Mục Lục

Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, vắng Phật nhưng với lòng tôn quý Đức Phật, hình tượng và xá lợi của Đức Phật được tôn tạo thờ phượng khắp nơi. Việc thờ cốt tượng Phật Bồ tát, A La Hán trở thành truyền thống không thể thiếu trong chốn già lam lớn nhỏ cho đến hôm nay. Trong khi có thờ phượng, các Tỳ Kheo dậy sớm, xông hương bằng cách đốt bột gỗ thơm hay bột trầm hương, hoa dâng lên Phật, rồi mới ngồi thiền. Trời vừa sẩm tối, bóng ngả về chiều, các Tỳ Kheo Trưởng lão làm vị A xà lê ngồi kiết già trên bục cao, đọc lời dạy của Đức Phật mà các Ngài đã nghe, thuộc và tu theo, còn các đệ tử Sa Di ngồi chung quanh, chắp tay, đọc theo Thầy. Thời này chưa có chữ viết, chỉ có truyền miệng mà thôi. Nếu có vị nào đọc sai, vị A xà lê bắt đọc lại, việc này gọi là Trùng Tụng. Đó là hình thức buổi đầu của việc tụng kinh với mục đích là làm cho nhiều người nhớ kinh và truyền lại cho nhiều người khác nữa. Nhờ vậy mà Tam Tạng Kinh Điển mới còn được lưu truyền đến ngày nay.

Nguồn gốc các khóa lễ tụng kinh

Khi Phật Giáo đến Trung Hoa, người Trung Hoa cho khắc, in các bản kinh. Nhờ các bản kinh hiếm hoi quý giá này, người nào chưa thuộc có thể đọc kinh chung với các vị đã thuộc lòng rồi. Bấy giờ, sinh hoạt trong các chùa có chút ít thay đổi hơn xưa, chư Tăng chuyển dần thời dụng biểu: sáng ngồi thiền, chiều tối lại, cả Thầy Trò cùng quỳ trước bàn thờ Phật, tụng đọc kinh kính dâng lên Đức Phật.

Tuy Quốc Sư Ngọc Lâm tu hành chứng đạo theo lý thiền tông Trung Hoa, Ngài đã phải tìm cách dung hòa với các vị Mật tông khi chủ trương cải cách hẳn sự tu hành. Ngài kết hợp cả ba Thiền Tịnh Mật, soạn ra Hai Thời Công Phu làm Nghi Thức chính thức cho các chùa tụng niệm. Trong mỗi thời công phu, đều có tụng bài Kinh Bát Nhã mang chút ý thiền hòa chung với Mật Tông (Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Chú…) cùng Tịnh Độ Tông (Di Đà, Phổ Môn, Pháp Hoa…) Và nghi thức này vẫn còn các dụng trong các ngôi chùa Việt Nam ngày nay, buổi sáng tụng kinh Lăng Nghiêm và buổi chiều và tối tụng kinh Di Đà.

Sự cải cách của Quốc Sư Ngọc Lâm gây ra nhiều sự phản đối nơi các vị thiền sư. Nhưng vì lệnh từ trong triều đình đưa ra, các quan bắt buộc phải theo dõi việc tu hành nơi địa phương và báo cáo sự phản đối này. Quốc Sư Ngọc Lâm bèn viết một văn biểu phản biện nghiêm khắc để đánh tan sự chống đối ở các chùa.

Từ đó, các chùa ở Trung Hoa phải tuân theo sự cải cách này một cách tuyệt đối, sáng chiều tụng hai thời khóa công phu thay vì ngồi thiền như xưa. Dần dần nếp sinh hoạt này quen với mọi người nên ai cũng nghĩ: “Hễ ai vào chùa tu, phải thuộc hai thời công phu mới là bậc thiền gia chân chánh”.

Nhưng có một số vị thiền sư Trung Hoa vẫn thấy bất mãn, đã rời Trung Quốc tìm đến các chùa ở Việt Nam, Chiêm Thành, Thủy Chân Lạp, Thái Lan… Các vị không dám lai vãng ngoài miền bắc Việt Nam vì địa hình quá gần đất nước Trung Hoa, các vị sợ triều đình Trung Quốc sang tìm kiếm gây khó dễ.

