Mục Lục

5.1 .Thiền tịnh song tu là một pháp môn thực tiễn, có thể dung hợp sự tu hành của hành giả dù độn căn hay lợi căn, đều có thể hành pháp một cách dể dàng. Chúng tôi lược trích sau đây những ý tưởng về thiền tịnh song tu thật chuẩn mực của Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh, rất phù hợp với mọi người tu, nhất là đối với những Phật tử Việt Nam, Phật tử Liên tông tịnh độ Non bồng trong giai đoạn mới. Đồng thời theo luận chứng của Ni Trưởng, pháp tu cũng gần với pháp thiền niệm Phật của Liên tông Tịnh độ Non bồng.

Nói về Thiền: Mục đích thực tiễn của Thiền là giải thoát con người ra khỏi sự ràng buộc của danh sắc tướng. Tâm như tường vách là hình ảnh lý tưởng của Thiền gia, người đã thoát ra khỏi sự cám dỗ của thế gian, đã làm chủ được tâm, điều phục được ngũ căn. Với hạng người này, sự thành bại, nhục vinh, hơn thua, được mất, khen chê không gây được một ảnh hưởng gì nơi họ cả. Sống giữa thế gian mà đã siêu xuất thế gian, nên đối với họ Ta-bà cũng là Tịnh độ. Niết-bàn ngay ở nơi đây, trong lúc này, chứ không phải là cái gì xa xôi phải chờ xả bỏ thân tứ đại mới biết được. Đây là điểm then chốt của Thiền, là bản lĩnh của Thiền gia.

Đại Châu Thiền sư nói: Vọng niệm chẳng sanh là Thiền. Lặng ngồi thấy rõ bản tính là Định. Bản tánh chỉ cho tâm vô sanh của ông. Định là đối cảnh vô tâm, tám ngọn gió chẳng làm lay động. Nếu chứng đặng pháp Định như thế, tuy là mang thân phàm phu mà đã vào ngôi vị Phật.

- Làm sao cho vọng niệm chẳng sanh?

- Làm sao thấy được bản tánh?

Hai câu hỏi, một vấn đề. Như ánh sáng tới thì bóng tối phải lui, khi ta ngộ được bản tánh thì vọng niệm chẳng còn. Phàm phu chúng ta vì mê chấp, lấy giả làm chơn nên cả đời chạy theo trần cảnh. Mắt thấy sắc thì đắm với sắc, tai nghe tiếng thì lụy vì lời khen, mũi thì bám theo hương thơm, lưỡi tìm vị ngon ngọt, còn ý thức thì so đo phân biệt, tính toán trăm phương nghìn cách để phục vụ cho sự ham muốn của mình. Vì thế mà tạo nghiệp, vì thế mà quay cuồng trong bánh xe sanh tử luân hồi. Đức Phật ra đời, chỉ bày rõ ràng đâu là chân thật thường hằng, đâu là hư dối đổi thay để chúng sanh biết đường quay về trong sự an vui của Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Xưa nay ai cũng cho rằng cái hay suy nghĩ phân biệt là tâm của mình, nhưng Phật nói đó là vọng tâm, bởi vì cái vọng tưởng phân biệt này do bóng dáng của trần cảnh mà phát khởi; khi cảnh vật hiện tiền qua rồi thì tâm ấy cũng theo cảnh vật mà diệt đi, thành ra nó không thường còn, đó không phải là Chơn tâm bất sanh bất diệt. Chúng sanh vì sống với vọng tưởng phân biệt, bị trần cảnh lôi cuốn mà khởi tham, sân, si, sanh vô số phiền não, tự tạo ác nghiệp và đắm chìm trong bể sanh tử luân hồi.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã chỉ cho A Nan và sau đó là vua Ba Tư Nặc về Chơn tâm không sanh, không động tịnh, không co duỗi.

- Này Đại Vương, khi ông mấy tuổi mới được thấy sông Hằng?

Vua đáp:

- Khi lên 3 tuổi, con được mẹ bồng đến yết kiến thầy Trường Thọ, đi ngang qua sông này nên bấy giờ con đã thấy được sông Hằng.

