Mục Lục

Sau khi rước xương Phật về cúng lễ thì vào năm sau Đường Hiến Tông băng hà, Đường Mục Tông kế vị. Đường Mục Tông Lý Hằng là con trai thứ 3 của Đường Hiến Tông, tại vị được 4 năm (năm 821 - 824). Trong thời gian tại vị của ông, do cao trào về rước xương Phật và cúng lẽ xương Phật vừa mới đi qua, không khí của những ngày đó đang còn sôi động, Phật giáo cũng được nâng cao vị thế thêm một bước.

Năm đầu tiên của Trường Khánh (năm 821) Đường Mục Tông tự tay viết cuốn "Nam Sơn Luật Sư Tán" để tăng cường khen ngợi hoà thượng Đạo Tuyên, người sáng lập ra Luật Tông của Phật giáo Trung Quốc đồng thời qua đó ông cũng muốn chứng tỏ rằng, mình đã rất kính phục và muốn quy y Tông chủ của Luật Tông Trung Quốc lúc bấy giờ là Triều Luật. Ngoài ra, ông còn cử người đến Thánh địa Phật giáo Ngũ Đài Sơn dùng danh nghĩa Hoàng Đế thiết trai (cơm chay) khoản đãi gần một vạn tăng ni. Vào năm thứ 4 của Trường Khánh quan Tiết Độ Sứ của Từ Châu tên là Vương Trí Hưng tấu thỉnh lập đàn để độ tăng, nhưng những người tự nguyện trở thành tăng ni, trước tiên phải đi quyên đủ 2000 xu nộp cho Triều Đình thì mới được phát tờ Độ Điệp (giấy chứng nhận tăng ni). 

Sau khi chính sách này được công bố, người khắp nơi đổ dồn về, cúng Giang Hoài đông người nhất. Triều đình nhà Đường thông qua việc bán Độ Điệp mà thu được khoản tiền lớn. Vị quan Quan Sát Sứ của Chiết Tây tên là lý Đức Du sau khi phát hiện ra chuyện này liền dâng thư đề nghị chấm dứt sự việc. Ông cho rằng, cứ tính chung mỗi gia đình có 3 người con trai đóng suất đinh, nếu như một người xuống tóc thành tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lao dịch và thu thuế của Triều Đình. Cứ như thế này mãi, vùng Giang Hoài sẽ mất đi 60 vạn nam giới đóng thuế đinh, như vậy không thể không xem xét kỹ càng việc này, cần phải chú ý đến lợi ích lâu dài của Triều đình. Đường Mục Tông sau khi nghe lời tấu liền ra sắc lệnh chấm dứt, nhưng những người muốn thành tăng sỹ bây giờ đã trở thành trào lưu, muốn sửa thì đã muộn.

Đường Kính Tông Lý Trạm là con trai trưởng của Đường Mục Tông, lên ngôi kế vị vào năm 825, tại vị được hơn 2 năm. Vào năm đầu tiên của Bảo Lịch (năm 825) Đường Kính Tông ra sắc lệnh dựng giới đàn ở chùa An Quốc, phố Hữu lập giới đàn ở chùa Hưng Phúc để sử dụng vào việc hành pháp độ tăng, đồng thời ông còn cử quan Trung Hộ Quân tên là Lưu Quy làm Công Đức Sứ ở hai phố này, quản lý Phật sự (việc Phật giáo) ở kinh sư. Trong cùng năm đó, ông còn cử Lưu Quy chủ trì việc thi tìm Đồng tử: Trẻ em nam đọc thuộc lòng 500 trang kinh Phật là đạt yêu cầu, trẻ em nữ đọc thuộc 100 trang kinh Phật là đạt yêu cầu. Đem kinh Phật ra làm nội dung khoa cử, điều này quả là ly kỳ hết sức. Vào năm Bảo Lịch thứ 2 (năm 826 sau Công nguyên) Đường Kính Tông đích thân đến chùa Hưng Phúc ở phố Hữu nghe hoà thượng tuyên giảng kinh Phật, và cũng tỏ ra tiếc vì gặp Phật Pháp quá muộn.

Năm 827 Đường Văn Tông Lý Ngang lên ngôi. Lý Ngang là con trai thứ của Đường Mục Tông, tại vị 14 năm. Thái độ và chính sách đối với Phật giáo của Đường Văn Tông tương đối thận trọng, ở một mức độ nhất định ông có khuynh hướng kìm hãm sự phát triển của Phật giáo. Năm thứ 4 của Thái Hoà (năm 830), Bộ Từ (bộ quản lý tôn giáo và tế lễ) kiểm tra thấy có quá đông các tăng ni chưa chính thức (chưa làm lễ xuất gia, thọ giới phật) trong nhân dân, liền tấu thỉnh Đường Văn Tông đồng ý cấp tờ độ điệp cho những tăng ni phi Chính phủ này (vì theo quy định từ trước, ai muốn cấp tờ độ điệp thì phải quyên đủ 2000 xu nộp cho Triều đình, Đường Văn Tông liền chuẩn tấu. 

