Mục Lục

Nguyện: Sau khi tín tâm đã bền chắc, tròn đủ, hành giả phải nên phát nguyện. Vì sao cần phải phát nguyện?

Thứ nhất, vì nguyện lực làm tăng sức mạnh của ý chí, nó làm tiêu hao nghiệp lực phàm phu. Nhờ sức mạnh của nguyện, hành giả tiến thẳng đến mục đích mà không sợ sai lệch đường hướng. Nguyện là mục tiêu nhắm đến, như người bắn cung cần có tiêu điểm vậy.

Thứ hai, Đức Phật A Di Đà đã phát ra 48 đại nguyện để độ những chúng sanh nào hữu duyên. Nay chúng ta đã tin lời Phật không hư dối, lòng từ bi của Phật vô lượng vô biên thì nên phát nguyện mong được Phật tiếp dẫn về Tây phương, được Phật thọ ký để viên mãn đạo Bồ-đề.

Như người muốn cho, có kẻ muốn nhận thì mới nên việc, chứ dù Phật luôn ban phát, luôn muốn cứu độ mà chúng ta cứ hờ hững buông trôi thì chẳng bao giờ nên công.

Thứ ba, tha lực của Phật dù mạnh mẽ rộng lớn, nhưng nếu không có sự phối hợp với tự lực của chúng ta thì cũng vô ích. Ví như ghe đi biển bị chìm vì sóng to, may có thuyền lớn đến cứu, họ quăng phao, thả dây, nếu mỗi nạn nhân không tự nắm dây leo lên, không tự ôm phao lội vào thì chắc chắn phải bị đắm chìm trong sóng nước.

Phát nguyện là sự dũng mãnh của tự lực quyết tâm bỏ mê về ngộ, bỏ ác về thiện, bỏ phàm về Thánh. Sự quyết tâm tự cứu này ứng hợp cùng Phật lực đại từ, đại bi nên chắc chắn được như ý nguyện.

Căn cứ vào nghi thức niệm Phật của cổ đức, chúng tôi xin ghi lại 12 lời nguyện của người tu Tịnh độ phát Bồ-đề tâm, thiết nghĩ cũng rất phù hợp với hành giả áp dụng Thiền Tịnh song tu:

Nguyện 1: Nam mô A Di Đà Phật Thế Tôn. Nguyện cho con tội chướng trọn tiêu diệt.

Ghi chú: người hiểu đạo sợ nhân, không sợ quả. Nguyện cho tội chướng trọn tiêu diệt không có nghĩa là cầu cho tai qua nạn khỏi, cầu cho khỏi trả nghiệp đã tạo về trước. Đây chính là nguyện ngưng dứt, không tạo ác nghiệp, không để tham sân si điều khiển, cũng có nghĩa là nghiêm trì Giới luật.

Hiểu như vậy rồi thì khi đang tu mà nghiệp báo cũ chín mùi gây ra những rủi ro, bệnh tật, thất bại công danh, hàm oan v.v... thì không chán nản, không lui sụt việc tu.

Nguyện 2: Nam mô A Di Đà Phật Thế Tôn. Nguyện cho con căn lành ngày thêm lớn.

Ghi chú: Nghiêm trì Giới luật, không tạo điều ác, chỉ là tu về phương diện tiêu cực. Một cách tích cực hơn, hành giả phải làm mọi việc lành, hướng về lợi ích tha nhân.

Thí dụ: miệng không nói dối, không nói đâm thọc, không nói lưỡi hai chiều, không nói thêm nói bớt là đã tốt rồi, nhưng muốn tốt hơn nữa, lợi lạc hơn nữa thì nên luôn luôn dùng ái ngữ, chân thật, hòa giải, v.v... Giữ tâm không tham lam đã là quý, nhưng còn phải biết mở rộng lòng để giúp đỡ, bố thí, cúng dường, v.v... mới gọi là tạo căn lành (Để hiểu rõ hơn xin đọc Tu Thập Thiện – Phật Học Phổ Thông, Hòa thượng Thích Thiện Hoa).

