Tịnh Độ Tông triều đại nhà Thanh: Tịnh Độ Tông từ thời nhà Tống, nhà Nguyên trở lại, các tôn như Thiền, Luật, Thiên Thai, Hoa Nghiêm, tôn nào cũng kiêm tu cả pháp môn niệm Phật, thực hành tư tưởng điều hoà dung hợp của Phật Giáo. Tổ thứ 11 của Liên Tông là Đại Sư Tỉnh Am Thực Hiền (1686-1734) trước tác tập “Tịnh Nghiệp Đường quy ước” để khuyến tưởng công phu niệm Phật. Từ cuối đời nhà Thanh cho tới thời Dân quốc thì có Đại Sư Ấn Quang (Ứng Quang) là một bậc cao học chân tu, hết lực truyền bá giáo lý Tịnh Độ Tông (Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc).

Tịnh Độ ảnh hưởng sâu rộng trong giới Cư Sĩ triều đại nhà Thanh:

Ngoài các nhân vật của Phật giáo trên, vào triều đại nhà Thanh không có một bậc vĩ nhân nào xuất hiện để lãnh đạo Giáo đoàn Phật giáo, đối với sự tân tiến của xã hội lại giữ tính cách bảo thủ, và kém phần nhuệ khí, nên sự hoạt động chấn hưng Phật giáo ở cuối đời nhà Thanh đều do trong giới Cư Sĩ Phật giáo đảm đương.

Như ở đầu đời nhà Thanh, trong giới Nho gia có Vương Phu Chi giỏi về môn học Pháp Tướng Tông, đời Vua Càn Long có Cư Sĩ Bành Triệu Thăng và bạn đồng tu học là Vương Đại Thân, Tiết Gia Tam, La Đài Sơn, rồi đến các nhân vật đại biểu cho giới Cư Sĩ Phật Giáo đương thời là Tập Tự Chân, Ngụỵ Nguyên, Dương Văn Hội, Đàm Tự Đồng, Chương Bính Lâm, Bành Hy Tốc, Chu Mộng Nhan, Trương Sư Thành… Tựu trung là Bành Triệu Thăng (1740-1796) là người có tên tuổi nhất, ông vừa nghiên cứu về học thuyết Vương Dương Minh, lại nghiên cứu cả Phật học và thọ trì Bồ Tát Giới. Bành Triệu thăng vừa tu tỉnh vừa tham cứu học Phật-học, vừa vận động dung hoà thống nhất Phật Giáo.

Cuối đời nhà Thanh, ngoài Cư Sĩ Bành Triệu Thăng và em ruột là Cư Sĩ Bành Hy Tốc, còn có Cư Sĩ Dương Văn Hội (1837-1911) vận động phục hưng Phật giáo ở sau thời kỳ phá hoại Phật giáo của Hồng Tú Toàn. Vào cuối đời nhà Thanh, Hồng Tú Toàn phản loạn,chống lại Vương triều nhà Thanh, nhóm phản loạn nầy gọi là “Giặc Tóc Dài” hay loạn “Thái Bình Thiên Quốc”. Nhóm giặc nầy hoạt động 13 năm; đến năm 1864 mới tan rã.

Lúc bấy giờ Dương Nhân Sơn Cư Sĩ, phải vận động xuất dương sang Nhật Bản để thu thập tư liệu kinh sách Phật đem về phục hồi lại việc phát hành kinh sách Phật, Phật Giáo dần dần được phục hưng trở lại (Lịch sử Phật giáo Trung Quốc – HT Thích Thanh Kiểm biên soạn).

Tĩnh Am Đại Sư:

Đại Sư là vị Tổ thứ 11 trong Liên Tông, họThời tự Tư Tề, người xứ Thường Thục. Ngài xuất gia thuở bảy tuổi, thọ đại giới lúc 24 tuổi. Đại Sư học thông suốt cả Thiền, Giáo, Tánh, Tướng đều thông suốt. Đại Sư từng ở Chùa Chân Tịch, duyệt Tạng Kinh, chuyên ròng niệm Phật; trải qua ba năm nguồn suối vô ngại biện tài, luận kinh pháp như thác đổ. Ngài lại đến Chùa DụcVương lễ Tháp Xá lợi Phật, cãm được từ lực Phật phóng quang; nhân đó biên soạn sám Niết Bàn và Văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm, người đọc phần nhiều đều rơi lệ. Lúc tuổi già, Đại Sư về ở Chùa Phạm Thiên tại Hàng Châu, kết bạn liên xã để sách tấn lẫn nhau chuyên tu tịnh nghiệp. Mùa đông năm Ung Chánh thứ11, Đại Sư dự biết ngày 14 tháng 04 năm sau mình sẽ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Đến lỳ hẹn bạn, Ngài nói: “mười hôm trước Ta đã thấy Phật, nay lại được thấy”. Nói xong, niệm Phật, rồi viên tịch.

Trong đời hành đạo, bản thân tinh tiến hành đạo kiết thất niệm Phật, đến khi viên tịch Đại Sư có lời dạy:

Hành trang để phát tâm tu niệm Phật:

Một chữ nguyện bao gồm cả tín và hạnh. Tín là tin; tự tha, nhân, quả, sự, lý không hư dối (Tín tự là tin tất cả do tâm tạo. Mình niệm Phật sẽ được tiếp dẫn. Tín tha: tin Phật Thích Ca không nói dối, Phật A Di Đà không nguyện suông. Tin nhân: khi niệm Phật là nhân vãng sanh, giải thoát. Tin quả: tin sự vãng sanh thành Phật là kết quả. Tin sự: tin cảnh giới Tây Phương, tất cả sự tướng đều có thật. Tin lý: tin lý tánh duy tâm, bao trùm Phật độ. Mỗi điều trên đây đều xác thật nên gọi là không hư dối).