Nhưng những người xin cấp độ điệp lên đến hơn 70 vạn người, điều này khiến cho Văn Tông vô cùng kinh ngạc. Tang ni tu hàng phi chính thức nhiều như vậy, đó là mối hoạ tiềm ẩn của nền thống trị phong kiến. Thế là, vào năm Khai Thành thứ 3 (năm 838) Đường Văn Tông liền ban "Sắc Điều Lưu Tăng Ni", ông muốn dùng quyền lực của Phật giáo. Ông chỉ rõ: "nhân dân trăm họ đang mê hoặc thuyết khổ - không. Các Đại Thần trong Triều và các quan đều vô cùng kính trọng pháp môn phương tiện. Trai tráng thì tha hồ xuống tóc làm tăng để trốn lao dịch, đây là một điều tệ hại đang lưu hành trong Phật giáo, do đó cần phải có biện pháp nghiêm khắc. 

Từ nay trở đi, Kinh Triệu Phủ do Công Đức Sứ Phụ trách, các Châu ngoại phủ do Trưởng Lai (Lý Trưởng) địa phương phụ trách quản lý chặt chẽ Phật giáo, không để cho độ người làm tăng (xuất gia) một cách bừa bãi. Những hành vi độ tăng lén lút thì nghiêm cấm hoàn toàn". Đồng thời với việc nghiêm cấm độ tăng lén lút, Đường Văn Tông còn yêu cầu tiến hành thi tăng. Tức là, trừ các tăng đã cao tuổi hoặc còn nhỏ tuổi hoặc bị bệnh tật kinh niên, còn lại đều phải tham dự cuộc kiểm tra tăng ni do Triều Đình tổ chức. Cuộc thi quy định tất cả tăng ni tham dự cuộc kiểm tra phải đọc 500 trang kinh Phật, mà phải đọc một cách trôi chảy không sai từ nào. Ngoài ra còn phải độc thuộc lòng 300 trang kinh sách. Ai vượt qua cuộc thi này là đủ tiêu chuẩn. Sau khi Hoàng Đế ban sắc lệnh này, cho phép những tăng ni tham gia kiểm tra được ôn tập trong 3 tháng, sau đó mới phải kiểm tra. 

Những ai thi không đạt yêu cầu, liền bắt buộc phải hoàn tục (trở về đời thường). Mục đích việc kiểm tra tăng ni của Đường Văn Tông là kìm hãm sự phát triển của Phật giáo. Đồng thời, qua cuộc thi này bắt hàng loạt những kẻ "trốn đời cắt tóc đi tu" trong Phật giáo phải hoàn tục để tăng cường nguồn lao dịch và thuế khoá cho nhà nước. Đường Văn Tông còn quy định, sau khi cuộc kiểm tra kết thúc xem có bao nhiêu tăng ni và bao nhiêu chùa, sau đó phân chia mỗi chùa có một số lượng tăng ni tương đương nhau. Số chùa ở thế gian hiện nay cũng cần thống kê lại và giữ nguyên số lượng, không cho phép xây dựng thêm chùa mới. Cuối cùng ông nhấn mạnh: "một người con trai không cầy cấy thì mọi người sẽ bị đói; một người con gái không dệt vải thì mọi người sẽ bị rét. Đâu có chuyện phế bỏ người Hoa Hạ, để đi học cái trò không đẻ của kẻ mọi rợ. Bây giờ cần phải dẹp bỏ những cái vớ vẩn, trở về với cội nguồn, đưa kẻ thấp hèn bỏ ngọn trở về gốc.

Từ đó có thể thấy rằng, Phật giáo dưới tiền đề lịch sử phát triển không ngừng của Vương Triều Đường, thì biện pháp kìm hãm này của Đường Văn Tôn là một biện pháp cưỡng chế hành chính đối với Phật giáo. Điều này đã "dọn đường" cho việc Đường Vũ Tông diệt Phật pháp sau này.

Đường Vũ Tông Lý Viêm là con trai thứ 5 của Đường Mục Tông, lên ngôi kế vị vào năm 841, tại vị được 6 năm. Ông là vị Hoàng Đế duy nhất cương quyết chống đối Phật giáo trong số hơn 20 vị Hoàng đế nhà Đường. Việc Đường Vũ Tông chống đối Phật giáo cũng là có nguyên nhân tín ngưỡng của bản thân ông. Theo ghi chép trong sử tịch có liên quan, khi Đường Vũ Tông chưa làm Hoàng Đế mà làm Phiên Vương (Vương nước chư hầu) thì ông đã không có mấy tình cảm tốt đẹp với Phật giáo, mà ông thích qua lại quan hệ với các đạo sỹ của Đạo giáo, hơn thế nữa ông lại vô cùng sùng tín thuật Trường Sinh mà Đạo giáo đang ra sức tô vẽ.

