Mục Lục
Một lạy con nhớ tội lỗi đã qua, con gây tạo quá nhiều, vô biên, vô lượng, nay con xin sám hối ăn năn cho tội chướng tiêu trừ đoạn dứt
Hai lạy con thành tâm cảm tạ những ai là người lân cận hoặc trong đạo ngoài đời, hằng nhắc nhở các tội lỗi của con, hoặc bằng thân khẩu ý, hoặc vô tình hay cố ý con đều sữa đổi và sám hối.
Ba lạy con đau khổ và xót thương tình nhơn loại, cả thế đời hoặc ở xa ở gần con cũng là huyết mạch mà hôm nay chưa hồi tâm trở về đường thiện duyên và con hằng cầu nguyện cho tất cả người người hữu duyên lành đồng tu niệm như con.
Bốn lạy con hằng ngày, hằng đêm, hằng giờ, con không quên xét lấy thân tâm của con để ngăn lòng sữa tánh trọn đời chẳng dám quên và con nguyện thành thật tha thứ, hỷ xả lỗi lầm cho những kẻ làm nghịch ý con hằng ngày .
Năm lạy con hằng tinh tấn cả thân tâm vì đạo trọn đời, để khỏi phụ lòng Thầy Tổ giáo dạy nhủ khuyên rất cực nhọc, con nguyện chí tâm hành đạo quên mình chung thỉ.
Sáu lạy con nguyện xét tội mình hữu tội quấy mà ăn năn, con quyết không đổ lỗi tội cho người thứ hai mà che dấu cái thói hư tật xấu của con hoặc là thân khẩu ý tạo ra, mà con lo vun bồi đức hạnh trọn đời chẳng quên, con xin hứa rằng chẳng tự dối lòng mình là dối gian với Phật.
Bảy lạy con nguyện chừa bỏ cái tham giận buồn vui, khi người, mà trọng cái riêng tư tánh ý của con, mà quên tình đồng loại, tình đồng đạo, tình bằng hữu xa gần để phụ lòng người lân cận chẳng mát tâm sanh ra phiền não.
Tám lạy con chẳng tiếc thân mạng của con, trọn đời phụng sự cho sự lợi ích của đạo Phật, chẳng hề than trách hay là kể công lao ít nhiều, con chỉ muốn cho chánh pháp Như Lai Phật Đạo trường tồn mãi mãi đời đời bất hoại.
Chín lạy con xin vâng chịu trọn đời thân tâm hồn xác, để làm người phật tử chân tu của nhơn thế, trọn đời chẳng so hơn tính quấy phân biệt với tất cả nhơn tâm cõi đời, con chẳng hề quên.
Mười lạy con xin giữ trọn đời xa lánh tất cả các điều ác chẳng phạm hoặc bằng thân khẩu ý xin chừa, con xin giữ trọn chung thỉ viên mãn các điều thiện chẳng hề quên và con thương xót muôn loài vạn vật hữu thân cũng là hữu khổ như con vậy .
Mười một lạy con xin trọn đời giữ đạo hạnh trang nghiêm, kính bậc bề trên niên cao kỷ trưởng và quí mến người còn thơ ấu không phân nam nữ trẻ già đời hay đạo, con xin nhớ trọn đời như vậy chẳng hề bạc đải với tất cả tình nhơn loại, không phân biệt ai là oán thù hờn giận mà thương mến chung như huyết mạch của con thành thật như vậy.
Mười hai lạy con hằng nhớ đến cửu huyền thất tổ của con, còn tội lỗi chưa siêu sanh Tịnh Độ, chưa về Tây Phương Phật mà con xót thương hằng ngày và con quyết chí tu hành cho đạo quả viên thành, mà cứu vớt cho Ông Bà Cha Mẹ của con và con nhớ bao nhiêu người khác chưa tu chưa siêu, muôn loài vạn vật chưa tu, con không bao giờ bỏ qua việc đạo đức là con quyết cứu vớt tất cả giống nòi, âm dương đồng siêu thoát như con vậy.
Mười ba lạy con còn nhớ nay con được hữu duyên hữu phước tu hành, có bao nhiêu tình đồng đẳng đồng loại như con còn bị đau khổ việc đời hoặc bị tù đày bị đói khát, bị cô thân và nhiều tai ách mà con chưa đủ đức hạnh cứu vớt kẻ tâm hồn thân xác như con, hằng ngày con nhớ mãi những hạng người ấy mà cảm động xót thương và con nguyện cầu Tam Bảo chư Phật chứng minh, con quyết tu thành đạo để rồi thượng báo tứ trọng ân hạ tế tam đồ khổ, đặng vậy con mới đắc kỳ hạnh nguyện tu của con.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật .
