Mục Lục

Đầu thế kỷ 12, trong khi ở nội địa Trung Quốc các chính quyền như nhà Tống, nhà Liêu, nhà Tây Hạ và nhà Kim đang cùng tồn tại một cách độc lập thì người Mông Cổ bắt đầu trỗi dậy ở phương bắc. Đến năm 1026 sau Công nguyên, các bộ lạc Mông Cổ mở hội Hốt Lý Lạc Đài (ý nghĩa là đại tụ hội) ở bên sông Oát Nạn (hoặc sông Ngạc Nòn), họ cùng nhau suy tôn Thiết Mộc Chân làm Đại Hãn (tức là Hoàng Đế) của toàn bộ Mông Cổ, tôn xưng ông là Thành Cát Tư Hãn. Sau khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ lạc ở Mông Cổ, ông cùng các con cháu mình lần lượt tiêu diệt nhà Tây Hạ (năm 1227), diệt nhà Kim (năm 1225). Đến năm 1271 thì Hốt Tất Liệt đặt tên nước là Nguyên, sau đó đến 1279 Hốt Tất Liệt đánh xuống phía nam tiêu diệt Nam Tống, thống nhất toàn bộ Trung Quốc. Tôn giáo mà người Mông Cổ tôn thờ lâu nay là thứ tôn giáo có tên là Tát Mãn được truyền từ thời nguyên thuỷ. Đến thời Thành Cát Tư Hãn, Phật giáo của người Hán đã được lưu truyền trên đất của người Mông Cổ. Trong quá trình Thành Cát Tư Hãn cùng với Oa Khoát Đài Hãn tấn công tiêu diệt nhà Tây Hạ và nhà Kim thì người dân tộc Mông cổ càng có thêm nhiều cơ hội để tiếp xúc với Phật giáo và Đạo giáo tại vùng Trung Nguyên rộng lớn này. Nhưng trong tín ngưỡng của người dân tộc Mông Cổ mà nhất là các thủ lĩnh của họ và các Đế Vương của nhà Nguyên t thì sự sùng tín Lạt Ma giáo chiếm một vị trí vô cùng đặc biệt.

Cái gọi là Lạt Ma giáo là tên gọi thông tục của Phật giáo Tạng truyền. Đó là một nhánh của Phật giáo Trung Quốc, được hình thành trong vùng đất của người dân tộc Tạng. "Lạt Ma" là dịch âm từ tiếng Tạng, ý là "Thượng Sư", là sự tôn xưng đối với những người xuất gia. Bản giáo là một tôn giáo truyền thống nguyên thuỷ được người dân tộc Tạng của Trung Quốc cổ đại tôn thờ sớm nhất. Quãng thế kỷ thứ 7 sau công nguyên, người dân tộc Tạng dưới sự lãnh đạo của một thủ lĩnh tên là Tùng Tán Can Bố đã xây dựng nên một Vương Triều Thổ Phiên thống nhất có trung tâm là La Tát, ông Tùng Tán Can Bố lần lượt cưới các công chúa Trì Tôn của nước NêPan và công chùa Văn Thành của Vương Triều Đường.

Hai vị công chúa này lần đầu tiên đem kinh điển Phật giáo và tượng Phật từ vùng Trung Nguyên và Nê Pan vào đất Thổ Phiên. Ông Tùng Tán Can Bố đã lần lượt xây cho hai vị công chúa này hai ngô chùa là Nhã Ma Già và Đại Chiêu để cúng và chứa tượng Phật và chứa kinh điển Phật giáo. Đó là điểm khởi đầu của Phật giáo du nhập vào Tây Tạng. Sau khi Phật giáo du nhập vào Tây Tạng, Phật giáo đã vấp phải sự phản đối và chống đối quyết liệt của các vị quyền thần và quý tộc vốn đang theo Bản giáo. Do đó Phật giáo trên đất Tây Tạng phát triển tương đối chậm. Vào thời kỳ Trung Đường (quãng thế kỷ thứ 9 sau Công Nguyên), Đạt Ma lên ngôi, ông liền tiến hành huỷ diệt Phật giáo trên quy mô lớn, điều đó khiến cho sự phát triển của Phật giáo trên đất Tây Tạng tạm thời bị lắng xuống. Vào cuối thế kỷ thứ 10, Phật giáo lại lần lượt từ Ấn Độ, Nê Pan và vùng Trung Nguyên du nhập vào Tây Tạng. Dưới sự đề xướng và ủng hộ ở các mức khác nhau của các lãnh chúa phong kiến, Phật giáo trên đất Tây Tạng lại hình thành các tông phái khác nhau. Các tông giáo lần lượt ra đời có phái Ninh Mã (Hồng giáo), phái Tát Già (Hoa giáo), phái Cát Cử (Bạch giáo) và phái Cách Lỗ (Hoàng giáo). Trong đó phái Cách Lỗ trở thành phái lớn mạnh nhất của Phật giáo Tạng Truyền. Chế độ "Linh đồng chuyền thế" hình thành trong giáo phái này còn tồn tại đến ngày nay.