 Đường Vũ Tông vừa mới lên ngôi chưa được bao lâu đã triệu tập đạo sỹ Triệu Quy Chân cùng 81 người khác vào trong cung điện, mở đạo tràng Kim Lục ở Tam Điện. Bản thân ông cũng đích thân đến Tam Điện, thọ Pháp Lục ở một nơi gọi là Tiên Đàn Cửu Thiên. Do Đường Vũ Tông vốn đã không có mấy tình cảm tốt đẹp, lại thêm sự xúi bẩy, kích động của nhóm Đạo sỹ Triệu Quy Chân kia, nên Đường Vũ Tông càng tỏ ra căm ghét Phật giáo. Nhưng việc Đường Vũ Tông diệt Phật giáo cũng trải qua một quá trình từ việc kìm hãm Phật giáo đến phế bỏ Phật giáo.

Năm đầu tiên của Hội Sương (năm 841), Đường Vũ Tông vừa mới lên ngôi, do đó ông chưa dám có hành động phá hoại Phật giáo, hơn thế nữa ông còn ban sắc lệnh mở Pháp hội cúng giàng răng Phật ở các chùa như chùa Đại Trang Nghiêm, chùa Tiến Phúc, chùa Hưng Phúc, chùa Sùng Hưng. Ông còn ban sắc lệnh cho pháp sư Kính Sương chùa Chương Kính đến các chùa chuyên niệm và tuyên giảng về cõi Tịnh Độ A Di Đà. Đồng thời Đường Vũ Tông còn ra sắc lệnh yêu cầu các đạo sỹ của Đạo giáo bắt đầu đi giảng "Kinh Nam Hoa" (tức "Trang Tử") của Đạo giáo và ông còn ra sắc lệnh xây dựng Linh Phù Ứng Thánh Viên cho Đạo giáo ở hồ Long Thủ. 

Nhưng về thái độ của ông đối với Phật giáo và Đạo giáo thì tư tưởng chủ đạo của ông đã có sự khác biệt rõ ràng. Ví dụ như ông ra lệnh lập đạo tràng trong nội cung để cho sa môn của Phật giáo và Đạo sỹ của Đạo giáo cùng tranh luận về sự kì diệu huyền diệu của hai tôn giáo, kết quả là ông ban thưởng Tử Kim (tinh chất của vàng ròng, rất quý hiếm) cho các Đạo sỹ mà không ban cho các sa môn. Lại thêm nữa: Vũ Tông còn coi Hoành Sơn Đạo sỹ Lưu Huyền Tĩnh là Ngân Thanh Quang Lộc Đại Phu, suy tôn là Huyền Quản Học sỹ ban danh hiệu là Quảng Thành Tiên Sinh, lệnh cho ông cùng với đạo sĩ Triệu Quy Chân cùng vào trong Hoàng Cung tu Pháp lục. 

Nhưng cùng năm đó, có một sa môn ở Nam Ấn Độ tên là Bảo Nguyệt vào đất Đường, tiến hành chiêu tập các đệ tử không theo đúng quy định của Triều Đình bị Đường Vũ Tông liệt vào tội coi thường quan lại, rồi cấm chỉ Bảo Nguyệt cùng đệ tử hoạt động. Nhưng vì Sa môn Bảo Nguyệt thời kỳ là tăng sỹ nước ngoài nên không thể khiển trách được ngài Bảo Nguyệt mà chỉ có thể trách đám đệ tử tín đồ đã quá đề cao thầy mình, đồng thời không cho phép ngài Bảo Nguyệt tuỳ tiện hoạt động hoặc tự ý về nước. Những sự kiện trên đã chứng tỏ rằng, Đường Vũ Tông có khuynh hướng kìm hãm Phật giáo để phát triển Đạo giáo.

Cùng với việc nên thống trị chính trị của Đường Vũ Tông ngày càng được củng cố thì khuynh hướng kìm hãm sự phát triển Phật giáo của ông ngày càng rõ nét, mọi lúc, mọi nơi, mọi việc ông đều tìm cách kìm hãm Phật giáo. Năm Hội Sương thứ 2 (năm 842) Tể Tướng Lý Đức Dạ tấu thỉnh cần phải cưỡng chế tăng ni đi hành cước ở các chùa trong Kinh Sư (Tăng ni rời khỏi chùa mình ghi tên thu hành đến ở và tu hành ở chùa khác gọi là đi hành cước) và không được phép mang theo sadi (chú tiểu). Đường Vũ Tông liền chuẩn tấu. Bỗng chốc các chùa trong Kinh Sư tìm ra một số lượng lớn tăng ni đi hành cước, yêu cầu họ quay trở về chùa cũ của mình. 

