Mục Lục
8. 1 . Chiếc nôi của Liên tông Tịnh độ Non bồng
Trước khi nói đến pháp tu của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, phải nói đến vài ngôi cổ tự, chiếc nôi của môn phong, một ngôi chùa rêu phong khép kính dưới những tàng cây cổ thụ râm mát vạn niên, cộng với một kiến trúc vĩ đại đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời cũng là cội nguồn của một môn phong pháp phái thịnh hành hôm nay.
"Kể từ sau khi rời khỏi Đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức, Tôn sư về cầu pháp với Hòa Thượng Hồng Ân-Hoằng Thông, Long Sơn cổ tự dòng Lâm tế Gia phổ thứ 40. Tôn sư được truyền thừa thuộc dòng thứ 41, huý Nhựt Ý. Từ đó đến nay pháp môn tu của Hòa Thượng Thiện Phước-Nhựt Ý rất thịnh hành và lập tông phái riêng gọi là Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.
Do nguyên nhân nầy mà Ban Nghiên Cứu Sử Liệu Phật giáo Bình Dương, do Thượng Tọa Thích Huệ Thông chủ biên đã nói về Long sơn cổ tự, chiếc nôi của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.
Long Sơn cổ tự thuộc xã Thái Hòa, Tân Uyên được xây dựng vào năm Nhâm Thân 1872 do Thiền sư Như Tường – An Tịch khai sơn. Sư thuộc thế hệ thứ 39 dòng Lâm Tế Gia Phổ. Đến năm Quý Mẹo (1903) Hòa Thượng Hồng Ân – Quảng Chánh đệ tử của Hòa Thượng Như Tường lên kế thế trụ trì.
Hòa Thượng Hồng Ân trong thời gian trụ trì và hành đạo nơi đây Hòa Thượng đã quy y và độ nhiều tăng chúng cũng như Phật tử ở vùng này. Đến năm 1941 kế thế trụ trì là Hòa Thượng Trí Châu – Hồng Thông. Hòa Thượng Trí Châu – Hồng Thông sanh năm Kỷ Dậu (1909) tại làng Thới Hòa – Tân Uyên. Trong thời gian Hòa Thượng trụ trì đã tạo được rất nhiều uy tín trong cũng như ngoài tỉnh. Vào năm 1956 nhà sư Lê Minh Ý nghe danh Hòa Thượng Trí Châu là bậc cao tăng thật học nên Sư Lê Minh Ý đến cầu pháp và tu học tại chùa Long Sơn. Sư Lê Minh Ý được Hòa Thượng Trí Châu đặt pháp hiệu là Nhựt Ý – Thiện Phước thuộc thế hệ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ. Trong thời gian ẩn dật tu hành nơi đây sư Thiện Phước thay thầy hoằng dương Phật pháp và độ nhiều đệ tử xuất gia cũng như tại gia trong và ngoài tỉnh. Cũng trong thời gian này, Sư Lê Minh Ý bị tình nghi hoạt động cách mạng nên chính quyền lúc bấy giờ trục xuất ra khỏi chùa. Sau này sư Thiện Phước vân du hành đạo và lập nhiều đạo tràng cũng như cô nhi viện ở nhiều nơi. Sư tham gia vào tổ chức Tịnh Độ Tông, sau làm Phó Hội trưởng của Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam, sư Nhật Ý – Thiện Phước còn là Tông chủ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng (Mẫu Trầu), tổ chức này sau được phát triển rất thịnh ở vùng miền Đông và Tây Nam Bộ. Ngài Nhật Ý – Thiện Phước là vị sư có công lao lớn trong việc xiển dương Phật pháp chùa Long Sơn trong thời gian sư trụ trì chùa. Ngài cũng là nhà sư có nhiều công đức đưa tinh thần đạo Phật vào cuộc đời qua nhiều việc làm thiết thực như mở rất nhiều cô nhi viện, mở rất nhiều đạo tràng tu tập và khai sơn trên 100 cơ sở thờ tự thuộc phái Tông môn, Ngài đã đào tạo nhiều đệ tử xuất gia, trong đó có Ni Trưởng Huệ Giác hiện là Viện chủ Quan ÂM Tu Viện (Biên Hòa – Đồng Nai) và nơi đây cũng là ngôi Tổ Đình thuộc hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do Hòa Thượng sáng lập, và Ngài trở thành một vị cao tăng trong giới tăng ni của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Ngài là vị chân tu có tinh thần yêu nước mạnh mẽ đã cống hiến nhiều công sức cho sự nghiệp bảo vệ và giải phóng đất nước. Với công lao mà Hòa Thượng đã cống hiến cho sự nghiệp đạo pháp và dân tộc, Nhà Nước Việt Nam tặng thưởng cho Hòa Thượng 2 huân chương kháng chiến.
Sau khi Hòa Thượng Trí Châu viên tịch năm Tân Sửu (1961). Kế thế trụ trì là Thiền sư Định Trí – Nhật Khánh. Thiền sư Nhật Khánh là đệ tử trực tiếp của Hòa Thượng Trí Châu – Hồng Thông, cũng là sư đệ thiền sư Nhật Ý. Trong thời gian sư Nhật Khánh trụ trì, do có tinh thần yêu nước, nuôi giấu cán bộ cách mạng nên sư bị giặc Pháp sử bắn. Sau khi sư Nhật Khánh hi sinh, sư Nhật Quang là sư đệ của Thiền sư Nhật Khánh lên kế thế trụ trì đến năm 1968 sư Nhật Quang viên tịch.