Con nhứt tâm đảnh lễ tam cõi Phật Trời Thánh Tiên Thần, Cha Mẹ Ông Bà cảm ứng chứng minh, con sám hối mười ba lạy Tam Bảo đạo tràng, trọn đời thân tâm hồn xác chẳng quên chung thỉ của con trong cuộc đời tu hành viên mãn .
Nguyện thân tâm của con là. . . . . . . . . .pháp danh . . . . . . thành tâm cầu nguyện đạo đời an lạc trường tồn phước hạnh nhơn trần toàn thiện, đồng tu Phật siêu sanh tịnh độ, trang nghiêm Phật quốc, Phật địa nhơn nhơn Phật.
Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát cảm ứng chứng minh
Những bài phát nguyện trên xuất phát từ kim ngôn của Đức tôn sư trong những năm còn hành đạo tại núi Bồng Lai, trung tâm thành lập Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và những năm tại trần thế. Những bài phát nguyện tụng đọc ở non núi, lời văn mộc mạc, không sắp sẳn không sọan đi sọan lại như các nhà văn, chỉ có ý tứ là dồi dào, cho những người muốn học đạo giải thóat, không còn phân vân, khi người tụng đọc không nghi ngờ, mà còn thêm phát tâm tinh tấn ký gởi trọn niềm tin nơi lời nguyện và cảm thấy được gần gủi Đức tôn sư. Xin mời gọi các bạn thử tụng đọc và nghiên cứu.
Trong sám văn Phát bồ đề tâm của Đại sư Thiệt Hiền, hiệu Tư Tề, đệ Thập tổ của Tịnh Độ Tông, ngài có trứ thuật lại lời kinh dạy:
”Yếu môn nhập đạo
Phát tâm làm trước
Yếu vụ tu hành,
Lập nguyện làm đầu
(Đường về Cực Lạc, Liên tông chư tổ, trang 185)
Pháp sám hối trong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng lời văn thâm thiết, truyền cảm, giúp cho hành giả tự nghĩ đến thân khẩu ý của mình mà sám văn sám hối tội lỗi. Văn tuy mộc mạc đơn sơ, nhưng nội dung giúp cho chư liên hữu trong Tịnh Độ Non Bồng từ trên 60 năm qua tu hành bất thối chuyển, hiệu quả cao.
8.3 . Pháp môn lễ bái niệm Phật:
Là tông chỉ thứ hai của người tu ở non núi; vì tu ở non núi nên lễ Phật, lễ Pháp, lễ Tăng, lễ các vị giáo chủ, lễ những người có công với nước non, quốc vương, khai quốc công thần, lễ cầu nguyện lục châu thế giới hòa bình, lễ cầu quốc thới dân an, nước nhà thái bình thịnh trị. Trong những năm 1959 đến 1965, chư Tăng Ni, Phật Tử Non Bồng thường xuyên thực tập “lễ bái niệm Phật”.
Lễ bái theo phong cách Tịnh Độ Non Bồng, là gieo năm vóc thành tâm kính lễ; có khi đứng lạy, quỳ lạy, người già yếu thì ngồi lạy. Chư liên hữu khi lạy xuống thì niệm câu : “Nam mô A Di Đà Phật”, khi đứng lên cũng niệm câu: “Nam mô A Di Đà Phật”. Người tu phát nguyện lạy như thế từ 3 lạy (lạy Tam Bảo) đến 12 lạy (12 câu nguyện Nam mô An Dưỡng Quốc, 12 câu nguyện Quán Thế Âm…), 48 lạy (lạy 48 lời nguyện của Phật A Di Đà),108 lạy (vừa lạy vừa niệm Phật).
Khi thực hành khóa tu lạy Phật, thì có vị duy na điểm chuông gia trì thật chậm cho liên hữu lạy Phật. Tư thế “đứng lạy” của Liên hữu Tịnh Độ Non Bồng như sau: hai bàn chân phải khép sát vào nhau, không đứng hình chữ “bát”, hai bàn tay chắp vào nhau, hai ngón tay cái xếp lên nhau. Đôi bàn chân đứng theo hình chữ “nhất” biểu hiện cho nội lực vững vàng, không ngã nghiêng, ngã ngữa, dễ dàng đưa hành giả đạt đến chổ nhất tâm, nghiêm túc giữ gìn giới pháp Phật, hai ngón tay cái xếp lên nhau biểu hiện cho sự tinh tấn, kiên tâm trì chí, tâm chí vững bền, tu hành bất thối chuyển.