Mối tiếp xúc và liên hệ giữa các vị quyền quý của Mông Cổ với Phật giáo Tạng Truyền bắt đầu từ Thành Cát Tư Hãn nắm quyền. Khi Thành Cát Tư Hãn khởi binh tấn công Tây Hạ, ông đã tận mắt chứng kiến ảnh hưởng của Phật giáo Tạng Truyền với Phật giáo Tây Hạ. Phật giáo Tây Hạ chịu ảnh hưởng của Phật giáo Tạng Truyền chủ yếu ở cuối thời Tây Hạ. Hồi đó trong số một vài kinh sách của Phật giáo Tây Hạ thì có một phần dịch từ Phật giáo Tạng Truyền. Ngoài ra, ở một số hang động và chùa miếu của Phật giáo Tây Hạ thời kỳ cuối còn lưu lại dấu tính của Phật giáo Tạng Truyền. Từ năm 1205 đến 1226 sau Công Nguyên, Thành Cát Tư Hãn đã từng 5 lần tấn công Tây Hạ, từ đó mà ông tự nhiên hiểu thêm một chút tình hình Phật giáo Tạng Truyền. Ngay từ năm 1223, Thành Cát Tư Hãn đã đánh sang phía Tây và thắng trận trở về, thu được Tây Tạng. Khi tiến vào vùng đất Ali, ông ta được ông Nạc Nhan Chu Gia và Hô Hoà Hô Lợi của vùng Ái Môn ở Tây Tạng ra nghênh đón, họ mở yến tiệc và hiến dâng vô số lễ vật, đồng thời họ cắt 3 bộ Ali, 4 bộ của Vệ Tạng, 3 quả núi của Lạp Mẫu làm lễ vật đầu hàng Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn vô cùng vui sướng, chuẩn bị đầy đủ lễ nghi và gửi thư đến vị Đại Lạt Ma Hô Hoà Bố Ninh của phái Tát Già nói rằng: "Trẫm từ lâu đã muốn thăm viếng ngài, nhưng vì việc chính sự, dân sự và quân sự không thể dứt ra được, do đó chưa đến thăm ngài được. Tuy rằng như vậy, nhưng trẫm nguyện luôn thành kính ngài, tha thiết mong ngài ra sức phù hộ cho đến khi sự nghiệp của trẫm thành công, mong được đón ngài cùng các đệ tử đến thăm Mông Cổ để truyền bá Phật giáo". Điều này đã chứng tỏ rằng, Thành Cát Tư Hãn đã lĩnh hội được nội dung của Phật giáo Tạng Truyền.

