Mục Lục

Tây hạ là tên mà nước đời Tống gọi chính quyền dân tộc Đảng Hạng lập lên. Dân tộc Đảng Hạng là một nhánh của dân tộc Khương, từ xa xưa họ sống du mục ở miền tây bắc Trung Quốc. Vào những năm cuối đời Đường, thủ lĩnh của người dân tộc Đảng Hạng tên là Thác Bạc Xích Từ hàng nhà Đường, được nhà Đường phong làm Đô Đốc của châu Tây Nhung. Về sau một thủ lĩnh của họ tên là Thác Bạc Tư Cung cũng dẫn quân giúp nhà Đường trấn áp cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào, có đóng góp trong việc thu phục Trường An, nhà Đường phong ông ta là Tiết Độ Sứ của Đinh Nạn Quân (ngày nay là Bạch Thành Tử ở vùng Tịnh Biên tỉnh Thiển Tây), thăng tước vị là Hạ Quốc Công, ban cho được mang họ Lý. 

Từ đó trở đi người dân tộc Đảng Hạng liền chiếm hết miền đất bao la rộng lớn ở tỉnh Thiển Bắc ngày nay. Con cháu của Thác Bạc Tư cung nối tiếp nhau đến tận nhà Tống rồi thủ lĩnh của họ là Lý Kế Bổng đầu hàng và xin nhập nhà Tống nhưng con cháu của ông ta là Lý Kế Thiên không muốn nhập Tống, lên lãnh đạo những người ở vùng tây Thiên Linh Châu (ngày nay là Linh Vũ của Linh Hạ) do ông ta cai quản chống lại nhà Tống, tự lập nên quốc gia riêng. Năm 1004, Kế Thiên băng hà, con trai là Đức Minh lên ngôi. Hai cha con là Kế Thiên và Đức Minh đều lấy vùng Thiểm Bắc và Ninh Hạ làm căn cứ. Họ không ngừng phân tử thế lực, lập nên chính quyền cát cứ. Năm 1031 Lý Đức Minh băng hà, con trai là Lý Nguyên Hạo kế vị. Khi vực mà Lý Nguyên Hạo thống trị lớn mạnh đến mức về phía đông thì tiếp giáp với sông Hoàng Hà, phía tây thì gần Ngọc Môn, phía nam tiếp giáp với Tiêu Quan, phía bắc thì kiểm soát được toàn bộ sa mạc phía bắc, bao gồm cả miền bắc tỉnh Thiểm Tây, tỉnh Ninh Hạ, chính thức lập nên chính quyền Tây Hạ. Chính quyền Tây Hạ tồn tại ở phía bắc Trung Quốc đến năm 1227 thì bị người Mông cổ tiêu diệt. Chính quyền đó kéo dài 190 năm, trải qua 10 đời Vua.

Người dân tộc Đảng Hạng lập nên chính quyền Tây Hạ vốn là những người không hề có tín ngưỡng thờ Phật. Theo khảo sat của các chuyên gia hữu quan thì những người sùng tín Phật trong số những người thống trị của chính quyền Tây Hạ bắt đầu tổ chức những hoạt động Phật sự vào thời kỳ Lý Đức Minh thống trị. Vào năm thứ 4 của Cảnh Đức Tống Châu Tông (năm 1007), mẫu thân của Lý Đức Minh qua đời. Khi mai táng mẹ, Lý Đức Minh đã từng nêu lên đề nghị được xây 10 ngôi chùa thờ Phật ở một trung tâm Phật giáo của nhà Bắc Tống là núi Ngũ Đài, đồng thời ông cử sứ giả chuyên lo việc tế lễ hộ tống đoàn mang vật phẩm cúng tế đến núi Ngũ Đài. Điều này đã chứng tỏ rằng, hồi đó Phật giáo đã trở thành một tín ngưỡng trong Vương thất của dân tộc Đảng Hạng. Năm thứ 8 của Thiên Thánh Tống Nhân Tông (năm 1030), Lý Đức Minh lại cử người đến Triều Đình nhà Tống xin Kinh Đại Tạng của Phật giáo. Tống Nhân Tông liền cho bộ "Khai Bảo Tạng" vừa mới in xong. Điều này đã chứng tỏ rằng, tín ngưỡng thờ Phật ngày càng "ăn sâu, bám chắc" vào trong lòng người dân tộc Đảng Hạng, đồng thời họ cũng đã bước đầu xây dựng được nền tảng Phật giáo.

