3. Phật Giáo Việt Nam từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ IX :

Ngoài hành trang của Ngài Khương Tăng Hội như nói ở trên, từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ V, sau khi Phật giáo được truyền vào đất Việt, các Tăng Sĩ Ấn Độ nỗ lực truyền đạo tại Giao Châu, tại trung tâm văn hòa Luy Lâu, một trung tâm Phật Giáo lớn nhất tại Kim Địa (có thể là vùng Đông Nam Á). Tại đây, có những sinh hoạt của Ngài Khâu Đà La là người Ấn Độ đến Luy Lâu vào năm 168 hoằng đạo được hai năm thì thoát hóa về Tây.

Chuyện kể “Ma Ha Kỳ Vực và Khâu Đà La với một cây tích trượng du Tăng hóa đạo khắp nơi, một hôm đến thành Luy Lâu được một vị cư sĩ tên Tu Định, thỉnh cầu 2 vị ở lại nhà để truyền đạo. Tuy nhiên chỉ có Khâu Đà La ở lại, còn Ma Ha Kỳ Vực chống tích trượng đi về phía Đông. Khâu Đà La tu phép tịch cốc, Tu Định rất tín ngưỡng về sự khổ hạnh của Sư, Ông sai con gái mới 12 tuổi lo đèn cho Sư đọc sách, dâng cơm dời nước cho Sư dùng. Sau một tháng Sư ngỏ ý muốn ra đi, Tu Định lảm lễ gieo năm vóc xin nguyện làm đệ tử học đạo với Sư.

Sư dạy: vì lo sàng cám để tìm gạo nên người ta quên trời tối, thành ra mất lối, đầu óc mù mịt, người ta trở thành lãnh đạm đối với tất cả, con nay đã thâm nhập chánh pháp của Ta, thế là ngươi có túc duyên, con gái An Nan của ngươi sẽ trở thành một pháp khí quan trọng, con hiểu ý Ta chưa? Đại nguyên của Ông sẽ được ấn khả như thế, nói xong Sư bằng long ở lại một tháng nữa. Thỉnh thoảng Sư đứng một chân tụng kinh suốt bảy ngày bảy đêm. Một hôm Sư xướng lên một bài kệ rồi đi mất. Có người nghe tiếng Sư tụng kinh vang lên bên đỉnh núi phía Tây…” (soạn giả lịch sử Phật Giáo Vân Thanh trích dẫn trong sách cổ Châu Pháp vân Phật Bổn Hành Ngữ Lục).

Vào cuối thế kỷ thứ II, Mâu Bác (còn gọi là Mâu Tử) theo gót chân mẹ từ Trung Quốc sang Giao Châu, thuở nhỏ vốn ở trong tầm tay đạo đức của bà mẹ và lớn lên có nghiên cứu sách Khổng Lão, nhưng cuối cùng theo học Phật, Ngài có sáng tác bộ sách “Lý hoặc Luận”, nội dung có 37 câu hỏi và 37 câu trả lời, chủ yếu là các câu vấn nạn của những người theo đạo Khổng(đạo làm người ở thế gian) và đạo Lão (đạo thần tiên). Giới thiệu Đức Phật Thích Ca là một bậc siêu nhân có nhiều phép tắc thần thông để cứu độ muôn loài, ca ngợi Đức Phật là vị Giáo Chủ siêu việt thế gian. Giáo lý của các tôn giáo khác chỉ có giới hạn tại thế gian: “Đạo Phật ví như giếng trời, đạo Khổng và đạo Lão ví như khe hang, rạch suối, đạo Phật giống như mặt trời, đạo Khổng, đạo Lão chỉ là ngọn đuốc, đạo Phật là trái quả, đạo Khổng, đạo Lão chỉ là hoa lá…” (lịch sử Phật Giáo Việt Nam của Nguyễn Tài Thư, trang 60).

Với một vài luận chứng trên, chứng tỏ Mâu Bác đã học Phật tại Giao Châu, ở một thời kỳ mà giáo lý Đại Thừa của Phật phát triển khá mạnh mẽ, ít nhất là vào đầu thế kỷ thứ III tây lịch.

