Mục Lục

Trước hết, chư Tổ không muốn có ý tưởng người thượng căn tu Thiền và người hạ căn tu Tịnh Độ, cũng không muốn đem Thiền chê Tịnh, lấy Tịnh bày bác Thiền. Tổ sư Trí Húc Linh Phong là Tổ sư Thiền phát tâm tu Tịnh, ngài dạy: "không nên đem lý Thiền bày xích Tịnh, càng không nên đem Tịnh độ mà bác Thiền vì tất cả các pháp đều là ý tưởng của Phật. Thiền sư Nguyên Thiều du hóa sang Việt Nam xây dựng nền Phật pháp: chùa Di Đà Thập Tháp tại Bình Định để dạy cho đồ chúng niệm Phật. Pháp môn nầy chư Tăng Ni, Phật Tử Non Bồng học từ chư vị Giảng sư đệ tử của Đức Pháp Chủ Khánh Anh giảng dạy tại Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão, núi Bồng Lai.

Trong quá khứ, chư vị Tổ sư muốn kết nối và nâng cao căn cơ trình độ cho chúng sanh có trình độ tri thức ngang nhau. Ví dụ, người tu theo Thiền nhưng tu hoài không đạt được gì, chư Tổ khuyên người này tốt nhất tu niệm Phật, tụng kinh để nâng cao trình độ mình lên. Cũng vậy, chúng ta ngồi thiền quá nhiều vọng niệm, chúng ta phải khởi tâm niệm Phật, sám hối, rồi tiếp tục điều tâm lại. Còn người niệm Phật thuần thục, nhiếp tâm trong câu niệm Phật, tánh tình cởi mở, đạo đức đã tăng trưởng, chư Tổ khuyên người này buông câu niệm Phật bước sang tu Thiền để đạt đến vô niệm thay vì ôm giữ câu niệm Phật trở thành chướng ngại cho việc tu hành của mình.

Để Phật Giáo đừng chia rẽ vì tu Thiền hay tu Tịnh. Người nào ứng dụng Thiền Tịnh song tu vì hiểu bản ý của Tổ là người cho ta đảnh lễ, cung kính. Nhờ Thiền Tịnh song tu mà Phật Giáo đoàn kết có thể phát triển mạnh mẽ bên cạnh các tôn giáo bạn vì họ đang truyền đạo một cách phát triển. Họ gõ cửa từng nhà để truyền đạo. Chúng ta phải nguyện với Phật với Tổ, chung quanh ta còn người nào chưa biết Phật Pháp, ta phải hổ thẹn, sám hối và cố gắng làm sao giúp cho họ tiếp cận Phật Pháp. Quanh chùa, còn ai chưa biết đạo, ta phải đến thăm hỏi, gieo duyên cho họ biết tìm về chùa quy y, học đạo. Đây là việc hàng đầu và đòi hỏi ta có quyết tâm cao. Không thể còn cảnh ta ngồi chờ người tìm đến ta cầu đạo; trái lại, ta phải chủ động tìm đến gia đình nào chưa biết đạo để khuyên và giúp họ vào đạo. Nghĩa là ta chủ động tìm đến từng nhà gieo duyên cho người cầu học đạo không đợi người tìm đến mình mà "chặt tay cầu đạo" như ngài Huệ Khả ngày xưa.

Vào thời Đức Phật không có quan niệm “niệm Phật vãng sanh”, các vị tu thiền và cố gắng chứng một thánh quả nào đó trong hiện đời (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán). Khoảng 20 năm giáo hóa Đức Phật tập lần cho đệ tử đời sống tâm linh xa ngài, nên giới thiệu cho các vị niệm tưởng một Đức Phật khác tức là A Di Đà, nên các vị đành nương theo câu niệm Phật nhiếp tâm thay vì thiền niệm tứ niệm xứ. Ngày nay nhiều trào lưu văn minh xuất hiện, nhằm để phong phú hóa đạo vị nhà chùa, các bậc tôn túc Trưởng lão xưa cũng như nay tạo ra nhiều sinh hoạt nghi thức, ứng phú như đàn chẩn tế, cần an, cầu siêu, hai thời công phu…