Thành Cát Tư Hãn đến cuối đời vẫn chưa mang được Lạt Ma giáo truyền vào Mông Cổ, đến năm 1227 ông chết ở núi Lục Bàn vì mắc bệnh. Năm 1229, con trai thứ 3 của Thành Cát Tư Hãn là Oa Khoát Đài kế vị ngôi Đại Hãn (Hoàng Đế) Mông Cổ, ông ta liền chia một phần đất mà ngày nay là các tỉnh Cam Túc, Thanh Hải cho con trai thứ 3 của mình là Khoát Đoan. Năm 1239 Khoát Đoan cử bộ tướng của mình là Đa Đạt Na Ba dẫn quân vào Tây Tạng, từ vùng Thanh Hải tiến một mạch đến Tạng Bắc vào năm sau, Đa Đạt Na Ba trở về báo cáo với Khoát Đoan rằng: Ngày nay ở Tây Tạng chùa miếu Phật giáo nhiều vô số, Pháp Vương Đạt Long Ba (thuộc phái Cát Cử) là người có đức hạnh nhất, Kinh Nga Đại Sư của Trực Công Ba (cũng thuộc phái Cát Cử) có pháp lực rất mạnh, Tát Già Ban Trí Đạt (thuộc phái Tát Già) học sâu Ngũ minh, mời hạ thần làm chủ lễ pháp nghênh đón. (Ngũ Minh tức là 5 môn học của Phật giáo Tạng Truyền. Nó chỉ Thanh Minh tức âm thanh học và ngữ văn học; Công Sảo Minh tức là thuyết minh về mọi công nghệ, kỹ thuật, tính toán, lịch số; Y Phương Minh tức là y dược học; Nhân Minh Học tức là chỉ lôgic của Phật giáo; Nội Minh tức là Phật học). Sau khi nghe trình tấu như vậy, điều làm cho Khoát Đoan vô cùng thích thú là vị tăng Ban Trí Đạt của phái Tát Già học rộng Ngũ Minh, kiến thức thâm sâu. Từ đó mà ông ta đã thay đổi sách lược đấu tranh để chinh phục Tây Tạng. Ông ta quyết định dùng tôn giáo để chinh phục Tây Tạng chứ không dùng vũ lực. Thế là ông Khoát Đoan liền chọn ngay phái Tát Già trong Phật giáo Tạng Truyền làm đối tượng liên lạc, cứ sứ giả đến Tây Tạng mời Tát Già Ban Trí Đạt đến Lương Châu nơi ông đang ở. Phái Tát Già vì muốn mở rộng thế lực tôn giáo của mình và để tránh cho nhân dân vùng Tây Tạng không bị chiến tranh loạn lạc liền vui vẻ nhận lời mời của Khoát Đoan. Đến năm 1244, ông Tát Ban - Công Cát Kiên Tán của phát Tát Già dẫn cháu là anh em nhà Bát Tư Ba ngược lên phía bắc, đến năm 1246 thì đến Lương Châu. Lúc này, Khoát Đoan lại đi Mông Cổ để chọn người kế vị ngôi Đại Hãn (tức Hoàng Đế), đến mãi năm sau mới trở về để gặp ngài Tát Ban và những người cùng đi. Lúc này, Tát Ban đã 66 tuổi. Tát Ban đã nặn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm Sư Tử Hống dâng tặng Khoát Đoan, lại còn làm lễ thọ giới Quán Đỉnh cho Khoát Đoan. Lúc này Khoát Đoan đang bị bệnh, sau khi thọ giới bệnh giảm nhiều, do đó mà Tát Ban cùng anh em nhà Bát Tư Ba càng được sự kính nể sâu sắc của Khoát Đoan. Điều này đã chứng minh rằng, những bậc thượng lưu ở Mông Cổ đã bắt đầu quy y Lạt Ma giáo. Từ đó trở đi, Lạt Ma giáo càng được lưu hành rộng rãi trên đất của người dân tộc Mông Cổ.

Sau khi Khoát Đoan tín phụng Phật giáo Tạng Truyền ông liền nêu lên yêu cầu chính trị đối với Tát Ban, ra sức tuyên truyền với Tát Ban về sự tất yếu của việc Tây Tạng phải theo Mông Cổ. Tát Ban chấp nhận yêu cầu của Khoát Đoan, ông ta liền viết thư cho thủ lĩnh các vùng Tây Tạng. Bức thư viết rằng: "Việc người Mông Cổ đang tiến hành thống nhất Trung Hoa là điều tất nhiên. Vùng Trung Nguyên cũng cần phải nhập vào bản đồ của họ, nếu ai thuận theo sẽ được vui sống với họ, còn nếu ai không tuân theo, sẽ bị diệt vong; nếu như muốn chạy trốn cũng không còn đường, vì vậy nên cúi đầu quy thuận". Trong bức thư đó, Tát Ban cũng đã kể tỉ mỉ việc ông gặp gỡ Khoát Đoan như thế nào và tỉ mỉ việc Khoát Đoan quy y Lạt Ma giáo như thế nào. Trong bức thư đó, ông ta cũng nói rõ điều kiện để các dân tộc Tây Tạng nhập vào Mông Cổ, tức là người Mông Cổ chấp nhận cho giáo chủ phái Tát Già nắm quyền quản lý chính quyền ở địa phương Tây Tạng, Tây Tạng phụ thuộc vào Mông cổ, hai bên tạo thành mối liên hệ lệ thuộc về tôn giáo. Khoát Đoan đã chinh phục Tây Tạng bằng Lạt Ma giáo, cuối cùng ông thu được thành công với sự giúp đỡ đắc lực của Tát Ban, vùng Tây Tạng chính thức nhập vào bản đồ Mông cổ, trở thành một bộ phận của Vương Triều Nguyên. Trên một ý nghĩa nhất định, điều này đã phù hợp với lợi ích của dân tộc Tây Tạng và Mông Cổ.

