Mục Lục
11.1.Trong chốn thiền lâm, khóa lễ Công phu khuya Lăng Nghiêm rất quan trong với Tăng Ni, giúp cho chư Tăng Ni phát huy tri thức, diệt ái dục, dứt tham sân thêm nhiều đại lực cho người tu Phật, mở đường cho kiến thức mới sanh khởi và phát triển. Ở phần Hồi hướng có tụng bài Thiện Nữ Thiên Chú trước khi kết thúc thời khóa tụng niệm. Cũng thế ở phần kết quyển sách “Một Trăm Ngày Niệm Phật & Một Trăm Bài Pháp” nầy, Sư sẽ giảng giải về ý nghĩa thần chú Thiện Nữ Thiên.
Thần chú Thiện Nữ Thiên, cũng gọi là Thiện Nữ Thiên Chú hay Thiện Thiên Nữ Chú, một bài thần chú quan trọng thứ mười trong Thập chú (trong các kinh Nhựt Tụng, Kinh Tam Bảo, Nhị thời công phu) cũng như trong chốn tòng lâm. Theo hệ thống Phật giáo Bắc truyền, thường thì thần chú được trích ra khỏi Thập chú để chư Tăng Ni đại chúng trì tụng ở phần Hồi hướng của thời khóa Công phu khuya, sau khi tụng thần chú Thủ Lăng nghiêm, tán trống bài cầu nguyện chúc tụng, tán trống lạy tứ thánh, tán trống bài tam quy y; thần chú được vị Duy na, Duyệt chúng chủ trì điều hành chuông mõ tụng tại bàn thờ ngài Hộ Pháp. Trong các chùa xưa thường thì bàn thờ ngài Hộ pháp luôn được thờ đối diện với bàn thờ ngôi Tam bảo, nơi thờ Đức Trung Tôn; các chùa đời nay thì thờ Hộ pháp ở một bên, do các vị xây chùa theo cấu trúc nhà thờ thiên chúa bên Tây bán cầu. Cũng có khi Tăng Ni, Phật tử kết khóa tụng chú đại bi, thì có phát nguyện tụng luôn 10 bài Thập chú trong đó có thần chú Thiện Nữ Thiên Chú.
11. 2. Năm 1999, đựơc Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Nai thỉnh giảng khóa An cư kiết hạ tại Tổ đình Long Thiền, thuyết giảng môn Nhị Khóa hiệp Giải; năm 2000, Ban Trị Sự Tỉnh mở Lớp Giáo Lý Cơ Bản Phật Học tại Tổ đình Long Thiền, Sư tiếp tục được phân công đứng lớp giảng dạy Nhị khóa Hiệp Giải thời công phu khuya.
Nay xin nói về thời công phu khuya trước nhất tụng bài Thủ Lăng Nghiêm, ý nghĩa câu quy mạng thần chú thủ Lăng nghiêm rất có oai lực trong chốn thiền lâm, khi giảng, vừa đọc đề tựa lên thì long thiên bát bộ chư thiên đều dựng đứng tóc, đứng dậy chào đón đảnh lễ mười phương chư Phật giáng lâm: “Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhơn, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm Kinh” gọi tắt là “Đại Phật Đảnh, Thủ Lăng Nghiêm Kinh Thần Chú”; tiếp đến tụng thần chú Đại bi, 10 bài thần chú… đều là những bài kinh thần chú quan trọng trong chốn Thiền lâm Bắc tông. Làm Tăng Ni mà không thuộc các thần chú Thủ Lăng Nghiêm, 4 giờ sáng nghe trống công phu, không thức dậy cùng đại chúng công phu, hoặc chưa từng tụng các thần chú nầy thì chưa phải là Tăng Ni, hay các bậc Thiền Gia Chân Chính.