Phật hỏi:

- Hôm nay ông thấy sông Hằng, vậy cái thấy đó có khác không?

Vua thưa:

- Khi con 3 tuổi thấy sông Hằng, đến lúc 13 tuổi và nay 62 tuổi thấy sông Hằng cũng không khác.

Phật dạy:

- Ngày nay ông lo buồn cho thân ông già yếu, đầu bạc mặt nhăn, không được như lúc còn trẻ. Vậy nay 62 tuổi ông xem thấy sông Hằng, cái thấy đó có già trẻ không?

Vua Ba Tư Nặc thưa:

- Bạch Thế Tôn, cái thấy không có già trẻ.

Phật dạy:

- Này Đại Vương, thân thể mặt mày ông tuy già mà cái thấy vẫn không già. Vậy cái nào có già thì cái ấy sẽ bị biến đổi tiêu diệt, còn cái nào không già thì cái đó không bị biến đổi sanh diệt. Nó đã không sanh diệt thì đâu có bị ông làm cho nó sanh tử luân hồi được.

Qua đoạn kinh trên, Đức Phật chỉ tánh thấy lúc nào cũng thế, không già trẻ, không sanh diệt đó là Tâm. Nói rộng ra thì chúng ta có tánh Biết được hiển lộ ra ngoài qua sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu căn này nếu không tiếp xúc sáu trần thì tâm ta biết là không có gì. Khi ta tiếp xúc thì thấy cảnh, nghe tiếng, biết mùi, biết vị, biết nóng lạnh, biết phân biệt, suy nghĩ. Cái biết này không thay đổi, không sanh diệt, không nhơ sạch, không thêm bớt, đồng một thể với Chư Phật, với chúng sanh muôn loài, ấy là sự biểu hiện của Chơn tâm.

Thiền tông gọi đó là chủ vì nó thường tại, không đến và đi theo cảnh (khách trần); cũng gọi là đệ nhất niệm vì cái biết này không chia chẻ phân biệt như sự thấy biết qua Ý thức (thức thứ sáu). Để sống với Đệ Nhất Niệm, Thiền sư khi nghe một tiếng động, một âm thanh thì xoay cái nghe trở về tự tánh thường có (tánh nghe) chứ không chạy theo tiếng động, theo âm thanh. Xoay cái nghe trở lại tự tâm là nhập lưu vong sở, đó là bước đầu bỏ vọng về chơn, cho đến khi chơn vọng đều không, năng sở đều tịch thì mới là thực ngộ, thực chứng.

Thiền sư Hương Hải (1628–1715, phái Trúc Lâm) đã dạy: Nếu biết quay ánh sáng soi lại nơi mình, bỏ ngoại cảnh mà xem ở tự tâm thì Phật nhãn sáng suốt, bóng nghiệp tự tan, Pháp thân hiện ra, những vết trần tự diệt. Đấy là cách tu đốn ngộ của nhà Thiền.

Nói về Tịnh độ: Tuy tin vào tha lực của Phật, nhưng nếu biết dùng Thiền lý là phản vọng hồi chơn, nương theo tiếng niệm Phật (là âm thanh giả hợp) xoay lại với tự tánh nghe (vốn sẵn có, vốn thường hằng) thì gọi là hiệp giác bội trần. Không còn chạy theo cái sanh diệt của trần cảnh, nên tâm được Định. Nhờ biết phản quán, đem tiếng niệm Phật giác ngộ về nơi tự tâm thì mê hóa thành giác, chứng nhập Pháp giới tánh bình đẳng, đó là Huệ. Tu Tịnh độ theo phương pháp này thì Định Huệ tròn đủ, tuy chưa vãng sanh mà đã thực chứng Cực Lạc, chưa bỏ phàm thân mà đã liễu sanh thoát tử, không khác gì sự chứng ngộ của Thiền sư, đây gọi là Thiền Tịnh song tu một cách viên mãn vậy.