Trong Vương thất của Mông Cổ, người sùng tín Lạt Ma giáo nhất là Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt sau này, điều này được biểu hiện trong mối liên hệ của ông ta và Bát Tư Ba. Năm 1251, Mông Ca kế vị ngôi Đại Hãn Mông Cổ, sau khi lên ngôi, ông lập tức ra lệnh cho người em thứ tư là Hốt Tất Liệt đánh xuống phía nam chinh phục Đại Lý (ngày nay là chính quyền thiểu số ở tỉnh Vân Nam). Hốt Tất Liệt thắng trận trở về Mông Cổ, vào năm 1253 khi đi qua núi Lục Bàn, ông đã cử sứ giả đi đến Lương Châu mời và đón ngài Tát Ban đến thăm Mông Cổ. Lúc này ngài Tát Ban đã viên tịch, sứ giả liền mời bằng được ngài Bát Tư Ba đến gặp Hốt Tất Liệt. Trong lúc gặp gỡ Bát Tư Ba, Hốt Tất Liệt đã hỏi ngài rất nhiều vấn đề như lịch sử của Tây Tạng, lịch sử phái Tát Già, vấn đề tôn giáo. Hỏi vấn đề nào thì Bát Tư Ba đều trả lời rõ ràng vấn đề ấy. Học vấn của Bát Tư Ba khiến Hốt Tất Liệt vô cùng khâm phục. Hốt Tất Liệt lệnh cho Bát Tư Ba đến vùng Tây Tạng thu tập quân sĩ và sai dịch cống nạp cho ông ta. Bát Tư Ba lấy lý do dân vùng Tây Tạng nghèo, đất đai cằn cỗi nên không phục tùng, xin tha cho vùng Tây Tạng. Hốt Tất Liệt về cơ bản đã đồng ý, nhưng thứ phi của ông ta là Sát Tất thì lại can ngăn. Sát Tất yêu cầu Bát Tư Ba phải làm lễ thọ giới cho bà. Vào cuối đó, sau khi được sự giới thiệu và liên hệ của thứ phi là Sát Tất, Hốt Tất Liệt đồng ý lắng nghe lời dạy bảo của Thượng Sư (tức Bát Tư Ba) về vấn đề Thổ Phiên, Hốt Tất Liệt không cần bàn bạc với Thượng Sư mà do Thượng Sư quyết định. Về sau thì vợ chồng Hốt Tất Liệt được 25 người tụng kinh tháp tùng đến Kinh Sư, làm lễ thọ quán đỉnh Kim Cang (cách gọi của việc thọ giới trong Phật giáo Tạng Truyền) từ ngài Bát Tư Ba. Vì vậy nên Hốt Tất Liệt đã ban cho ngài Bát Tư Ba rất nhiều thứ như ngọc ấn mỡ cừu, vàng bạc, áo cà sa đính châu báu, ô lọng, yên ngựa bằng vàng, đồng thời giao cho Bát Tư Ba lãnh đạo một vạn hộ dân ở Tây Tạng. Việc Hốt Tất Liệt quy y Lạt Ma giáo vừa có liên quan đến việc con cháu họ hàng nhà Tát Ban ra sức hoằng dương Lạt Ma giáo, vừa có mối liên hệ về lợi ích chính trị với việc Tây Tạng lệ thuộc vào Mông Cổ. Từ đó trở đi Bát Tư Ba sống bên cạnh Hốt Tất Liệt một thời gian dài.