Đến thế kỷ thứ V, có hai Thiền Sư là Đạt Ma Đề Bà và Huệ Thắng truyền dạy về Thiền học.

Cũng do Phật giáo được truyền bá trực tiếp từ Ấn Độ vào Việt Nam trước Tây lịch (năm 240 trước tây lịch), nên ngay từ đầu kỷ nguyên danh xưng từ ngữ Budha của Phạn ngữ đã được phiên âm trực tiếp sang tiếng việt là “Bụt” mà từ xưa cho đến nay văn học nhân gian, văn học Phật giáo tại miền Bắc, văn học Phật giáo cổ cũng chỉ dùng từ “Bụt” (từ điển Phật giáo VN của Minh Châu và Minh Chi xuất bản tại Hà Nội năm 1991). Tuy nhiên sự tín ngưỡng về “Bụt” của nhân gian vào thời xưa của Việt Nam ta được xem như là một vị thần linh vạn năng, thiên biến vạn hóa, có mặt ở khắp nơi cứu độ hộ trì muôn loài.

Ngày nay, từ “Bụt” được dùng nhiều trong các bài thuyết giảng của quý vị Pháp Sư Phật Giáo tại miền Bắc Việt Nam, của Hòa Thượng Nhất Hạnh tại các nước phương Tây. Riêng tại Việt Nam từ các vùng Phật giáo phát triển phía Nam, từ ngữ Budha do ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc, nhất là vào thời nhà Minh, nên các nhà dịch kinh sách Phật của Phật giáo Việt Nam chuyển âm điệu, giọng đọc từ “Bụt” thành từ “Phật”, nghe có vẽ gần gũi và người học Phật dễ cảm nhận, dễ thực tập, thiền hành niệm Phật. Từ “Bụt” xưa chỉ còn được phổ biến trong các sách văn học dân gian tại miền Bắc, một ít tại miền Trung và miền Nam.

4. Phật Giáo Việt Nam triều đại nhà Đinh, nhà tiền Lê (968 -1009):

Theo lược khảo Phật Giáo sử Việt Nam trang 87 của Vân Thanh, thì sau khi lên ngôi Hoàng Đế, nhà vua Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là Đại Cồ Việt, kinh đô đóng ở Hoa Lư (năm 968), cùng lúc định chế triều nghi, nhà Vua còn triệu thỉnh Chư Tôn Đức Tăng già chân tu thật đức, một lòng vì đạo, vì nước non vào Thái miếu, thành lập Tăng đoàn, chỉ định tước vị, phẩm trật, tấn phong giáo phẩm, cử chức Khuôn Việt Thái Sư (như chức Tăng Thống ngày nay) cho Ngài Đại Pháp Sư Ngô Chân Lưu, Pháp Sư Trường Ma-Ni làm Tăng Lục (như chức vụ Tổng Trị Sự Trưởng, Viện Trưởng, Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự ngày nay), Pháp Sư Đặng Huyền Trang làm chức Sùng Chân Oai Nghi (như chức Giám Luật, Tăng Sự ngày nay). Chúng ta có thể khẳng định với những tước vị có tổ chức như trên, minh chứng tổ chức Giáo Hội thời bấy giờ rất nghiêm túc và có hệ thống tập quyền Trung Ương theo chế độ quân chủ phong kiến, có tiến bộ.

5. Phật Giáo triều đại nhà Lý (1010-1225):

Lý Công Uẩn, người mở đầu triều đại nhà Lý, làm Sa Di tu hành lớn lên trong chùa, và trong cuộc vận động lên ngôi được sự ủng hộ của giới Phật Giáo đứng đầu là Thiền Sư Vạn Hạnh, Thiền Sư Đa Bảo.

