Mục Lục
8. 5. Lễ bái Ngũ bách danh Quán Thế Âm:
Vào năm 1967, chư Tăng Quan Âm Tu Viện, chư Ni tại Tịnh xá Thắng Liên Hoa là những tập thể tu tịnh độ niệm Phật, được đức Tôn Sư và Sư bà Huệ Giác hướng dẫn lạy Ngũ bách danh Quán Thế Âm. Cách lạy, liên hữu sử dụng theo nghi thức phổ thông; khi bước vào lạy danh hiệu Đức Bồ tát, liên hữu niệm danh hiệu đức Bồ tát, điểm một tiếng chuông, đứng lạy, hai tay hiệp chưởng đưa lên trán thành tâm gieo năm vóc mà đảnh lễ. Lạy Ngũ bách danh Quán Thế Âm mang lạy hiệu quả làm cho liên hữu sau khi thực tập tam nghiệp nhẹ nhàng, hóa giải hôn trầm, chấm dứt những thụy miên, tâm chí bần thần dã dượi, tăng trưởng sự tinh tấn, trí tuệ phát sanh, lòng từ xuất hiện.
Nhìn chung, lễ bái của Nhà Phật có nhiều cách: lạy theo hạnh lành Bồ tát Thường Bất Khinh (diệt ngã, thọ ký cho chúng sanh), lạy theo hạnh Nhà Sư Bắc tông (khi lạy, một tay để ngực, một tay lạy, khi quỳ đến sát đất, hai tay mới đồng lạy, hai bàn tay ngữa lên, đầu chấm sát đất) , lạy theo hạnh Tịnh Độ, lạy theo hạnh Mật tông (kết chú ấn), lạy theo Luật tông (xá ba xá lui ra ba bước rồi mới đi ra), lạy theo hạnh Đạo Phật Khất sĩ, và các giáo phái Khất sĩ tại Việt Nam (như hạnh Luật tông) lạy theo hạnh Tịnh Độ Non Bồng (đứng lạy)… Nhưng tất cả đều hướng về đạo lý giải thóat, mỗi mỗi pháp môn tu đều có phong cách riêng, nhằm để giúp cho đại chúng của môn phái mình lập hạnh tu tập.
8. 6. Pháp môn Bá Nhựt Trì Danh hiệu Phật, cầu sanh Tịnh Độ:
Là hạnh tu của Tăng Ni, Phật tử Tịnh Độ Non Bồng. Pháp môn nầy, đầu tiên được Đức Pháp Chủ Đại lão Hòa Thượng Thích Khánh Anh khai sơn tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên, Trà Ôn, Việt Nam. Về sau, năm 1960 Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước tiếp tục mở khóa tu dành cho Tăng Ni, Phật tử nam nữ trẻ già cả nước tinh chuyên tu hành cho đến hôm nay.
Về pháp tu nầy có phổ biến tại Việt Nam; tuy nhiên trong những thập niên năm mươi, sáu mươi ít có các Tự Viện tiếp nhận cho tứ chúng tu hành. Năm 1960, Hòa Thượng Thích Hành Trụ cũng mở khóa tu tại chùa Chánh Giác, Gia Định dành cho chư Tăng và Phật tử tu hành cho đến khi ngài hành đạo về tại chùa Đông Hưng, Thủ Thêm.
Gần đây tại huyện Củ chi, Tp.Hồ Chí Minh, chùa Hoằng Pháp, Thượng tọa Thích Chân Tín thường xuyên mở khóa tu niệm Phật trong một ngày, một tuần lễ, một tháng hay mở khóa tu mùa hè thật thích hợp cho giới trẻ tham dự tu niệm Phật.
Kể từ khi hoằng hóa pháp tu cho đến nay chỉ có tông phong Liên tông Tịnh Độ Non Bồng của Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước vẫn còn được truyền đăng và hành trì. Ngòai hạnh phát nguyện niệm danh hiệu Phật A Di Đà, lễ bái niệm Phật là tông chỉ chính yếu, Đức Tôn Sư còn tiếp nhận thêm pháp tu Bá Nhựt Trì Danh nầy làm tông chỉ chính yếu trong Tịnh Độ Non Bồng.