Lý Nguyên Hạo, con trai của Lý Đức Minh là một người có đầy đủ tính cách của một anh hùng đầy mưu lược. Trước khi ông ta lên ngôi xưng Hoàng Đế thì trong quân sự ông ta không chỉ gây chiến nhà Bắc Tống, người Khiết Đan mà còn đánh cả người Hồi Cốt (một chính quyền của người dân tộc thiểu số sống ở hành lang Hà Tây lập nên) ở phía tây, phía nam thì ông ta đánh xuống Thổ Phiên (chính quyền do người dân tộc thiểu số lập nên ở cao nguyên Thanh Tạng), ông ta còn tấn công cả Lan Châu. Những nơi này đều là những nơi mà Phật giáo rất thịnh hành. Do đó, nền Phật giáo ở Tây Hạ lại có một môi trường phát triển mới. Năm đầu tiên Cảnh Hựu Tống Nhân Tông (năm 1035), Lý Nguyên Hạo đã hiến 50 con ngựa cho nhà Bắc Tống để xin thêm kinh Phật và Tống Nhân Tông đã lập tức ban phát thêm kinh Phật cho nhà Tây Hạ. Vào năm sau, một tăng sỹ người Ấn Độ tên là Thiệu Xưng cùng với 9 người khác đến vùng Hạ Châu (ngày nay là huyện Tinh Biên của tỉnh Thiểm Tây) thuộc quyền cai quản của nhà Tây Hạ. Những người này đang trên đường trở về sau khi đến kinh sư Biện Lương (ngày nay là thành phố Khai Phong) của nhà Bắc Tống để hiến dâng cho Hoàng Đế Bắc Tống những thứ như kinh Phật bằng tiếng Phạn, xương Phật, tượng Bồ Tát bằng đồng. 

Những người này bị Lý Nguyên Hạo bắt dừng lại ở trạm nghỉ, Lý Nguyên Hạo xin họ bộ kinh Phật nhưng không được, liền ra lệnh nhốt họ lại. Chuyện này tuy chứng tỏ rằng, Lý Nguyên Hạo là kẻ sử dụng thủ đoạn bạo ngược, chẳng nể nang gì ai, nhưng từ đó ta có thể thấy sự thành tâm tha thiết của ông ta với Phật giáo. Vào năm 1083, vài tháng trước khi Lý Nguyên Hạo xưng Đế, ông đã dâng biểu lên Hoàng Đế nhà Bắc Tống tỏ ý muốn cử sứ giả đến núi Ngũ Đài cúng giành Phật Bảo, xin Hoàng Đế nhà Tống cho phép. Theo phân tích từ những sách có liên quan, mục đích của Lý Nguyên Hạo là muốn dò la và nhòm ngó đường xá ở Hà Đông, làm công tác chuẩn bị cho ông ta xưng Đế lập quốc gia riêng. Trong việc này vừa có lòng thành kính với Phật nhưng cũng có kết hợp với các việc khác như đấu tranh chính trị và hoạt động gián điệp.

Vào ngày hôm trước Lý Nguyên Hạo tuyên bố thành lập nước Tây Hạ, ông không chỉ xin kinh Đại Tạng của Phật giáo từ phía nhà Tống mà còn lệnh cho một đại thần tên là Giã Lợi Nhân Vinh sáng chế ra chữ viết ghi lại lời nói của người dân tộc Đảng Hạng. Sau khi ông ta lập quốc gia riêng và xưng Hoàng Đế, liền tổ chức việc phiên dịch kinh Phật, đem kinh Phật bằng chữ Hán dịch sang chữ Tây Hạ. Điều này đặt cơ sở vững chắc cho việc lưu truyền Phật giáo rộng rãi trên đất Tây Hạ. Theo ghi chép trong những tài liệu liên quan, Lý Nguyên Hạo vốn là người am hiểu văn hoá của người Hán đồng thời cũng rất am hiểu Phật học. Ông ta không chỉ xây dựng chế độ quan lại, quy định y phục, lập niên hiệu, quy hoạch các quận, các châu, chỉnh đốn quân đội, thu nạp nhân tài theo chế độ chính trị nhà Bắc Tống, mà ông còn coi Phật giáo là một công cụ trợ giúp cho nền thống trị chính trị của mình giống như các Vương Triều ở vùng Trung Nguyên. 