Thiền Tịnh song tu không phải là một pháp môn mới mẻ. Trong Kinh Lăng Nghiêm, ngài Đại Thế Chí đã bạch Phật rằng:

- Chỗ bổn nhơn tu hành của con là do tâm niệm Phật mà ngộ vô sanh nhẫn, nguyện ở cõi này để nhiếp hóa mọi người niệm Phật vãng sanh Tịnh độ. Nay Phật hỏi Viên thông, con vốn không lựa chọn, chuyên thông nhiếp cả sáu căn khiến cho tịnh niệm nối luôn, được vào Tam-ma-địa, ấy là thứ nhất.

Ngài Đại Thế Chí trong khi tu pháp niệm Phật, đã nhiếp phục cả sáu căn. Cả sáu căn đều quy về nơi Nhất niệm niệm Phật, không để tán loạn rong ruổi theo ngoại duyên. Tịnh niệm thường nối luôn, không xen một niệm gì khác, nên chứng đặng niệm Phật Tam-muội. Đây là mẫu mực của Thiền Tịnh song tu vậy. Vì sao?

Nhiếp tâm niệm Phật là Tịnh, quy cả sáu căn về nhất niệm, không để chúng tán loạn rong ruổi theo trần cảnh, ấy là Thiền. Thiền Tịnh song tu thì mau chứng đặng Tam-muội, vì dùng tất cả năng lực vào một mục tiêu duy nhất, vì xoay trần cảnh vào Phật tâm. Tự lực đã sung mãn lại thêm Phật lực thường hộ trì nên sự thành công rất mau chóng và trọn đủ.

Kinh Niệm Phật Ba La Mật (Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập, Việt dịch của Hòa thượng Thích Thiền Tâm), Phẩm thứ 2 nói rằng:

Pháp môn niệm Phật chính là chuyển biến cái tâm thể của chúng sanh bằng cách không cho tâm thể ấy duyên với vọng niệm, với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), với huyễn cảnh, với trí lực, với kiến chấp, với mong cầu, với thức phân biệt, v.v… mà chỉ đem tâm thể ấy duyên mãi với danh hiệu A Di Đà Phật.

Không bao lâu người niệm Phật tự nhiên đi vào chỗ vắng lặng, sáng suốt, an lạc, cảm ứng với nguyện lực của Đức A Di Đà. Đây là do công năng của Thiền Tịnh song tu.

Trên đã tổng quát trình bày về Thiền Tịnh song tu. Sau đây chúng ta sẽ đi vào từng phần quan yếu, thế nào là Tín, thế nào là Nguyện và sau cùng là pháp Hành trì.

Tín giải: Kinh Hoa Nghiêm, quyển 6, nói: Tín là Đạo, nguyên là mẹ sanh các công đức, tăng trưởng các pháp thiện, diệt trừ tất cả các nghi hoặc, thị hiện và khai phát Đạo vô thượng.

Hơn thế nữa, đối với Tịnh độ môn, tin là điều kiện tiên quyết để đi vào. Người không có lòng tin vào bi nguyện độ sanh của Đức Phật A Di Đà không thể tu pháp môn Tịnh độ. Hoặc giả có tin mà cho rằng Cực Lạc cũng là cảnh mộng vì do nguyện lực của Phật A Di Đà lập ra; Cực Lạc chưa phải là chơn nên chẳng muốn sanh về. Hạng người này cũng chẳng thể Thiền Tịnh song tu.

Những kẻ chưa tin lời Phật nói, một là vì chưa tạo duyên lành với Phật pháp, hai là vì chưa có chánh kiến, không hiểu Phật pháp, không được gần gũi thượng nhơn thiện tri thức, ba là ít đọc kinh sách nên không biết chứng tích vãng sanh, bốn là không có duyên may được chứng kiến tận mắt những trường hợp vãng sanh trong đời hiện tại. Hạng người này phải tự biết sự khiếm khuyết của mình, phải tìm cách khai phát niềm tin.