Mười bài chú được trích trong bộ Đại tạng kinh, Mật tông bên Trung Hoa, thần chú Thiện Nữ Thiên được trích từ trong bản Kinh Kim Quang Minh, nơi hàm chữ Hóa trong Đại tạng, bài thần chú như vầy:
Bản 1: - Nam mô Phật đà, Nam mô Đạt mạ, Nam mô Tăng già. Nam mô Thất lỵ, ma ha đề tỷ da, đát nễ dã tha, ba lỵ phú lầu na, giá lỵ tam mạn đà, đạt xá ni, ma ha tỳ ha ra dà đế, tam mạn đà, tỳ ni dà đế, ma ha ca lỵ dã, ba nễ, ba ra, ba nễ, tát lỵ phạ lật tha, tam mạn đà, tu bát lê đế, phú lệ na, a lỵ da, đạt mạ đế, ma ha tỳ cổ tất đế, ma ha di lặc đế, lâu phả tăng kỳ đế, hê đế tỹ, tăng kỳ hê đế, tam mạn đà, a tha a nậu, đà la ni (Nhị Khóa hiệp Giải, bản dịch Đức Pháp Chủ Khánh Anh)
Bản 2: - Nam mô Phật đà, Nam mô Đạt mạ, Nam mô Tăng già. Nam mô Thất rị, ma ha đề tỷ da, đát nễ dã tha, ba rị phú lầu na, giá rị tam mạn đà, đạt xá ni, ma ha tỳ ha ra dà đế, tam mạn đà, tỳ ni dà đế, ma ha ca rị dã, ba nễ, ba ra, ba nễ, tát rị phạ lật tha, tam mạn đà, tu bát lê đế, phú lệ na, a rị da, đạt mạ đế, ma ha tỳ cổ tất đế, ma ha di lặc đế, lâu phả tăng kỳ đế, hê đế tỷ, tăng kỳ hê đế, tam mạn đà, a tha a nậu, đà la ni (Kinh Tam bảo, bản dịch cư sĩ Đòan Trung Còn)..
Bản 3 (Pali):
Namo Buddhàya, Namo Dharmàya, Namo Sanghàya
Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng
Namo Sri Mahà Devàya, Tadyathà
Quy y Cát tường đại thiên, chú nói như vậy
Paripurna, Cale, samanta Darsani
Hỡi đấng huyền năng hay ban bố sự viên mãn thù thắng
Mahà Vihara Gate, Samanta, Vidhàna Gate
Đấng chủ tể đại tác nghiệp hay nhìn thấy khắp nẽo rộng lớn!
Mahà Karyapati, Suparipùre
Hãy khéo léo làm cho tất cả đều được đầy đủ
Sarvatha, Samanta, Suprati, Pùrna
Hãy khiến cho khắp tất cả mọi nơi đều được sự viên mãn thù thắng tối thượng.
Ayana, Dharmate, Mahà Vibhasite, Mahà Mattre
Hãy thể hiện lòng đại từ làm cho Lý Pháp tính tỏa sáng mầu nhiệm rộng lớn khiến cho con và chúng sanh được thích ứng với sự lợi ích chân chính.
Upasamhìte, He ! Tithu, samgrhìte.
Samanta Artha Anupalani.
Mừng thay đấng biểu hiện của lòng yêu thương. Đấng chân chính gìn giữ sự lợi ích. Hãy giúp cho con và chúng sanh đều gìn giữ được khắp mọi tài sản lợi ích.
Âm:
Nam mô Phật đà gia, Nam mô Đạt mạ gia, Nam mô Tăng già gia.
Nam mô Thất lị, ma ha đề tỷ da, Đát nễ dã tha,
Ba lị phú lầu na, giá lị, Tam mạn đà, đạt xá ni,
Ma ha tỳ ra ha dà đế, Tam mạn đà, tỳ ni già đế,
Ma ha ca lị dã ba nễ, Ba ra ba nễ,
Tát lị phạ lật tha, tam mạn đà, tu bát lê đế, phú lệ na,
A lị da, đạt mạ đế, Ma ha tỳ cổ tất đế, Ma ha di lặc đế,
Lâu phả tăng kỳ đế, Hê đế tỷ, Tăng kỳ hê đế,
Tam mạn đà, a tha a nậu, đà la ni
11. 3. Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh, cũng gọi Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, ghi lời của Bà Công Đức Thiên, cũng gọi là Thiện Nữ Thiên nói và tự giới thiệu với đại chúng trong pháp hội: “Nơi phía Bắc có núi Tu di, ở giữa núi có vị Thiên chủ là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, làm chủ một kinh thành tên A-Ni Mạn Đà; giữa thành có một công viên tên là Công Đức Hoa Quang; trong công viên ấy lại còn có một khoảng vườn nữa rất sung túc tên là Kinh Tràng, vì công viên có lối kiến trúc bằng bảy thứ ngọc báu rất tốt, đó là chổ của tôi (Thiện Nữ Thiên) thường cư trú.
Thiện Nữ Thiên chính là một trong những hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, thị hiện đứng trong hàng chư Thiên phát nguyện hành Bồ tát đạo, là một trong những vị Hộ pháp hộ trì cho những ai phát tâm thực hành hạnh nguyện Bồ tát lợi tha ở cõi ta bà nầy.
Vì muốn thành tựu cho những người trì tụng Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim được có đủ vật dụng như ý muốn, nên tôi nói lên thần chú “Thiện Nữ Thiên”. Hiệu quả, đối với thần chú đây, hoặc những người siêng trì tụng, hoặc người nghe trì tụng, hoặc người phát tâm dâng hương hoa cúng dường thần chú; khi muốn cần thiết việc chi, đều được cung cấp đủ đầy, như: vàng, bạc, ngọc ngà châu báu, thú gia cầm, ngũ cốc tất cả vật dụng, đều được phong nhiêu, đều được cung cấp đủ cả. Đó là lời nguyện của Bà Thiện Nữ Thiên hộ trì cho những người tu Phật, các thiền sinh, liên hữu nơi thế giới ta bà, những Sa môn đệ tử đức Phật Bổn Sư Thích Ca lập hạnh.
