Mục Lục

Thoại đầu là dùng nghi tình để nhiếp niệm của Thiền Tông. Nghi nhỏ ngộ nhỏ, nghi nhiều ngộ nhiều, đốn nghi đốn ngộ, tiệm nghi tiệm ngộ, không nghi không ngộ. Có người tham câu : "Trước khi cha mẹ chưa sinh, bản lai diện mục của ta là gì ?"; có người tham câu "Niệm Phật là ai ?"; có người tham câu "Cây bách trước sân"; có người tham câu "Que cứt khô" (Càn thỉ quyết), "Ba cân mè", "Con chó không có Phật tánh"... Công án không phải một.

Hỏi : Tham thoại đầu có giống niệm Phật Di-đà không ? Hiệu dụng của thiền tịnh khác nhau chăng ?

Đáp : Thoại đầu là dùng nghi tình để nhiếp niệm của Thiền Tông. Nghi nhỏ ngộ nhỏ, nghi nhiều ngộ nhiều, đốn nghi đốn ngộ, tiệm nghi tiệm ngộ, không nghi không ngộ. Có người tham câu : "Trước khi cha mẹ chưa sinh, bản lai diện mục của ta là gì ?"; có người tham câu "Niệm Phật là ai ?"; có người tham câu "Cây bách trước sân"; có người tham câu "Que cứt khô" (Càn thỉ quyết), "Ba cân mè", "Con chó không có Phật tánh"... Công án không phải một. Hành nhân chỉ cần nắm chắc một câu thoại đầu, sớm tối tham tìm, từng khắc chiếu cố, gấp rút cũng vẫn như thế, ào ạt cũng vẫn như thế, như gà ấp trứng. Đến khi thời tiết nhân duyên chín mùi, bỗng nhiên òa vỡ một tiếng, khám phá thoại đầu bổn tham giống như thùng sơn lủng đáy, rỗng rang biết được tâm mình, thấy được tánh mình, thì trong ngoài tinh thô của mọi vật đều đến được mà toàn thể đại dụng của tâm ta đều thấu tỏ. Đây là pháp môn phương tiện của Thiền Tông chớ không thuộc về pháp môn niệm Phật của Tịnh độ tông. Tông thú không đồng, tác dụng tự có khác. Nhưng hành nhân Tịnh độ tông niệm niệm Di-đà, tịnh niệm nối nhau, đến khi công phu thuần thục, động tịnh nhất như, thì tâm năng niệm và Phật sở niệm trọn vẹn không thể được, thấy ngay tự tánh Di-đà, công dụng cũng không khác gì Tham thoại đầu. Đó gọi là "Giữ tâm một chỗ, không việc gì chẳng xong". Cho nên niệm Phật A-di-đà lại thêm nghi tình "Niệm Phật là ai ?", cũng có thể coi là dụng công thoại đầu. Dùng pháp Thiền Tịnh song tu này thì nói Phật A-di-đà là thoại đầu có gì lại không được.

Hỏi : Tâm Kinh và Chú, nếu niệm tụng thường thì diệu dụng như thế nào, trị ma ? hay cứu nạn ?

Đáp : Tất cả kinh chú, diệu dụng vô cùng. Như thường niệm không dứt lâu ngày thành khối, hễ niệm đến thì ma nạn đều tiêu ngay. Ma do tâm sinh, thường trì tụng, Phật tướng còn không thì làm gì có việc ma ? Cho nên có người hỏi Lục Tổ về việc ma, Tổ đáp : "Trong chánh pháp ta không có những việc như thế". Nạn là do nghiệp đời trước, tâm thường trì tụng thì năng sở đều không, thọ như không thọ. Vì thọ ấm không, nên nói : "Hay trừ tất cả khổ, chân thật không luống dối".

Hỏi : Cái gọi là phàm thánh, cái gọi là thành Phật và chưa thành Phật, phải đến bao giờ mới có chứng nghiệm phân biệt, do cá nhân trực giác hay là lúc viên tịch lưu lại nhục thân để biểu hiện ?

Đáp : Khắc niệm làm thánh, theo vật thành phàm, mê là chúng sinh, giác tức là Phật. Phật không thành hoại vì không hình tướng. Nếu cầu chứng nghiệm tùy phần tự biết. Lục Tổ nói : "Thường thấy lỗi chính mình, cùng đạo tức tương đương". Cho nên nói : "nghinh tân tiếp khách, gánh nước bửa củi, ăn cơm mặc áo, đi đại tiểu tiện, đều là đạo cả". Khổng Tử nói : "Nhân là người", cũng đồng với ý này. Nếu lấy lục thông (Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Như ý thông, Lậu tận thông) để chứng nghiệm thì cách đạo càng xa.