Hạnh là chuyên trì danh hiệu không xen tạp, không tán loạn. Nguyện là mỗi tâm ưa thích, mỗi niệm mong cầu. Trong ba điều kiện nầy, người tu tịnh nghiệp (tu pháp niệm Phật) cần phải đủ, không thể thiếu một, mà nguyện là điểm cần yếu. Có thể có tin, hạnh mà không nguyện, chưa từng có nguyện, mà không tin, hạnh.

Điều kiện niệm Phật:

Niệm Phật mà không phát lòng Bồ Đề, thì không tương ứng với bổn nguyện của Đức Từ Bi Phụ A Di Đà Phật, tất khó được vãng sanh, thành tựu sở nguyện. Lòng Bồ Đề là tâm lợi mình, lợi người, trên cầu thành quả Phật, dưới nguyện độ chúng sanh “thượng cầu hạ hoá”, tế khổ quần mê. Tuy phát lòng Bồ Đề mà không chuyên trì niệm Phật, không thành nhất phiến, thì không được vãng sanh. Nên các liên hữu cần phải lấy sự phát lòng Bồ Đề làm chánh nhân, niệm danh hiệu Phật làm trợ duyên, rồi sau mới cầu sanh Tịnh Độ. Người tu tịnh nghiệp (tu pháp niệm Phật) cần phải hiểu biết điều nầy thật sâu rộng, cần thiết phải vừa tu niệm vừa nghiên cứu nghiêm tầm giáo lý pháp môn tu càng thêm hiệu quả.

Trong đời mạt pháp, người phát tâm tu niệm Phật, vẫn có nghiệp trần dấy động, ma sự nhiễu dương, nguyên do bởi ba nguyên nhân: không rõ giáo lý, ít học kinh điển, nhất là pháp môn tu; không nhất tâm tìm cầu, phát tâm tu cho lấy lệ, để được ca tụng tán thán là Đại Sư Tịnh Độ, chỉ nghiên cứu xem chừng năm ba câu pháp, vội cho là người tu của pháp môn niệm Phật, do ngã mạn, nên không gặp thầy lành bạn sáng; thiếu tự tin, xem lại những hành động không tốt của mình, hay thích nói lỗi người, khoe khoang điều tốt của mình, hay chê Tông phái nầy khen Tông phái nọ, rốt cuộc mình không tu được ở đâu, ai nói hay cũng được, nói quấy cũng xong; họ có tu hành gì đâu mà nói hay nói quấy, biết gì mà nhận định, cuộc đời tu của họ không lúc nào tự soi xét lại chính mình, xem mình đã làm được gì, tu được gì, làm được gì cho Thầy Tổ, cho pháp môn, cho Phật pháp?

Với ba điều trên, sự tự xét chỗ sai lầm của chính mình là điều mà người liên hữu Tịnh Độ rất cần thiết trong lúc thực tập, hành pháp. Đại để muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, không phải dùng chút phước lành, chút công đức lơ là là được; muốn thoát sự khổ sống chếtn luân hồi trong muôn vạn kiếp, không phải dùng tâm dần dà, hẹn hò, hứ khả, rồi lo rong chơi du hý, không lo tự cảnh tỉnh, trở về với cuộc sống hiện thực để có cơ hội tìm cầu giải thoát, vãng sanh Tây phương theo sở nguyện ban đầu! Họ đâu rõ chiếc bóng vô thường cô liu lặng lẽ, mới sớm mai thấy đó, rồi hoàng hôn phủ mất đó, đâu nên không siêng năng lo dự phòng giữ tịnh tâm gìn chánh niệm trước ư? Còn e sức chí nguyện không thắng nổi sức tình ái trong tam giới buộc ràng. Lúc bấy giờ tâm niệm Phật không hơn nổi tâm dục trần, như những kẻ niệm Phật, tu nhơn hạnh kém, lơ là biếng trể, nữa tin nữa nghi ngờ pháp Phật, thì ta cũng đành không biết làm sao vậy.

Đại Sư có bài kệ khuyến tấn:

                                     Nam Mô A Di Đà,

                                     Người nào không biết niệm?

                                     Tuy niệm, chẳng tương ưng

                                     Mẹ con khó hội kiến

                                     Khi đi đứng ngồi nằm

                                     Đem tâm nầy thúc liễm

                                     Mỗi niệm nối tiếp nhau

                                     Niệm lâu thành nhứt phiến

                                     Như thế, niệm Di Đà

                                     Di Đà tự nhiên hiện

                                     Quyết định sanh Tây phương

                                     Trọn đời không thối chuyển

          Niệm Phật cần phải có niềm tin sâu nguyện thiết, như Đại Sư Tĩnh Am từng khuyến tấn: đi đứng nằm ngồi luôn gìn chánh niệm, hoặc kiết thất thực tập thúc liễm thân tâm, hoặc kinh hành vào đại định, lực Phật gia trì thành nhứt phiến, như kim cang bền chắc, một đời không thối chuyển, niềm tin yêu pháp môn, lục độ vạn hạnh ảnh hiện, lợi ích khắp mười phương, chúng sanh nương nhờ oai đức, làm bạn thánh hiền, dự hội hải chúng liên trì nơi thế giới Tây phương mầu nhiệm.

 HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Tịnh Độ Tông Triều Đại Nhà Thanh”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com