Mục Lục

4. 1. Nếu xét một cách tương đối, ta thấy pháp môn Tịnh độ có vẻ phổ cập bình dân; còn pháp môn Thiền thì có tính cách thượng lưu trí thức hơn. Xét bề ngoài, phép niệm Phật đối lập hẳn với thiền. Vì thiền không nương vào ai ngoài mình, còn niệm Phật thì nhất thiết nương vào đức Phật. Nhưng nếu phân tích về tâm lý của phép niệm Phật vẫn còn có cái tương đồng giữa việc duy trì một công án ở Thiền Tông và việc niệm danh hiệu Phật ở Tịnh độ tông. Do nền tảng tâm lý chung này mà cả hai có thể gần gũi nhau, Thiền với niệm Phật và niệm Phật với thiền.

…Thiền và niệm Phật dường như không đồng mà đồng. Vì đích của Thiền là thấu hiểu ý nghĩa của cuộc sống, đích của niệm Phật cũng vậy. Thiền chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật. Trong khi đó, niệm Phật nhắm đi tới cõi Tịnh độ vốn dĩ không chi khác hơn là tự tâm, và nhắm thấy rõ tự tánh vốn dĩ chính là đức A-Di-Đà.

Nếu thế làm sao phân biệt niệm Phật và thiền? Kinh nói: Như đi vào một thành lớn mà khắp bốn phía đều có cửa; từ những nẻo khác nhau, người ta tìm thấy lối vào riêng biệt của mình. Vì cửa không chỉ có một. Nhưng khi vào rồi, họ cũng ở trong thành như nhau. Thiền và niệm Phật mỗi bên có một căn khí riêng, nhưng khi đi đến đích thì đều gặp nhau.

Ở niệm Phật, các người có thể phân biệt đằng nào linh nghiệm, đằng nào không linh nghiệm. Tại sao? Nếu việc tụng niệm của tín giả chỉ ơở trên môi miệng còn tâm thì chẳng nghĩ tưởng chút gì đến Phật thì tụng niệm ấy không linh nghiệm. Trái lại, nếu miệng và tâm cùng chung hướng về Phật trong lúc tụng đọc danh hiệu Ngài, khiến cho tâm với Phật không rời nhau một bước, thì niệm Phật như thế chắc chắn sẽ có kết quả. Giả dụ có một người tay cầm tràng hạt, miệng niệm danh hiệu Phật; nhưng nếu cứ vọng tưởng cuồng tâm, chạy xuôi chạy ngược, thì đó là một người chỉ tụng ở miệng chứ không tụng ở tâm, chỉ luống công vô ích, nhọc sức mà chẳng được lợi ích gì; tốt hơn là nghĩ tưởng đến Phật trong tâm dù môi không mấp máy. Vì như thế mới là đồ đệ chân chính của pháp môn niệm Phật.

Há không thấy kinh nói rằng mười phương Như Lai thương nhớ chúng sanh như mẹ thương con. Nếu con cũng nhớ tưởng đến mẹ như thế thì tại sao mẹ con không có ngày hội ngộ!

- Kẻ học thiền hãy cứ một mực theo thiền, người niệm Phật hãy cứ khăng khăng niệm Phật. Nếu tâm bị phân chia giữa hai thứ sẽ chẳng thành tựu được gì cả. Người xưa đã nói ví dụ về tình trạng bị phân tâm như thế giống như một người cố bước vào hai con thuyền một lúc, nhưng chẳng bước vào đâu được.

Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ đã nói sự dung thông giữa thiền và tịnh. Ông được xem như một trong những người chủ trương tôn giáo hòa hợp vĩ đại trong lịch sử Trung Hoa, đã cố gắng dung hòa giữa Thiền và Tịnh độ.

Quán Kinh nói: "Mỗi một đức Phật Như Lai hiện thân trong pháp giới và thâm nhập trong tâm của tất cả hữu tình. Vậy mỗi khi các ngươi tưởng đến Phật, chính tâm của các ngươi được trang nghiêm bằng 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Tâm ấy được chuyển thành Phật tánh, tâm ấy chính là Phật. Biển chánh trí của chư phật nổi dậy trong tâm tưởng của các ngươi. Vì lẽ đó, các ngươi hãy nhất tâm tu tập quán tưởng Phật Như Lai, Ngài là bậc A La hán, Chánh đẳng giác".