Không bao lâu sau đó, Đường Vũ Tông lại ra lệnh dừng việc phụng dưỡng các cao tăng đại đức ử trong Hoàng Cung đã thành truyền thống lịch sử, đồng thời đích thân ông nhiều lần đi kiểm tra tình hình các tăng sỹ nước ngoài đến nước Đường tu học. Tháng 10 cùng năm đó, Đường Vũ Tông còn ban sắc lệnh yêu cầu các tăng sỹ phạm giới tà dâm (lén lút nuôi vợ trong phòng), không tu giới hạnh phải hoàn tục (trở lại thế tục làm người bình thường). Ông còn ban sắc lệnh yêu cầu các tăng sỹ đã từng đi quyên tiền, thóc gạo, ruộng đất nộp cho quan, những ai tự nguyện hoàn tục thì cho họ hoàn tục để bổ sung nguồn thuế khoá và sức sản xuất. 

Theo thống kê, lần cấp giấy hoàn tục này chỉ riêng Kinh Sư thôi đã có hơn 3500 người. Ngoài ra, Đường Vũ Tông còn ban sắc lệnh hạn chế số lượng nô tỳ phục vụ tăng ni, quy định mỗi vị tăng chỉ được phép có một chú tiểu hoặc nô bộc, mỗi vị ni (sư nữ) chỉ được phép có 2 nữ tỳ. Số nô tỳ còn lại phải trả lại những nhà đã hiến nô tỳ. Những nô tỳ không có chủ được nhà nước tiếp nhận quản lý, cho họ tự do kết hôn để thành gia đình. Những biện pháp này, trên một ý nghĩa nhất định nào đó cũng có lợi cho sự phát triển kinh tế của nhà nước phong kiến.

Do chính sách kìm hãm Phật giáo của Đường Vũ Tông được thực hiện trong một thời gian dài nên trong Phật giáo có một số hoà thượng đã lên tiếng trách móc, nhưng họ không dám nói thẳng ra ầ chỉ dám nói việc chứng nghiệm của Phật giáo nó đúng ra sao. Họ làm như vậy để mong đề cao địa vị của Phật giáo trong lòng Đường Vũ Tông hoặc lấy đó làm căn cứ để thay đổi tín ngưỡng của Đường Vũ Tông. Đường Vũ Tông cũng rất lưu ý việc này. Năm thứ 3 của Hội Sương (năm 843) ông hạ chiếu nói rõ: "Từ khi có Phật giáo đến nay từ cổ chí kim bao lần thăng trầm lúc hưng thịnh, lúc bị phế bỏ có thấy ứng nghiệm gì đâu?"

 Do đó ông ra sắc lệnh yêu cầu tăng lục (tăng chỉ học Phật giáo) cùng với các tăng học cả 3 môn (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) cùng viết ra kiến thức cốt lõi của họ. Sa môn Huyền Sướng đã hệ thống lại kiến thức viết thành cuốn "Tam Bảo Ngũ Vân Đồ" dâng lên Đường Vũ Tông. Sau khi xem cuốn sách đó, Đường Vũ Tông chẳng thấy nó có chút giá trị gì, liền xếp lại bỏ đấy. Lúc đó có ông Vi Tông Khanh là người chuyên sắp xếp việc cho Thái Tử trong Triều Đình cũng trình lên cuốn do ông tự soạn tên là "Niết Bàn Kinh Sớ" gồm 20 quyển và cuốn "Đại Viện Y Tự Kính Lược" cũng 20 quyển. Sau khi xem 2 quyển này, Đường Vũ Tông cũng lại ra lệnh thiêu huỷ ngay, đồng thời huỷ cả bản thảo. 

Ông liền hạ chiếu trách mắng rằng: Phật vốn là người Tây Nhung (man rợ), đi dạy cho mọi người thuyết bất sinh, Khổng Tử là Thánh nhân của Trung Hoa, luôn dậy mọi người những điều lợi ích, Vi Tông Khanh mà người vốn là nho sỹ, lại xuất thân ở vọng tộc (dòng họ lớn) không ca ngợi và đề cao Khổng học mà lại sa đà vào các thứ phù đồ (Phật giáo) kia, viết sách nội dung lằng nhằng làm mê muội lòng người, ta không thể không trách nhà ngươi được".

Từ những lời lẽ trên đây có thể thấy rằng, Đường Vũ Tông không chỉ kìm hãm Phật giáo mà ông còn bắt đầu căm ghét Phật giáo. Sau đó không lâu, Đường Vũ Tông còn ra lệnh thiêu huỷ toàn bộ số kinh Phạt có trong Hoàng Cung, bắt đem toàn bộ tượng Phật, tượng Bồ tát và tượng các Thiên Vương chôn sâu xuống đất. Đồng thời, ông còn yêu cầu các ngôi chùa ở hai bên phố Tả và phố Hữu trong Hoàng cung chấm dứt tổ chức giảng kinh thuyết pháp, không chấp hành là phạm tội.

