Mục Lục

Nói đến pháp Thiền Tịnh song tu, làm sao cho các liên hữu nhận định một cách chuẩn mực, không nên để các tu sĩ nghi ngờ pháp Phật, xin giới thiệu pháp: "Tứ liệu giản".

6.1. Tứ Liệu Giản:

Năm 1969, vừa đi giảng luật vừa đi học khóa giáo lý Tịnh Độ Cơ Bản tại Quan Âm Tu Viện do Đức tôn sư giảng dạy. Trong môn tiểu sử 13 vị Đại sư Tịnh độ, vị Đại sư thứ 6 tông Tịnh độ là Vĩnh Minh Diên Thọ, ngài là vị Thiền sư đắc đạo, nhưng khi xiển dương giáo pháp thì dùng pháp Tịnh độ mà giảng yếu, được nhiều người trong giới Phật học tán đồng. Trong thời điểm ngài giáo hóa, có các vị tu sĩ thường hay đem Thiền bác Tịnh đem Tịnh chê Thiền khiến cho sự truyền thừa giáo pháp bị trở ngại, các tu sinh không kềm hảm được "tự ngã cống cao" nên cứ bàn bạc, rồi khen chê giáo pháp Phật, thành ra có lỗi vô cùng.

Với các lý do đó mà ngài Vĩnh Minh tự thắp đuốc làm đèn Thiền soi sáng cho muôn tối thế gian mà giảng dạy về tứ liệu giản, trong Thiền có Tịnh, trong Tịnh có Thiền, lối tu có nền nếp thật vững vàng. Nay tôi xin nêu lại về những ý tưởng mới của Đại sư, để các bạn sen của chúng ta thầm niệm nghiên cứu đúng đắn theo chiều hướng sâu rộng và thật cân đối của giáo pháp Phật để làm cầu nối cho Phật trường, gia tài Phật học môn phong có thêm pháp hạnh Thiền Tịnh song tu (HT Thích Giác Quang).

Đại cương Phật giáo chẳng ngoài năm tông. Năm tông là: Luật, Giáo, Thiền, Mật và Tịnh. Luật là căn bản Phật pháp, nghiêm giữ tịnh giới để mong Tam nghiệp thanh tịnh, nhất tánh viên minh. Ngũ uẩn đều không, các khổ đều độ. Giáo là y theo giáo tu quán, lìa ngón tay thấy mặt trăng, triệt ngộ Phật tánh vốn đầy đủ. Nhưng người này chỉ thấy Phật của tự tánh thiên chân mà gọi là thành Phật, chẳng phải liền thành ông Phật chứng đạo Bồ-đề. Mật thì lấy tam mật gia trì, chuyển thức thành trí, gọi là tức thân thành Phật. Đây cũng chỉ là lấy ngay thân này liễu sanh thoát tử làm thành Phật, mà chẳng phải thành ông Phật phước tuệ viên mãn. Ba tông này đều có thể thu nhiếp vào Thiền tông, vì khí phận giống nhau. Cho nên, chỗ cần yếu tu trì Phật pháp thật chỉ có hai môn: Thiền và Tịnh.

Thiền thì chuyên nhờ tự lực, nếu chẳng phải kẻ túc căn thành thục thì không được lợi ích thật sự.

Tịnh thì gồm nhờ cả Phật lực. Phàm người nào đầy đủ tín, nguyện, hạnh đều có thể mang nghiệp vãng sinh, chỗ khó dễ của hai tông xa cách nhau một trời, một vực.

Ngài Vĩnh Minh thiền sư ở vào đời đầu nhà Tống, là bậc đắc đạo hiểu thông giáo lý của Phật, thị hiện sanh ở thế gian, thông thấu nhất tâm, trọn tu vạn hạnh, mỗi ngày thực hiện một trăm lẽ tám việc Phật sự. Đến đêm, qua núi bên cạnh hành đạo tinh chuyên niệm Phật. Ngài sợ rằng hậu học chẳng hiểu rõ tông yếu nên làm bài kệ Tứ liệu giản, để người tu học Phật pháp biết chỗ nương về.

Bài kệ thứ nhất như sau:

Có Thiền, có Tịnh độ

Như hổ mọc thêm sừng

Đời nay làm thầy người,

Đời sau là Phật tổ.