Tôi có lần gặp gỡ các bậc Dị tăng, chỉ luận về tâm tánh, chẳng hy vọng ở sự kỳ lạ của các vị ấy. còn như phàm phu chơn giác, thất thức chưa chuyển, thì không thoát khỏi căn trần. Còn nói chơn giác vẫn là vọng sinh, nhục thân biểu hiện như được xá-lợi sau khi trà-tỳ hay nhục thân bất hoại..., đó chỉ là biểu hiện sự thành tựu của tâm hạnh kiên cố chớ nào có can hệ gì đến tánh phận. Cho nên hàng ngoại đạo cũng có người lưu lại nhục thân nữa là. Từ trước, hễ là Tổ sư quyết định phải kiến tánh, nên sự biểu hiện của đãi da hôi đâu đủ gây chú ý đến mọi người. Xưa có một vị Đại đức nói với vị Phạm tăng từ không trung giáng xuống rằng :

Thần thông tôi không bằng Xà-lê

Phật pháp lại cần đến lão tăng này.

Lại có một Đại đức khám nghiệm một vị tăng, vị tăng này không đáp lời nào, rồi liền viên tịch, khi trà-tỳ được mấy mươi hạt xá-lợi. Chúng nghi ngờ không giải thích được. Đại đức nói : "Dầu ông ta có 8 hộc 4 đấu đi nữa cũng không bằng lúc ấy hạ một chuyển ngữ". Lời nói này thật đáng suy gẫm.

Hỏi : Nhiếp tâm tịnh tu, đến lúc cảm thông, cảnh giới ấy như thế nào ? Điểm cảm thông ra sao ?

Đáp : Cảnh giới thiền định, một lời khó nói hết, đọc Kinh Lăng Nghiêm có thể biết đại khái, việc này mỗi người một khác vì căn khí không đồng. Thông thường là sau khi ngồi thiền được 100 ngày thì thấy huyết mạch lưu thông, vọng tưởng lần ít, lần sinh thiền duyệt, các bịnh không sinh, người chấp tướng hoặc thấy hình tướng Phật, Bồ-tát. Đến lúc đó chớ vội tự mừng, nên nhớ lại Kinh Kim Cang : "Phàm hễ có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức là thấy Như Lai" để soi rọi tâm mình, nhiếp niệm không dính mắc, các tướng cũng theo đó ẩn mất thì ma sự không khởi được. Ma cùng Phật chẳng lìa tâm này, đồng là cảnh huyễn, quyết chớ tham trước nhằm cho là Thánh chứng. Nếu cho Thánh cảnh liền lạc nẻo tà, phải nên cẩn thận !

Hỏi : Gọi là liễu triệt sinh tử, cảnh giới ấy như thế nào ? Dùng chơn giác giác tri nó hay là còn có một cảnh giới nào khác ?

Đáp : Khi chứng đến liễu triệt sinh tử, tự có cảnh giới của nó, như người uống nước lạnh nóng tự biết, thật khó nói dụ. Vì không thể dụ, như kiến trúc sư nói cảnh giới kiến trúc của mình, cần phải sinh viên chuyên khoa mới có thể dụ hiểu; bậc tiểu học hỏi đến khó mà đáp được. Cho nên các tác gia của tông môn gặp nhau, trợn mày chớp mắt đã dụ nhau không lời. Tại vì sao ? Vì xứ tâm hành diệt, đường nói năng bặt rồi.

Hỏi : Tiếng ngộ đạo đó phải hiểu như thế nào ? Cảnh giới lại ra sao ?

Đáp : Đạo vốn chỉ có một, ngộ có cạn sâu. Cổ đức có câu này : "Đại ngộ 18 lần, tiểu ngộ không kể hết số". Bây giờ người ta theo các lời câu trong kinh sách, hơi có chút hiểu, vội cho là ngộ đạo. Đó chỉ là việc của thức thần không thể can thiệp đến được. Nếu như không gặp được thiện tri thức mở lối cho sẽ trở thành "Tri giải chướng".

Kinh Tịnh Danh nói : "Pháp lìa kiến văn giác tri". Tri giải chướng sâu, càng thêm cuồng huệ, hý luận tranh luận, nhiễu loạn thức điền. Ngã mạn cống cao, tà kiến tăng trưởng, còn hại hơn là vô tri. Phải biết là ngộ thuộc Chứng phần, chớ không phải Kiến phần, Tướng phần. Đến như cảnh giới ấy thế nào đã đáp ở câu trên, không phiền phải lặp lại. (trích trong Cát Đằng Tập Dị)

6. 6 . Thiền và Tịnh độ trong mạch sống Việt Nam:

Đây là sự thật chứ không phải chuyện đùa, bởi lâu nay ai cũng nghĩ rằng hễ Thiền thì không có Tịnh, và Thiền tông lúc nào cũng không chấp nhận sự hiện diện của Phật A Di Đà trong tâm thức hành giả.

Vâng ! Đây là sự thật chứ không phải chuyện đùa, bởi lâu nay ai cũng nghĩ rằng hễ Thiền thì không có Tịnh, và Thiền tông lúc nào cũng không chấp nhận sự hiện diện của Phật A Di Đà trong tâm thức hành giả.

Ở đây chúng tôi không dám luận bàn về tôn chỉ của hai phái, chỉ cung cấp một vài cứ liệu minh chứng cho sự hiện diện đó trong thực tế lịch sử.