- Cứ để cho sự chú tâm lên tới cao độ của nó thì sẽ có một trực giác về những chân lý huyền diệu như vậy. Vãng sanh tức vô sanh, niệm Phật tức không có gì để niệm. Tâm này chính là Như Lai, dù sắc thân còn lệ thuộc thế giới này mà tâm thì vui sướng trong cõi tịnh độ.

- Lại nữa củi sẽ cháy nếu châm lửa vào - lửa đốt cháy và lửa vốn có trong củi là một. Như thế chính do hòa hợp nội duyên và ngoại duyên mà hết thảy các pháp hiện hành. Dù tất cả chúng ta có sẵn Phật tánh, nhưng tự Phật tánh nó không đốt cháy những tham dục nếu như không châm ngọn lửa của trí tuệ siêu việt. Ngọn lửa trí tuệ đó vốn là danh hiệu Phật.

Dưới cái nhìn của thiền, câu "Nam mô A di đà Phật" là một công án đề ra cho các môn đồ của Tịnh độ tông. Đấy là lúc chìa khoá được đặt vào tay hành giả, toàn thể kho tàng ý thức dành cho y nay được toàn quyền tự do sử dụng.

- Tôn giáo trọn vẹn được xây dựng trên nền tảng kinh nghiệm, không có kinh nghiệm này, tất cả cơ cấu giáo lý của nó sẽ sụp đổ. Đây là chỗ khác nhau giữa tôn giáo và triết học. Hết thảy các hệ thống triết học mai kia có thể sẽ băng hoại, nhưng đời sống tôn giáo mãi mãi được chứng nghiệm những huyền bí sâu xa của nó. Tịnh độ tông và Thiền tông không thể tách rời khỏi những huyền bí này. Tịnh độ tông đặt trọng tâm của mình trên việc niệm Phật và Thiền tông thì đặt trên thực hành công án. Nếu như xét về những kiến trúc của chúng thì cả hai hình như rất gần gũi nhau.

Thiền sư Bạch Ẩn nói: "Điều mà tôi trách cứ nhiều nhất là thái độ của các môn đệ thiền. Họ cần phải tự mình luyện tập nơi thiền thì lại biếng nhác, hoặc hèn kém, và trong khi bê trễ ở pháp môn này họ lại sợ hãi mà nghĩ tới một ngày tàn sắp đến của tuổi già, và lại bắt đầu với pháp môn niệm Phật là pháp môn giải thoát tốt đẹp nhất và thích hợp nhất dành cho chúng sanh trong thời mạt pháp này. Họ thật đáng thương. Họ như những con sâu, sinh ra từ cột gỗ, trở lại gặm nhắm gỗ và cuối cùng kéo nó đổ xuống. Vì vậy, họ đáng bị khiển trách nặng nề".

4. 2. Cõi tịnh độ theo kinh điển Nam Tông

Người Phật tử Việt Nam xưa nay thường biết đến khái niệm Tịnh độ qua các kinh nói về Phật Di Đà từ Hán tạng, vốn được phiên dịch từ kinh điển Sanskrit. Ở đó, cõi Tịnh độ hay Cực lạc được mô tả là cảnh giới tuyệt vời với tất cả những sự thù thắng, trang nghiêm. Con đường dẫn đến cõi này có thể chỉ gói gọn trong công phu trì niệm hồng danh Phật Di Đà. Ngoài sự thanh tịnh có được từ việc nhất tâm niệm Phật Di Đà, oai lực của Ngài cũng thừa sức tiếp dẫn vong linh người niệm Phật vãng sinh về thế giới Tịnh độ để họ tiếp tục tu hành trong điều kiện thuận lợi hơn xưa gấp triệu lần. Cõi ấy giữa người với người không hề biết tương tranh, vì ở đó không có chuyện chiếm hữu lợi danh như ở cõi Ta bà nhiều kiếp nạn này.