Khởi Tín Luận, Tín Tâm Minh là hai bộ luận nói về pháp tín tâm. Trong 55 quả vị Hiền thánh để tiến tới quả Phật, thì Tín tâm là vị thứ nhất, vì là nền tảng, là căn bản đầu tiên ai cũng phải có. Còn những người lý giải cao siêu, chuyên nói về lý tánh vô sanh, tức tâm tức Phật thì lại bị trói buộc bằng tri kiến của mình. Họ cho rằng lánh khổ Ta-bà cầu vui Cực Lạc là đi từ giấc mộng này đến giấc mộng khác, chi bằng tự tại nơi vô trụ vô sanh. Xin thưa rằng trên thực tế, ngoài bậc đại Bồ-tát thị hiện độ sanh, không ai có thể tự tại ra vào chốn sanh tử, vì gió nghiệp lẫy lừng, nghiệp cảm mạnh mẽ, cuốn hút tất cả. Từ người kiến giải sâu, kẻ tri giải rộng cho đến bậc tuy đã ngộ Đạo, nhưng chưa đoạn trừ được vô minh, phiền não thì thảy đều là người mộng, cảnh mộng, vẫn còn trong sanh tử luân hồi.

Chi bằng chọn giấc mộng an lành ở Cực Lạc, nơi đó, nhờ Phật lực gia trì, mộng từ từ chuyển thành giác (hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh), trở thành bậc Bất Thoái Chuyển. Bấy giờ lý sự viên dung, mới tự tại ra vào lên xuống, hành đạo hóa đời, tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên. Nên biết rằng từ bậc Đệ thất địa trở về trước đều còn vô minh, còn ở trong mộng mà tu, bậc Đẳng Giác Bồ-tát hãy còn vi tế vô minh. Chỉ có Phật mới hoàn toàn là bậc Đại Giác mà thôi. Vậy mộng tuy có một, nhưng người mộng thì chưa từng đồng nhau vậy.

Người tu Thiền Tịnh nên trang bị và củng cố cho mình niềm tin sâu sắc. Phải tin như thế nào?

Tín tự: Tin ở chính mình. Khế Kinh có câu: Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Từ Đức Phật Thích Ca cho đến Lục Tổ Huệ Năng và tất cả những bậc chứng ngộ đều xác định điều này. Trong đá có sẵn lửa thì khi dùng công phu để cọ xát, ắt lửa phải hiện ra. Phật tánh vốn sẵn có, nhưng vì vô minh che lấp ta chẳng nhận được, nay dùng công phu tu tập, y theo lời Phật dạy ắt Phật tánh sẽ hiển lộ.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã từng nói rằng: Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Vậy phải vững tin nơi mình mà tu tập cho đến khi viên thành Phật quả. Không nên vì thấy mình là chúng sanh thấp hèn mê muội mà sanh mặc cảm tự ty, cũng không cầu tiểu quả. Phải phát tâm Bồ-đề rộng lớn, quyết cầu thành Phật, không cầu gì khác.

Tín tha: Chư Phật không bao giờ dối gạt chúng ta. Mười phương ba đời Chư Phật đều vì chúng sanh mà dạy vô lượng pháp môn để giúp chúng ta dứt trừ phiền não, thoát nẻo luân hồi.

Đức Thích Ca Mâu Ni đã vì chúng sanh thời mạt pháp giới thiệu cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Đức Phật A Di Đà đã phát ra 48 lời nguyện độ sanh, dùng Phật lực cùng bi nguyện lực kiến lập ra cảnh giới toàn vui không khổ. Chúng sanh nào nguyện vãng sanh về nơi này, sẽ được an vui tu tập, tuần tự tiến đến quả vị Bất thoái chuyển, và sau rốt là viên thành Phật đạo. Bản nguyện của Đức Phật A Di Đà là chân thật, rốt ráo và tối thắng, lời Chư Phật không bao giờ hư dối. Phàm Tăng còn giữ giới không nói dối, Thánh Tăng tuyệt không dối gạt, huống hồ Chư Phật, những bậc Đại giác ngộ, Đại từ bi lẽ nào dùng vọng ngữ hay sao? Hãy đặt trọn niềm tin vào Chư Phật, cuộc đời chúng ta sẽ tươi sáng hơn.

Tín nhơn: Xưa nay, luật nhơn quả không bao giờ sai chạy. Hễ có nhơn tất phải có quả; muốn có quả tất phải gieo nhơn. Tin vào thế giới Cực Lạc là đạo tràng thù thắng, chúng ta quy ngưỡng vọng cầu, đây là nhơn địa đầu tiên. Lại thường gieo chủng tử Phật (nhơn) vào tâm điền thì tâm này dần dần thanh tịnh, tất nhiên sẽ khế hợp cùng cõi Tịnh độ. Mỗi mỗi niệm đều tương ưng cùng tự tánh A Di Đà, cùng tự thể Phật tánh, đây là tín nhơn Phật độ vậy.