5.4. Niệm Phật Tịnh hóa nhân gian

Chùa là trung tâm của sự tĩnh lặng, chùa cũng là nơi sưởi ấm tinh thần cho người thân xa quê. Thi thoảng trong ngày mọi người đều được nghe tiếng chuông ngân vang, vang vọng đâu đây, tiếng mõ nhịp nhàng hòa theo tiếng tụng kinh trầm bổng. Tiếng chuông chùa thực sự đi vào lòng dân tộc ta trở thành nếp sống văn hóa của dân tộc, nhất là làm cho Phật giáo gần gủi xã hội từ thành thị đến làng quê. Từng buổi chiều tà khi mặt trời dần khuất bóng, từng buổi khuya mờ sương vầng thái dương chưa ló rạng, những tiếng đại hồng chung nhẹ thả vào bầu trời êm ả, trôi xa giữa không gian thanh vắng đã làm cho bao khách trần dừng chân phiêu lãng, tỉnh giấc mộng đời say đắm tự bấy lâu nay.

Con người vốn sống vội vàng, rộn ràng, lẹ làng, ngỡ ngàng theo đuổi bã vinh hoa phú quý. Chỉ nghe từng tiếng chuông chùa thong thả, êm đềm giữa trời khuya, bất giác, ta chạnh lòng nghĩ lại “Những điều ta đắm đuối lâu nay có mãi còn chăng, tấm thân này khi nào trở về cát bụi? Cái ta mang theo chỉ là tâm linh và công đức. Ta đã làm được gì để xứng đáng gọi là công đức cho đời...”

Nhờ vào nghi thức, chùa cũng đã gây ảnh hưởng tốt vào lòng người, giúp con người tăng trưởng tâm linh. Đó chính là công phu, công lao của các vị tu theo pháp môn Tịnh Độ đem lại cho cuộc đời, làm cho Đạo Phật trở nên gần gũi hơn với xã hội đời người.

Các vị tôn túc về sau nhận thấy “Một người tin vào pháp môn niệm Phật vãng sanh, người này sẽ ráng niệm Phật”. Nếu người này là bậc thượng căn, sống đạo đức, thánh thiện, hiền lành, trong chùa thương yêu huynh đệ, hỗ trợ, thương yêu người ở những ngôi chùa khác, và thương yêu tất cả chúng sanh, khi người này công phu niệm Phật, sẽ nhiếp tâm được rất dễ dàng.

5.5. Niệm Phật trở thành công án thiền

Các vị tôn túc gặp người niệm Phật sẽ hỏi “Ông niệm Phật chuyên cần, nhưng ông có biết ai là người niệm Phật hay không?”

Họ trả lời “Cái miệng của con”

Các vị hỏi tiếp “Ông chết rồi thì cái miệng ấy có còn niệm Phật được nữa chăng?”

Họ trả lời “Vậy là tâm con niệm”

Các vị lại hỏi “Tâm ông ở đâu, chỉ cho ta biết”

Họ loay hoay tìm nhưng không biết tìm đâu.

Các vị tôn túc khuyên họ về cố mà tìm qua câu niệm Phật.

Khi người này về tìm thấy Tâm rồi, thì tâm bùng vỡ và trở thành thiền sư.

Nghĩa là với người niệm Phật thuần thành, các vị thiền sư tôn túc dùng thủ thuật khai thị làm cho người niệm Phật này lập tức trở thành thiền sư. Nói cách khác, ranh giới giữa Tịnh Độ và Thiền Tông không có. Và các vị tôn túc luôn tìm cách nâng trình độ người niệm Phật bằng con đường thiền.

Có khi cũng có những vị tuy tu niệm Phật nhưng có duyên ít nhiều với pháp môn thiền nên đem lòng yêu thích tu Thiền, tìm gặp thiền sư xin cầu pháp.
Vị thầy sẽ hỏi “Từ trước nay, ông tu gì?”

Người này thưa rằng “Trước kia con tu niệm Phật, bây giờ con thích tu Thiền. Con sẵn sàng bỏ hết Tịnh Độ để theo tu Thiền”.

