Mục Lục

3.1. Tổ Sư Nguyên Thiều du hóa đến Đồng Nai

* Ngài họ Tạ, quê ở Trình Hương, phủ Triều Châu, Tỉnh Quảng Đông, sanh ngày 18 tháng 5 năm Mậu Tý 1648. Ngài xuất gia ở Chùa Báo Tư vào năm 1667 (19 tuổi) và học đạo với Đại lão Hòa Thượng Bổn Khao – Khoán Viên, tư chất thông minh mẫn tiệp, chuyên cần đạo hạnh, tương lai là long tượng chốn thiền lâm.

Theo sách Đại Nam liệt truyện tiền biên vào năm Tự Đức thứ 5 (1852) thì vào niên hiệu Cảnh Trị, năm thứ 3, đời vua Lê Huyền Tôn (tức năm Ất Tỵ, thứ 17), đời Chúa Thái Tông Hoàng Đế Nguyễn Phúc Tần1665, Ngài theo đoàn tàu buôn qua Quảng Nam, trú ở phủ Qui Ninh (Bình Định) lập chùa Thập Tháp Di Đà, mở Trường dạy học. Sau Ngài ra đất Phú Xuân, tỉnh Thuận Hóa lập Hà Trung, thuộc huyện Phú Lộc, nay hãy còn; rồi lên Xuân Kinh, Huế lập Chùa Vĩnh Ân và xây Tháp Phổ Đồng. Đến năm Chính Hòa thứ 10, ngày 27/05 năm Kỷ Tỵ, 1689 chúa Ngãi Vương Anh Tông Hoàng Đế Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) đổi hiệu chùa là Quốc Ân Tự, tên chùa Quốc Ân có từ đây.

Sau vài thập kỷ Tổ Sư Nguyên Thiều (1648-1728) hoằng hóa ở Bình Định và Thuận Hóa, Ngài mang giáo pháp Phật Tổ cùng một số đệ tử vượt núi băng ngàn trực chỉ phía Nam, dừng chân tại vùng đất Đồng Nai. Tổ cùng các đệ tử là Ngài Minh Vật-Nhất Tri kiến lập ngôi Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, Ngài Thành Nhạc khai sơn chùa Long Thiền, Ngài Thành Đẳng khai sơn chùa Đại Giác, Ngài Thành Ý khai sơn chùa Bửu Phong, trong vùng Dinh Trấn Biên ngày xưa, nay thuộc tỉnh Đồng Nai. Những di tích này đều ở trong phạm vi giới hạn từ 5-7km để cho thấy rằng nó được hình thành sớm từ lúc mà Tổ sư mới đặt chân đến (khoảng năm 1695) trong giai đoạn truyền giáo còn hạn hẹp. Về sau địa bàn hoằng truyền được mở rộng như xuống Gia Định, Sài Gòn, về miền Đông, miền Tây...

Cùng một thời kỳ Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch kiến lập ngôi tổ đình Quốc Ân Kim Cang thì một số người Hoa trong đoàn Trần Thượng Xuyên cũng lập nên một ngôi đền Thanh Long để thờ ông Quan Đế, gọi là chùa Ông, cả hai trong cùng một ấp. Ngôi tổ đình Quốc Ân Kim Cang và đền Thanh Long được trùng tu nhiều lần nên được tồn tại cho đến năm 1946. Khi quân đội Pháp mở rộng địa bàn hoạt động về thôn quê (cuối 1946), ngôi tổ đình đã bị chiến tranh thiêu hủy hoàn toàn, kể cả tượng Phật, Bồ Tát, những pháp khí thờ tự cho đến phổ hệ tông phả, chỉ còn lại duy nhất một bức long vị của tổ Minh Vật Nhất Tri bằng sa thạch (loại đá ở núi Non nước) nhưng cũng bị gãy làm đôi. Ngôi đền Thanh Long cùng chung số phận, cả hai di tích cùng được kiến tạo một thời thì cũng bị thiêu hủy một lúc.