Trong quá trình Đường Vũ Tông từ chỗ kìm hãm Phật giáo đến chỗ căm ghét Phật giáo đồng thời huỷ kinh Phật, chôn tượng Phật, đả kích Phật giáo thì Đạo giáo lại có cơ hội phát triển. Hơn thế nữa, Đạo giáo còn giở trò "đục nước béo cò". Vào năm Hội Sương thứ 3, do có sự đề xướng của ông Triệu Quy Chân (người của Đạo giáo) mà Đường Vũ Tông đã ra lệnh cho 3000 quân Thần Sách (cả Tử và Hữu) xây Vọng Tiên Đài trong Hoàng Cung để chứng tỏ mình đã quy tâm về Đạo giáo, đồng thời ông cũng mong muốn được đi lại chơi với các Thần Tiên. Trong lúc qua lại chơi với Đường Vũ Tông, một số Đạo sỹ của Đạo giáo đã nhân cơ hộ tuyên bố rằng, Phật giáo không phải tôn giáo của Trung Quốc, cần phải loại bỏ... Nhất là Đạo sỹ Triệu Quy Chân do được Đường Vũ Tông quá quý mến và tin tưởng nên ông có rất nhiều cơ hội được chuyện trò với Đường Vũ Tông nên thường nói với Đường Vũ Tông rằng: Phật là người Tây Nhung, dạy và giảng cho người ta pháp Bất sinh, mà cái Bất sinh đó chính là cái chết. Phật chỉ bảo cho người ta con đường vào Niết Bàn, mà Niết Bàn là cái chết của con người. Phật giáo nói nhiều đến Vô Thường Khổ Không, không nói gì đến cái lý luận Trường Sinh Vô Vi. Những điều này đều trái với chí hướng của Bệ hạ".

Đường Vũ Tông liền tin lời của nhóm ông Triệu Quy Chân, tất nhiên ông lại căm ghét Phật giáo, hơn thế nữa ông lại càng ra sức đề cao Đạo giáo. Cùng năm đó, Đường Vũ Tông phong ngài Triệu Quy Chân là Giáo thọ của Đạo giáo ở hai phố Tả và Hữu trong Kinh Sư để ông hoằng dương Đạo pháo trong Kinh thành.

Vào năm thứ tư của Hội xương (năm 844) Đường Vũ Tông bắt đầu mở một loạt các hoạt động đả kích Phật giáo một cách toàn diện. Đầu năm này, thuộc hạ của quan Trung Thư (31)tấu thỉnh rằng: "Toàn quốc hiện giờ đang lưu hành một tập quán ăn chay 3 tháng, đó là tháng Giêng, tháng Năm, tháng Chạp. Đây là tập quán của dòng họ Thích Ca (tức phật giáo), nó có nhiều điều không tốt. Nay xin đổi thành: chỉ cấm sát sinh vào 3 ngày: ngày 1 tháng Năm; ngày 1 tháng Bảy và ngày 1 tháng Mười, còn những ngày khác không cấm sát sinh".

Đường Vũ Tông liền chuẩn tấu. Tháng 3 năm đó, Đường Vũ Tông ban chiếu cấm cúng giàng Xá lợi Phật, đặc biệt quản lý nghiêm các chùa có Xá lợi Phật như chùa Pháp Môn, không cho phép đưa Xá lợi Phật ra cho mọi người chiêm ngưỡng và cúng giàng một cách tuỳ tiện. Nếu như có ai đó cúng giàng Xá lợi Phật một xu thì bắt nằm sấp xuống đánh 20 trượng. Nếu như tăng ni ở chùa nào đó mà nhận một xu tiền cúng giàng Xá lợi Phật thì cũng bắt nằm sấp xuống đánh 20 trượng. Ở các địa phương nếu như có ai đó vi phạm lệnh kể trên thì do quan phủ địa phương xử phạt, đồng thời ghi lại đầy đủ họ tên những người đó, tấu lên Hoàng Đế. Vào ngày Phật Đản (8-4 Âm lịch) năm đó, Đường Vũ Tông ban chiếu bãi bỏ tập quán mời tăng ni vào trong Hoàng Cung giảng kinh, đồng thời cũng bải bỏ việc làm cỗ chay chúng giàng tăng ni.

 Sau đó ít lâu, Đường Vũ Tông lại ra mệnh lệnh cấm tăng ni đi ra đường vào buổi tối, sau khi có tiếng trống mọi tăng ni phải về chùa của mình. Tháng 8 năm đó, Đường Vũ Tông lại ban chiếu phá huỷ tất cả Phật Đường phổ thông ở các địa phương trên toàn quốc và các Trai Đường cúng Phật ở các thôn ấp. Tất cả tăng ni ở Phật Đường cúng Phật ở các thôn ấp. Tất cả tăng ni ở Phật đường phổ thông và Trai Đường ở thôn ấp bắt phải hoàn tục (làm dân thường). Lần này chỉ riêng Kinh thành Trường An đá phá đi hơn 300 Phật Đường. Vào tháng 10 năm đó. Đường Vũ Tông lại ra chiếu lệnh phá huỷ tất cả chùa, miếu nhỏ trên toàn quốc, những Kinh Phật trong chùa nhỏ thì chuyển đến chùa lớn, các chuông đồng chuông thép ở chùa nhỏ phải giao cho Quán Vũ của Đạo giáo. 