Kinh hành niệm Phật trong pháp Bá Nhựt Trì Danh theo kinh Bát Chu Tam Muội, “bát chu” là đi vòng quanh, đi chầm chậm, bước đi chấm chậm vững vàng, nhẹ nhàng thanh thản, khoan thay mà mạnh mẽ theo hướng tay phải, đầu hành giả chỉ hơi hơi cúi xuống, mắt ngó ngay chớp mủi, rồi tập trung ngay đầu ngón tay giữa đang hiệp chưởng (2 ngón tay cái chồng lên nhau), vừa bước đi xung quanh bàn thờ Phật.
Ngày xưa chư Thinh văn, Sa nôn, đệ tử Phật khi muốn thưa thỉnh một việc Phật sự hay thỉnh Phật giảng một bài pháp, thì người ấy đứng lên trịch áo bày vai hữu, bước đi xung quanh Phật ba vòng rồi mới đến trước Phật quỳ gieo năm vóc thưa thỉnh sự việc; cung cách đi như thế gọi là “đi hữu nhiễu”. “Đi hữu nhiễu” trở thành một trong những nền tảng của pháp tu đi kinh hành… Đi kinh hành cũng là nền nếp có từ thời Đức Phật, chính ngài đã từng thực hiện; sau mỗi buổi “thọ thực nhựt thời trung”, thường là đức Phật đi kinh hành niệm Phật ba vòng rồi mới chỉ tịnh và thuyết pháp cho đệ tử thọ học. Các chùa lớn của các hệ phái xưa, có tập thể Tăng Ni tu hành, các Trường Hạ; nhất là trong các Tự Viện của Liên tông Tịnh độ Non bồng, ngày nay dù có tổ chức an cư kiết hạ hay không, sau mỗi buổi thọ thực trưa vẫn có đi kinh hành vòng quanh chính điện, tổ đường niệm Phật.
Đi kinh hành niệm Phật có nhiều cách đi niệm Phật:
Cách một:
Liên hữu nhập chúng, đi theo người hướng dẫn chúng, do Hòa Thượng hay một vị Thượng tọa, Đại đức, Ni sư, Sư cô, hoặc một vị Phật tử “đứng tuổi” hiểu biết pháp tu hướng dẫn. Khi đi kinh hành phải đi theo nhịp kiểng, nhịp mõ nhỏ để giữ nền nếp cho đại chúng bước đi tham dự niệm Phật. Liên hữu niệm NAM MÔ chân trái …A chân phải …DI ĐÀ chân trái …PHẬT… chân phải... và cứ như thế mà bước đi chầm chậm… theo tiếng kiểng, tiếng mõ.
Cách hai:
Đi kinh hành theo phong cách của Tịnh độ Non bồng là mỗi bước chân trái niệm NAM… bước chân phải niệm MÔ… bước chân trái niệm A… bước chân phải niệm DI… bước chân trái niệm ĐÀ… bước chân phải niệm PHẬT… Cứ như thế mọi người chậm rãi hòa nhịp từng bước đi… Đến ba mươi phút kế tiếp các liên hữu cùng đứng lại theo thứ lớp niệm Phật, những tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Khóa tu bá nhựt trì danh, thường là chú trọng đến pháp đi kinh hành niệm Phật. Ở Nhứt Nguyên Bửu Tự được sắp xếp có đi kinh hành, có đứng, ngồi, quỳ niệm Phật. Mỗi liên hữu, mỗi chúng tham dự vào khóa niệm, mỗi thời 120 phút, trong đó có 30 phút đi kinh hành, 30 phút quỳ niệm Phật (người lớn tuổi thì ngồi cũng không sao), 30 phút ngồi niệm Phật và 30 phút sau cùng, trong đó 15 phút tiếp tục ngồi niệm Phật, còn 15 phút cuối chuẩn bị thay đổi người niệm Phật trong hai giờ kế tiếp… Theo phép niệm Phật thì dù đi kinh hành hay đứng, quỳ, ngồi niệm Phật đều niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mọi người đồng niệm, âm thanh thật hòa điệu, phong cách thật uy nghiêm với những chiếc áo giải thoát, tạo nên dáng vẽ oai vệ như “voi chúa” trong mỗi tâm niệm người con Phật đang tham dự khóa tu.