Mãi đến năm 1968, tín đồ Phật giáo và hương chức trong địa phương mới đứng ra xây dựng lại một cảnh chùa đơn sơ nhỏ hẹp để có nơi thờ phụng Tam Bảo cũng như ông Quan Đế (họ đã bán một số cây gỗ giáng hương trên phần đất của tổ đình và những huê lợi thu được từ những thửa ruộng, vườn hương hỏa của hai di tích để làm chi phí tái thiết). Chùa được tái lập trên nền cũ của đền Thanh Long vì trong thời kỳ đó (1968), thửa đất tổ đình cũng còn nằm trong vùng bất an không được xây cất. Cho nên chùa được ghép tên của hai di tích cổ lại thành Kim Long Cổ Tự (Kim tức chữ đầu của tổ đình Kim Cang, Long tức chữ đuôi của đền Thanh Long). Sau khi xây dựng tạm ổn có nơi thờ tự rồi, những vị phật tử cao niên như cụ Sáu Vạn, Võ Công Phú, cụ Sáu Hưỡn, cụ Sáu Đâu... đến Thủ Đức (chùa Từ Quang hiện nay), cung thỉnh Thầy Thích Minh Lượng (Thầy là một vị chân tu, đã lìa bỏ Sài Gòn, về ở núi Thị Vãi, Thầy đã kiên trì với định lực cao nhưng cuối cùng vì cảnh duyên không thích hợp nên Thầy về vùng Thủ Đức). Thầy Minh Lượng về vùng đất Tổ với sự hân hoan hỷ lạc của tín đồ Phật giáo. Về trụ trì một ngôi chùa thô sơ mới tái tạo nơi thôn quê hẻo lánh, Thầy từng bước canh tân xây dựng mở mang cho ngôi chùa trở nên khang trang để làm sống lại lịch sử lẫy lừng của Tổ sư và sáng ngời đạo pháp Phật Tổ như hiện nay.

TT Thích Minh Lượng căn cứ vào lịch sử hoằng hóa của Tổ sư Nguyên Thiều trên miền đất Đồng Nai này cho đến mãn cuộc đời của Ngài. Thầy đã lặn lội vào khu rừng chồi (khuôn viên của tổ đình bị bỏ hoang trên bốn thập kỷ) bên cạnh nền ngôi tổ đình, Thầy đào xới những ụ mối ùn phủ lên trên những tấm bia ký của những tháp đổ nát, rồi nạo mài lau chùi những hàng chữ nho hoang phế lâu đời đã mòn mờ biến dạng. Kiên trì lần mò như thế, thầy tìm ra được tấm bia ghi những hàng chữ Quốc Ân Kim Cang đường thượng... hiệu của sáu ngôi chùa đứng ra trùng tu tháp Tổ trước đây như các chùa Hưng Long, Hội Khánh, Đức Sơn (Sông Bé), Sắc Tứ Từ Ân (Chợ Lớn), Hưng Thạnh (Bà Hom), Phổ Quang (Biên Hòa). Thế là Thầy đã phát hiện được ngôi tháp của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch. Nhưng vẫn chưa toại nguyện đối với Thầy vì còn một bức long vị sau khi tổ đình bị thiêu hủy, mặt trước khắc hàng chữ nho "Kim Cang đường thượng tam thập tứ thế húy Minh Vật Nhất Tri Hòa Thượng giác linh chi vị", mặt sau dưới phần đế có khắc hai hàng chữ nho (hàng trên : thập nguyệt sơ thập nhật viên tịch), (hàng dưới : Đinh Mùi niên trọng xuân cẩn tạo) là một ẩn số nữa. Cho nên Thầy vẫn tiếp tục tìm kiếm, sau này phát hiện thêm một ngôi tháp thứ hai được xây dựng phía bên phải nền tổ đình Kim Cang. Ngôi tháp này bị đổ nát trầm trọng hơn, tấm bia ký bằng hồ vữa ô dước bị tróc hết hoàn toàn. Những hàng chữ khắc trên đó, không còn dấu tích để nhận dạng. Chỉ còn bốn tấm vách gạch xây ụp xuống dụm lại với nhau. Thế nhưng về vị trí xây dựng cùng trong khuôn viên tổ đình, ngang hàng với tháp tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch.