Năm 1254, theo kiến nghị của Bát Tư Ba, Hốt Tất Liệt liền hạ lệnh các sứ giả đến đây đều không được nghỉ trong các gian nhà giành cho các vị tăng, không được phép nhân chia sai dịch và tranh giành sự cung cấp cho các vị tăng. Lúc này, Hốt Tất Liệt còn dự định chỉ cho phép vùng Tây Tạng nghiên cứu và học tập giáo pháp của phái Tát Già. Bát Tư Ba xuất phát từ tình hình thực tế là các tông phái ra đời từ Phật giáo Tạng Truyền đều chẳng thua kém nhau nên đã tìm cách ngăn cản quyết định này của Hốt Tất Liệt. Đồng thời, ngài Bát Tư Ba cùng với Hốt Tất Liệt hạ lệnh cho phép các tăng sỹ của các tông phái tự do tu tập giáo pháp của tông phái mình. Cùng năm đó, Hốt Tất Liệt đã viết một quyển "Ưu Lễ Tăng Nhân Chiếu Thư" dành riêng cho Bát Tư Ba. Trong quyển sách đó ông không những gia sức ca ngợi Bát Tư Ba cùng với tôn giáo mà ngài đang tu tập mà còn yêu cầu thiên hạ kính lễ các vị tăng, nhân dân và các vị quan lại không cho phép tỏ ra khinh các vị tăng. Năm 1258, Hốt Tất Liệt phụng mệnh của Mông Cổ đã triệu tập các vị đại biểu của hai tôn giáo là Phật giáo và đạo giáo, yêu cầu họ tiến hành biện luận. Trong cuộc biện luận đó ngài Bát Tư Ba ăn nói mạch lạc, lưu loát, có lý có tình, suy nghĩ nhanh nhẹn khiến cho vị đại biểu của Đạo giáo luôn rơi vào thế bị động, luôn tìm cách đối phó. Điều này càng làm cho Hốt Tất Liệt tín sùng Lạt Ma giáo. Do Hốt Tất Liệt có khuynh hướng nghiêng về tôn giáo mà mình đang tu hành nên cuộc biện luận này cũng khiến cho Đạo giáo vì thất bại mà phải dần dần chấm dứt hoạt động. 70 đạo sỹ của Đạo giáo tham gia cuộc biện luận này cũng được lệnh thế độ (xuống tóc) làm tăng sỹ. Một số cung quánh của Đạo giáo cũng được sửa thành chùa thờ Phật, rất nhiều kinh sách của Đạo Giáo bị đốt. Từ đó trở đi, Phật giáo đã được đặt trên đạo giáo và trở thành Quốc giáo và thể chế của nhà Nguyên.

Năm 1206 Hốt Tất Liệt lên ngôi Đại Hãn (tức Hoàng Đế) Mông Cổ. Sau khi lên ngôi, ông ta lập tức phong Bát Tư Ba làm Quốc Sư rồi ban Ngọc ấn, cử ngài lên thống lĩnh Thích Ca Giáo (tức Phật giáo). Vào năm sau Hốt Tất Liệt cùng ngài Bát Tư Ba thống nhất cử một vị quan tên là Đạt Môn mang theo chiếu thư của nhà Vua và pháp chỉ của Bát Tư Ba căn cứ vào tình hình đường xá và vật phẩm cung cấp mà xây 7 trạm nghỉ lớn ở Thoát Tư Ma Lộ (ngày nay là vùng Cam Thanh Tạng), xây 9 trạm nghỉ lớn ở Đoả Cam Tư (ngày nay là vùng Xuyên của Tây Tạng và khu vực Sương Bộ của Tây Tạng), còn ở vùng Tây Tạng thì xây 11 trạm nghỉ lớn. Điều này đã giúp cho giao thông giữa vùng Trung Nguyên và Tây Tạng được cải thiện rất nhiều và từ đó mà tăng cường mối liên hệ giữa Chính phủ Trung Ương và vùng Tây Tạng.

Vào năm thứ năm sau khi Hốt Tất Liệt lên ngôi Đại Hãn Mông Cổ, tức là năm đầu của Chí Nguyên, năm 1264, Ông lại viết riêng cho Bát Tư Ba một quyển "Ưu Lễ Tăng Nhân Chiếu Thư", trong chiếu thư đó ông nói: "Sự đầy đủ của thế giới này được sinh ra từ pháp độ của Hoàng Đế Thành Cát Tư Hãn, phúc đức của người đời sau cần phải nhờ vào tích tụ công đức cho Phật giáo. Trẫm biết điều hay này là từ khi thụ quán đỉnh ở Vô Ngộ Thượng Sư Bát Tư Ba, phong ngài là Quốc Sư, cử ngài làm thống lĩnh của tăng chúng. Thượng Sư kính phụng Phật pháp, quản lý chúng tăng, giảng kinh thuyết pháp thì đó đều là những việc có đức lớn. Do đó các vị tăng không được làm trái với pháp chỉ của Thượng Sư. Được như vậy thì hợp với ý nguyện của Trẫm là gánh vác nhiệm vụ làm thí chủ cúng giường Tam Bảo. Đồng thời, Trẫm cũng ban sắc mệnh cho các ngôi điện thờ Phật của các vị tăng và nơi ở của các vị tăng thì các sứ giả mặc áo vàng không được phép cho nghỉ, cư trú. Không cho phép tranh nhau đồ ăn và phân chia sai dịch ở các chùa miếu. Mọi dòng nước, dòng suối và nhà ở trong các tự miếu không được chiếm đoạt làm của riêng, càng không được phép cưỡng bức thu mua cho bằng được. Ngoài ra, các tăng ni cũng không được phép vì có chiếu thư này mà làm những việc trái với giáo luật mà Thích Ca Mâu Ni đã dạy". Bức chiếu thư này của Hốt Tất Liệt vừa chứng minh thái độ ủng hộ và bảo vệ Phật giáo của ông nhất là Lạt Ma Giáo, đồng thời cũng nêu ra yêu cầu đối với các tăng sỹ Phật giáo. Cũng năm đó ngài Bát Tư Ba cũng rời chỗ ở cùng với Hốt Tất Liệt lên đường trở về Tây Tạng.

