Mục Lục

Đạo Phật du nhập Việt Nam, được người Việt tiếp nhận và tôn sùng tuyệt đối; đồng thời khi tiếp nhận còn có ý thức mạnh mẽ về công phu tu tập, sự tu chứng đắc đạo, hoằng truyền rất chuẩn xác và hữu hiệu trong các môn phong pháp phái hiện nay.

Vào tiền bán thế kỷ thứ XVIII có các bậc Lão Tăng tiêu biểu như Tổ sư Nguyên Thiều hoằng truyền pháp môn Thiền Tịnh song tu... ngài là đệ tử của thiền phái Lâm tế, đời thứ 33 bên Trung Hoa, truyền đạo qua Việt Nam lần đầu tiên xây dựng chùa Thập Tháp Di Đà, thờ Phật A Di Đà dạy đồ chúng niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Ngài là vị Thiền sư giáo hóa pháp môn Tịnh độ niệm Phật tại Việt Nam. Tổ đình Thập Tháp Di Đà tọa lạc ở thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định là minh chứng cho công cuộc hoằng hóa pháp môn tu của Tổ sư trong tương lai. Tên chùa “Thập Tháp” là nguyên trước đây trên khu đồi này có 10 ngôi tháp Chăm, sau bị sụp đổ. Tên “Di Đà” là danh hiệu đức Phật giáo chủ cõi Cực lạc. Di Đà cũng có nghĩa là lý tánh, bản giác của chúng sinh. Tập hợp các ý nghĩa trên, tổ đình mang tên Thập Tháp Di Đà Tự. Tổ sư cũng truyền bá pháp môn tu vào Nam, tại miền Đông xây dựng nền Phật pháp cao siêu Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Ngày nay Hòa Thượng Thích Minh Chánh, đủ túc duyên phục hồi ngôi Tổ đình và làm Trụ trì, nối thạnh dòng pháp.

Vị Lão Tăng thứ hai là Thiền sư Liễu Quán, chùa Thiền Tôn – Huế (1667-1742). Năm Kỹ Mão (1699) Ngài đi khắp Tòng Lâm thăm viếng nhiều Chùa để học hỏi đạo lý, và quyết định hiến thân cho đời sống đạo, chẳng quản gian lao, từ đó Ngài tinh chuyên tu tập. Năm Nhâm ngọ (1702) Ngài đến Long Sơn học đạo với Tử Dung Hòa Thượng (người sáng lập Ấn Tôn Từ Đàm hiện nay), một vị Hòa thượng có tiếng thông thái khéo dạy người niệm Phật tham Thiền của thời này. Tổ Liễu Quán là vị Thiền sư đắc đạo, nhưng ngài cũng là vị Tổ sư hoằng truyền về pháp niệm Phật, khai sơn pháp môn tu Thiền Tịnh đồng tu mà giáo hóa đồ chúng, truyền thừa cho đến hôm nay. Tại Đồng Nai, Tp.Biên Hòa có chùa Phi Lai, Hòa Thượng Thích Diệu Tâm, nối thừa dòng kệ pháp môn tu.

Vào thế kỷ 17,nhà Mãn Thanh trị vì đất nước Trung Hoa lúc bấy giờ các pháp môn tu Thiền, Tịnh, Luật, Mật đều được phổ cập rộng rãi; trong giới tu Phật bắt đầu có sự chểnh mãng đạo hạnh, Mật tông chiếm lĩnh, lần lượt đưa sự tín ngưỡng chân chính thành mê tín thần quyền. Lúc bấy giờ Thiền sư Ngọc Lâm được các vua nhà Mãn Thanh tín ngưỡng trọng dụng phong làm Quốc Sư, ngài biên soạn hai thời khóa công phu tối và công phu khuya, phàm làm Tăng Ni phải chấp hành tu tập hai thời khóa tu cơ bản.

Phật giáo Việt Nam cũng thế, ngoài hai vị tổ sư Nguyên Thiều, Liễu Quán truyền bá Thiền Tịnh song tu; đến triều đại Gia Long, nhà vua sắc chỉ các chùa tụng niệm hai thời khóa lễ tối khuya. Pháp môn tu trong chốn Thiền môn có chiều hướng dung hợp, Tịnh độ bắt đầu được phát huy từ đó.