Muốn căn lành thêm lớn thì phải gia công làm việc thiện. Có tiền của thì bố thí, phóng sanh, cúng dường. Không tiền bạc thì làm công quả cho những lợi ích cộng đồng, sẵn sàng chỉ dẫn, giúp ích tha nhân khi có người cần đến mình. Kinh A Di Đà đã nói rằng: không thể chỉ lấy chút ít thiện căn phước đức mà có thể vãng sanh Cực Lạc. Cho nên hành giả nên dốc lòng làm việc thiện, dù việc nhỏ cũng không bỏ qua, việc lớn cũng không ngần ngại. Chính cái tâm nhiệt huyết hướng về sự lợi ích của Đạo pháp, của tha nhân mới làm tăng trưởng căn lành mau chóng chứ không phải cúng nhiều thì phước nhiều, cúng ít thì phước ít.

Nguyện 3: Nam mô A Di Đà Phật Thế Tôn. Nguyện cho con thân tâm hằng thanh tịnh.

Ghi chú: Trong cõi đời ô trược này mà giữ thân tâm thanh tịnh là một điều rất khó vì môi trường chung quanh dù ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cá nhân. Tuy nhiên, người tu Thiền Tịnh biết rằng muốn về cõi Tịnh phải giữ thân tâm cho thanh tịnh (đây là lý đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu nhà Phật gọi là chiêu cảm). Tu Bát Chánh Đạo, nghiêm trì Giới luật không sơ hở là phương pháp hay nhất để giữ thân, khẩu, ý thanh tịnh.

Nguyện 4: Nam mô A Di Đà Phật Thế Tôn. Nguyện cho con sớm thành tựu Nhất tâm.

Ghi chú: Nhất tâm là chìa khóa của sự vãng sanh giải thoát. Kinh A Di Đà đã xác nhận rõ ràng. Không luận là tu lâu hay mau, tu nhiều hay ít, cạn hay sâu, nhưng để chắc chắn được vãng sanh, hành giả phải đạt được nhất tâm bất loạn. Dù chỉ có mười niệm mà nhất tâm bất loạn cũng vãng sanh.

Trong phần trình bày về pháp hành ở mục sau, chúng tôi sẽ nói về thắng duyên phương tiện giúp sớm thành tựu Nhất tâm. Riêng nơi nguyện này chỉ cần chuẩn bị tư tưởng cho mình là: dù làm việc tầm thường như chẻ củi, gánh nước, nấu cơm đi nữa là những việc thường nhật nếu không để tâm chú ý thì thế nào cũng hư hỏng, nói chi đến đại sự liễu sanh thoát tử. Hãy tâm niệm rằng đời mình chỉ có một việc làm duy nhất là tu để giải thoát, tất cả những việc khác đều phụ thuộc.

Nguyện 5: Nam mô A Di Đà Phật Thế Tôn. Nguyện cho con Tam-muội đặng hiện tiền.

Ghi chú: Nguyện này liên quan mật thiết với nguyện trên. Một khi hành giả niệm Phật được nhất tâm rồi, tiếp tục gia trì công hạnh thêm nữa thì đắc Tam-muội (Samadhi). Thiền gọi là đắc Định. Nguyện được Tam-muội hiện tiền ngay trong lúc còn sống để làm mẫu mực và có khả năng giáo hóa cho người đương thời. Đắc Tam-muội hiện tiền tức nhiên sẽ vãng sanh Thượng phẩm.

Nguyện 6: Nam mô A Di Đà Phật Thế Tôn. Nguyện cho con mau viên mãn tịnh nhân.

Ghi chú: Dù đã đắc Tam-muội nhưng không lấy đó làm đủ. Hành giả tiếp tục gia công để được viên mãn tịnh nhân, nghĩa là quét sạch hết vô minh phiền não trong tâm thức để chuyển thức thành Trí. Bao giờ Tàng thức chỉ chứa toàn chủng tử thanh tịnh – lúc này Tàng thức chuyển thành Bạch Tịnh thức – thì nguyện này mới thành tựu. Trên thực tế, muốn đạt đến mức độ này phải trải qua nhiều kiếp tu hành. Hành giả phát nguyện mau viên mãn có nghĩa là nguyện tinh tấn liên tục trong nhiều đời nhiều kiếp.

Nguyện 7: Nam mô A Di Đà Phật Thế Tôn. Nguyện cho con Liên đài được nêu danh.

Ghi chú: Dù biết mình có đủ tư lương phước trí để vãng sanh, nhưng cũng phải nguyện khi xả bỏ phàm thân này, sẽ về ngự nơi tòa sen báu, Cửu phẩm liên hoa chi phụ mẫu, tức là không luân lạc chốn uế độ này nữa. Ví như người triệu phú có khả năng mua sắm trăm vạn thứ, nhưng người này chỉ mong muốn có tòa biệt thự nơi cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp. Vừa có tiền của, vừa có ý muốn ham thích thì tất nhiên ông triệu phú kia sẽ được toại ý.