Cứ liệu thứ 1 : Tam pháp ấn của Thiền phái Trúc Lâm

Ai cũng biết Phật giáo Việt Nam rực rỡ ở thời kỳ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Một tư tưởng Thiền học đặc thù và tiêu biểu cho dòng Thiền Việt Nam gắn bó với dân gian, tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ đất nước, phóng khoáng trong tư tưởng qua hành trạng của Trúc Lâm Tam Tổ : Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.

Điểm nổi bật của Thiền phái Trúc Lâm là "Phật pháp bất ly thế gian giác", tổng hợp được vạn pháp qui tâm nên dung hợp được cả ba pháp môn Thiền - Mật - Tịnh làm tôn chỉ trong đời sống Thiền gia.

Để dẫn chứng, chúng ta có thể thấy cách thờ cúng ở tất cả các chùa mang dấu tích của Thiền Trúc Lâm ở miền Bắc đều có thờ Tam thế Phật (Thích Ca - Di Đà - Di Lặc) biểu tượng của Tịnh Độ, có thờ Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (hóa thân Chuẩn Đề) biểu tượng của Mật Tông, và khi gặp nhau trong mọi hoàn cảnh, câu Nam mô A Di Đà Phật là đầu cửa miệng lúc hào hỏi, là truyền thống xưa nay của nhân dân miền Bắc khi gặp nhau ở cửa chùa.

Cứ liệu thứ 2 : Thiền Sư Chuyết Công với tượng Di Đà, chùa Phật Tích, Bắc Ninh.

Thiền Sư Chuyết Công (1590 - 1644) người Phúc Kiến, là vị Tổ truyền dòng Thiền Lâm Tế từ Trung Quốc sang Việt Nam. Chùa Phật Tích là nơi Ngài Chuyết Công hoằng dương đạo pháp, truyền thừa Tông phái, cũng như nổi danh ở trụ xứ này. Và tại đây cũng nổi tiếng với tượng Phật Di Đà bằng đá, một nét nghệ thuật hoàn chỉnh còn lại sau bao điêu tàn của thời gian thế cuộc. Tượng Di Đà này đã được phục chế phiên bản để trưng bày nơi viện Bảo Tàng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, như minh chứng cho một nền nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của Việt Nam, một thời kỳ vàng son của Phật giáo thời Trịnh - Lê, và minh chứng cho sự phát triển của Tịnh độ vào thời bấy giờ, phát xuất từ một Thiền Sư dòng Lâm Tế. Thế thì đó là sự truyền bá Thiền Tịnh song hành có phải chăng ?

Cứ liệu thứ 3 : Thiền Sư Chân Nguyên (1647 - 1726) và chùa Cửu Phẩm, Hải Dương. Dân gian quen gọi là chùa Cửu Phẩm vì trong chùa có một đài cửu phẩm do Thiền sư Chân Nguyên tạo dựng còn nguyên vẹn duy nhất ở miền Bắc ngày nay.

Ai cũng biết, cửu phẩm liên hoa là biểu trưng quả vị của Tịnh độ ở cõi Cực Lạc thế giới, thế mà do một vị Thiền Sư danh đức đương thời tạo dựng, để tiếp nối phổ hệ truyền thừa từ Thiền phái Trúc Lâm. Thế là dù Lâm Tế hay Tào Động, sang đất Việt Nam đều qui ngưỡng Trúc Lâm mà nối pháp vậy. Đài cửu phẩm ở Thanh Hà, Hải Dương chính là kiểu mẫu được lấy từ đài cửu phẩm ở chùa Bút Tháp do Tổ Huyền Quang đã dựng trước kia.

Từ những cứ liệu trên, ta có thể thấy rằng Thiền chính thống của Việt Nam gồm Thiền - Tịnh song hành, là hai trong ba yếu tố của Thiền phái Trúc Lâm còn được duy trì cho đến ngày nay.

Với câu A Di Đà Phật, ngày nay còn các câu chào hỏi nhau ở miền Bắc khi đến cửa chùa. Cụ thể là nơi lễ hội chùa Hương hàng năm, ta có thể thấy lớp lớp dòng người lên xuống vào hội đều rơm rã câu A Di Đà Phật, Tăng hay tục, Việt Nam hay ngoại quốc, Thiền hay Mật - Tịnh, tôn giáo hay không tôn giáo... cũng đều với câu chào nhau như thế. Và nếu không như thế hoặc khác đi thì ta là người lạ lẫm và lạc lỏng trong biển người thuần nhất câu A Di Đà Phật, đã là một tục lệ gắn chặt vào đời sống linh hoạt của lễ hội xưa nay.

Thiền của Việt Nam, tôn chỉ và hành trạng là sự dung hợp chứ không hề mang tính cố chấp một chiều chỉ biết có Thiền mà bác tất cả, hoặc đem Thiền Tông Trung Quốc mà nhận làm Thiền của mình. A Di Đà Phật là tự tánh, là thoại đầu là một phần không thể tách rời của Thiền Việt Nam.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Thiền Tịnh Vấn Đáp”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com