Ở triều đại của Tiên Hoàng thái Tổ Lý Công Uẩn nước Nam bắt đầu bước vào một kỷ nguyên mới đất nước độc lập thanh bình thịnh trị, nhân dân an cư lạc nghiệp, cũng là thời cực thịnh của Phật giáo, Đạo Phật thuộc về Quốc Giáo, những nơi thờ Phật, nơi tu hành Chùa chiền được sắc chỉ cho xây dựng mới hoặc những nơi hư hỏng do chiến tranh cho phép trùng tu trên khắp cả nước, người dân kính tin Tam Bảo quy y theo Phật pháp, thọ pháp Tam Bảo rất được quan quân sùng kính. Chúng ta có thể nhận định một cách chính xác, Phật giáo triều đại nhà Lý là Quốc Giáo, dù vẫn có đạo Khổng, đạo Lão truyền bá trong chốn nhân gian, song Phật Giáo vẫn chiếm ưu thế trong chốn triều nội tại Kinh Đô Thăng Long. Thậm chí các nhà Vua còn phát tâm tu hành, tu học thiền trở thành những Thiền Sư ưu tú của Đạo Phật. Như Hoàng Đế Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Anh Tông, Lý Huệ Tông. Văn bia nhà Chùa Linh Xứng năm 1126 đã nói: “Lý Thường Kiệt tuy thân vướng vào việc đời mà lòng luôn hướng về Phật Pháp…” Có lẽ vì nhà Vua và Mẫu Hậu tôn sùng kính tin Tam Bảo và tham cầu học giáo lý nhà Phật, cho nên Thượng Quan Thái Úy Lý Thường Kiệt vâng theo ý chỉ của Đức Vua và Mẫu Hậu mà hướng về tu Phật, giúp phát triển Phật Giáo. Một ý khác theo soạn giả quyển sách này: “… thì Thái Úy Lý Thường Kiệt là một Phật Tử thuần thành, có ở Chùa tu hành, hộ trì Phật Pháp vào thời nhà Tiền Lê…”

Phật giáo thời triều đại nhà Lý, chiếm được vị trí to lớn trong xã hội, chỉ trong năm 1014, nhà Vua Lý Thái Tổ sắc chỉ lệnh cho khai mở Đại Giới đàn truyền giới theo phép thập nhân thọ cho chư Tăng Ni. Năm 1016 độ cho hàng nghìn người phát tâm vào Chùa thế phát xuất gia. Năm 1019 nhà Vua xuống chiếu cho phép nhân dân trong cả nước đi tu làm nhà sư… (lịch sử Phật Giáo Việt Nam, trang 148). Đại đa số các Tự Viện thời bấy giờ đều có từ 100 Tăng Ni trở lên (Thuyền Uyển Tập Anh). Do tất cả Chùa Chiền đều được cấp đất từ 100 mẫu trở, ít nhất là 03 mẫu cho những Nhà Sư Trụ Trì giữ Chùa nhỏ.

Về tổ chức Giáo Hội, các triều đại thời nhà Lý vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức như các triều đại Nhà Đinh, nhà Tiền Lê như: các chức Tăng Thống, Tăng Lục, Sùng Chân Oai Nghi… Nhưng các chức Tăng Thống, Tăng Lục được cơ cấu bổ sung thành Tả nhai Tăng Thống, Hữu nhai Tăng Thống, chức Tăng Lục thành Tả nhai Tăng lục, Hữu nhai Tăng Lục – về hoằng pháp một số Thiền Sư có uy tín được tấn phong làm Quốc Sư, như: Thiền Sư Viên Thông (1080-1151); làm Quốc Sư kiêm Tăng Thống, Thiền Sư Khánh Hỷ (1067-1142), làm Tăng Thống kiêm Quốc Sư, Thiền Sư Minh Không (1099-1174), làm Quốc Sư không kiêm Tăng Thống. (lịch sử Phật Giáo Việt Nam, trang 151).

Ở các Châu, Huyện người đứng đầu Giáo Hội là chức vị “Tri Ban Quận Giáo Môn Công Sự” để diều hành sinh hoạt tín ngưỡng tại mỗi địa phương.

Về nghi lễ, văn hóa Phật Giáo được phổ cập trong triều đình và trong khắp cả nước.