Vị thầy sáng suốt sẽ không chấp nhận cho người này bỏ công phu niệm Phật bấy lâu nay vì chính công phu niệm phật làm cho người này tăng trưởng đạo lực, tăng trưởng phước duyên. Vị thầy nhận thấy tốt nhất là kết hợp Thiền và Tịnh Độ chứ không thể dùng thoại đầu khai thị, nên không cho người này bỏ câu niệm phật mà phải kết hợp câu niệm Phật với việc theo dõi hơi thở. Vị thầy bèn dạy họ:

Thở vào - Nam mô A Di Đà Phật

Thở ra - Nam mô A Di Đà Phật

Hoặc là

Thở vào - Thở ra - Nam mô A Di Đà Phật

Thở ra - Thở vào - Nam mô A Di Đà Phật

Người còn phải kết hợp câu niệm Phật với việc theo dõi hơi thở là người căn cơ còn thấp. Chúng ta thường nghe nói căn cơ cao thấp. Căn cơ chính là công đức, mà câu niệm Phật là một trong những yếu tố giúp tăng trưởng công đức nên tất nhiên giúp ta tăng trưởng căn cơ.

Trường hợp vị niệm Phật thuần thục, căn cơ cao khi được hỏi “Niệm Phật là ai?” – “Ai là người niệm Phật?” sẽ bùng vỡ tâm linh và buông bỏ câu niệm Phật, đạt được chứng ngộ. Còn người muốn tu thiền mà căn cơ chưa đủ, bắt buộc giữ lấy niệm Phật kết hợp hơi thở đó chính là Thiền Tịnh song tu.

Khi thở vào, ta niệm Nam Mô A Di Đà Phật – khi thở ra, ta niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Nhờ ta niệm Phật nên chư Phật gia hộ, còn người chỉ theo dõi hơi thở mà thiếu câu niệm Phật, tâm dễ bị vọng tưởng lăng xăng chi phối hơn.
Khi thuần thục, ta buông câu niệm Phật ra, chỉ còn thấy thân này là vô thường.
Hơi thở vào, biết thân nầy là vô thường

Hơi thở ra, biết thân nầy là vô thường

Bây giờ chỉ còn là "cái biết" chứ không còn là "câu niệm" nữa, không còn là ý niệm mà chỉ còn "trí tuệ" đi theo hơi thở. Và dần dần sức tĩnh giác tăng lên giúp ta chỉ nhớ hơi thở và thân vô thường, không còn chạy theo vọng tưởng nữa. Ta tiếp tục vượt qua 5 triền cái, nhập Sơ Thiền… để bước vào một thế giới mới là thế giới của tâm. Ta sẽ thấy Đạo là ngay ở đây, Cực Lạc là chính chốn này.

Còn người căn cơ thấp chỉ lo tu Thiền mà không chịu niệm Phật, chư Tổ cũng buộc kết hợp Tịnh Độ bằng cách phải siêng lễ Phật cho nhiều thay cho niệm Phật. Lễ Phật còn cực hơn niệm Phật vì phải lễ hàng trăm lễ, phải thấy lỗi lầm của mình trong đời sống, phải thường xuyên sám hối tội lỗi, luôn khởi lòng tôn kính Phật thiết tha và tuyệt đối, phải phát đại nguyện độ sanh…

Người lễ Phật nhiều, đạo đức tăng trưởng, làm được nhiều công đức, trong đời sống thương yêu mọi loài, thương yêu huynh đệ gần gũi bên mình, thương yêu cả vạn loài ở xa nên công đức tăng trưởng. Khi công đức tăng trưởng, sức tĩnh giác của tâm tăng lên. Lúc đó, không cần niệm Phật, chỉ cần theo dõi hơi thở thôi cũng tắt dần vọng tưởng để đi sâu vào thiền định.

Đó là kết hợp Thiền Tịnh song tu; người niệm Phật kết hợp câu niệm Phật với hơi thở là kết hợp Tịnh Độ với Thiền. Còn người tu Thiền thêm lễ Phật, niệm Phật là có kết hợp Thiền với Tịnh Độ.

...Trong kinh Duy Ma Cật, khi được hỏi vì sao cõi này đầy gai gốc, gò nỗng thì Đức Phật ấn ngón chân xuống, lập túc cõi Ta Bà biến thành vàng ròng và Đức Phật dạy rằng “Tại các ông không thấy, chứ thế giới này là cõi Tịnh Độ”.
Người chưa có con mắt của đạo, vì không biết, sẽ nói Phật Thích Ca đi vào cõi Ta Bà uế trược, gai gốc, cao thấp không bằng để hóa độ chúng sanh một cách khó độ. Cũng vậy, chúng ta cũng chưa có con mắt đạo nên chúng ta còn thấy người này ghét tôi, chửi tôi, nợ đang đòi, nghèo đói đang chờ tôi… Người có nhãn quan đạo đức, ta sẽ thấy người chửi ta chính là ân nhân chứ không phải kẻ xấu, vì người này giúp ta tu hạnh nhẫn nhục và khiêm hạ. Thường thì chúng ta chỉ ưa nghe câu khen ngợi mà quên tu; người tu phải xem người chửi ta là Bồ Tát Thiện tri thức. Khi thấy được người chửi ta là Bồ Tát, là Thiện Tri Thức thì cõi này chính là cõi Cực Lạc, cõi Tịnh Độ chứ không còn là cõi Ta Bà tràn đầy kẻ ác và cái xấu. Như vậy, tùy theo con mắt ta nhìn thế nào mà thế giới hiện ra thế ấy, hoặc là cõi Tịnh Độ hay là cõi Ta Bà.