Kế thế trụ trì chùa Long Sơn là Hòa Thượng Trung Độ – Huệ Tâm, sư Trung Độ thuộc thế hệ thứ 43 dòng Lâm Tế. Trong thời gian sư trụ trì chùa được trùng tu khang trang hơn và độ nhiều tăng ni tu học. Cũng trong thời gian này, chùa được sự ủng hộ của Ni Sư Huệ Giác viện chủ Quan Âm Tu Viện (Đồng Nai) trong nhiều công tác Phật sự. Vào năm 1989, Ban Đại Diện Phật giáo Tân Uyên mở lớp dạy giáo lý cho Tăng ni Phật tử tại chùa Long Sơn.
Hòa Thượng Huệ Tâm viên tịch vào năm Bính Tý (1996). Đến tháng 7 năm 1999 Tỉnh hội bổ nhiệm Đại đức Thiện Trang làm trụ trì.
Đến năm 2003 do nhu cầu Phật sự nên Tỉnh hội điều Đại đức Thiện Trang về trụ trì chùa Quan Âm thuộc xã Thới Hòa và cũng vào năm này Tỉnh hội bổ nhiệm Ni Sư Diệu Thường đệ tử của Ngài Huệ Tâm – Trung Độ làm trụ trì chùa cho đến nay.
Chùa Long Sơn là một trong những ngôi chùa cổ ở Bình Dương còn giữ được khá nguyên vẹn như ban đầu cả về mặt kiến trúc lẫn cách bày trí tôn thờ. Thiết trí trên chánh điện của chùa gian giữa tầng trên thờ bộ tam thế: Di Đà, Quan Âm, Thế Chí với tư thế tọa thiền, tầng kế là Đức Từ Phụ Thích Ca và Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, tượng Đản Sanh và tầng kế là long vị Ngọc Hoàng và Tứ Thiên Vương. Đặc biệt chùa còn thờ linh vị: Đương Kim Hoàng Đế Thánh Thọ Vạn Vạn Tuế (long vị này các ngôi chùa xưa thường thờ để tôn kính tri ân vị vua anh minh, hiện nay hầu hết các chùa không còn thờ long vị này). Trước điện Phật chùa còn tôn trí các bộ tượng Di Lặc, Chuẩn Đề, Nhập diệt và bộ Ngũ hiền. Hai bên gian chánh điện bên trái là bộ Quan Công (Già Lam), Ngũ Điện Diêm Vương, Địa Tạng Bồ Tát. Bên phải thờ Đạt Ma tư thế ngồi, Thập Điện Diêm Vương, phần tiền điện được tôn trí Hộ pháp, Tiêu Diện và Đức Dược Sư. Hậu tổ là bàn thờ các long vị của các vị trụ trì chùa và Đạt Ma Tổ Sư, giảng đường là Ngài Chuẩn Đề, Giám Trai và sau cùng là linh khánh thờ bà Linh Sơn Thánh Mẫu (tín ngưỡng dân gian). Các bộ tượng được thờ tại chùa Long Sơn hầu hết là những bộ tượng làm bằng gỗ mít và đất nung có niên đại cùng thời với năm khai sơn chùa, chỉ có một ít tượng được thỉnh sau này làm bằng thạch cao. Ngoài các bộ tượng chùa còn giữ lại các bao lam, đại hồng chung và các cặp liễn đối, trong đó có cặp liễn đối xưa tại chánh điện:
Tham Tán Thiên Địa Hóa Dục Minh Minh Thương Hải Phiếm Từ Thuyền
Chung Ngưng Sơn Nhạc Tinh Anh Cảnh Cảnh Kim Đài Nghiêm Diệu Tướng
Tạm dịch:
Muôn Vật Biến Hóa Chan Hòa Cùng Trời Đất Trong Cơn Mê Có Chiếc Thuyền Từ Giữa Biển Khơi
Âm Vang Tiếng Chuông Như Đọng Lại Trên Đỉnh Núi Làm Sáng Rực Tướng Trang Nghiêm Nơi Điện Phật.
Câu liễn đối này do tín chủ Nguyễn Văn Chức tặng nhân dịp khánh thành trùng tu chánh điện vào năm 1905.
Tổng thể xây dựng gồm: tiền điện, chánh điện, hậu tổ, giảng đường, đông lang và tây lang, tất cả được làm bằng chất liệu gỗ quý theo kiến trúc cổ ba gian hai chái được nối liền nhau từ hậu tổ với trai đường cách khoảng sân trong hai bên để tạo thêm ánh sáng bên trong, đây là loại kiến trúc thường được các chùa cổ Việt Nam sử dụng. Trước sân chùa là cây bồ đề cổ thụ, tàng cây che phủ kín sân chùa. Và một điện đài thờ Bồ Tát Quán Thế Âm cùng các ngôi tháp của các thiền sư trụ trì. Bên trái ngôi chánh điện trước sân là điện thờ Hòa Thượng Nhật Ý – Thiện Phước (Mẫu Trầu).
Từ lộ chính chợ Tân Ba về trung tâm huyện Tân Uyên khoảng 1 km nằm bên phải ta thấy một ngọn đồi cao thoáng. Chùa nằm trên một ngọn đồi có diện tích khá rộng thoáng mát bởi những tán cây cổ thụ che phủ không gian của ngôi chùa. Thiên nhiên nơi đây đã tạo thêm cho ngôi chùa có một không gian yên tĩnh, u tịch như cảnh non bồng tại chốn trần gian.
Đến với chùa Long Sơn hiện nay, ta cảm giác như đang sống trong thiền lâm quy củ của tổ sư, bởi nơi đây còn như nguyên vẹn những gì mà các bậc tiền bối năm xưa đã để lại. (Hội Khoa hoc Lịch Sử Bình Dương Bình Dương Danh Lam cổ tự, TT Thích Huệ Thông biên soạn, XB ngày 22/01/2008 HT Thích Giác Quang trích lược 12/12/2011
HT Thích Giác Quang