Bấy giờ ở Việt Nam ta vào thời chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong, các chùa vẫn giữ nếp xưa tu thiền, chưa bị ảnh hưởng hai thời công phu của Quốc Sư Ngọc Lâm bên Trung Hoa.

Lúc bấy giờ Tổ sư Liễu Quán vào chùa Hội Tôn tu năm 12 tuổi với Hòa Thượng Tế Viên, trong bối cảnh ấy, các chùa ở Việt Nam ta vẫn chưa tu theo hai thời công phu như Trung Quốc. Ngài được học Thiền và đem tâm quyết tu rốt ráo tìm đến giác ngộ, giải thoát nên cầu học nhiều nơi dù trải qua nhiều gian khổ, đắng cay từ Phú Yên đến Thuận Hóa sau khi Bổn Sư viên tịch.

5.2 . Ý tưởng các Chùa nhà Thiền có tu Tịnh:

Khi chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi (năm 1765) bị loạn thần Trương Phúc Loan khống chế. Đến năm 1776, chúa Trịnh chiếm bức kinh thành Phú Xuân của chúa Nguyễn. Đi cùng quân chúa Trịnh có danh thần Lê Quý Đôn, thời gian nầy cũng là lúc nhà Tây Sơn dấy nghiệp. Năm ấy, Chúa Nguyễn Phúc Thuần đụng độ với quân nhà Tây Sơn và tử trận, Nguyễn Phúc Ánh kế vị. Cho đến khi nhà Tây Sơn bị ly gián nội bộ, nhà chúa Nguyễn Vương Phúc Ánh thừa kế xưng vương năm 1802, niên hiệu là Gia Long. Bấy giờ, ở Trung Quốc là đời vua Gia Khánh các chùa đã tuân theo lệnh Quốc Sư Ngọc Lâm chỉ còn tụng hai thời công phu. Vua Gia Long tiếp nhận tư tưởng Phật giáo nhà Mãn Thanh, lệnh cho Tăng Ni thời bấy giờ dựa theo thời khóa của các chùa Trung Quốc áp dụng cho các chùa ở Việt Nam. Ý tưởng trong chùa nhà thiền có tụng kinh niệm Phật từ đấy.

Ngày xưa, nơi chùa nào có danh tăng, nơi đó đồ chúng tựu về học nên không có trường lớp, môn học phong phú như ngày nay. Vị thầy dạy theo bản lĩnh, khả năng riêng, dạy những gì mình giỏi, mình biết, mình tu, nên có phần hạn chế chứ không toàn diện, nhiều lĩnh vực như bây giờ. Chùa nào cũng xưng là Lâm Tế Chánh Tông. Lâm Tế là tên ngôi chùa, trú xứ của Ngài Nghĩa Huyền, ngài là một thiền sư đắc đạo và có nhiều đệ tử đắc đạo. Thời đó, thiền Lâm Tế nổi trội hơn thiền Tào Động, Vân Môn hay Quy Ngưỡng. Nhưng ngày nay, chúng ta không còn giữ việc tu Thiền mà biến thành tu Tịnh Độ niệm Phật. Tịnh Độ có hai nét chính:

1/. Niệm Phật cầu vãng sinh Cực Lạc.

2/. Phát triển về nghi lễ, tụng cúng.

Qua nghi lễ, ứng phú cho thấy các nhà sư Việt Nam ta rất có tâm hồn nghệ sĩ vì các vị tụng kinh theo cách hát bộ có nhạc cụ như đờn cò, tang, trống, phách, v.v…

Các vị Đại sư khi chuyển sang tu pháp môn Tịnh Độ nhận thấy rằng pháp môn này dễ tu, ai tu cũng được, cứ giữ câu niệm Phật trong tâm lúc nào cũng Nam Mô A Di Đà Phật thì tâm bớt loạn vì có chỗ để ta bám vào thay vì tâm để trống, nghĩ nhiều chuyện vẩn vơ. Nhất là đa số mọi người yên tâm khi được nghe lời nguyện của Phật A Di Đà: Nếu niệm Phật nhất tâm sẽ được vãng sinh về Cực Lạc để tu tiếp sau khi nhắm mắt và họ tin rằng Cực Lạc là cõi thanh tịnh, trang nghiêm, không còn lo nay đói, mai đau, không bận tâm vì có người ác hại ta, không lo sóng thần, bão tố… giúp tinh thần chúng sanh an lạc.