Ý thứ hai của Tổ là ngăn chặn sự phân hóa của Phật Giáo. Vào thời đó, những vị xiển dương Tịnh Độ đề cao quá mức, chẳng hạn cho rằng “Chỉ một câu niệm Phật, không cần niệm gì khác, sẽ được siêu sanh ba cõi”; hoặc một vị tu thiền lại quan niệm cực đoan “Lỡ niệm Phật một câu phải súc miệng 3 ngày”.
Hai bên Thiền Tông và Tịnh Độ bày bác nhau với đầy định kiến. Những vị Pháp Sư thì trách các vị tu Thiền quan niệm chỉ biết Chân Tâm , Phật Tánh không cần biết gì thêm, không chịu học Tam Tạng Kinh điển thì biết lấy gì mà tu. Còn vị tu Thiền trách các Pháp Sư chỉ được chỗ đa văn. Các vị Tổ Sư nhận thấy khuynh hướng cực đoan này đem đến nguy cơ phân hóa đạo Phật nghiêm trọng nên buộc lòng phải xiển dương Thiền Tịnh song tu nhằm ngăn chặn sự phân hóa và tạo nền tảng cho Đạo Phật quy về một mối “đoàn kết chặt chẽ để cùng phát triển”.

Người Phật tử có ý tưởng chan hòa, đến các chùa chỉ nghe tiếng các chùa khen nhau, thấy các chùa thương yêu, giúp đỡ nhau thì đạo tâm của họ tăng gấp bội lần, họ càng quý kính, thương yêu chư Tăng Ni nhiều hơn nữa. Họ thấy quả thực Đạo Phật xuất hiện giữa thế gian đem ánh sáng đạo đức soi rọi lòng người khiến cho người trước đây sống lung lay, thiếu đạo đức, không có niềm tin mà bây giờ được thắp sáng niềm tin, có chỗ để nương tựa. Họ cảm kích trong lòng vì nhận ra người đệ tử xuất gia trong Đạo Phật là những con người từ bi, đạo đức, sống hòa hợp, đoàn kết.

Vì thế, chúng ta phải hiểu chư Tổ xiển dương Thiền Tịnh song tu để ngăn chặn sự phân hóa của Đạo Phật. Bổn phận chúng ta là làm cho Đạo Phật đoàn kết, thương yêu để thực hiện bản hoài của chư Tổ.

Nếu trong chùa, huynh đệ chưa biết thương nhau, ta phải hiểu rằng ta còn thiếu sót. Ta phải làm sao chùa là tổ ấm, là thiên đường vì huynh đệ rất thương yêu nhau, vì huynh đệ có thể hi sinh mạng sống vì nhau. Người Phật tử bước vào dù chưa nghe nói lời nào, chưa thấy ai bày tỏ gì, vẫn cảm nhận ra không khí đầm ấm trong chùa do tâm linh lan tỏa từ tâm huynh đệ trong chùa tràn ngập tình thương yêu dành cho nhau, thầy thương đệ tử hơn con, đệ tử quý thầy hơn cha, huynh đệ thương nhau hơn anh chị em ruột thịt. Từ đó, người ta ưa thích tìm đến chùa vì muốn học được tình thương ấy để về sống với cuộc đời. Cũng vậy, giữa các chùa với nhau, dù khác tông phái, khác dòng phái, ta vẫn nhớ ta cùng chung Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, chung tình Linh sơn cốt nhục, nên ta có bổn phận phải thương yêu nhau như ruột thịt. Người Phật tử viếng chùa này sang chùa khác thấy các chùa biết thương nhau, giúp đỡ nhau tuy ở khác chùa và rất xứng đáng cho họ đặt trọn vẹn niềm tin. Dưới mắt họ, những vị xuất gia như ánh mặt trời chân lý soi rọi chốn nhân gian điên đảo mịt mờ, như bóng cây đại thọ che mát cho kẻ lữ hành giữa trưa hè nóng bức, như dòng suối mát chảy qua sa mạc khô khan đang ngập tràn khói lửa hận thù; do đó, họ rất yên tâm đến chùa tu học. Nếu chúng ta thực hiện tốt điều này là ta đã thực hiện đúng với bản hoài của chư Tổ xiển dương Thiền Tịnh song tu.