Nguyện 8: Nam mô A Di Đà Phật Thế Tôn. Nguyện cho con thấy Phật đến thọ ký.

Ghi chú: Đây là đại nguyện của hành giả đã phát tâm Bồ-đề, muốn thành tựu quả vị Phật. Đức Phật chỉ thọ ký cho những ai muốn cầu thành Phật. Đức Phật khi thọ ký sẽ cho biết bao giờ và ở đâu hành giả sẽ viên thành Phật đạo. Những vị tu Tịnh độ thành tựu quả vị cao, ngay lúc sanh thời, cũng thường thấy Phật A Di Đà, Bồ-tát Quán Âm, Đại Thế Chí.

Nguyện 9: Nam mô A Di Đà Phật Thế Tôn. Nguyện cho con vãng sanh Cực Lạc quốc.

Ghi chú: Nguyện này bổ túc cho nguyện thứ 7, xác nhận rõ ràng ước muốn vãng sanh. Vì nếu không vãng sanh về cõi An Dưỡng của Đức Phật A Di Đà thì khó bước lên hàng Bất thoái chuyển Bồ-tát, nói chi thành tựu quả Bồ- đề.

Nguyện10: Nam mô A Di Đà Phật Thế Tôn. Nguyện cho con biết trước giờ lâm chung.

Ghi chú: Biết trước giờ lâm chung là một trong những dấu hiệu được vãng sanh. Nguyện biết trước giờ lâm chung để làm tăng lòng tin của người đời đối với pháp môn Tịnh độ.

Nguyện 11: Nam mô A Di Đà Phật Thế Tôn. Nguyện cho con viên mãn Bồ-tát Đạo.

Ghi chú: Trên đường tiến đến quả vị Phật, hành giả phải tu Bồ-tát Đạo, hành Bồ-tát Hạnh. Nguyện này sẽ gắn liền với Đạo niệm của hành giả trong vô lượng kiếp.

Nguyện 12: Nam mô A Di Đà Phật Thế Tôn. Nguyện cho con độ tất cả chúng sanh.

Ghi chú: Viên mãn Bồ-tát Đạo là sắp sửa bước vào quả vị Phật, nhưng vẫn tiếp tục nguyện độ tất cả chúng sanh. Ngụ ý rằng dù thành bậc Chánh giác đi nữa, vẫn tiếp tục độ chúng sanh, không trụ nơi Niết-bàn.

Tóm lại, qua mười hai nguyện trên, hành giả phát tâm tu hạnh Đại thừa nhằm tiến đến cứu cánh viên mãn. Đối với tự thân, nguyện tròn Giới, Định, Tuệ; đối với Phật đạo, nguyện gánh vác; đối với chúng sanh, nguyện cứu độ. Trải qua thời gian tu vô lượng kiếp, nơi vãng sanh luôn luôn là Cực Lạc quốc độ. Nguyện về Cực Lạc quốc để bảo đảm không bị thoái thất tâm ban đầu, cũng không sợ thoái chuyển trên đường Đạo.

Hành trì: Tín, Nguyện đã tròn đủ, hành giả nên chọn pháp Hành thích hợp với căn cơ, hoàn cảnh mình. Ngài Ấn Quang đại sư nói rằng: Tin sâu, Nguyện thiết, là căn bản vào Tịnh độ, nhưng phẩm vị cao hay thấp là tùy theo sự hành trì.

Thiền Tịnh song tu nương vào hơi thở ra vào để điều tâm, vì hơi thở là gạch nối giữa thân và tâm. Pháp quán sổ tức, Kinh An Bang Thủ Ý đều chỉ rõ tầm quan trọng của hơi thở. Hơn nữa vì hơi thở không gián đoạn nên một khi dùng hơi thở chuyên chở tiếng niệm Phật vào tâm thì sự hành trì dễ liên tục, mau đi đến chỗ nhất tâm. Trước khi vào chi tiết của sự hành trì, xin giải thích niệm là gì? A Di Đà Phật là gì? Niệm là nhớ đến một điều gì, rồi đem hết tâm trí vào đó. Cũng có nghĩa là buộc tâm vào một chỗ khiến cho tâm nhớ rõ không quên. Điều quan trọng của niệm là phải có sự chuyên cần và khẩn thiết vì nếu không chuyên cần thì niệm không liên tục, không khẩn thiết, thì tâm chẳng tập trung được. Niệm cốt để sanh Định, nếu thực hành không liên tục, không thành khẩn, thiết tha thì chẳng thể thành công.