Vào năm Chí Nguyên thứ 6 (năm 1269) theo lệnh trong chiếu chỉ của Hốt Tất Liệt, ngài Bát Tư Ba lại từ Tây Tạng trở về Triều Đình. Trong lúc ông ta đến Triều Đình, Hốt Tất Liệt đã ra lệnh cho Hoàng Thái Tử Châu Kim dẫn Hậu phi và các đại thần đi chuẩn bị các thứ như Bảo Toạ (ghế báu) được trang trí bằng các hàng chân ngọc đan chéo nhau, voi lớn của Ấn Độ, ô lọng, cột khắc kinh, trống nhạc để đón ngài vào cung. Theo lệnh của Hốt Tất Liệt, ngài Bát Tư Ba lại sáng chế ra chữ mới của Mông Cổ, lúc này công việc đó đã xong, Hốt Tất Liệt lại ban chiếu xuống khắp thiên hạ. Trực tiếp chiếu thư ông nói rõ: "Trẫm dùng chữ để ghi lại lời nói, ghi lại những sự kiện để cho người đời nay biết những việc của người đời trước. Quốc gia của Trẫm bắt nguồn từ phương bắc. Những điều mà thế tục tôn trọng là những điều ghi trong các cuốn sách. Do đó Trẫm đặc biệt trao cho ngài Bát Tư Ba sáng tác ra chữ mới của Mông Cổ, dịch tất cả các chữ để mọi người đọc được mà hiểu biết mọi chuyện". Chữ mới của Mông Cổ mà Hốt Tất Liệt lệnh cho ngài Bát Tư Ba sáng tác ra được gọi là chữ Bát Tư Ba, ngài Bát Tư Ba có đóng góp vô cùng lớn cho việc xây dựng nền văn hoá dân tộc Mông Cổ, do đó vào năm sau Hốt Tất Liệt liền long trọng phong cho ngài danh hiệu là: Hoàng Thiên Chi Hạ Đại Địa Chi Thượng Phạn Thiên Phật Tử Hoá Thân Phật Đà Sáng Chế Văn Tự Hộ Trì Quốc Chính Ngũ Minh Ban Trí Đạt Bát Tư Ba Đế Sư, đồng thời ban thưởng cho ông 100 thỏi bạc, 4 vạn cuộn vải lụa tơ và vải đoạn đồng thời để ông tiếp tục làm thống lĩnh Thích Ca giáo (tức Phật giáo), sau khi Bát Tư Ba quay trở lại Triều Đình lần này, ngài đã mở rộng tiếp xúc với các nhân sỹ Phật giáo của dân tộc, rất nhiều người đã suy tôn ông làm thầy, những người ở các nơi được các ông tự tay xuống tóc như ở đất Hán, Ấn Độ, Tây Hạ, Mông Cổ, Cao Ly, Đại Lý, Duy Ngô Nhĩ lên đến 425 người trong đó có rất nhiều người về sau đã có vai trò to lớn trong việc phát huy và phát triển Phật giáo ở các vùng dân tộc.

Năm 1271 Hốt Tất Liệt đổi tên nước Mông Cổ thành Nguyên tự xưng là Nguyên Thế Tổ, truy tôn Thành Cát Tư Hãn là Nguyên Thái Tổ, Oa Khoát Tư Hãn là Nguyên Thái Tông, Mông Ca Hãn là Nguyên Hiến Tông.