Muốn tạo nên sự hòa hợp, đoàn kết trong đạo Phật, ta phải ghi nhớ những điều sau. Thứ nhất là ta đừng cố chấp pháp môn vì tất cả pháp môn phải lấy Bát Chánh Đạo làm gốc tu hành, lấy tam vô lâu học Giới Định Tuệ làm cốt lõi, lấy mục tiêu giải thoát giác ngộ làm cứu cánh. Dù Đạo Phật có đến tám vạn bốn nghìn pháp môn đi chăng nữa cũng phải cùng xuất phát từ cái gốc Bát Chánh Đạo, cũng chỉ quay về con đường giải thoát-giác ngộ. Chúng ta có chung gốc xuất phát và chung điểm tìm về, vì vậy chúng ta không thể vịn vào bất cứ lý do nào để chia rẽ pháp môn, để cách phân tông phái.

Chỉ cần chúng ta cùng tôn thờ chung Đức Phật, cùng nhắm về mục tiêu giải thoát giác ngộ, chúng ta đã là anh em chung một nhà, chung dòng dõi Thích Ca, cùng là con dân nước Việt, cùng chung dòng máu của Lạc Hồng nên chúng ta vừa thương yêu nhau vừa thương yêu cả đất nước này.

Trong việc phát triển đức tin, các tôn giáo bạn khôn khéo, biết tổ chức chặt chẽ, và luôn luôn nghĩ cách làm sao kéo thêm tín đồ, trái lại, chúng ta rất thờ ơ. Giả sử chúng ta sẽ hỏi bất kỳ một vị xuất gia nào đó năm nay đã quy y được bao nhiêu Phật tử thì vị này không nhớ con số và khi hỏi vị này có đặt tiêu chí hằng năm phải quy y bao nhiêu Phật tử trong địa phương thì vị này cũng trả lời rằng không. Đạo Phật truyền đạo chỉ vì muốn con người ăn hiền ở lành với nhau, chỉ vì muốn mọi người yêu nước thương dân nhưng ta lại thiếu tổ chức, thiếu quyết tâm.

Nhưng cũng có những kẻ xấu, muốn làm cho đạo Phật nước ta suy yếu đi bằng cách gây chia rẽ trong nội bộ đạo Phật. Họ tạo cho thầy này ghét thầy kia, chùa này công kích chùa kia, tông phái này đả kích tông phái kia và để có thể gây sự khích bác lẫn nhau giữa các chùa, giữa quý thầy, quý cô, ắt phải có người xúi giục. Ví dụ họ đến chùa A thì thầm kể với Sư cô Trụ trì chùa A rằng khi họ có dịp đến thăm chùa B, Sư cô Trụ trì chùa B dặn họ đừng đến chùa A nữa vì Sư cô chùa A tệ hại, xấu xa lắm, và họ đóng kịch thêm rằng vì họ thương Sư cô Trụ trì chùa A nên vẫn tới gặp để nói cho Sư cô biết. Nghe qua, Sư cô chùa A sẽ nổi giận mà buông những lời không đẹp đẽ về chùa B. Thế là hai chùa đều rơi vào bẫy của họ đâm ra nghịch nhau, thù nhau. Họ thường đóng vai Phật tử len lỏi vào các chùa, tìm cách kích động các chùa nghi kỵ, thù ghét nhau, tìm cách kích động quý thầy cô trong chùa không còn thương nhau nữa để các chùa, để quý thầy cô không thể cùng hợp tác với nhau được nữa. Do đó, Phật sự lớn lao không sao thực hiện được, và tất nhiên đạo Phật trở nên suy yếu dần đi cho họ dễ bề thao túng.