Công đức phát hiện ra ngôi tháp cổ của hai vị Tổ đã làm cho những vị trưởng lão tại địa phương hết sức ngạc nhiên. HT Thích Huệ Thành đã thốt lên rằng : "Hồi mới xuất gia, tuổi còn nhỏ, tôi hằng ngày lên tổ đình Quốc Ân Kim Cang quạt hầu cho quý Hòa Thượng bao nhiêu năm như vậy mà không nghe nói đến hai ngôi tháp của Tổ, cho đến sau này (thập kỷ 40) cũng không hề biết đến hai ngôi tháp. Bây giờ nhờ nhân duyên nào Thượng Tọa lại tìm kiếm ra được hai ngôi tháp của Tổ sư, thật là phước đức, quý hóa vô cùng".

TT Minh Lượng đã phát nguyện trùng tu, với tâm niệm cao cả là duy trì lịch sử vô giá và cũng để báo đền công ơn cao dày mà Tổ sư đã lưu truyền cho bao đời hậu thế. Nhưng, chỉ đại trùng tu được một tháp của Tổ Nguyên Thiều Siêu Bạch, còn tháp thứ hai mà có thể khẳng định là của Tổ Minh Vật Nhất Tri thì chưa tiến hành được. Công trình này phải đợi cơ quan khảo cổ tỉnh Đồng Nai khai quật khảo sát di tích mới mong tìm ra cụ thể lịch sử, lúc đó mới tiến hành đại trùng tu.

Từ lúc đại trùng tu tháp Tổ Nguyên Thiều Siêu Bạch cho đến nay, TT Minh Lượng hằng năm đến ngày tưởng niệm viên tịch (19-10 ÂL) đã long trọng tổ chức húy kỵ 8 lần thật trọng thể. Đông đảo chư tôn đức hàng giáo phẩm chư Tăng Ni trong tông phái cùng tín đồ trên khắp các tỉnh miền Trung, miền Đông, miền Tây về dự. Hiện nay phần tài sản (ruộng đất) hương hỏa của tổ đình, một phần chính quyền địa phương trưng dụng, một phần dân chúng trong vùng chiếm canh chiếm cư chưa được trả lại.

Tổ đình Quốc Ân Kim Cang và bảo tháp

Tổ đình Quốc Ân Kim Cang là ngôi chùa cổ do Tổ sư Nguyên Thiều húy Siêu Bạch khai sơn cách đây hơn 300 năm vào thế kỷ XVII, năm Chánh Hòa thứ 19 (1698) đời chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu, tọa lạc ấp Bình Thảo, xã Bình Phước, dinh Trấn Biên. Ngày nay thuộc ấp Bình Lục, xã Tân Bình, H. Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Bây giờ, chùa chỉ còn lưu dấu nền Tổ đình và hai tháp cổ. Theo năm tháng bảo tháp tuy bị xuống cấp nhưng vẫn còn dáng vẻ uy nghi với thời gian và mưa nắng :

Mộ bia : Bằng đá xanh. Trên mặt bia có khắc 3 hàng chữ Nho, phiên âm như sau : * Hàng chính giữa : - Quốc Ân Kim Cang đường thượng, tam thập tam thế, húy Siêu Bạch Hoán Bích Hòa thượng Tổ sư chi tháp; * Hai hàng hai bên : - Phổ Quang tự Yết ma Chủ hương; - Hội Khánh tự Giáo thọ Thiền chủ lập thạch; - Sắc tứ Từ Ân tự Hòa thượng Pháp sư; Chứng minh lịnh - Long Thạnh tự Hòa thượng; - Đức Sơn tự Hòa thượng; - Hưng Long tự Hòa thượng; Chư sơn đồng tạo.

Tháp Tổ : Hình lục giác cao ba tầng, chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh tháp là 5,2m. Tháp dựng trên nền xây đá xanh hình chữ nhật, ngang 3m, dài 4m, cao 0,8m... - Mặt trước là bia tháp : khắc nổi trên ô dước với 3 hàng chữ Nho, gồm : dòng giữa ghi : Quốc Ân Kim Cang đường thượng, tam thập tam thế, húy Siêu Bạch Hoán Bích Tổ sư chi tháp; dòng bên mặt ghi : Tuế tại Kỷ Dậu niên, mạnh Thu, cát nhựt, hiệp chư sơn thiền đức đồng tái tạo; dòng bên trái ghi : Thập ngoạt, thập cửu nhựt viên tịch.