Giảng trạch: “Có Thiền, có Tịnh Đ ộ, khác nào hổ thêm sừng, hiện tại làm Thầy người, đời sau làm Phật, làm Tổ”, nghĩa là: Người đã triệt ngộ Thiền Tông, minh tâm kiến tánh, lại còn thâm nhập kinh tạng, biết trọn vẹn các pháp môn quyền thật của Như Lai, nhưng trong các pháp, lại chỉ chọn lấy một pháp “tín nguyện niệm Phật” để làm đường lối chung cho chánh hạnh tự lợi, lợi tha. Phần nói về Thượng phẩm Thượng sanh trong Quán Vô Lượng Thọ kinh: “Đọc tụng Đại thừa, hiểu đệ nhất nghĩa” chính là nói về mẫu người này. “Khác nào hổ thêm sừng” là người này song tu Thiền Tịnh, có đại trí huệ, có đại Thiền Định, có đại biện tài, tà ma ngoại đạo nghe danh vỡ mật, giống như hổ mọc thêm sừng, oai mãnh khôn sánh. Có người nào đến học hỏi sẽ tùy cơ thuyết pháp. Gặp lúc nên dùng Thiền Tịnh song tu để tiếp độ thì dùng Thiền Tịnh song tu tiếp độ. Nên dùng chuyên tu Tịnh Độ để tiếp độ thì dùng chuyên tu Tịnh Độ tiếp độ. Bất luận là thượng căn, trung căn, hạ căn, không một ai không được lợi lạc. Người như thế há chẳng phải là nhân thiên chi đạo sư hay sao? Đến lúc mạng chung, được Phật tiếp dẫn vãng sanh Thượng phẩm, trong khoảng khảy ngón tay, hoa nở thấy Phật, chứng vô sanh nhẫn, phẩm thấp nhất cũng là bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo. Cũng có người đốn siêu địa vị, đạt lên Đẳng Giác. Bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo đã có thể hiện thân làm Phật trong trăm cõi; huống hồ là những địa vị sau đó càng lên cao thì càng thù thắng hơn, tiến thẳng đến địa vị thứ bốn mươi mốt là địa vị Đẳng Giác thì càng thù thắng đến mực nào nữa? Vì thế nói: “Lai sanh tác Phật, Tổ”, Đời sau làm Phật, Tổ là như thế.

Bài kệ thứ hai:

Không Thiền có Tịnh độ

Muôn tu muôn vãng sinh

Nếu được thấy Di-Đà

Lo gì không khai ngộ.

Giảng trạch : “Không Thiền, có Tịnh Độ, vạn người tu, vạn người vãng sanh, nếu được thấy Di Đà, lo gì không khai ngộ”. Do người ấy tuy chưa minh tâm kiến tánh, nhưng cứ quyết chí cầu sanh Tây Phương. Trong kiếp xưa, Phật từng phát đại thệ nguyện nhiếp thọ chúng sanh như mẹ nhớ con (ý tưởng của Bồ Tát Đại Thế Chí, kinh Thủ Lăng Nghiêm). Nếu chúng sanh thật sự như con nhớ mẹ, chí thành niệm Phật thì cảm ứng đạo giao, liền được Phật nhiếp thọ. Người tận lực tu Định Huệ được vãng sanh đã đành mà kẻ phạm tội ngũ nghịch đánh mắn giết hại cha mẹ, phạm thập ác lúc lâm chung bị sự khổ bức bách, phát tâm hổ thẹn lớn lao, xưng niệm danh hiệu Phật hoặc đến mười tiếng hoặc chỉ một tiếng rồi liền mạng chung, cũng đều được hóa thân của Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sanh. Đấy chẳng phải là “vạn người tu, vạn người vãng sanh” hay sao? Tuy người ấy niệm Phật chẳng bao lâu, nhưng do tín niệm danh hiệu Phật cực kỳ mãnh liệt nên đạt hiệu quả lớn lao, chớ nên đem người niệm Phật hờ hững, lững lờ để so sánh nhiều ít! Đã sanh về Tây Phương, gặp Phật nghe pháp, tuy có nhanh chậm khác nhau, nhưng cả thảy đều được dự dòng Thánh, vĩnh viễn không thối chuyển. Tùy theo căn tánh sâu hay cạn sẽ hoặc dần dà hoặc nhanh chóng, chứng đắc các quả vị. Đã được chứng quả thì chuyện khai ngộ cần gì phải nói nữa, bởi thế mới bảo: “Nếu được thấy Di Đà, lo gì không khai ngộ”.

Bài kệ thứ ba:

Có Thiền không Tịnh độ

Mười người chín chần chờ

Cảnh Trung ấm hiện ra

Liền theo nó mà đi.

Giảng trạch: “Có Thiền, không Tịnh Độ, mười người tu, chín người chần chừ. Ấm cảnh nếu hiện tiền, chớp mắt đi theo nó”. Do người ấy tuy liễu ngộ Thiền Tông, minh tâm kiến tánh, nhưng Kiến hoặc, Tư hoặc, phiền não không dễ đoạn trừ, cần phải trải qua biết bao duyên niệm rèn luyện khiến phiền não đoạn trừ dứt sạch không còn sót; sau đó các phân đoạn sanh tử mới có thể xuất ly. Còn như kẻ chưa đoạn được mảy may nào ta không cần bàn đến. Nếu như đoạn phiền não mà còn sót chút mảy may chưa thể đoạn sạch thì luân hồi sáu nẻo vẫn y như cũ, khó bề trốn tránh. Biển tử sanh sâu thăm thẳm, đường Bồ Đề xa vời vợi, nếu chưa về đến nhà đã liền mạng chung thì trong mười người đại ngộ, tám chín người đã giống như thế.