Ta thấy lực lượng tăng sĩ có đạo hạnh và tài năng quả là hiếm, trong khi ta rất cần ác vị Tăng tài đức tỏa khắp nơi đêm Phật Pháp đến cho chúng sanh. Người nào đạo đức tốt, xuất gia tu hành chân chính là những viên ngọc quý giữa cuộc đời, công đức rất lớn vì đã cúng dường trọn thân tâm mình cho Phật Pháp. Nếu quý Phật tử cảm thấy mình có thể xuất gia tu hành chân chính được thì đừng chần chờ ngần ngại, để cùng phụ giúp các bậc Cao Tăng tiền bối đêm Phật Pháp đến với cuộc đời. Hoặc giả thấy con cháu mình có thể xuất gia tốt, xin hoan hỷ động viên, khuyến khích con cháu mình xuất gia để cùng quý thầy quý cô chung sức làm rạng danh Phật Pháp mai sau.

Trong việc tu hành, không bao giờ ta được tự mãn, không bao giờ cho rằng đã đủ rồi, chùa vậy là tốt, đệ tử vậy là được. Ta tự mãn có nghĩa là ta bắt đầu lui sụt. Lúc nào ta cũng thấy mình vẫn còn thiếu xót và tìm cách hoàn thiện chỗ thiếu sót đó. Được như vậy thì đạo phong ta mới tăng tiến và khi về với Phật, ta sẽ ra đi trong sự thương tiếc của mọi người. Còn như ta tự mãn thì mọi người chỉ dành cho ta sự lạnh lùng và lòng oán ghét. Tự mãn nghĩa là lui, và lui nghĩa là hư hỏng. Do đó, ta phải thấy thiếu sót và luôn luôn cố gắng hoàn thiện, nỗ lực tu sửa để có một cuộc đời tu hành xứng đáng.

Dù tại gia hay xuất gia, ta phải có những hiểu biết về tôn giáo bạn mới là người đủ bản lĩnh. Khi gặp người của tôn giáo bạn, ta đến tiếp xúc vui vẻ và đủ sức giải thích cho họ nghe, hiểu về Đạo Phật dù ta biết họ không hề thích Đạo Phật. Việc trao đổi kiến giải giữa huynh đệ chỉ là việc bình thường. Người nào học vài câu Thiền ngữ, học vài chương giáo lý rồi về chùa tìm huynh đệ đối chất, hơn thưa, lại càng dở hơn nữa. Là người xuất gia, quý thầy quý cô nên gặp gỡ trao đổi, giới thiệu Đạo Phật với các vị lãnh đạo tôn giáo bạn để họ hiểu thêm về Đạo Phật và tìm thấy những cái hay của Đạo Phật, nhất là lòng yêu nước, gắn bó quê hương dân tộc, không hề vọng ngoại.

Hôm nay, nhân ngày tưởng niệm lịch sử của Tổ, nói về Thiền Tịnh song tu như cách nhớ ơn Tổ. Vì nhờ có Tổ mà Phật Giáo bùng lên một thời gian rất mạnh. Nhờ vậy, đến thời Pháp thuộc khống chế, ta mới đủ sức đi qua khỏi rồi đứng dậy một cách vững vàng. Nếu không có Tổ, Phật Giáo không đủ sức vươn lên sau khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta. Nếu chúng ta ca ngợi các vị tôn túc đứng lên chấn hưng Phật Giáo vào thập niên 30 – 40, chúng ta phải biết ơn Tổ với đại hùng, đại lực, đại từ bi đã vực Đạo Phật dậy từ mấy trăm năm trước đó. Lúc mà ở tại Phú Yên, có một vị đại sĩ xuất trần, dựng nên một dòng Thiền, thổi một sức mạnh tâm linh vào Đạo Phật, cho Đạo Phật qua được thời gian Pháp thuộc và duy trì mãi cho đến hôm nay.

Đạo Phật được chấn hưng có nhiều ngôi chùa khắp làng quê hay phố thị để cho con cháu ta còn nghe tiếng chuông chùa mênh mang theo câu kinh tiếng kệ êm đềm, con cháu ta còn biết thương yêu nhau. Muôn vạn lần ta không biết nói lời nào tri ân đối với Tổ. Không gì bày tỏ lòng biết ơn Tổ hơn là chúng ta nguyện tu hành tinh tấn theo lời Tổ dạy đễ giữ gìn Phật Pháp, giữ gìn đất nước này và thế giới này mãi thanh bình.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Vì Sao Tổ Sư Xiển Dương Thiền Tịnh Song Tu?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com