Năm đầu tiên sau khi ông lập quốc gia và xưng Hoàng Đế, để phát triển Phật giáo, ông đã từng cử người đi nhiều nơi thu thập Xá Lợi Phật, làm khám thờ và xây tháp để cùng giành Phật. Tháp chứa Xá lợi Phật tên là Liên Vân được xây dựng hồi đó là một trong những tháp Xá lợi đầu tiên do nhà Tây hạ xây dựng. Một vị quan của nhà Tây Hạ tên là Trương Thiệp theo lệnh của Nguyên Hạo đã từng soạn một bài minh viết trên tháp này, ca ngợi Lý Nguyên Hạo là một người hùng biện giới hơn Đường Thuấn, anh hùng hơn cả Hán Tổ, tôn sùng Phật giáo, chuyên tâm tu hành, khoác áo bằng vàng quấn đai báu, chắp tay hộ trì.v.v...

Ngoài việc tổ chức phiên dịch kinh Phật, xây dựng tháp chứa Xá lợi Phật và cúng giành xá lợi Phật ra, Lý Nguyên Hạo còn thu nạp và trọng dụng các vị tăng, ông đặc biệt cung kính các vị tăng là người Hồi Cốt, đồng thời còn tổ chức cho rất nhiều vị tăng người Hồi Cốt phiên dịch và truyền bá kinh Phật. Các vị tăng người Hồi Cốt này đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá Phật giáo của Tây Hạ. Lý Nguyên Hạo không chỉ yêu cần các vị tăng làm các công việc của Phật giáo mà có lúc ông còn cử các vị tăng đi sứ ở Bắc Tống hoặc các chính quyền cát cứ khác ở xung quanh Tây Hạ. 

Vào năm thứ 8 của Thiên Thọ Lễ Pháp Diên Tộ (năm 1045) nhà Hạ và nhà Tống nghị hoà, Nguyên Hạo liền cử hai vị tăng của nhà Tây Hạ là Cát Ngoại Cát và Pháp Chính đến triều đình Bắc Tống làm vị sứ giả cảm tạ. Dùng các vị tăng Phật giáo làm sứ giả đi ngoại giao đã chứng tỏ mục đích của việc Lý Nguyên Hạo mở mang Phật pháp không chỉ ở bản than Phật giáo. Chính vì điều này, mà Nguyên Hạo đặc biệt chú ý đến những hành động của những vi tăng người Hán từ Bắc Tống đến Tây Hạ. Các vị quan lại nhà Bắc Tống đến Tây Hạ. Các vị quan lại nhà Bắc Tống đã từng 2 lần cử các vị tăng là Vương Quang Tín và Pháp Thuần đến Tây Hạ thực hiện kế phản gián và tiến hành các hành động gián điệp nhưng việc đó đã bị Nguyên Hạo phát hiện và không thực hiện được.

 Vào năm thứ 10 của Thiên Thọ Lễ Pháp Diên Tộ (năm 1047), Lý Nguyên Hạo đã ban chiếu yêu cầu xây dựng chùa thờ Phật tên là Cao Đài ở một nơi cách phủ Hưng Khách 15 dặm (7,5km) về phía đông. Để làm việc này, ông đã huy động không biết bao nhiêu là sai dịch và dân công. Xung quanh ngôi chùa đó ông còn cho xây thêm rất nhiều tháp thờ Phật cao đến hàng chục trượng (1 trượng = 3,3m) để được bảo tồn kinh Đại Tạng của Phật giáo. Lý Nguyên Hạo còn quyết định rằng, hàng năm cứ vào ngày mồng 1 của tháng đầu tiên của mỗi quý là ngày Thánh Tiết (ngày thiêng). Vào ngày này, quan lại nhân dân nước Tây Hạ đều phải đến chùa lễ Phật, từ đó đã mở ra một cao trào tu theo Phật giáo trên toàn bộ nước Tây Hạ.