Như thế, thoạt đầu, khi nghe và thấy thì ai cũng nghĩ pháp môn niệm Phật là pháp môn dễ tu hành, ai tu cũng được. Thật ra, đó lại là pháp môn tu dành cho kẻ thiện căn vì chỉ có bậc thiện căn mới đi đứng nằm ngồi đều nhất tâm niệm Phật. Người căn cơ thấp, kém phước, phải lo toan nhiều thứ, khó có thể nhất tâm niệm Phật. Ngoài ra, đối với người không có đủ niềm tin phát nguyện, và tinh chuyên thực hành để cầu vãng sinh thì không đủ lực để vãng sanh.

Vào thời xưa, tán tụng trong giới Phật giáo Việt Nam là phát huy một nền văn hóa cao cấp. Một gia đình hữu sự rất tín ngưỡng thỉnh quý Thầy đến tán tụng cho trịnh trọng. Không khí chùa tưng bừng nhờ có tiếng tán tụng hòa với các loại nhạc khí nên thời xưa ai cũng thích. Còn bây giờ, chúng ta cũng thích vui nhưng lại quen lối ca hát tân nhạc theo thời đại mới… thay cho nhạc cổ ngày trước nên đa số, nhất là giới trẻ, không còn thích ưa tán tụng, cốc cốc, cheng cheng nữa và dần dần chỉ còn một ít người chấp nhận.

Tóm lại, người theo Tịnh Độ Tông chỉ niệm Phật với ước nguyện vãng sanh Cực Lạc và vì niệm Phật dễ tu nên nhiều người theo. Đồng thời, bên Thiền tông, cũng có những thiền sư đắc đạo, nên nhiều người cũng hâm mộ và như thế cả hai dòng tu cứ đi song song nhau như thế rất lâu. Tuy nhiên, đi song song nghĩa là có chia rẽ: người tu Thiền cho là mình tu “trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật” còn người tu Tịnh độ thì quan niệm “niệm Phật nhất tâm ,vãng sanh Cực Lạc quốc”. Hai khuynh hướng này nghe chẳng hề giống nhau, làm cho ta lắm lúc phải phân vân tự hỏi “Đạo Phật là của ai?”. Câu hỏi đó cứ ngấm ngầm mà tạo nên mầm chia rẽ vô cùng trầm trọng. Các vị Tổ Sư đã ray rứt, không muốn đạo Phật chia cắt nên tìm cách dung hợp lại bắng cách khởi xướng, khuyến khích phương pháp Thiền Tịnh song tu. Hôm nay, nhắc đến Thiền Tịnh song tu là chúng ta nhắc lại bài pháp "Tứ Liệu Giảng" của Tổ sư Vĩnh Minh đã nói đến từ lâu xa về trước. Các vị xiển dương “Tu Tịnh Độ nếu có thêm Thiền, hoặc tu Thiền nếu có thêm Tịnh Độ thật chẳng khác chi "hổ mọc thêm sừng”.

Các Ngài giúp cho người tu Thiền, thấy niệm Phật là cần thiết với mình và người tu Tịnh Độ cũng thấy Thiền là không thể thiếu đối với mình; Thiền Tịnh đan xen nhau như sữa hòa với nước. Nếu chúng ta hiểu Thiền Tịnh khác nhau, có sự khác biệt và chia rẽ giữa Thiền Tịnh là ta đã hiểu sai ý Tổ sư. Thực sự giữa Thiền và Tịnh có mối liên quan rất rõ nét.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Việc Thờ Cốt Tượng Phật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com