Những Tăng Ni ở các ngôi chùa nhỏ mà không chịu giữ giới hạn, bất kể là già hay trẻ đều bắt phải hoàn tục. Những Tăng Ni cao tuổi mà giữ giới hạn tốt thì chuyển đến trụ trì ở chùa lớn. Những Tăng Ni còn trẻ cho dù giới hạn tốt cũng bắt phải hoàn tục. Do đó ở Trường An lại phá tiếp 33 chùa nhỏ nữa. Hàng loạt các hoạt động tấn công Phật giáo của Đường Vũ Tông vào năm Hội Cương thứ 4 là những "khúc dạo đầu" để ông ta chuẩn bị huỷ diệt Phật Pháp.

Vào năm Hội Xương thứ 5 (845) đạo sỹ Triệu Quy Chân lại tấu thỉnh (xin phép) được tranh luận với Phật giáo. Đường Vũ Tông lại ra lệnh cho tăng sỹ và đạo sỹ gặp nhau ở điện Lân Đức. Trong cuộc tranh luận đó, đại diện Phật giáo là sa môn Tri Huyền nói rằng: "thuật Trường Sinh của thần tiên Đạo giáo chỉ là trò của những kẻ thất phu (văn hoá thấp kém) trên rừng trên núi, còn Phật giáo là thứ chí lý (phải lẽ) để Hoàng Đế trị vì thế gian". Nghe nói vậy, Đường Vũ Tông vô cùng bực tức, cho rằng ngài Tri Huyền đã phạm vào tội chống lại Thánh chỉ. Ông bắt ngài Tri Huyền phải hoàn tục trở về quê hương, vĩnh viễn không được mặc Pháp y nữa. Qua lần biện luận này, nhất là Phật giáo công kích Đạo giáo đã làm cho Đường Vũ Tông cảm thấy đau đớn vô cùng, do đó Đường Vũ Tông quyết định huỷ diệt Phật giáo.

Để diệt Phật pháp, trước tiên Đường Vũ Tông ra sắc lệnh cho Từ Bộ (Bộ quản lý việc tế lễ và đền thờ, chùa miếu) kiểm tra lại số lượng các chùa thờ Phật và tăng ni trong toàn quốc, tiến hành điều tra thống kê các tăng ni và các chùa. Đây là bước chuẩn bị để diệt Phật pháp. kết quả điều tra của Từ Bộ là: Toàn quốc có 4600 chùa lớn và vừa, khoảng 4 vạn chùa nhỏ, tăng ni tất cả là 260.500 người, những nô bộc làm tạp dịch trong các chùa tất cả là 150.000 người. Từ đó đủ để thấy rằng, thế và lực của Phật giáo hồi đó lớn như thế nào. Vào tháng 7 năm Hội Sương thứ 5 (845), Đường Vũ Tông lại ban sắc lệnh cắt giảm số lượng chùa trong toàn quốc. Sắc lệnh nêu rõ: tại hai phố Tả và Hữu ở lưỡng Kinh mỗi phố được giữ lại 2 chùa, mỗi chùa được có 30 vị tăng. 

Ở Thượng Bộ (phía Bắc) Trường An được giữ lại hai chùa là chùa Tây Minh và chùa Trang Nghiêm. Các nơi làm việc của quan Tiết Độ Sứ, Quán Sát Sứ và Đồng Châu, Hoa Châu, Thương Châu, nhữ Châu mỗi nơi giữ lại một ngôi chùa. Mỗi ngôi chùa chia làm 3 cấp (tức 3 nơi). Cấp thượng thì có 10 vị tăng, cấp trung có 10 tăng, cấp hạ có 5 vị tăng, số tăng ni còn lại phải hoàn tục. Sắc lệnh này ban ra chưa được bao lâu, Đường Vũ Tông lại ra chiếu lệnh ở đông đô Lạc Dương chỉ cần giữ lại 20 vị tăng. Các chùa có 10 vị tăng cũng cắt giảm một nửa, giữ lại 5 người. Các chùa mà có 5 vị tăng thì đóng cửa hẳn hoặc phá. Những tăng ni được giữ lại, trước kia thuộc quyền quản lý của Từ Bộ (chuyên quản lý việc tế lễ trời, đất, cúng lễ chùa miếu) nay đổi sang chùa Hồng Lô (chùa chuyên quản lý khách sứ nước ngoài đến cống nạp) quản lý.