Nhưng đó là theo kinh điển Hán tạng, nguồn giáo lý chủ đạo của Phật giáo Bắc truyền. Trong bài viết này ta thử tìm hiểu vấn đề qua kinh điển Pàli, nguồn giáo lý căn bản của Phật giáo Nam truyền. Dĩ nhiên, trong Tam tạng Pàli cũng có khái niệm Tịnh độ (nếu ta muốn gọi thế) với những trình bày thật rõ ràng về cảnh giới này, những cư dân ở đó và con đường dẫn đến cảnh giới Tịnh độ, tức phép cầu vãng sanh theo kinh điển Nam truyền.

Trước hết, cõi Tịnh độ được biết đến trong kinh điển Pàli được dịch là Tịnh cư, theo lối chiết tự "chỗ ở thanh tịnh". Vậy Tịnh cư cũng chính là Tịnh độ, Tịnh thổ. Thậm chí chữ Pàli này còn gần gũi với chữ Tịnh độ, Tịnh thổ cũng gọi là chốn An lạc.

Theo các chú sớ A Tỳ Đàm, có tất cả 5 cõi Tịnh độ, nằm trong 16 cõi Phạm thiên Hữu sắc, và là chỗ tái sanh của các bậc Thinh văn Bất lai hay còn gọi là A na hàm. Tuy cảnh giới này chỉ gồm toàn các vị Bất lai và La hán (chứng A la hán sau khi sanh về đây), nhưng trên căn bản vì vẫn là cõi Hữu sắc nên ở 5 cõi Tịnh độ này vẫn có những lâu đài, hoa viên rất trang nghiêm, dĩ nhiên không phải là nơi chốn hưởng thụ, mà đó chỉ là những dấu vết tối thiểu của một cõi Ngũ uẩn. Về tuổi thọ, chư Thánh Bất lai ở cõi thấp nhất trong 5 cõi Tịnh độ là cõi Vô phiền có thọ mạng 1.000 đại kiếp, kế đến là cõi Vô nhiệt có thọ mạng 2.000 đại kiếp, cõi thứ ba là Thiện hiện có thọ mạng 4.000 đại kiếp, cõi thứ tư là Thiện kiến có thọ mạng 8.000 đại kiếp và cõi Sắc cứu cánh có thọ mạng 16.000 đại kiếp.

Do có những lúc trải qua một thời gian dài không có chư Phật ra đời độ sinh nên dân số trên 5 cõi Tịnh độ chỉ có giảm mà không được bổ sung, do vậy cũng có những thời điểm 5 cõi này không tiếp tục tồn tại (HT Thích Giác Quang đã trích giảng năm 2010 tại các chùa Phước Hưng (Bình Dương), chùa Phước Hưng, chùa Pháp Thường (Nhôn Trạch) Tịnh xá Bửu Sơn (Định Quán) và tại Quan Âm Tu Viện).

Cư dân tịnh độ theo kinh điển Nam Tông

Trước tiên là trình bày đại lược về 4 tầng Thánh trí làm nên 4 bậc Thánh nhân và chính Đức Phật cũng được kể vào đó. Sơ quả hay Tu đà hoàn (Dự lưu), còn được gọi là Thất lai, người không thể tái sanh quá 7 lần, là vị đã chấm dứt hoàn toàn 3 thứ phiền não thân kiến ( nôm na là chấp kiến trong 5 uẩn), hoài nghi (nghi ngờ về Phật pháp nói chung) và giới cấm thủ (chấp trước các tín điều mù quáng). Ở một số vị, thánh trí Sơ quả chỉ là một giai đoạn thoáng qua trước khi hoàn tất các tầng thánh trí cao hơn. Như trường hợp Đức Phật hoặc các vị Thanh văn tốc chứng. Nhưng cũng có lúc giai đoạn này kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều năm hoặc vài kiếp sống (dĩ nhiên không quá 7 kiếp). Sớ giải Trường Bộ ghi rằng Thiên vương Đế Thích hiện nay là một vị Thánh Sơ quả. Khi hết tuổi thọ, ngài sẽ sinh xuống nhân gian làm Chuyển luân vương và chứng đắc Nhị quả Tư đà hàm. Sau đó sanh lên Đao Lợi thiên chứng Tam quả A na hàm và lần lượt tái sanh ở đủ 5 cõi Tịnh độ, bắt đầu là cõi Vô phiền, cuối cùng ngài sẽ chứng quả La hán và nhập diệt ở cõi Sắc cứu cánh.