Khi niệm "Nam mô A Di Đà Phật", chúng ta phải biết là mình đang nghĩ tưởng đến Phật với lòng kính ngưỡng vô biên. Phải biết rằng hồng danh A Di Đà có ý nghĩa rất thù thắng và có công năng bất khả tư nghì. Nhiều người không thấu rõ vấn đề, cho rằng danh hiệu Phật chỉ là phương tiện để cột tâm vào một chỗ như bao nhiêu phương tiện khác; như thế là đã ra ngoài pháp môn Tịnh độ rồi. Vì vậy, khi muốn tu Tịnh độ, phải hiểu rõ ý nghĩa 6 chữ "Nam mô A Di Đà Phật".

Nam mô: Quy kính, nương tựa. Xướng lên tiếng này để bày tỏ lòng cung kính và sự tin tưởng nơi Đức Phật và xin nương về Phật để được giải thoát.

A Di Đà Phật: là vị giáo chủ cõi Cực Lạc ở tây phương, nguyện tiếp độ chúng sanh nào phát nguyện sanh về nơi ấy.

Danh hiệu A Di Đà, tiếng Phạn là Amidha, Trung Hoa dịch là Vô Lượng. Theo Kinh Vô Lượng Thọ thì Vô Lượng ở đây hàm hai ý nghĩa: vô lượng thọ và vô lượng quang. Vô lượng thọ là thọ mạng vô lượng vô biên. Đây là đặc tánh thường trụ, không sinh diệt, không gián đoạn, đồng với thể tánh Chơn như. Vô lượng thọ còn biểu lộ đức tánh từ bi vô lượng của Đức Phật A Di Đà, vì muốn cứu độ chúng sanh nên đã không nhập Niết-bàn. Vô lượng quang là ánh sáng quang minh vô hạn, tượng trưng cho trí tuệ Phật viên mãn, không có gì mà không biết. Ánh sáng trí tuệ này tuôn chiếu tới đâu thì bóng tối vô minh phiền não phải lui. Vì thế, niệm A Di Đà Phật là đem ánh sáng Như Lai vào soi rọi tâm tư khiến cho suy ám tiêu tan, huệ nhật ngày càng tỏ rõ.

Pháp hành Thiền Tịnh: Tùy theo hoàn cảnh phương tiện, hành giả có thể dùng một hay nhiều các phương pháp sau đây, và có thể thay đổi qua lại để tránh sự nhàm chán hay máy móc (làm theo thói quen không có sự khẩn thiết bên trong). Phương pháp tu Thiền Tịnh có nhiều, đây chỉ là một số thông dụng có tính cách thực tiễn. Tuy cùng một phương pháp, nhưng tùy theo dụng công và trình độ căn cơ mà kết quả sai khác nhau.

Tọa thiền niệm Phật:

- Điều thân: dùng phương pháp chuyển mình (xem phần hướng dẫn phía sau). - Điều tức: điều hòa hơi thở.

Sau khi làm các động tác chuyển mình, hành giả bắt đầu dẫn khởi tư tưởng ra vào theo hơi thở. Hơi thở lúc này cần dài và nhẹ.

- Thở vào: hít từ từ, dài hơi cho không khí đầy buồng phổi. Theo dõi hơi thở, biết mình đang thở vào, đang tiếp nhận những tinh hoa thuần khiết của vũ trụ vào cơ thể. Những tinh hoa ấy là từ, bi, hỷ, xả sẵn có trong vũ trụ và sẵn có trong tâm tánh của mỗi người. Tư tưởng này theo hơi thở tuôn tỏa khắp thân tâm hành giả.

- Thở ra: sau khi thanh khí vào rồi liền dẫn khởi tư tưởng đem trược khí và ác niệm của thân tâm từ từ theo hơi thở tuôn ra ngoài hư không. Lúc thở ra phải há miệng, hà hơi, đẩy thán khí ra ngoài như một sự dứt khoát từ bỏ ác niệm tham, sân, si.

- Điều tức: thở vào thở ra ba lần như vậy.