 Ý nghĩa của việc chuyển tăng ni là người Trung Quốc nữa, mà coi họ giống như khách sứ của kẻ Di Địch (kẻ mọi rợ nước ngoài). Những chùa chiền lớn nhỏ mà không có tăng ni nữa, thì phá huỷ. Định ngày phá huỷ để cử quan Ngự Sử đến các nơi trong toàn quốc giám sát thi hành. Những tài sản, vận dụng cùng với ruộng đất của các ngôi chùa bị phá huỷ thu hết nộp cho quan. Tất cả những tượng đồng, chuông đồng, khánh đồng đều thi lại nộp cho quan Diêm Thiết (người đi mua sắt và muối) sau khi thu về đem thiêu huỷ để đúc thành tiền (đồng xu bằng đồng). Tất cả những tượng Phật bằng vàng, bạc và các đồ dùng bằng vàng, bạc ở các chùa bị phá huỷ đều đem nộp cho quan phủ địa phương, sau khi thiêu huỷ nộp cho ngành tài chính của Triều Đình. 

Tất cả những tượng Phật bằng sắt thép ở các ngôi chùa bị phá huỷ đều đem nộp cho quan phủ địa phương, sau khi thiêu huỷ đúc thành nông cụ. Các bức tượng Phật bằng vàng, bạc, đồng, thép ở gia đình vợ bé quan lại các địa phương, hạn trong một tháng phải nộp cho quan phủ địa phương. Nếu như có ai không thực hiện hoặc chống lại thì giao cho quan Diêm Thiết Sứ (vị quan lo muối và sắt thép) xử phạt theo luật cấm mua bán đồng, nếu ai vi phạm nặng sẽ xử tội chém đầu. Một số biện pháp kể trên ở một ý nghĩa nhất định cũng có lợi cho việc phát triển sản xuất và tăng thêm nguồn thu tài chính cho nhà nước phong kiến.

Tháng tám cùng năm đó, Đường Vũ Tông lại ban chiếu thư kể ra những thứ không hay của Phật giáo. Ông nói rằng: "Trẫm nghe nói, trước thời Tam Đại(32)thì chưa thấy có Phật. Sau thời Hán - Nguỵ (từ năm 206 trước CN đến 264 sau CN) thì phật giáo đã ngấm sâu và phát triển mạnh mẽ. Từ đó trở đi, Phật giáo có nhân duyên truyền bá, càng ngày càng phát triển rộng. Nó phát triển đến cả 9 châu vùng cao nguyên rừng núi, vào tận trong vọng lâu (nơi ở của Vua) trong Lưỡng Kinh (Trường An và Lạc Dương). Tăng Ni ngày càng đông đục, chùa thờ Phật ngày càng nhiều, càng cao to đồ sộ. Phá hoại phép nước làm hại người dân, đạo này là không tốt đẹp! 

Người Hoa Hạ (Trung Hoa) chúng ta đều nói rằng một người nam giới không làm ruộng thì họ sẽ bị đói, một người phụ nữ không dệt vài thì họ sẽ bị rét. Giờ đây tăng ni đông không đếm xuể. Họ cũng đều phải nhờ vào nông dân mới có cái ăn, nhờ người dệt vải mới có cái mặc. Như vậy còn ra thể thống gì nữa!" Bản chiếu thư này của Đường Vũ Tông, trên thực tế là một bài Hịch phê phán Phật giáo. Trong bản chiếu thư này, Đường Vũ Tông còn liệt kê ra tất cả thành quả thu được của lần diệt Pháp này, thành quả chủ yếu gồm: toàn quốc đã phá đi hơn 4600 ngôi chùa lớn và vừa, phá gần 40.000 chùa miếu nhỏ. Bắt hoàn tục 260.000 tăng ni cho lấy vợ chồng hoặc lao động để bổ sung cho nguồn thuế khoá nhà nước.

 Tịch thu đất đai mầu mỡ thuộc quyên sở hữu của các chùa là hàng chục triệu khoảnh (mỗi khoảnh là 15 mẫu Trung Quốc, mỗi mẫu là 60 trượng vuông, mỗi trượng là 3,3 m. Vậy là mỗi mẫu khoảng 40.000m2mỗi khoảnh khoảng 600.000m2), giải phóng được 150.000 người làm nô bộc cho chùa, bổ sung vào nguồn lao động nộp thuế cho nhà nước... Chỉ xét trên hai thành quả là tịch thu ruộng đất và giải phóng nô bộc của các chùa chiền đủ để ta thấy rằng, thế lực của nền kinh tế tự viện Phật giáo lúc bấy giờ to lớn đến mức nào! Có sách sử viết rằng, để phòng ngừa các quan lại và kể hào phú vẫn cố tình giấu kẻ nô bộc trong quá trình giải phóng nô bộc của các chùa thì nếu ai làm chuyện như thế, dù là quan hay dân thường, đều phải xử cực hình (chém đầu). Tóm lại, các hoạt động diệt Phật pháp lần này của Đường Vũ Tông đã làm giảm mạnh thế lực Phật giáo, đặc biệt là làm yếu đi nền kinh tế nhà chùa khiến cho nền Phật giáo Trung Quốc suy thoái trầm trọng.