Tầng Thánh trí thứ hai là Nhị quả Tư đà hàm. Ngoài 3 phiền não đã chấm dứt ở tầng thánh trước, quả vị này còn làm giảm nhẹ dục ái và sân hận. Do chỉ còn có thể tái sanh cõi Dục giới một lần nữa thôi, nên quả vị này được gọi là Nhất lai .

Tầng Thánh thứ ba là Tam quả A na hàm, nghĩa là bậc Bất lai, người không còn trở lui các cõi dục giới nữa (có tất cả 11 cõi Dục giới). Theo A Tỳ Đàm tạng Pàli thì do đã chấm dứt dục ái (niềm tham luyến trong ngũ trần) và sân hận nên vị Thánh Tam quả trong trường hợp không thể chứng La hán rồi nhập diệt ngay đời này thì có hai con đường để đi:

Nếu đã chứng đắc Ngũ thiền thì sẽ tùy theo khả năng mạnh yếu của Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ mà sanh về một trong năm cõi Tịnh độ. Tín nổi trội thì sanh về cõi Vô phiền, Tấn hùng hậu thì về cõi Vô nhiệt, Niệm hùng hậu về cõi Thiện hiện, Định hùng hậu thì về cõi Thiện kiến, Tuệ thâm hậu thì sanh về cõi Sắc cứu cánh. Ở cõi Tịnh độ thứ năm này toàn bộ Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ đều được sung mãn; vì đây là nơi chốn sau cùng để một vị Bất lai chứng quả La hán và nhập diệt.

Trong trường hợp vị Thánh Bất lai chưa chứng qua một tầng thiền định nào, tức chỉ có trí tuệ Thiền quán mà không từng tu tập Thiền chỉ thì lúc mạng chung, vị này do khả năng ly dục vô sân tuyệt đối nên tối thiểu cũng thành tựu Sơ thiền trước khi mạng chung ở cõi Dục giới và như vậy cũng đủ để sanh về cõi Phạm thiên thấp nhất là Phạm thiên Sơ thiền.

Do túc duyên và trình độ tu chứng có khác nhau nên giữa các bậc Thánh Tam quả cũng có vài sai biệt. Theo Chú sớ Tăng Chi Bộ:

- Vị Bất lai chứng La hán khi chưa sống hết phân nửa thọ mạng ở cõi Tịnh độ nào đó trong 5 cõi.

- Chứng La hán sau khi sống hơn nửa thọ mạng ở cõi Tịnh độ nào đó.

- Do căn tánh không xuất sắc, có vị Bất lai phải lần lượt sanh đủ 5 cõi Tịnh độ mới chứng quả La hán rồi nhập diệt ở cõi Tịnh độ cao nhất.

- Vị Bất lai có thể chứng La hán mà không cần nhiều cố gắng.

- Vị Bất lai phải nhiều nỗ lực mới có thể chứng La hán.

Tầng Thánh trí thứ tư chính là quả vị La hán, người chấm dứt toàn bộ phiền não. Theo A Tỳ Đàm thì có 3 quả vị La hán: Chư Phật Chánh Đẳng Giác, cũng là những vị La hán nhưng do tự mình chứng đắc và là đạo sư hướng dẫn cho những người hữu duyên chứng đắc La hán. Những vị La hán đệ tử này được gọi là Thanh văn giác. Quả vị La hán thứ ba là Độc Giác Phật, những vị tự mình chứng ngộ La hán nhưng không thể hướng dẫn người khác chứng ngộ La hán. Kinh điển Hán tạng còn gọi Độc Giác Phật là Duyên Giác Phật vì cho rằng các Ngài nhờ liễu ngộ nguyên lý Duyên khởi mà giác ngộ (cách nghĩ này bắt nguồn từ những giai thoại về chư Phật Độc Giác trong Chú sớ Tiểu Bộ Kinh, một trong những bộ phận kinh điển làm nền tảng cho nhiều kinh luận hậu tác, đọc kỹ các bộ A Hàm sẽ thấy rõ điều này). Kỳ thực, nếu đọc kinh Đại Duyên trong Trường Bộ kinh, ta sẽ thấy lý Duyên khởi và lý Tứ đế (vẫn bị hiểu lầm là dành riêng cho Thanh văn) vốn dĩ chỉ là một. Trong Trung Bộ kinh, Đức Phật đã xác định ai thấy lý Duyên khởi chính là thấy Pháp và ngược lại. Đồng thời, không hề có chuyện một người giác ngộ lý Tứ đế mà lại mơ hồ về lý Duyên khởi hay ngược lại. Tất cả quả vị La hán vừa nêu trên đây luôn giống nhau về khía cạnh giác ngộ các pháp cần yếu (như Tứ đế, Duyên khởi…), chỉ khác ở hai điểm chính: Tự mình hiểu ra hay phải nhờ thầy hướng dẫn và điểm thứ hai là ngoài trí tuệ giác ngộ còn có khả năng hiểu biết sâu rộng những gì nằm ngoài lý tưởng giác ngộ hay không. Xét về khía cạnh này, chỉ có chư Phật Chánh Đẳng Giác là viên mãn. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta chỉ đặc biệt nhấn mạnh quả vị Bất lai, vì đề tài ở đây là các cõi Tịnh độ.