Vào tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 12 của Nguyên Thế Tổ (năm 1275), quân Nguyên đánh xuống Nam Tống xây dựng chế độ nô lệ, các vùng Giang Chiết tới tấp xin quy hàng, việc ổn định tình hình chẳng mấy chốc mà xong, lúc này Bát Tư Ba lại trở lại Tây Tạng. Ở Tây Tạng, ngài Bát Tư Ba nghe được tin này liền viết "Hạ Bình Giang Nam Biểu" gửi cho Hốt Tất Liệt, ca ngợi sự nghiệp và công lao thống nhất toàn quốc của Hốt Tất Liệt. Trong bức biểu đó, ông nói rằng: "Bệ hạ nhờ vào phúc đức như trời biển do tổ tiên đã tích góp mà an định được các địa phương và chúng sinh ở các vùng. Công việc Triều chính Bệ hạ không tốn mấy công sức mà tự thành công, nhờ thần uy phức đức của mình mà Bệ Hạ cho xã tắc được yên vui, giang sơn thống nhất. Nhờ có uy lực đó mà xoay chuyển được tình hình, hợp nhất 4 châu. Do vậy, Phật Đà ở 10 phương đều vì việc này mà tán tụng những lời tốt đẹp, chỉ nguyện cho Long thể của Bệ hạ được như núi Tu Di, phúc lớn như biển, thường xuyên dùng vật báu Như Ý để thoả mãn mọi nguyện vọng của chúng sinh!" Trong quá trình Hốt Tất Liệt qua lại thăm viếng Bát Tư Ba thì những bức thư ca tụng, tán thán gửi cho nhau không dưới chục bức. Những hành động của Hốt Tất Liệt đều thể hiện rõ mục đích chính trị của ông ta là dùng tôn giáo để cai quản Tây Tạng, còn Bát Tư Ba thì lại muốn thông qua Hốt Tất Liệt để tăng cường hoằng dương Phật giáo, nhất là giúp cho phái Tát Già Tạng Truyền chiếm được vị trí ở vùng Tây Tạng.

Với mục đích kể trên thì tất cả những pháp lệnh về Phật giáo do ngài Bát Tư Ba tổ chức chế định hoặc tham gia chế định thì Hốt Tất Liệt đều rất coi trọng, cho dù bản thân Hốt Tất Liệt không thể tham gia được thì cũng cử người trong vương thất Hoàng tộc tham gia. Vào năm Chí Nguyên thứ 14 (năm 1277) do có sự đề sướng của Bát Tư Ba nên Triều Đình đã tổ chức một pháp hội ở Hậu Tạng Khúc Di Nhân Mạc (ngày nay là vùng Nhật ca của Tây Tạng) có sự tham gia của các vị tăng ở các vùng Tây Tạng. Hốt Tất Liệt liền cử Hoàng Thái Tử Chân Kim đến Tây Tạng, đồng thời với danh nghĩa là Hoàng Đế ông xin đảm nhận vai trò thí chủ, bố thí cho 7 vạn vị tăng tham gia pháp hội đó mỗi người một đồng tiền vàng và một bộ cà sa. Từ đó ta có thể thấy thái độ tôn kính các vị tăng của Hốt Tất Liệt. Không chỉ có vậy, Hốt Tất Liệt còn muốn mang Lạt Ma giáo truyền đến tất cả những vùng do ông quản lý. Ông đã từng bổ nhiệm một đệ tử của ngài Bát Tư Ba tên là Dương Liễu Chân làm Tổng Nhiếp (Tổng quản) của Phật giáo Giang Nam, để ông quản lý Phật giáo ở Giang Nam. Sau khi ông Dương Liễu Chân đến nhận chức ở Giang Nam, trong vòng một năm ông đã xuống tóc cho 490 người làm tăng tu theo Lạt Ma giáo, từ đó khiến cho Lạt Ma Giáo ở Giang Nam phát triển mạnh mẽ.

Sau khi ngài Bát Tư Ba quay trở lại Tây Tạng, do có sự bài xích của các thế lực tôn giáo dân gian đang hình thành ở Tây Tạng mà sự đấu tranh giữa họ với ngài Bát Tư Ba ngày càng gay gắt. Vì vậy Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt vào năm 1279 đã phái viện sứ của Tổng Chế Viện (hệ thống quản lý tôn giáo cấp Trung Ương do nhà Nguyên lập ra) tên là Tang Ca dẫn 7 vạn quân Mông Cổ tiến vào Tây Tạng, đánh đội quân của trưởng quan Công Cát Tang Bố, lực lượng đối kháng với ngài Bát Tư Ba. Ngài Bát Tư Ba cũng cử một vị quan Tư Thiện Thị tên là Tòng Lục đuổi theo Tang Bố, đến trước hàng quân an ủi quân Mông Cổ, đồng thời truyền đạt kiến nghị của ngài Bát Tư Ba là đánh vu hồi (thọc sườn). 7 vạn quân Mông Cổ làm theo kiến nghị của ngài Bát Tư Ba, nhất loạt tấn công đội quân của Công Cát Tang Bố, buộc những kẻ là đệ tử của ngài Bát Tư Ba nhưng lại ủng hộ Công Cát Tang Bố là anh em Lạt Ma Cổn Man và Cổn Cát Tắc phải chạy xuống Giang Nam. Sau khi làm xong việc quân sự kể trên, Tang ca liền đích thân đến lễ bái ngài Bát Tư Ba, chuyển lời thăm lỏi của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đồng thời cùng với Bát Tư Ba bàn bạc việc cải tiến biện pháp quản lý trạm nghỉ ở Ô Tư Tạng, lệnh cho binh sỹ Mông Cổ trực tiếp quản lý trạm nghỉ ở Tạng Bắc, giao cho cứ 1 vạn hộ phải cung cấp đầy đủ tiền bạc và vật dụng thiết yếu. Ngoài ra, họ còn quyết định cho quân Mông Cổ đóng đòn ở Ô Tư Tạng để phòng ngừa việc các vùng dân tộc xung quanh đến tấn công, quấy nhiễu Tây Tạng. Sự thực lịch sử kể trên chứng tỏ rằng: Nguyễn Thế Tổ Hốt Tất Liệt đã lợi dụng xung đột tôn giáo để đem đội quân Mông Cổ tiến vào Tây Tạng đồng thời đóng quân lâu dài ở đó, điều này càng khiến cho Tây Tạng nằm dưới sự quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn của chính quyền Trung ương nhà Nguyên.