6. Phật Giáo Việt Nam đời nhà Trần (1226):

Nói đến Phật Giáo đời Nhà Trần, không thể không chú ý đến sự hình thành Thiền Thái Trúc Lâm và sự thống nhất các Thiền Phái đã có trước đó. Người mở đầu cho công cuộc thống nhất các Thiền phái là Đức Vua Trần Nhân Tông; Vua xuất gia năm 1299, trở thành “Trúc Lâm đệ nhất Tổ”, thứ hai là Thiền Sư Pháp Loa, kế thừa là Thiền Sư Pháp Loa, Tổ thứ ba là Ngài Thiền Sư Huyền Quang.

Tuy nhiên nói mở đầu, không phải là không có sự tiếp nối; Trần Nhân Tông được truyền thừa từ Tuệ Trung Thượng Sĩ, Tuệ Trung kế thừa Thiền Sư Tiêu Dao, Thiền Sư Tiêu Dao kế thừa Thiền Sư Ứng Thuận (trích Lịch Sử PGVN của Nguyễn Lang, trang 206).

Theo lịch sử Phật Giáo Việt Nam trang 213 thì với sự sáng lập Thiền Phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông vừa là truyền thừa pháp môn tu Thiền Niệm, vừa đã làm một cuộc thống nhất tổ chức Giáo Hội thời Trần vào năm 1299. Điều này cho chúng ta thấy rằng trong suốt 100 năm ở thế kỷ XIII Phật Giáo vẫn phát triển thành nhiều hệ phái thật phong phú đa dạng và Chư Tăng Ni chuyên tu tiến bộ khá đồng đều.

Trong những năm 1198 cuối thời nhà Lý, Phật giáo có vẻ suy vi, lý do Tăng Già lạm phát, sự tu hành tha hóa của các Sư trong chốn Thiền Lâm, nên lúc bấy giờ có Quan Thái Phó Đàm Dĩ Mông tâu lên Vua Lý Cao Tông bắt đầu làm việc thanh lọc tăng Đoàn. Đây là nguyên nhân đưa Phật Giáo có những sự phát triển mới trong những năm đầu của nhà Trần.

Tuy nhiên, do chiến tranh với Nguyên Mông, việc phát triển Phật Giáo đồng với việc các Thiền Sư trở thành bộ phận tham mưu cố vấn cho nhà Vua chống giặc Mông như: Thiền Sư Thái Tông, Tuệ Trung, Thánh Tông, Nhân Tông… Sự hội nhập vào đời của các Thiền Sư mở đầu cho công cuộc hoằng truyền giáo pháp Đức Phật sang giai đoạn mới làm tấm gương trong sáng cho hậu côn muôn đời sau.

Phật Giáo đời Trần, Thiền phái Trúc lâm tuy có tiếp nối ảnh hưởng từ các chi phái Vô Ngôn Thông, nhưng đã mở đầu và xây dựng như một Giáo Hội thống nhất, hoàn toàn trở thành một Đạo Phật thuần túy tu hành theo tập tính con người và nền văn hóa Việt Nam. Đó cũng là một biểu hiện của sự phát triển về ý thức hệ dân tộc “Phật Giáo Việt Nam sống trong lòng dân tộc Việt Nam, phát triển văn hóa Việt Nam” từ bao đời cho đến đời Trần và cho đến hôm nay trở thành hiện thực.

Kế thừa Đức Điều Ngự Giác Hoàng tịnh dưỡng tại Am Ngọa Vân, vào năm 1308, Thiền Sư Pháp Loa, một Nhà Sư trẻ tuổi tài hoa xin xuất gia đầu Phật năm 24 tuổi, được Tổ Sư truyền trao Pháp Y và nhận chức đứng đầu Giáo Hội. Đây cũng chính là thời kỳ Tăng Ni phát tâm xuất gia tu hành rất đông. Năm 1313, Thiền Sư Pháp Loa đến chùa Vĩnh Nghiêm, nay thuộc xã Tri yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà bắc quy định chức vụ cho chư Tôn giáo phẩm trong cả nước. Từ đó, tất cả Danh Sĩ đều có danh bộ nằm trong Giáo Hội của Thiền Phái Trúc Lâm.

Như vậy Thiền Sư Pháp Loa đã tiến một bước trong việc tổ chức Giáo Hội thống nhất (Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, trang 257). Chùa Vĩnh Nghiêm là Trụ Sở Trung Ương của Giáo Hội và cứ 02 năm tổ chức Đại Giới đàn truyền giới cho Tăng Ni tiến thân tu học. Lúc bấy giờ số lượng Tăng Già có đến 15.000 Tăng Ni.