Vì thế, mới nói: “Thập nhân cửu tha lộ” (Mười người tu, chín người chần chừ).

Chữ “tha” ở đây nghĩa là “tha đà”, nếu nói thông thường là “chần chừ”.

“Ấm cảnh” là cảnh tượng của thân Trung Ấm, tức là các cảnh tượng do nghiệp lực thiện, ác trong đời này và bao kiếp trước cùng hiện ra khi lâm chung. Khi cảnh này hiện ra, chỉ trong nháy mắt, sẽ theo nghiệp lực thiện hay ác nào mạnh nhất rồi đi thọ sanh trong đường thiện hay ác, chẳng thể tự làm chủ được mảy may, giống như người mắc nợ, chủ nợ nào mạnh sẽ lôi đi trước. Tâm tính loạn động lắm mối, sẽ nghiêng lệch về chỗ nào tâm mình đặt nặng. Ngũ Tổ Giới Diễn tái sanh làm Tô Đông Pha, Thảo Đường Thanh lại sanh làm Lỗ Công. Đấy vẫn còn là bực thượng, nên nói: “Ấm cảnh nếu hiện tiền, chớp mắt đi theo nó”.

Ấm có nghĩa là “che đậy”, ý nói: Do nghiệp lực này ngăn che nên chân tánh chẳng thể hiển hiện. Chữ Miết nghĩa là “chớp mắt”. Có kẻ cho rằng chữ Tha nghĩa là lầm lạc, “ấm” là cảnh Ngũ Ấm Ma thì đều là vì chưa hiểu ý nghĩa chữ Thiền và chữ Có nên mới hiểu sai lầm như thế. Lẽ đâu bậc đại triệt đại ngộ trong mười vị, hết chín người lầm đường, lạc lối, lầm theo cảnh ngũ ấm ma mà đi, bị ma dựa phát cuồng ư? Phàm kẻ bị ma dựa phát cuồng thì là hạng tăng thượng mạn chẳng hiểu giáo lý, chẳng rõ tự tâm, tu mù luyện đui vậy. Sao chẳng biết tốt xấu, lại đem gán cho bậc đại triệt, đại ngộ vậy?

Điều này quan hệ rất lớn, chẳng thể không biện bác rõ.

Bài kệ thứ tư:

Không Thiền không Tịnh độ

Giường sắt và cột đồng

Muôn kiếp cùng ngàn đời

Không một ai nương tựa.

Giảng trạch: “Không Thiền, không Tịnh Độ, giường sắt cùng cột đồng, muôn kiếp với ngàn đời, không một ai nương dựa”. Có người bảo “không Thiền, không Tịnh Độ” chính là kẻ tạo nghiệp ác pháp, chẳng tu thiện pháp. Lầm lẫn lắm thay! Bởi pháp môn vô lượng, nhưng chỉ có Thiền và Tịnh là phù hợp căn cơ nhất. Kẻ đó đã chưa triệt ngộ, lại chẳng cầu vãng sanh, cứ hời hợt, hờ hững tu các pháp môn khác thì chẳng thể giữ cho Định, Huệ quân bình, đoạn Hoặc, chứng Chân, lại chẳng cậy vào Phật lực để đới nghiệp vãng sanh, dùng công đức tu trì cả đời để cảm lấy phước báo trời người trong đời sau. Đời này đã không có chánh trí, đời sau ắt bị phước chuyển, đắm say Ngũ Dục, rộng tạo ác nghiệp. Đã tạo nghiệp ác sẽ khó tránh khỏi ác báo. Một hơi thở hít không vào nữa liền đọa địa ngục, rõ ràng là trải qua kiếp dài lâu, nằm lăn giường sắt, ôm ấp cột đồng để đền trả các món ác nghiệp tham thanh sắc, giết sanh mạng v.v… Chư Phật, Bồ Tát tuy rủ lòng từ mẫn, nhưng bị ác nghiệp chướng ngăn nên cũng chẳng được lợi ích gì.