Tháp Phổ Đồng : Tương truyền đây là tháp của công chúa Ngọc Vạn, con của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, bà là vợ vua Chân Lạp Chey Chetta II, là người có công hộ trì Phật pháp và ủng hộ việc xây dựng Tổ đình Quốc Ân Kim Cang lúc bấy giờ.

Sau khi chùa bị giặc Pháp đốt (1946) và lấy đi nhiều bảo tượng quý và đại hồng chung, một số cổ vật còn lại được chư Tăng gìn giữ, sau này chuyển về tôn trí ở Kim Long cổ tự gồm : - Tượng Đức Chuẩn Đề bằng đồng; - Long vị của Đại lão Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri là vị trụ trì kế tiếp Tổ sư ở Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, viên tịch ngày 10-10 năm Bính Ngọ (1786); - Tiểu hồng chung trên có khắc chữ "Kim Cang tự"; - Thánh tượng Địa Tạng Vương Bồ tát cỡi con đề thính bằng gỗ.

Bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều và Tổ đình Quốc Ân Kim Cang là những di tích lịch sử Phật giáo rất quan trọng, đánh dấu công lao to lớn của Tổ sư hoằng hóa ở đất phương Nam nhưng từ lâu bị bỏ hoang phế... Hữu duyên thay cho hàng hậu học, năm 1988, TT. Thích Minh Lượng, trụ trì Kim Long cổ tự được nhân dân phát hoang báo tin có tháp cổ của chùa. Ngay sau đó thầy cùng chư Tăng đến dọn dẹp, cạo mối, chùi rữa và nhà nghiên cứu Nguyễn Hiền Đức, tác giả quyển Lịch sử Phật giáo Đàng Trong đã đến sưu tầm cùng quý cụ đồ nho giúp đọc văn bia, mới phát hiện là bảo tháp của Tổ sư... Kế đó được cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, nguyên Trưởng ban Trị sự THPG Đồng Nai, làm lễ chứng minh, nguyện hương cho công cuộc trùng tu ngôi bảo tháp của Tổ sư.

Và mãi cho đến 20 năm sau, HT. Thích Minh Chánh, thành viên Hội Đoàng Chứng Minh, Ủy viên Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai kiêm Trưởng Ban Tăng Sự, Trụ trì chùa Giác Minh đủ túc duyên phát nguyện xây dựng và trùng tu ngôi Tổ đình. Đến năm 2010 Hòa Thượng được Giáo hội bổ nhiệm làm Trụ trì ngôi Tổ đình. Nhân đây, Hòa thượng Trụ trì và Ban Kiến thiết Tổ đình xin tán thán công đức của chư tôn giáo phẩm, chính quyền địa phương đã tận tình giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho phép xây dựng trùng tu và hai Phật tử Tâm Lộc và Diệu Hương đã phát tâm cúng dường tài thí xây dựng thành công ngô Tổ đình phạm vũ huy hoàng tráng lệ, bên cạnh có Kỷ sư Lê Bằng là người làm công tác giám sát cho đến hoàn thiện công trình.

Hôm nay nhằm tưởng niệm công ơn sâu dày của Tổ sư, Phật giáo Đồng Nai tổ chức đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt nam tại ngôi chùa Tổ. Các công đức sâu dày của Tổ sư từ 300 năm qua, những thành tựu công tác Phật sự của Giáo hội, những công trình văn chương văn hóa phẩm cũng được trưng bày trước 5.000 Tăng Ni, Phật tử đến tham dự tham quan chiêm bái nói lên sự hiện diện của Phật giáo trên vùng đất Trấn Biên xưa, nay đã được phát triển toàn diện thêm một chấm son ghi vào lịch sử xứng đáng với hành trình hóa đạo pháp môn "thiền tịnh song tu " của Tổ sư.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Tổ Sư Nguyên Thiều”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com