Giáo Hội Trúc Lâm hoằng truyền rộng rãi đến Tam Tổ Huyền Quang (1330), chủ trương tu tịnh (phạm hạnh độc cư) không chú trọng đến tổ chức Tăng Đoàn, bốn năm sau 1334 viên tịch tại Côn Sơn.

Phật Giáo trong thời gian này có 03 tông phái lớn được truyền vào Việt Nam, đó Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông.

Thiền Tông, có từ thời Phật tại thế, tại pháp hội Linh Sơn, rồi truyền đến Ngài Sơ Tổ Ca Diếp, lần lượt đến Tổ Sư thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Đến năm 520, vâng theo lời dạy của Tổ Sư thứ 27 là Bát Nhã Đa La, Ngài Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa để hoằng dương Phật pháp.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền xuống cho Ngài Huệ Khả (Thần Quang), lần lượt tiếp đến Tổ Sư thứ 6 là Huệ Năng Đại Giám Thiền Sư.

Thiền Tông Trung Hoa được Chư Tổ Sư truyền vào Việt Nam bởi thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi; Ngài đắc pháp với Tổ Sư thứ 3 là Ngài Tăng Xán rồi đi về hướng phương Nam mà hóa đạo. Dòng Thiền thứ 2 là Vô Ngôn Thông, thứ 3 là Thảo Đường, thứ 4 là Trúc Lâm Yên Tử do Vua Trần Nhân Tông vào thế kỷ thứ 13 khai sơn chính phái tại Việt Nam.

Nói về Mật Tông là Tông Phái dạy tu hành, chủ trương về trì tụng mật chú để khai mở trí tuệ và giác ngộ. Tuy nhiên, khi Mật Tông truyền vào cho người Việt Nam đã nhanh chóng trở thành tín ngưỡng của dân gian hơn là tìm đường tu hành đắc đạo. Không có dấu hiệu phát triển rõ ràng, chỉ tùy thuộc vào sự thọ trì của từng Chùa, của mỗi cá nhân tín ngưỡng và tu tập và những vị sư muốn kết duyên với Tông Phái này, nên không có sự truyền thừa chuẩn xác.

Riêng về TỊNH ĐỘ TÔNG là tông phái chủ trương nương vào tha lực Phật, nhất tâm hành trì niệm Phật, tu cầu nguyện vãng sanh thế giới Cực Lạc. Là một phương tiện trong các phương tiện, một pháp môn có đủ điều kiện cho nhiều người cùng tu, trong tất cả mọi giới từ thượng lưu tri thức cho đến trong quãng đại quần chúng đều được Phật Lực nhiếp hộ, nếu người đó đặt trọn niềm tin, chí tâm chuyên hồng trì danh hiệu Phật A Di Đà.