- Điều tâm: Bắt đầu niệm Phật (niệm thầm, nhưng phải rõ ràng) theo hơi thở. Chú ý vào hơi thở, lấy nhịp ra vào của hơi thở mà niệm Phật.

Thí dụ: Thở vào: Nam mô A; Thở ra: Di Đà Phật.

Lúc mới bắt đầu, tâm chưa chuyên nhất được, nên đếm số thuận nghịch: Niệm xong một hồng danh thì đếm 1; thở, niệm và đếm cho đến 10 và đếm ngược lại 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1, 0.

Khi đếm thuận nghịch không lộn, không còn sai thì có thể không cần đếm nữa. Bây giờ thở bình thường, thư thả. Nhịp thở và tiếng niệm có thể đổi như sau;

Thở vào: Nam mô,

Thở ra: A,

Thở vào: Di Đà,

Thở ra: Phật.

Theo nhịp chậm này thì niệm lâu không mệt, nhưng để tránh sự hôn trầm, thỉnh thoảng nên đổi nhịp. Để tránh tạp niệm, thỉnh thoảng lại đếm số thuận nghịch. Đây chỉ là phương tiện lúc ban đầu. Về sau, khi đã thuần thục thì tự mình có thể không cần đếm số thuận nghịch.

Đến một giai đoạn sau, hành giả sẽ cảm thấy hơi thở và tiếng niệm Phật là một. Cứ chuyên chú tiếp tục như vậy, ý thức từ từ lắng dịu; mặc dù hành giả có thể nghe tiếng động bên ngoài, ngửi được mùi khói nhang, ngửi được hương hoa ở chung quanh, nhưng tâm không xao lãng việc niệm Phật. Tập trung được nhiều lần, liên tiếp trong các thời khóa sẽ đạt niệm lực.

Niệm lực là sức mạnh do công phu niệm Phật nhuần nhuyễn sanh ra. Niệm lực có tác dụng dẹp bỏ vọng niệm lúc đang công phu. Niệm lực tăng trưởng hùng hậu sẽ tạo thành dòng nước ngầm. Dòng mạch này được kết hợp bằng vô số tiếng niệm Phật, nó ẩn đi khi hành giả bận bịu công việc, nhưng nó sẽ tuôn chảy ra trong tâm hành giả ngay khi công việc vừa xong khiến ta tiếp tục niệm Phật một cách tự nhiên, không cần tác ý. Niệm lực được nuôi dưỡng cẩn thận hơn nữa thì một ngày kia, khi nhân duyên chín mùi, hành giả sẽ đắc Định.

Định có nhiều tầng bậc do công phu sâu cạn khác nhau. Ở cấp thấp, Định được xem như nhất tâm. Đây là Sự nhất tâm: đắc Sự nhất tâm là có thể vãng sanh.

Từ y Danh khởi niệm kế đến y Tướng khởi niệm, dần dần tiến đến chỗ y Phân biệt niệm Phật là hiểu rõ Phật tại tâm, do tâm sở hiện, gọi là Duy tâm niệm Phật. Y Tâm mà quán thể thì thấy tất cả đều là pháp tánh bình đẳng , tức là thấy Phật. Bấy giờ hành giả thâm ngộ tự tánh Di Đà, vạn pháp duy tâm và "Tâm, Phật, chúng sanh: tam vô sai biệt". Đây là Lý nhất tâm. Định Huệ ngang bằng thì đắc Tam-muội (Ni Trưởng Như Thanh - Thiền tịnh song tu).

5. 2. Chư Tổ ngày xưa là những bậc thiền gia tinh chuyên lão luyện, các Ngài là những Thiền sư đắc đạo. Các Ngài đều là những bậc truyền thừa thiền và vũ hành nhiều phương tiện độ sanh, như là dùng nhiều pháp môn khác nhau để hoằng hóa mà không bị tha hóa bởi tha nhân, như: trong Thiền có Tịnh độ, Luật, Mật; trong Tịnh độ có Thiền, Luật, Mật v.v... tất cả đều là giáo lý của Phật để làm phương tiện giáo hóa chúng sanh. Trong khi ngày nay, vào thế kỷ 18. bên Trung hoa, xem pháp Thiền thì quá cao siêu, áo nghĩa, nên đại đa số quần chúng lại thiên về niệm Phật, quen nghi thức tụng kinh niệm Phật. Vì thế, để có được gạch nối từ chư vị Tổ sư đến chúng ta, cần phải có sự kết hợp giữa cách tu của Tổ sư với cách tu của chúng ta.

