các vị Đế Vương nên có địa vị lịch sử rất đặc biệt. Đầu tiên là các tông phái Phật giáo được hình thành vào thời kỳ Tuỳ Đường thì trên đất nhà Liêu chúng được tiếp tục phát triển, quy mô và mức độ hưng thịnh của chúng vượt xa các tông phái Phật giáo ở vùng Trung nguyên trong thời kỳ này. Đây là một đặc điểm quan trọng nhất của Phật giáo đời nhà Liêu. Thứ hai là các Đế Vương nhà Liêu rất chú trọng trong xây dựng nền văn hoá Phật giáo, cho tiến hành khắc bản in và in ấn kinh Đại Tạng của Khiết Đan và tiếp tục tổ chức khắc kinh trên đá ở chùa Vân Cư, thuộc Phòng Sơn, Yến Kinh. 

Những việc như thế một mặt đã bảo tồn được di sản lịch sử - văn hoá của Phật giáo, mặt khác thì nội dung của việc xây dựng nền văn hoá Phật giáo này cũng có ảnh hưởng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Phật giáo của Nhật Bản và Cao Ly (ngày nay là Triều Tiên). Bản "Khiết Đan Tạng" không thấy nữa, nhưng hiện nay ở Cao Ly còn một bản "Cao Ly Tạng" ta có thể thấy toàn cảnh của "Khiết Đan Tạng". Ngoài ra, việc Liêu Đạo Tông hoằng dương các tông phái Phật giáo và việc hồi đó rất nhiều vị cao tăng biên soạn sách về đề tài Phật giáo cũng đã phản ánh rõ nét tình hình hoạt động của các tông phái Phật giáo lúc bấy giờ. 

Các quyển sách đó phần nhiều đã được đưa vào "Cao Ly Tạng". Chúng đều là những nội dung rất quan trọng không thể thiếu được trong hệ thống văn hoá Phật giáo ở phương đông. Từ đó có thể thấy rằng, dưới sự che chở và đề xướng của các Đế Vương nhà Liêu ở vùng Trung Nguyên, Phật giáo nhà Liêu đã có một tác dụng không thể thay thế được trong các mặt như giao lưu văn hoá Phật giáo thời cổ đại giữa Trung Quốc với nước ngoài và việc bảo tồn sử liệu Phật giáo vô cùng quý giá.

Liêu Đạo Tông đã giành rất nhiều tâm huyết vào sự nghiệp hoằng dương của tông phái Phật giáo. Nhưng là một Đế Vương của nhà nước phong kiến thì việc ông nâng đỡ, che chở và đề xướng Phật giáo chỉ là tình cảm theo kiểu chủ nghĩa tín ngưỡng. Ông thờ Phật và cũng giống như Liêu Thánh Tông, ông cũng đã từng thí xả rất nhiều cho các chùa chiền Phật giáo. Theo ghi chép trong sử sách có liên quan thì trong một năm, Liêu Đạo Tông đã từng làm cơm chay khoản đãi 36 vạn tăng. Trong vòng một ngày ông đã từng làm lễ thế độ (xuống tóc) cho 3000 tăng ở các chùa. Từ đó ta có thể thấy rõ mức độ sùng tín của ông ta với Phật giáo, Nhưng ông vẫn có một niềm đam mê đặc biệt của riêng mình là, ông rất thích xây các tháp thờ Phật cho các tự viên Phật giáo. 

Vào năm Hàm Ung thứ 7 (1071) Liên Đạo Tông đã từng ban chiếu xây dựng một tháp thờ Phật ở Tây Sơn, Yến Kinh trên đó vẽ 1000 vị Phật rồi cho đặt xá lợi răng Phật vào trong đó. Ứng tỉnh Sơn Tây hiện nay cũng là do Liêu Đạo Tông ban sắc lệnh xây dựng. Ngôi tháp này phân làm 5 tầng, tầng đỉnh có 4 tầng, tháp hình lục giác, ở mỗi tầng đều có mái hiên uốn cong, 6 mái hiên nối liền với nhau. Từ dưới đất lên đến đỉnh cao hơn 20 trượng (1 trượng = 3,3m), thân tháp bằng gỗ, tạo hình đẹp lộng lẫy. Nó trong như lầu các (1), nó là ngôi tháp duy nhất xây vào thời Liêu còn tồn tại đến bây giờ. Ngôi tháp này sau khi được xây dựng, trải qua hơn 900 năm chịu gió mưa, sớm chớp, giông bão, nhưng nó vẫn đứng sừng sững không hề nghiêng ngả, thật xứng đáng là một kỳ tích lịch sử kiến trúc của Trung Quốc.

Nhưng xét từ một góc độ khác thì rốt cuộc Liêu Đạo Tông vẫn là một vị Hoàng Đế của nhà nước phong kiến. Ông thờ Phật, hoằng dương các tông phái của Phật giáo là ông có mục đích chính trị rõ ràng, đó là ông muốn Phật phù hộ cho quốc thái dân an. Khi ông ta còn là một Thái Tử, ông đã từng viết lên bức tượng Phật mới đúc xong rằng: "Uy vũ trang nghiêm Pháp tường nghiêm trang hiền từ Bảo Hộ cho nước Liêu của ta, vạn đời hưởng phúc".

Câu này đã nói toạc mục đích tôn thờ Phật của ông ta. Đồng thời, trong lòng ông ta luôn luôn tồn tại ý thức phòng phạm Phật giáo. Khi ông tại vị, có một số vị hoà thượng không tuân thủ giới luật đã gây ảnh hưởng xấu. Lập tức ông viết một bài "Giới Húc Thích Lưu Kệ" để khuyên ngăn. Bài "Kệ" đó nói rằng: "Muốn học Thiền Tông trước tiên phải có hứng thú, không cần trốn thế ngồi viết sách, như nay diệt tướng quên tu hành chẳng mấy tam đồ sẽ hiện ra". Trong bài kệ này, Liêu Đạo Tông muốn dùng lý luận Phật học để nhắc nhở và khuyên nhủ những vị không chịu giữ gìn giới luật kia. Thật đáng gọi là lấy đạo của người đó trị thân của người đó. Liêu Đạo Tông vì sùng Phật mà hoằng dương các tông phái của Phật giáo, giúp cho Phật giáo trong một thời gian ngắn được phục hồi. Sau đó, Phật giáo Trung Quốc tiếp tục suy yếu, trong đó những tông phái có thể tiếp tục phát triển được là những tông phái dễ tu hành như Thiền Tông và Tịnh Độ tông.

Vương Chi Bình




Có phản hồi đến “16. Dòng Họ Gia Luật Tôn Sùng Thích Ca - Liêu Đạo Tông Hoằng Dương Các Tông Phái”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com