Lý Nguyên Hạo phát triển Phật giáo tuy rằng không giống các Đế Vương của các chính quyền người dân tộc thiểu số ở phương Bắc thời Nam Bắc Triều (từ năm 420 - 581) nhưng trong các Đế Vương của nhà Tây Hạ thì ông là người quan trọng nhất trong việc phát triển Phật giáo. Hàng loạt các hoạt động của ông có liên quan đến Phật giáo như xin kinh tạng, thu nạp các vị tăng, xây tháp xây chùa đã tạo điều kiện cần thiết và thuận lợi cho việc phát triển Phật giáo cho nhà Tây Hạ sau này.

Vị Hoàng Đế thứ hai của nhà Tây Hạ là Nghị Tông Lý Lượng Tộ lên ngôi lúc một tuổi. Mọi việc của Triều Đình đều do mẫu hậu là Một Tạng Thị và người cậu là Một Tạng Ngoa Độ giải quyết. Một Tạng Thị vốn là vợ của một người quan của Nguyên Hạo tên là Giã Lợi Vượng Vinh. Nguyên Hạo đã giết Vượng Vinh đồng thời thông dâm với vợ Vượng Vinh (tức Một Tạng Thị). Việc là bị Hoàng Hậu Giã Lợi thị phát hiện, Một Tạng Thị bị bắt phải xuất gia làm ni cô, hiệu là Một Tạng Đại Sư. Bởi vì có một thời gian xuất gia làm tăng ni nên Một Tạng Thị là người "ngấm" Phật học khá sâu sắc bà đã tuyên truyền cho Nguyên Hạo những hiểu biết của mình, từ đó thúc đẩy Phật giáo nhà Tây Hạ phát triển mạnh hơn. Vào mùa đông năm đầu tiên của Lượng Tộ Thiên Hựu Thuỳ Khánh (năm 1050). 

Một Tạng Thị đã cho xây dựng chùa Thừa Thiên ở phủ Hưng Khánh. Bà đã huy động hàng vạn dân công và sai dịch, trải qua 6 năm mới xây xong. Cùng với việc xây chùa này, Một Tạng Thị đã ra lệnh xây thêm một tháp nữa tên là tháp Xá Lợi Xương Đầu Phật ở trong ngôi chùa đó, ngôi tháp này hiện nay vẫn còn ở thành phố Ngân Xuyên, thế tục thường gọi là Tháp Ngân Xuyên Tây Hạ. Trong cuốn "Thừa Thiên Tự Bi Ký" đã miêu tả tỉ mỉ quang cảnh mai táng Xá Lợi xương đỉnh đầu của Phật, có thể nói là phô trương, tốn kém hết mức. Trong thời gian Lý Lượng Tộ tại vị, nhà Bắc Tống đã 3 lần ban tặng nhà Tây Hạ kinh Đại Tạng của Phật giáo. Nhà Tây Hạ cũng đã từng cống nạp cho nước Liêu các thứ như tượng Phật bằng vàng, kinh sách. Mối giao lưu tôn giáo giữa nhiều chính quyền phong kiến rất nhộn nhịp.

Năm 1067 Lý Lượng Tộ băng hà, con trai là Lý Bỉnh Thường lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi. Lý Bỉnh Thường là Hoàng Đế thứ 3 của nhà Tây Hạ, hiệu là Huệ Tông. Do Lý Bỉnh Thường còn nhỏ tuổi nên mẹ là Lương Thị phải "buông rèm chấp chính", người em trai của bà là Lương Ất thì chúi đầu vào công việc của một Tướng Quốc, hai chị em thay nhau chấp chính (điều hành đất nước). Lương Thị cũng là người rất mến mộ Phật giáo, bà đã từng tổ chức một đoàn đông đảo các tăng sĩ tiến hành phiên dịch kinh Phật. Trong số rất ít các bản kinh Phật bằng tiếng Tây Hạ còn giữ lại được đến ngày nay thì ngay ở phần đầu quyển sách cũng đã ghi rõ là do Huệ Tông và mẫu thân là Lương Thị tổ chức phiên dịch. Thời Huệ Tông, hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng nổi tiếng thế giới cũng có lưu lại dấu tính lịch sử của Phật giáo thời Tây Hạ. Theo tư liệu có liên quan, trong số các hang ở Mạc Cao hiện nay thì có ba động được các tín đồ Phật giáo nhà Tây Hạ thời Huệ Tông tạo ra.