Người dự niệm Phật bao giờ cũng phải chấp tay, gọi là “hiệp chưởng”, “hiệp chưởng” là phong cách chính của người Phật Tử, cũng là tính cách đặc biệt của người Phật giáo. Theo phong cách hiệp chưởng của Tịnh Độ Non Bồng thì “hai ngón tay cái xếp lên nhau” ngón cái phải hay ngón cái trái xếp lên nhau đều được; đấy là phong cách riêng của người Phật Tử Non Bồng biểu hiện : “một niềm tin vững vàng, không lùi bước”, trước những trở ngại khó khăn gian khổ .
Suốt thời gian ba tháng mười ngày chư Tăng Ni, Phật tử tề tựu luân phiên niệm Phật ngày đêm “hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ”. Khóa tu “Bá nhựt trì danh hiệu Phật” của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng thường thì được khai mạc vào lúc 21 giờ ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch hằng năm, đến 21 giờ, ngày 17 tháng 11 âm lịch lễ vía Phật A Di Đà thì mãn khóa tu , tức là đúng 100 ngày, nên gọi “Bá nhựt Trì Danh niệm Phật”.
Trong thập niên 1970, 1980 mỗi lần khóa niệm Phật được khai mở, tại Nhứt Nguyên Bửu Tự có một vị Hòa thượng người Trung Hoa đến dự niệm Phật, hướng dẫn nhiều Phật tử Trung Hoa đi kinh hành niệm Phật. Các vị đi kinh hành có lúc chậm khoan thay, có lúc nhanh, có lúc vừa gỏ mõ, vừa gỏ kiểng vừa đi nhanh, vừa niệm Phật, không tính đến việc bước đi theo tiếng mõ nữa. Mới nhìn vào thì tưởng là các vị vừa chạy vừa niệm Phật; phương pháp nầy làm cho liên hữu tham dự dễ vào chánh niệm.
“Bá Nhựt Trì Danh niêm Phật” là phương pháp niệm thể theo lời Phật dạy cho Ngài Bồ Tát Hiền Hộ, trong Kinh Bát Chu Tam Muội. Phật dạy như sau : “Nầy Hiền Hộ ! Có bốn pháp thành tựu niệm Phật Tam Muội Hiện Tiền : một là không có tư tưởng chúng sanh dù trong khoảnh khắc – hai là thức trọn ba tháng không ngủ, dù là tạm thời đôi chút – ba là kinh hành niệm Phật trọn ba tháng – bốn là trong lúc ăn, bố thí pháp không mong danh lợi, không mong đáp ơn…”. Bốn pháp nầy nếu người tu thành tựu, sẽ đắc Tam Muội Hiện Tiền (kinh Bát Chu Tam Muội, quyển 2, phẩm 3, Tam Muội Hành, trang 113, bản dịch Minh Lễ, phát hành năm 1968 – HT Giác Quang thuyết giảng tại Quan Âm Tu Viện năm 2003).
Phương pháp niệm danh hiệu Phật A Di Đà, kinh hành niệm Phật là pháp dẫn tâm hành giả đến “nhất tâm bất loạn”, người phước mỏng nghiệp dầy, chướng sâu tội nặng, nếu tinh chuyên thì cũng có thể chứng được, bất niệm tự niệm, vãng sanh Tây phương Cực lạc.
Xin trích dẫn trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Đại chính 2, trang 532, lời Phật dạy cho chư Tôn giả:”
Hãy tu hành một pháp
Hãy quảng bá một pháp
Đã tu hành một pháp rồi
Liền có danh dự
Thành tựu quả báo lớn
Các điều thiện đủ cả
Được vị cam lồ
Đến chổ vô vi
Liền được thần thông
Trừ các lọan tưởng
Được quả Sa môn
Tử đến Niết bàn
Một pháp ấy là gì:
“Đó là niệm Phật”
(Đại chính 2, trang 532, bản dịch Thích Nguyên Hùng)
Phật dạy tiếp: “Nếu có Tỳ kheo nào chánh thân chánh ý, ngồi bắt tréo chân, chuyên tinh niệm Phật, không có niệm tưởng nào khác. Quán hình của Như Lai, mắt không hề rời. Trong khi mắt không rời, niệm tưởng công đức như Lai” (sđd, tr 554).