Nếu chỉ có tín tự, tín tha mà không có tín nhơn thì chẳng khác nào người làm ruộng tuy đã có sẵn khả năng và ruộng tốt mà không chịu gieo hạt, không chịu cấy lúa. Không gieo nhơn thì chẳng bao giờ gặt hái kết quả.

Tín quả: Hễ nhơn lành đã gieo xuống, lại được chăm bón đều đặn kỹ lưỡng thì chắc chắn đạt được thành quả. Thành quả của người gieo nhơn Tịnh độ là được vãng sanh. Tùy theo sự phát tâm cùng công phu tu tập, thứ lớp vãng sanh chia làm 9 bậc (Cửu phẩm Liên hoa). Hành giả thực hành Thiền Tịnh song tu vốn gieo nhơn thanh tịnh rất sâu nhiệm, rất bền bỉ, rất vững vàng nên quả vị thường là Trung phẩm trở lên.

Tín sự: Tin theo sự tướng tu tập tức là hằng ngày chấp trì danh hiệu Phật hoặc lễ bái Tôn nhan rồi phát nguyện hồi hướng vãng sanh Tịnh độ. Mỗi niệm đều chí thành, mỗi nguyện đều tha thiết thì khi sự sự viên thành, quả nào không thành tựu, nguyện nào không đạt được?

Tin vào sự mà tu, thường là hàng sơ cơ, tuy đạt kết quả nhưng phẩm vị không cao, nếu kết hợp với tin vào lý thì hoàn mãn hơn.

Tín lý: Tin rằng tâm tịnh tức Phật độ tịnh. Tu Tịnh là chuyển những nghiệp ô nhiễm, xấu ác của thân, khẩu, ý thành thanh tịnh thiện công đức. Nếu tâm này không trong sáng lại bất thiện thì cõi Tịnh nào dung chứa được đây?

Tu Thiền là chuyển tâm vọng động điên đảo thành Định Huệ. Định Huệ là tướng dụng của tịch chiếu. Tịch chiếu là thể của Chơn tâm. Một khi tâm ta an định sáng suốt thì tất nhiên tương ưng cùng pháp giới tánh. Bấy giờ toàn tâm là Phật, toàn Phật tức tâm. Tâm, Phật không hai, đây là cứu cánh Vô thượng đạo vậy. Cho nên người tu Thiền Tịnh dụng công chuyển đổi tâm phàm phu thành Thánh trí thì tất nhiên phiền não hóa Bồ-đề. Bấy giờ biết rằng tuy nói là đi, nhưng là không đi đâu, nói là chứng, nhưng không có gì gọi là chứng.

Tâm phàm phu chúng ta hay dính mắc vào tri kiến, tri giải nên chư Tổ luôn dạy rằng sự tu hành phải gồm đủ lý, sự. Nếu chấp lý bỏ sự thì rơi vào chỗ không ngoa rồi không cần tu, không cần giữ Giới luật. Còn như chấp sự, mê lý thì thành quả rất cạn cợt vậy.

Như trên đã trình bày, vì Thiền Tịnh song tu gồm đủ sự lý, tánh tướng nên tránh được những thiên chấp, sai lệch, do đó kết quả vừa bảo đảm lại vừa cao.

Ngoài ra, kinh Niệm Phật Ba La Mật còn nói thêm: Tin rằng pháp niệm Phật vãng sanh là môn tu duy nhất cho hết thảy mọi người, vì rời môn tu này thì mọi người, mọi loài không thể giải thoát. Nếu phế bỏ môn tu này thì Chư Phật cũng không thể dùng một pháp nào khác để tế độ hết thảy hữu tình đúng như bản thệ, đúng như bản nguyện (Phẩm thứ 2).

Chúng ta nên phát khởi tín tâm tròn đủ như đã nêu trên mà tu Thiền Tịnh.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Pháp Môn Thiền Tịnh Song Tu”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com