Vào tháng 11 của năm Chí Nguyên thứ 17 (năm 1280) của Nguyễn Thế Tổ, ngài Bát Tư Ba viên tịch ở vùng Tây Tạng, thọ 46 tuổi. Vào tháng 12, Nguyễn Thế Tổ Hốt Tất Liệt hạ lệnh cho khắc bản in và cho in 500 bộ giới do ngài Bát Tư Ba mới dịch xong, phân phát cho các vị tăng ở các Lộ. Hai năm sau Hốt Tất Liệt lại cho xây tháp chứa xá lợi của ngài Bát Tư Ba ở Đại Lộ ( ngày nay là Bắc Kinh) đồng thời truy tặng cho Ngài Bát Tư Ba danh hiệu Hoàng Thiên Chi Hạ Nhất Nhân Chi Thượng Khai Giáo Tuyên Văn Phụ Trị Đại Thánh Trí Đức Phổ Giác Chân Chí Hựu Quốc Như ý Đại Bảo Pháp Vương Tây Thiên Phật Tử đại Nguyên Đế Sư. Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt mất năm chí nguyên thứ 31( năm 1294). Sau khi Hốt Tất Liệt qua đời, đại bộ phận các vị Hoàng Đế nhà Nguyên đều suy tôn một loạt các vị tăng Bát Tư Ba là Đế Sư. Hơn thế nữa trước khi các vị lên ngôi Hoàng Đế thì họ đều thọ giới từ Đế Sư, sau đó mới đăng quang Hoàng Đế. Tất cả số tiền để xây chùa và tháp thờ Phật cho các vị Tăng thuộc hệ phái này đều do ngân khố quốc gia cung cấp, đồng thời các vị Hoàng Đế cũng cung cấp cho các chùa miếu theo phái Lạt Ma này rất nhiều ruộng đất. Tóm lại, trong suốt đời Nguyên, các vị Lạt Ma của Lạt Ma giáo không chỉ có một số đặc quyền về kinh tế và chính trị ở Tây Tạng mà còn có những thứ đó ở ngay cả nội địa.

Trong thời kỳ thống trị của nhà Nguyên, do người Mông Cổ sùng tín Lạt Ma Giáo, nhất là Hốt Tất Liệt rất đề cao Lạt Ma Giáo nên Phật Giáo trên đất Hán không được sự phát triển đồng đều, chỉ có hai tông phái của Thiền Tông Trung Quốc là Lâm Tế và Tào Động được phát triển đôi chút. Thời Nguyên có áp dụng chính sách " Bảo Minh Thân Viện" cho các vị Tăng trụ trì các vị bô lão, tức là cấp giấy phép cho mỗi chùa có bao nhiêu người ở, điều này đã mở ra điều kiện thuận lợi cho nhiều người xuất gia. Theo thống kê của sách sử có liên quan, vào năm chí Nguyên thứ 28 ( năm 1291) Nguyên Thế Tổ toàn quốc có hơn 42000 ngôi tự viện, khoảng 210000 tăng ni, tất nhiên, phần lớn trong số đó là các chùa theo Lạt Ma giáo do các vị tăng trụ trì.

Vương Chi Bình




Có phản hồi đến “18. Người Mông Cổ Theo Lạt Ma Giáo - Hốt Tất Liệt Tôn Sùng Bát Tư Ba”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com