Việc Đường Vũ Tông diệt Phật giáo cũng có liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo của ông, đồng thời cũng có nguyên nhân lịch sử xã hội cực kỳ sâu sắc. Từ khi lập nên nhà Đường đến nay, Phật giáo do được giai cấp thống trị phong kiến (nhất là các Hoàng Đế) đề xướng và tôn sùng, bảo vệ nên trong xã hội Trung Quốc, nó phát triển rất mạnh. Ảnh hưởng và thế lực của Phật giáo cùng ngày càng lớn, trong đó đặc biệt là nền kinh tế nhà chùa càng ngày cùng phát triển mạnh. Đồng thời, do có sự tồn tại và phát triển của kinh tế nhà chùa nên tự than trong Phật giáo cũng hình thành các tập đoàn kinh tế mà tăng lữ đồng thời là các địa chủ, đối lập với nền kinh tế của các địa chủ thế tục. 

Hai loại kinh tế địa chủ phong kiến này ở một mức độ nào đó nhất định phải nảy sinh xung đột, mâu thuẫn khó tránh khỏi. Biểu hiện mạnh nhất ở chỗ họ tranh giành lẫn nhau sức lao động và ruộng đất, ảnh hưởng trực tiếp đến sự kiến thiết nền kinh tế của nhà nước phong kiến. Xét về góc độ kinh tế thì Đế vương là người đại biểu cao nhất của nền kinh tế địa chủ thế tục. Khi mà lợi ích của nền kinh tế địa chủ tăng lữ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nền kinh tế địa chủ thế tục, tất nhiên Hoàng Đế phải ra tay bảo vệ lợi ích của nền kinh tế địa chủ thế tục. Từ kết quả của các biện pháp diệt Phật pháp ta có thể thấy rằng, toàn bộ nội dung của cuộc diệt Phật pháp đó đều thể hiện nguyên nhân căn bản là sự tranh giành lợi ích kinh tế. Về ý nghĩa này thì việc diệt Phật pháp của Đường Vũ Tông có lợi cho việc củng cố và phát triển của xã hội phong kiến, nó có tác dụng rất tiến bộ về mặt lịch sử.

Vào tháng 3 năm Hội Xương thứ 6 (năm 864) Đường Vũ Tông băng hà, Đường Tuyên Tông Lý Thẩm kế vị. Vào tháng 4 năm đó Đường Tuyên Tông liền ra lệnh đánh chết đạo sỹ Triệu Quy Chân, Lưu Huyền Tĩnh cùng 10 người khác vì Đường Tuyên Tông cho rằng những người này đã kích động Đường Vũ Tông huỷ diệt Phật giáo. Tháng 5 Đường Tuyên Tông đại xá thiên hạ, ra sắc lệnh ngoài 2 ngôi chùa còn giữ lại ở hai phố Tả và Hữu ra, thì ở mỗi phố xây thêm 8 chùa nữa, các tăng ni vẫn thuộc quyền quản lý của Từ Bộ như trước. Năm đầu của Đại Trung (năm 847). 

Đường Tuyên Tông ban sắc lệnh khôi phục lại các ngôi chùa vừa bị phá. Ông nói rằng ở những năm Hội Sương đã phá chùa chiền, làm như vậy là quá đáng, nhưng sự thể không quá trầm trọng, những linh sơn thắng cảnh ở các châu phủ trong thiên hạ bị phá vào năm Hội Sương thứ 5 thì này phải khôi phục lại. Vào năm sau Đường Tuyên Tông lại độ cho các chùa ấy mấy chục tăng, chùa thì 50 ngày, chùa thì 30 người. Năm Đại Trung thứ 5 (851) ông lại ra lệnh các quan phủ không được cấm chỉ những người và những nơi muốn xây dựng chùa, đồng thời cho phép các chùa thờ Phật tự do độ tăng ni (tức là nhận người xuất gia làm tăng ni) để trụ chì và quản lý chùa chiền. Trải qua vài năm được sự ủng hộ và bảo vệ của Đường Tuyên Tông sau khi lên ngôi, Phật giáo ở Trung Quốc đã được phục hồi nhanh chóng nhưng vẫn còn hạn chế. Lúc này Phật giáo ở Trung Quốc không còn được như trước nữa, nguyên khí đã bị tổn hại rất nặng, khó mà hồi phục được như trước. Một điều rõ ràng của lịch sử là, Phật giáo Trung Quốc đang có xu hướng chuyển từ hưng thịnh sang suy thoái.

Vương Chi Bình




Có phản hồi đến “13. Bỏ Phật Giáo Sùng Tín Đạo Giáo - Đường Vũ Tông Ba Lần Hưng Pháp Lúc Nguy Nan”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com