Vãng sanh Tịnh Độ theo kinh điển Nam Tông

Vãng sanh vẫn được dùng song song với chữ siêu sanh, nhưng theo tinh thần A Tỳ Đàm thì siêu sanh còn có thể được hiểu là vượt thoát tái sanh, một điều chỉ thực hiện được bởi một vị La hán. Như vậy trong trường hợp vị Bất lai sanh về các cõi Tịnh độ chỉ có thể gọi là vãng sanh. Và nếu phải trả lời câu hỏi về con đường vãng sanh Tịnh độ, thì như tất cả những gì vừa nêu trên, ta hoàn toàn có thể nói rằng vãng sanh Tịnh độ chỉ là một phần đường trên hành trình giải thoát của một vị Thanh văn, và như thế pháp môn Tịnh độ hay con đường vãng sanh trong trường hợp này cũng đồng nghĩa với hành trình Tam học, Tứ niệm xứ, Bát chánh đạo, nói chung là hành trình 37 Bồ đề phần. Các pháp trong 37 Bồ đề phần đối với nhau chỉ là mối quan hệ tương tức; cái này chính là cái kia, trong cái kia có cái này.

Như vậy, lời đáp cho câu hỏi về con đường vãng sanh là toàn bộ những gì mà ta vẫn gọi là Phật pháp và theo cách hiểu này, pháp môn Tịnh độ cần thiết cho tất cả mọi người. Đồng thời, chiếu theo tinh thần căn bản của Phật giáo mà nói thì khi nhắc đến pháp môn Tịnh độ, cầu vãng sanh không hề có nghĩa là chờ đợi sự tiếp dẫn của bất cứ ai, mà phải là sự lên đường bằng chính đôi chân của mình. Đại Đức Uyên Minh (HT Thích Giác Quang đã trích giảng năm 2010 tại các chùa Phước Hưng (Bình Dương), chùa Phước Hưng, chùa Pháp Thường (Nhơn Trạch) Tịnh xá Bửu Sơn (Định Quán) và tại Quan Âm Tu Viện).

HT Thích Giác Quang




Có 1 phản hồi đến “Thiền Và Tịnh Có Liên Quan Không?”

  1. Thiền Và Tịnh là các pháp môn của đạo phật. Tùy theo căn cơ từng người mà theo pháp môn. Pháp môn đúng chính xác đều có đỉnh cao là vô ngã(thoát khỏi luân hồi sanh tử, đoạn trừ đau khổ và đi theo con đường của phật từng đi). Là đệ tử phật chúng ta phải thương yêu lấy nhau, phải tuyên truyền đúng giáo pháp của đức phật THÍCH CA MÂU NI làm cho giáo pháp của chúng ta thịnh, phải giúp đỡ nhau, học hỏi nhau trên con đường tu tập. Vấn đề người nào theo pháp môn nào, hay là chê pháp môn nào khôn hay hay sao thì đó chỉ là bản ngã mình sinh ra thôi. Chẵng nhẽ mình tự chê mình dỡ hay sao, hay là mình tự khen mình giỏi hay sao. Vì vậy ko nên chê pháp môn nào hết mà hãy nghĩ đến sự hoằng dương phật pháp do chính mình nói ra. MONG CÁCH THẦY VÀ CÁC SƯ HUYNH CHỈ GIÁO

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com