Hoàng Đế thứ tư nhà Tây Hạ là Sùng Tông Lý Càn Thuận lên ngôi cũng lúc mới có 3 tuổi. Mẹ là Lương Thị (cháu gái của Lương Thị mẹ của Huệ Tông, sau Huệ Tông) và anh em nhà Lương Ất nắm quyền cai quản đất nước. Theo ghi chép trong sách sử Lương Thị là người rất có tài năng, bà thường dẫn quân đi chinh chiến. Bà là một người vừa rong ruổi trên lưng ngựa nơi chiến trường nồng nặc mùi máu, vừa là một thí chủ nhà Phật rất từ bi. Năm thứ tư của Thiên Hựu An Dân (năm 1093) Lương Thái Hậu và Sùng Tông phát nguyện trung tu chùa miếu và tháp ở chùa Cảm Ứng tại Lương Châu (ngày nay là huyện Võ Uy tỉnh Cam Túc). Công việc này phải làm trong một năm mới xong. Khi sửa chữa xong, Hoàng Đế Sùng Tông liền ban chiếu mở một pháp hội lớn để làm lễ mừng công. Trong pháp hội đó Lương Thái Hậu và Sùng Tông vừa tổ chức độ tăng (cho người xuất gia) vừa bố trí tài vật, một quang cảnh long trọng và tốn kém. Năm 1099, Lương Thị vì thất bại trong cuộc giao chiến với quân nhà Tống, do đó mà Huệ Tông từ đó về sau thường xuyên cúng giàng Phật để cầu phúc cho mẹ. 

Hồi đó có một Sa môn tên là Tư Năng ở Cam Châu (ngày nay là thành phố Trương Dịch tỉnh Cam Túc) được tôn làm Quốc Sư. Ông lấy lý do mình được cúng giàng một tượng Phật nằm cổ nên tấu thỉnh lên Hoàng Đế cho xây dựng chùa Ngoạ Phật (Phật nằm) ở Cam Châu. Nghe trình tấu như vậy, Sùng Tôn liền nhiệt tình ủng hộ. Quy mô ngôi chùa này vô cùng to lớn, đặc biệt là bức tượng Phật nằm trong ngôi chùa rất lớn (dài 34,5,), nó là bức tượng rất hiếm thấy ở hành lang Hà Tây. Đến nay bức tượng đó vẫn còn, nó không hề giảm phong thái. Trong thời gian tại vị, Sùng Tông rất tích cực tổ chức đồng thời ủng hộ công việc phiên dịch kinh Phật. Trên nền tảng do các Đế Vương trước xây dựng, ông đã cơ bản hoàn thành việc phiên dịch kinh tạng Phật giáo sang chữ Tây Hạ. Sùng Tông tại vị kéo dài 50 năm, sau thời kỳ này người dân tộc Nữ Chân bắt đầu lớn mạnh ở vùng đông bắc, tiêu diệt nhà Liêu và đánh nhà Tống. Tình hình chính trị ở Trung Quốc từ "thế chân vạc" gồm nhà Liêu, Bắc Tống và Tây Hạ trước đây thì nay đã chuyển thành trục tam giác mới gồm nhà Kim, Tây Hạ và Nam Tống. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự phát triển Phật giáo ở Tây Hạ.