Xuôi về quá khứ, trên hai ngàn năm trước chính Đức Phật Thích Ca đã nhờ vào tự lực của mình để đi đến giác ngộ, song cũng phải nhớ nhờ đến Chư Thiên, thiện Thần cân nhắc, thị hiện bốn hoàn cảnh sanh lão bệnh tử trợ duyên cho sự giác ngộ của Ngài. Thế nên người tu Phật, đại chúng đệ tử của Phật cần có sự tương trợ lẫn nhau, trợ duyên cho nhau trong lúc hành trì, chia sẻ cho nhau về tinh thần lẫn thể chất trong quá trình tu tập… cũng chính là tha lực nhiếp hộ dẫn đến định lực có hiệu quả. Sự trợ lực hay tha lực rất quan trọng, gợi cho người con Phật quán chiếu thực tiễn đến một cõi Niết Bàn cụ thể; đó là cõi Tịnh Độ hay thế giới Cực Lạc do Đức Phật Từ Bi Phụ Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà làm Giáo Chủ và đang thuyết pháp (Kinh Tiểu Bổn A Di Đà). Sự trợ duyên còn cho thấy bản thân của người con Phật cần thường xuyên tập trung đến các Tự Viện mà mình đã quy y để hằng ngày thực tập cùng với Chư Tăng Ni, ngày đêm nhị thời, tam thời hoặc tứ thời, có trú xứ niệm lục thời khóa lễ niệm Phật trong một ngày, một tuần lễ như hiện nay tại các Chùa Hoằng Pháp (Quận Hốc Môn), các Chùa thuộc Tông Phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng như: Chùa Bửu Quang (Quận 8), Chùa Phước Thiện An (Quận 12), Chùa Phước An (Vàm Láng, Gò Công), Chùa Phổ Thiện Hòa (Tx Thủ Dầu Một), Chùa Quan Âm (Tân Ba, Tân Uyên). Nhẫn đến tập trung niệm Phật ngày đêm 24/24 giờ và đại chúng phân công luân phiên thực tập niệm suốt ba tháng mười ngày (bá nhựt trì danh, cầu sanh Tịnh Độ), như Tổ Đình Nhứt Nguyên Bửu Tự, xã Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Dương cũng thuộc tông phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng (một tông phái niệm Phật thịnh hành ở miền Nam Việt Nam hiện nay) đã tổ chức và hướng dẫn Chư Tăng Ni, Phật Tử khắp ba miền Nam, Trung, Bắc thực tập niệm Phật suốt trên bốn mươi năm qua. Các liên hữu cùng nhau đến đây cùng nhau sách tấn chuyên trì hồng danh hiệu Đức phật A Di Đà, trong khuôn thước tín nguyện hạnh và hiệu quả đạt đến nhất tâm bất loạn, chi ít hiện tiền cũng được thấy Phật, lâm chung chắc chắn vãng sanh Cực Lạc, không còn lưu lạc trong sáu nẽo sanh tử luân hồi.

Lý nhất tâm bất loạn của Pháp môn niệm Phật là trong lúc niệm Phật năng quán tưởng về thế giới Cực lạc, Đức từ bi phụ A Di Đà nơi cứu cánh mình hướng tới và sanh về, một niệm hiệu tiền “thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật”, tâm mình thấy Phật, tâm mình làm Phật (Trí Húc Linh Phong).

Nhờ cách thức tu tập đơn giản như vậy, nên Tịnh Độ Tông là tông phái được phổ biến nhanh và sâu rộng khắp đất nước Việt Nam kể từ sau thế kỷ thứ 11, kể cả các quốc gia Phật giáo trong vùng Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Tại những nơi Phật tử trẩy hội, hành hương chiêm bái, đâu đâu cũng gặp các liên hữu tụng kinh A Di Đà, niệm Phật A Di Đà, ấn tống tượng Phật A Di Đà. Tượng Phật A Di Đà cũng được xếp hạng vào các tượng Phật lâu đời nhất ở Việt Nam, cụ thể là pho tượng Phật A Di Đà điêu khắc bằng đá, cao gần 2m thờ tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh được kiến tạo dưới triều đại Hoàng Đế Lý Thánh Tông năm 1057, tượng Phật A Di Đà cao 3,5m tại Quan Âm Tu Viện. Thậm chí ngày nay các Chùa, Tu Viện của pháp môn niệm Phật đều là những tập thể đông Tăng Ni, Phật tử được đào tạo về giáo lý cơ bản, đào tạo trở thành những liên hữu thuần nhất với pháp môn, như ở Chùa Vạn Đức, Ngài Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (Thủ Đức), Tổ Đình Linh Sơn Tự, Đức Tôn Sư Mẫu Trầu Bồng Lai (Núi Dinh, Bà Rịa), Quan Âm Tu Viện, Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác (Biên Hòa), Chùa Hoằng Pháp (Hốc Môn) trú xứ niệm Phật của Cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm (Lâm Đồng).

Trên đây là một trong những minh chứng, pháp môn niệm Phật, Tịnh Độ Tông có mặt sớm nhất tại Việt Nam, đồng thời được phát triển, có Tăng Ni thực tu thực học, có tài đức hoằng truyền phổ cập sâu rộng trong quãng đại quần chúng Việt Nam

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Phật Giáo Việt Nam - Phần 2”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com