Liên hữu Tịnh Độ Non Bồng, thường xuyên lễ sám Kinh Dược Sư, lạy Vạn Phật, lễ Pháp Hoa, lễ Tam Thiên Phật, lễ sám Ngũ Bách Danh Quán Âm Bồ Tát, lạy Thù Ân, lễ bái Tôn Sư, Thầy Tổ, lễ bái quý Sư Lớn, lễ bái những người già cả (trong ngày lễ Vu Lan)… lễ xong xá ba xá, lui ba bước rồi mới đi ra ngoài.
Thời gian tại Non Bồng, trong một ngày Tăng Ni, Phật Tử lễ bái hai lần, buổi sáng và buổi chiều, thường là lễ bái tập thể, từ một trăm đến năm trăm người trở lên, đứng lạy, không quỳ hay ngồi mà lễ lạy. Hoặc từng cá nhân chư Tăng Ni, tín đồ Phật tử lập hạnh: sáng, trưa, chiều đều mặc áo tràng lễ bái Phật, Bồ tát, lễ bái Tổ Sư. Ngày nay, đã trên năm mươi năm rồi nhưng chư Tăng Ni, Phật tử kể cả tác giả biên sọan quyển sách nầy vẫn còn thực hành “lễ bái niệm Phật” hằng đêm như xưa, hoặc kiết thất 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày hay 3 tháng 10 ngày mà lễ bái niệm Phật.
8.4 . Lễ bái Kinh Diệu Pháp Liên Hoa:
Tại Việt Nam có rất ít người tu lạy (lễ bái) Kinh Pháp Hoa, những nơi có chư Tăng Ni phát tâm lạy kinh Pháp Hoa, như ở Chùa Vạn Đức, Vạn Hạnh (Thủ Đức). Một vài vị Tăng Ni xưa ở miền Tây Nam phần Việt Nam cũng từng tu hạnh lành lễ kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Năm 1964, Cụ Bà Diệu Âm, liên hữu Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, quản lý các Tăng Ni sinh tại Tổ Đình Linh Sơn phát tâm lạy từng chữ kinh Diệu Pháp Liên Hoa trong thời gian ba tháng, Cụ Bà lạy xong bộ kinh Pháp hoa.
Pháp tu lạy Pháp Hoa, tức là hành giả nhứt tâm cung kính lạy từng chữ trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, từ chữ đầu tiên của tựa Kinh đến chữ cuối cùng của "Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện".
Năm 1962 khi vào Phật Học Đường tu học, được Đức tôn sư ban cho quyển kinh Diệu Pháp Liên Hoa có phần Âm-Nghĩa bản dịch năm 1947 của HT Thích Trí Tịnh, in vào năm 1961 để hộ thân. Ngày mùng 10 tháng bảy năm Đinh Mùi (1966) đến Liên Tông Tự, đường Đề Thám, Quận Nhì, Saigon (nay là Tp.Hồ Chí Minh) phát nguyện thọ giới Tỳ kheo, nhìn thấy bản song ngữ Hán-Việt do Cụ Đoàn Trung Còn biên dịch vào năm 1937 nằm trong tủ sách lớn của Hội sở Trung Ương Tịnh Độ Tông Việt Nam nhưng chưa được đủ duyên để cầm đến đọc tụng. Cuối năm 1969, có nhơn duyên xem được bản dịch Kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Hòa Thượng Trương Văn Đó, in trên giấy vàng (dịch giả không xưng pháp danh, pháp hiệu) trú xứ Kiên giang, Rạch giá. Năm 1971 học “Pháp Hoa huyền nghĩa” của Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền; năm 1972 đọc “Pháp Hoa giảng diễn lục” của ngài Thái Hư Đại sư, do Hòa thượng Thích Trí Nghiêm biên dịch. Gần đây nghiên cứu Pháp Hoa thông nghĩa của Đại sư Đức Thanh, bản dịch và giảng giải Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, nhà xuất bản tôn giáo ấn hành năm 2007.