Năm 1140 vị Hoàng Đế thứ 5 của nhà Tây Hạ là Nhân Tông Lý Nhân Hiếu lên ngôi. Theo ghi chép trong một số sách thì sau khi Nhân Tông lên ngôi, ông đã thổi một luồng gió mới vào Phật giáo, giúp cho Pháp lành được hưng thịnh trở lại, Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) được đàng hoàng, bốn điều gốc rễ (từ bi, hỉ, xả) đều phát triển theo hướng tốt. So với các đời Hoàng Đế trước thì nay Phật giáo nhà Tây Hạ đã phát triển mạnh hơn. Nhân Tông cũng đặc biệt coi trọng kinh điển Phật giáo. Ông cử sứ giả đi khắp nơi thu tập các sách về Phật giáo. Trong quá trình qua lại với nhà Kim, ông đã không tiếc tiền mua những bộ kinh Phật mà người Kim có. Trong thời gian Nhân Tông tại vị, người Tây Hạ đã học kỹ thuật khắc bản in và in ấn của nhà Tống phát triển mạnh việc này. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc in ấn và phát hành số lượng kinh sách Phật giáo. Bản thân Nhân Tông cũng bỏ tiền riêng ra để in kinh Phật. Năm thứ ba của Nhân Khánh (năm 1146), ông bỏ tiền riêng ra cho in "Kinh Diệu Pháp Liên Hoa" bằng chữ Hán. Vào năm thứ tư của Thiên Thịnh (năm 1152) ông đã bỏ tiền riêng ra cho in ấn cuốn "Hoa Nghiêm Pháp Giới Quán Môn" bằng chữ Hán. Năm thứ 12 của Thiên Thịnh (năm 1168) ông bỏ tiền riêng cho in cuốn "Kinh Kim Cang Bát Nhã BaLa Mật" bằng tiếng Tây Hạ.

 Vào năm thứ 15 của Càn Hựu (năm 1184) ông bỏ tiền riêng ra in ấn cuốn "Kinh Phật Thuyết Thánh Đại Thừa Tam Quy Y". Dưới sự phát động và lãnh đạo của Nhân Tông, Hoàng Hậu La Thịnh cũng bỏ tiền riêng ra in cuốn "Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện" vào năm Càn Hựu thứ 20 (năm 1189). Mục đích của việc Nhân Tông và Hoàng Hậu bỏ tiền riêng ra in kinh Phật là làm điều thiện để được phúc được thọ. Vào năm thứ 20 của Càn Hựu, Nhân Tông vì đã từng muốn phát hành cuốn "Quán Di Lặc Thượng Sinh Đấu Suất Thiên" do mình bỏ tiền ra in ấn mà đã tổ chức một pháp hội vô cùng to lớn ở chùa Đại Độ Dân. Trong pháp hội đó ông đã mời các vị Đại đức, cao tăng tham dự như các vị Quốc Sư Luật Tông, Quốc Sư Tịnh Giới, Quốc Sư Đại Thừa Huyền Mật và Pháp Sư về Thiền Tông. Các vị tăng và các tín đồ Phật giáo tham dự pháp hội đó đều không đếm xuể. Ở pháp hội đó ông đã từng biếu 20 vạn quyển kinh Phật bằng chữ Hán và chữ Tây Hạ, ông còn tổ chức các hoạt động như làm cơm trai (ăn trước giờ Ngọ, tức là trước 12 giờ trưa) cúng giàng các tăng, tổ chức phóng sinh, tế bần, thả tù nhân. Pháp hội đó kéo dài 10 ngày 10 đêm liên tục. Các vị tăng và các tín đồ kéo đến đông không đếm xuể, có thể nói là vui nhộn chưa từng có. Sau pháp hội này, Nhân Tông còn làm một bài văn phát nguyện, nội dung bài văn đó đã nói rõ: Phật giáo là một tôn giáo lớn, ích nước lợi dân.

Một hoạt động tôn giáo quan trọng khác do Nhân Tông tổ chức là ông đã cử người hiệu đính kinh điển Phật giáo đã dịch sang chữ Tây Hạ. Trước đời Nhân Tông một phần lớn kinh Đại Tạng bằng chữ Hán đã dần dần được dịch sang chữ Tây Hạ. Trong thời gian Nhân Tông tại vị, ông đã dành rất nhiều công sức vào việc hiệu đính các bộ kinh Phật đã được dịch sang chữ Tây Hạ và đã qua chỉnh lý. Ông đã tổ chức tiến hành đối chiếu giữa kinh Đại Tạng của miền nam (tức "Khai Bảo Tạng" của nhà Tống) với bản của miền bắc (tức "Khiết Đan Tạng" của nhà Liêu) để chỉnh lý bộ kinh sách đã dịch sang chữ Tây Hạ, từ đó ta có thể thấy thái độ chân thành và kính trọng của Nhân Tông đối với kinh Phật.