Nội dung tứ cú kệ này là cương yếu một đời giáo hóa của đức Như Lai, là khuôn vàng cho người tu hành chứng liễu sinh thoát tử ngay trong hiện kiếp. Người tu trước phải biết rành rẽ thế nào là Thiền, thế nào là Tịnh độ; thế nào là Có Thiền, thế nào là có Tịnh độ. Thiền và Tịnh là theo Lý, theo Giáo mà nói; có Thiền, có Tịnh là theo Cơ, theo Tu mà bàn. Lý, Giáo hai pháp không khác, còn Cơ, Tu thì hai pháp khác nhau. Lời nói tuy giống nhau mà ý thì khác xa, cần phải chú ý mới chẳng phụ tấm lòng nhân từ của ngài Vĩnh Minh.

Thiền là chân như Phật tánh của chúng ta vốn đầy đủ. Tông môn chỗ bảo là: bổn lai diện mục trước khi cha mẹ chưa sinh ra. Lời của Tông môn chẳng nói thẳng ra, chỉ khiến người tham thiền tự mình được ngộ, nên mới nói như thế. Thật ra, không có năng sở, ly niệm linh tri không có chút suy nghĩ phân biệt mà vẫn thấu rõ cảnh giới trước mắt.

Tịnh độ là tín, nguyện, chấp trì danh hiệu, cầu sinh Tây Phương, chẳng phải nghiêng lệch duy tâm Tịnh độ, tự tánh Di-đà mà nói.

Có thiền tức là cực lực tham cứu, niệm tịch tình vong, thấy suốt bổn lai diện mục khi cha mẹ chưa sinh ra, minh tâm kiến tánh. Có Tịnh độ tức là thực hành việc phát tâm Bồ-đề, sanh niềm tin, phát nguyện, trì danh hiệu Phật A Di Đà, cầu sinh Tây Phương.

Nếu như tham thiền chưa ngộ, hoặc tuy ngộ mà chưa đại ngộ, đều chẳng được gọi là có Thiền. Nếu như niệm Phật chỉ thiên chấp duy tâm, mà không có tín nguyện, hoặc có tín nguyện mà chẳng tha thiết, đều chẳng được gọi là có Tịnh độ. Đến như tuy tu Tịnh độ mà tâm còn nghĩ tưởng trần lao, hoặc cầu phước báo nơi cõi Trời, cõi Người, hoặc cầu kiếp sau xuất gia làm vị Tăng, nghe ít giác ngộ nhiều, đắc đại Tổng trì, hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sinh, đều chẳng được gọi là người tu Tịnh độ. Vì họ chẳng chịu y theo Phật pháp các kinh Tịnh độ dạy, chỉ lấy sở học thông suốt giáo nghĩa làm tiêu chuẩn, thế thì kiếp sau có thể chẳng mê mà liễu thoát, muôn người khó có một. Hạng người bị phước làm mê, từ chỗ mê lại vào chỗ mê thật là rất nhiều. Quả nhiên có thể hiểu sâu nghĩa này, mới là người tu Tịnh độ.

Người chẳng biết nghĩa chân thật, cứ bảo hễ tọa thiền, tham thiền tức là có thiền; hễ niệm Phật tức là có Tịnh độ, tự làm lầm mình, lại làm lầm người khác, di hại vô cùng (Lời khai thị của Ấn Quang đại sư).

Thế nên, “Người tu hành nếu không có chánh tín cầu sanh Tây phương, tu lung tung các điều thiện khác thì gọi là oan gia đời thứ ba”, chính là ngụ ý này.

Bởi lẽ, đời này tu hành, đời sau hưởng phước; cậy phước làm ác ắt bị đọa lạc. Vui chỉ tạm hưởng trong đời sau, khổ vĩnh viễn suốt kiếp. Nếu như nghiệp địa ngục đã tiêu, lại chuyển sanh làm ngạ quỷ, súc sanh. Muốn lại được thân người, đó là điều khó nhất trong những điều khó!

Bởi thế, đức Thích Ca cầm mớ đất trong tay, hỏi ngài A Nan rằng: “Đất trên tay Ta nhiều hay đất trên đại địa nhiều?” A Nan bạch Phật: “Đất trên đại địa nhiều”. Phật dạy: “Được thân người như đất trên tay; mất thân người như đất trên đại địa”. Câu “vạn kiếp và ngàn đời, không một ai nương dựa” vẫn còn là do âm vận bài kệ bó buộc nên chỉ nói gần mà khuyến tu đó thôi (ngài Triệt Ngộ đại sư).

Trải qua năm mươi năm tu hành, giáo hóa Tăng Ni, Phật tử, hậu học nay chỉ mượn ít lời chư Đại Sư tu Thiền mà giáo Tịnh để làm bản vạn "Thiền Tịnh song tu" cho chư Tăng Ni môn phong nương nơi đó mà chỉnh trang hành lý về chốn cũ quê xưa: Hữu Thiền hữu Tịnh độ – Du như đới giác hổ – Hiện thế vi nhơn sư – Lai sanh tác Phật Tổ – Nam mô A Di Đà Phật.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Tứ Liệu Giản”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com