Thời cận đại có các bậc danh Tăng như Đức Pháp Chủ Thích Khánh Anh, Phật Học Đường Lưỡng Xuyên, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, chùa Vạn Đức hoằng truyền Tịnh độ, ngài Hòa Thượng Thích Huệ Hưng, Tu viện Huệ Quang thì niệm Phật, Thiền và hoằng giới, ngài Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Thiền Viện Thường Chiếu hoằng truyền về Thiền và phục hồi pháp phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật Hoàng Trần Nhân Tông... cho thấy Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam mới có cơ sở phát huy nên giáo lý chính chân của Đức Phật. Các ngài luôn dùng nhiều phương tiện thật đạt lý, dụng ý, truyền thừa chuẩn mực.

Các chùa thuộc Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam, chỉ thờ một Đức Phật Thích Ca, các Nhà Sư là những nhà tu thiền nhưng vẫn thờ Phật, thờ Phật tức là tưởng Phật, nhớ Phật, niệm Phật. Như thế chẳng phải trong thiền có tịnh là gì?

Ở miền Tây Nam phần Việt Nam có Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, do Phật Thầy Tây An sáng lập, chủ trương niệm Phật, niệm vô vi Phật, học Phật tu nhơn, cứu thế độ dân thoát khổ phần tâm linh và thể xác, Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Tứ Ân lần lượt xuất hiện. Về sau đệ tử viết sách tự nhìn nhận Phật Thầy Tây An là hậu thân của Phật Hoàng Trần Nhân Tông (sách đã dẫn Bửu Sơn Kỳ Hương, của Vương Kim).

Ngoài ra, tại miền Tây còn có Tổ sư Minh Đăng Quang khai sơn Đạo Phật Khất Sĩ, dung hợp ý tưởng hành đạo giữa các hệ phái Nam Bắc tông, các tịnh xá thờ Phật Thích Ca, các Nhà Sư tu thiền tinh chuyên, nhưng trong các bài kinh trùng tụng theo thể văn vần cuối kinh đều có câu hồi hướng nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Ở miền Đông Nam phần Việt Nam có Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước, húy Nhựt Ý là đệ tử của Hòa Thượng Hồng Ân-Hoằng Thông, trực hệ phái Nguyên Thiều, cũng là Sư đệ của Đức Giáo Tổ Minh Đăng Quang khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, khuyến thiện chúng sanh bỏ dữ về lành, ăn chay niệm Phật, tránh xa các hủ tục mê tín dị đoan, lỗi thời lạc hậu... các Nhà Sư được dạy ngồi thiền niệm Phật (cách ngồi thiền niệm Phật được hướng dẫn ở chương VIII, mục 8). Ý tưởng nầy tức là trong thực tập niệm Phật có bóng dáng thiền.

Nhìn chung pháp môn Thiền Tịnh song tu là do công đức chung của các bậc Lão Tăng Trung Hoa, Việt Nam, khai sơn cho đồ chúng tu tập trở thành một môn phái không thể thiếu trong lòng Phật tử Việt Nam. Chúng tôi là những Nhà Sư của pháp môn tu Tịnh có truyền thống từ 92 năm qua, phát tâm biên soạn, trích lược ghi lại những ý tưởng lớn của các bậc đạo sư hoằng truyền về Thiền Tịnh viên dung để quý liên hữu độc giả tiện việc nghiên cứu tu tập.

Thành tâm đảnh lễ chư Phật, lịch đại Tổ sư, niệm ân các bậc tiên đức Lão Tăng vãng bối, tri ân hiện tiền chư Tôn đức tăng già dày công biên soan, minh lý pháp môn tu đã làm cho Phật pháp được lưu thông từ thế kỷ 17 trong chốn tòng lâm giúp cho Đạo pháp hưng thịnh.

Khắp nguyện pháp giới chúng sanh đồng sanh Tây phương Cực lạc thế giới đồng thành Phật đạo.

Quan Âm Tu Viện, mùa An Cư PL 2556

Hòa Thượng Thích Giác Quang

Cẩn bạch



Có phản hồi đến “Thiền Tịnh Song Tu - Lời Nói Đầu”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com