Đầu tháng Tư, năm Kỷ dậu (1969), tại Quan Âm Tu Viện dưới sự hộ trì của Đức Tôn Sư, Sư Bà Thích Nữ Huệ Giác và Sư huynh Hòa Thượng Trụ trì Thích Thiện Chơn, Hòa thượng Thích Giác Quang phát nguyện nhập thất lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa tại Tịnh thất Bảo Tịnh.
Nội dung trong kinh tụng có giảng "hơn sáu muôn lời thành bảy cuốn", tức là kinh có trên 60.000 chữ ( trên thực tế có khoảng 76.460 chữ). Muốn lạy được kinh Pháp Hoa, hành giả phải thực hiện nhập thất 100 ngày trong năm; trong 100 ngày đó, mỗi ngày thực hiện sáu thời lạy, mỗi thời lạy 125 lạy và lạy đứng.
Điều cần thiết là trong thời khóa tu phải có hai người hộ trì chính yếu: một là Thầy Bổn sư hay một tu sĩ có phước đức trí tuệ cao viễn hơn hành giả để cân nhắc đến giờ lễ bái; cầu thỉnh long thiên hộ pháp bát bộ kim cang lai hộ trì gia hộ giữ gìn lực nội tại; hai là vị Thị giả thân tín, phục vụ ăn mặc ở bệnh, canh giữ bên ngoài không cho người lạ ngoài trú xứ xâm phạm nội giới (số lượng 160 lạy như thế, ngày bốn thời, trong quá trình tu tập sẽ có dư thời giờ trong ngày và dư thời gian cả khóa tu). Thời gian lễ bái mỗi ngày bốn thời, ngoài bốn thời chính thức đó, cần gia hạnh thêm chương trình tu niệm Phật, niệm chú Đại bi, chú Vãng sanh…nghiên cứu, đọc học một vài bộ kinh đại thừa phương quảng.
Ngày khai kinh, hành giả mặc y áo tề chỉnh trang nghiêm, thật chậm rãi đến trước bàn Phật đảnh lễ Tam Bảo, đọc bài Chiên đàn hải ngạn…, tụng chú Đại bi…, niệm khai kinh kệ…, rồi đứng chắp tay, tiếp tục đọc câu:
“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “DIỆU”, điểm chuông rồi lạy 1 lạy”.
“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “PHÁP”, điểm 1 tiếng chuông rồi lạy 1 lạy”
“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “LIÊN”, điểm 1 tiếng chuông rồi lạy 1 lạy”
“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “HOA”, điểm 1 tiếng chuông rồi lạy 1 lạy”…cứ như thế tiếp tục lạy từng chữ trong Kinh…
Trong 100 ngày lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa sức khỏe phải đầy đủ, chỉ trừ tắm rửa, vệ sinh, các việc còn lại tuyệt đối cắt đứt muôn duyên, không công tác Phật sự, không thuyết pháp, không còn tiếp xúc với ngọai nhân, nếu còn tiếp xúc thì không lạy, không lạy thì không còn gọi là lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa nữa!
Trong thời khóa tu, ở nơi am thất phải thông thoáng, đóng kín cửa thất chính, mở cửa sổ phía không bóng người lai vãng; không sắm vật chất nhiều trong am thất, các vật dụng như radio, tivi, cassette, tập sách, chén bát, ly tách (chỉ để lại một cái), thức ăn vặt. Thu dọn đem những giấy mực, những tranh ảnh dán trên tường (trừ ảnh Phật), vứt đi những bao nylon và các vật dụng không cần thiết.
Năm Canh dần (2010), Sư Minh Chiêu, Tu sĩ Quan Âm Tu Viện nhập thất tại Lộc Ninh, Bình Phước phát tâm lạy Kinh Pháp Hoa từ ngày mùng 01/11 đến 25/11/Canh dần, mỗi ngày lạy 6 thời: sáng, trưa, chiều, tối, nữa đêm và công phu khuya (một đôi khi Sư lạy cả mười lần trong ngày). Với trên 60.000 chữ, từ khi khai kinh, Sư phát tâm lạy chỉ có 25 ngày là hoàn mãn hồi hướng. Đây cũng là kỷ lục tu hành tinh tấn trong các Tự Viện Tịnh độ Non bồng tại Việt nam. Ngoài ra, trong năm 2011 còn có các Cư sĩ Pháp Hạnh, Quận 3; Cư sĩ Thiện Tâm, Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh theo gương của các bậc tu hành của Liên tông Tịnh độ Non bồng phát tâm và đang lạy từng chữ kinh Pháp Hoa.
HT Thích Giác Quang