Chúng ta không hiểu bắt đầu từ thời điểm nào lại có sự chuyển biến kỳ lạ này, Tổ sư tu Thiền còn chúng ta lại tu niệm Phật như thế. Do đó, chúng ta cũng nên nghiên cứu kỹ lưỡng lý do, hoàn cảnh nào mà chúng ta ngày nay tu Tịnh Độ, không giữ lối tu Thiền như chư Tổ ngày xưa nữa (tư liệu TT Chân Quang)

Hôm nay, chúng ta tìm hiểu: Thế nào là Thiền Tịnh song tu? Vì sao phải tu hành pháp Thiền Tịnh song tu? Chư Tổ đặt ra pháp Thiền Tịnh song tu có những ý gì và chúng ta sẽ thực hiện ý của Tổ như thế nào?

Nếu nhìn với mắt phàm phu, chúng ta sẽ cho rằng Tổ sư mồ côi mẹ sớm từ thuở lên năm, lên sáu. Đến năm 12 tuổi, vào chùa tu, năm 19 tuổi, thầy Bổn Sư viên tịch, năm 21 tuổi, cha lại mất. Cuộc đời Ngài trở nên đơn độc đi tham học cho đến ngày gặp Hòa Thượng Minh Hoằng – Tử Dung trao cho thoại đầu. Ngài khổ công tu học và đắc đạo. Nhìn chung, cuộc đời tu hành của Tổ sư gặp đầy chướng duyên và dù đương đầu nhiều đắng cay, nhiều khổ cực nhưng Tổ sư không hề nản lòng, giữ vững khí tiết thanh cao, bước tới cầu tầm tu cho tới ngày nên đạo.

Nếu chúng ta nhìn bằng con mắt của Đại thừa Phật giáo, sẽ cho rằng đất Phú Yên có duyên lành phát tích được các vị danh tăng nên khiến cho có một vị Bồ Tát giáng trần, thị hiện tu hành cần khổ đắc đạo và để lại sức mạnh tâm linh cuồn cuộn trong lòng dân tộc. Ngày nay, nhờ sức mạnh tâm linh đó, chúng ta nối tiếp dòng Pháp của Ngài, tiếp tục con đường tu hành, truyền bá và làm tròn nhiệm vụ Hộ Quốc An Dân.

Tổ sư sinh năm 1667, bấy giờ bên Trung Hoa, nhà Mãn Thanh chiếm đất nước Trung Hoa Nam Hải và lập triều đại mới là nhà Thanh.

Nhà Mãn Thanh là dân tộc hùng mạnh ở phía đông nước Mông Cổ. Đặc biệt là các quốc gia Mông Cổ và Tây Tạng tu hành theo Lạt Ma giáo hay Mật Tông, vì vậy người dân ở phía bắc và đông bắc Trung Hoa đều theo Lạt Ma giáo. Trước đó một năm, vua nhà Mãn Thanh là Thuận Trị bỏ ngai vàng đi tu, để lại Thái Tử còn nhỏ dại, lên ngôi lấy hiệu Khang Hi. Triều đình bấy giờ do Ngao Bái nắm trọn quyền hành. Khang Hi tuy nhỏ nhưng là bậc tài trí phi thường. Khi lên ngôi, Khang Hi nhanh chóng giết bọn gian thần Ngao Bái, giành lại quyền hành trong triều đình. Triều đình nhà Thanh lại sùng mộ Mật Tông, nên các vị Mật Tông luôn lui tới quan hệ với các quan trong triều. Riêng ngài Ngọc Lâm do duyên lành với nhà vua Thuận Trị và Khang Hi nên được phong làm Quốc Sư.

Vào thời Đức Phật tại thế, các vị Tỳ Kheo buổi sớm tinh mơ thức dậy ngồi thiền cho đến khi hừng sáng các vị mới xả thiền, đi kinh hành rồi khi sương mai tan dần mới đi khất thực. Khoảng trên 11 giờ các vị đã thọ thực xong, lại quay về trong rừng, ngồi thiền, đàm đạo hay thuyết pháp. Chiều lại, các vị tiếp tục ngồi thiền cho đến nửa đêm. Thời gian ngủ nghỉ của các vị rất ít.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “12 Lời Nguyện Của Người Tu Tịnh Độ Phát Bồ Đề Tâm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com