Trong thời gian 30 năm sau thời kỳ Nhân Tông trị vì thì có đến 5 vị Hoàng Đế nhà Tây Hạ thay nhau lên nắm quyền, nội bộ triều đình và hoàng tộc bất hoà, mất đoàn kết. Nhà Tây Hạ không chỉ thường xuyên giao chiến với nhà Tống, nhà Kim mà còn phải đối phó với sự xâm lược của người Mông Cổ đang lớn mạnh. Trong tình hình thù trong giặc ngoài, các vị Hoàng Đế trẻ người non dạ của nhà Tây Hạ càng sùng tín Phật giáo, hi vọng được Phật bảo hộ từ đó mà phúc lớn được kéo dài. Sau khi Nhân Tông băng hà, con trai là Lý Thuần Hựu kế vị, đó chính là Hằng Tông của nhà Tây Hạ, mẫu thân là La Thị được xưng là Thái Hậu. Vào năm thứ 2 của Thiên Khánh (năm 1195), tức là sau khi Nhân Tông băng hà, bà La Thị phát nguyện in cuốn "Kinh Phật Thuyết Chuyển Nữ Thân", đồng thời phát nguyện cử người sao chép lại toàn bộ kinh Đại Tạng bằng chữ Tây Hạ để mong Phật bảo hộ. Vào năm Thiên Khánh thứ 12 (năm 1205) Trấn Di Quận Vương Lý An Toàn được sự ủng hộ của Thái Hậu La Thị đã phế Hằng Tông, tự xưng Hoàng Đế, hiệu là Tương Tông (trên thực tế, sau đó không bao lâu thì Thái Hậu La Thị đã nắm quyền lớn, từ đó khống chế Tương Tông). Vào lúc này, Thành Cát Tư Hãn đã thống nhất được các bộ lạc trên đất Mông Cổ, bắt đầu tấn công vùng Trung Nguyên, điều này khiến cho nhà Tây Hạ nằm giữa con đường giao lưu giữa miền Trung và miền Tây rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". 

Về sau Tương Tông bị phế, Trần Tông Lý Tuân Tu kế vị. Vào năm 1223 Thần Tông nhường ngôi cho Thái Tử Lý Đức Vượng, Thái Tử lên ngôi xưng là Hiếu Tông. Ba năm sau, người Mông Cổ tấn công Tây Hạ, Hiến Tông vì sợ quá mà chết, cháu là Nam Bình Vương kế vị. Một năm sau, nhà Tây Hạ bị người Mông Cổ tiêu diệt. Trong vòng 30 năm cuối đầy hỗn loạn của nhà Tây Hạ, Phật giáo được các Đế Vương nhà Tây Hạ coi như là vị cứu tinh nên cố bám chặt vào. Vào năm đầu của Hoàng Kiến (năm 1210). Tương Tông đã bỏ tiền riêng ra in và phân phát rộng rãi cuốn "Bát Nhã Tâm Kinh" để mong Phật ban phúc. 

Vào năm Quang Định thứ 4 đời Thần Tông (năm 1214), Thần Tông lấy danh nghĩa Hoàng Đế đã cử người sao chép "Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng" bằng kim mê (vàng xay nhỏ thành bột trộn với hồ thành mực gọi là kim mê). Tự tay ông ta cũng viết một bản thỉnh nguyện rằng: "Trẫm an toạ trên thế gian đã 95 năm, làm những việc tu thành (cơ mật), tiền vào chỗ sâu kín, đi lại nhẹ nhàng trên băng mỏng, thâu đêm suốt sáng lo xa nhiều việc quên ăn quên ngủ, chỉ mong một điều là quốc thái dân an". Mặc dù ông ta nói lời thỉnh nguyện và cầu chúc tràn đầy nhiệt huyết, như vậy nhưng ông ta cũng không thoát được vận mệnh lịch sử là "nước mất nhà tan".

Vương Chi Bình




Có phản hồi đến “17. Lý Nguyên Hạo Mở Rộng Phật Sự - Tây Hạ Vương Đời Đời Sùng Pháp”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com