XII . LỜI KẾT
Chư Thiện Hữu Tri Thức kính mến!
Quyển sách Thiền Tịnh Song Tu được trích dẫn từ các nhận định của các bậc Thiền sư, Đại sư, Thức giả, chúng con xin phép ấn tống và phát hành quyển sách nầy nhằm vào chổ dành cho chư Tăng Ni, Phật tử cùng nghiên cứu tu học. Thiền Tịnh song tu là pháp môn tu phù hợp với thời đại, nhất là đối với sự phát triển về số lượng lẫn chất lượng trong tu học hành đạo của chư Tăng Ni, Phật tử.
Thật ra mà nói quá khứ cũng như hôm nay, từ chư Thiện Hữu Tri Thức, đến các học giả Tăng Ni cao cấp, những bậc tu hành có đẳng cấp luôn có nhiều nghĩ suy về một thiền sinh phát tâm tu Tịnh Độ, một liên hữu phát tâm tu Thiền, hay một tu sĩ phát tâm tu cả hai môn. Theo chúng con trải nghiệm tu hành trên 52 năm nhận thấy chẳng có gì trở ngại, miễn là đừng nương vào hình thức lập tông giáo rồi đan tâm chia manh xẻ mối, mang tính cố chấp cục bộ có hệ thống. Hành giả tích cực phát tâm tu Thiền, tu Tịnh độ, tu Mật, tu Luật hay tu các pháp môn khác, tất cả đều là pháp của Phật, như là vị thuốc A dà đà phổ trị tham sân si, giúp chúng sanh giải thoát sanh tử luân hồi. Khinh chê pháp là khinh chê Phật, chê pháp môn là chê giáo pháp Phật, rất có lỗi với người xưa, người trên trước, hậu côn và muôn vạn chúng sanh các đời sau.
Chúng sanh có 84.000 trần lao phiền não, giáo pháp Phật có 84.000 pháp môn tu, chúng ta nghĩ sao về những giáo pháp mới phát sanh trong Đạo Phật? Các pháp đó, cũng rất tích cực giúp cho mọi người tu hành đắc quả thành công.
Thiền tịnh song tu là pháp môn mới phát sanh, nói mới tức là phát sanh sau pháp tu Thiền hay pháp tu Tịnh... Nói mới, nhưng thực ra pháp môn nầy phát sanh từ những năm Đức Phật tại tiền: do chư vị Thinh văn A La Hán, cư sĩ Phật tử, Bồ tát ngoại hộ chuyên tu Thiền quán đề mục hoa sen, đề mục thân bất tịnh, đề mục đất, đề mục thế giới quan vô thường, khổ, không, vô ngã... rồi chuyển tiếp đến niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng...; nhất là tưởng niệm về Đức Phật khi ngài nhập thiền lên cung trời Đao lợi thyết pháp, hoặc rời tinh xá với thời gian dài, đi vắng. Một vị Thinh văn xưa cũng là nhà tu thiền, nhưng tâm hồn lúc nào cũng tưởng Phật, nhớ Phật, gần Phật, gặp Phật thì vui, xa Phật, vắng Phật thì buồn... đây nếu không phải niệm Phật, thì là gì?
Thiền tịnh song tu là giáo pháp tối thượng, siêu việt dành cho chúng sanh trong thời mạt pháp, có cơ hội dễ tu, dễ chứng, dễ phát tâm tiếp nhận pháp lành do bậc đạo sư truyền tải. Chúng con liên hữu Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng muốn tìm hiểu và trích dẫn từ các sách nói về pháp thiền tịnh song tu, những sách dẫn chứng cụ thể cho pháp môn, so sánh, đối chiếu, thực dụng, minh định, cân đối giới thiệu cho hậu duệ, hậu côn nghiên cứu tu hành, giúp cho các vị không còn thắc mắc, hay chê khen giáo pháp Phật nữa. Chỉ có thế thôi mà quyển sách nầy được giới thiệu cùng các tín hữu Phật tử gần xa.
Rất mong quý Chư Thiện Hữu Tri Thức từ bi hoan hỷ. Nếu có điều chi sơ thất chúng con xin thành tâm sám hối, rất mong quý vị thứ lỗi.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
MÙA AN CƯ, NĂM NHÂM THÌN PL 2556
QUAN ÂM TU VIỆN,
HT THÍCH GIÁC QUANG