Hình thể đất nước Việt Nam là một đất nước dịu dàng dễ thương, một đất nước có cuộc sống luôn chứa chan tình người. Mặc dù cuộc sống người dân Việt luôn luôn và lúc nào cũng có pha trộn ngoại lai; song người dân Việt luôn có tính cách đặc biệt một truyền thống bảo vệ giống nòi, yêu thương đồng loại, gan dạ, anh hùng nhưng cũng lắm thuần hòa và mến khách.

Nhạy cảm tiếp thu các học thuyết, các nền văn minh của thế giới có chọn lọc, những nền văn minh phù hợp tư tưởng Việt tính, bổ ích tinh thần và bổ sung trí tuệ, phù hợp với môi trường của giống nòi Việt Nam, tính hội nhập có cân nhắc, không làm mất mát những tính ưu việt lương tâm người Việt, cũng chính là tính nhân bản của dân tộc Việt.

Một trong những sự tiếp thu đó, với làn sóng di dân các bộ tộc từ những quốc gia láng giềng, hoặc những quốc gia xa xôi tận vùng Tiểu Á-Tế Á, Trung Cận Đông, Bắc Á, Nam Á… tràn lan đến bán đảo Hoa-Ấn (Indochina).

Đầu tiên là nền văn minh Ấn Độ, một tư tưởng đạo đức minh triết, sưởi ấm loài người, mang lại nếp sống an cư lạc nghiệp và bình đẳng giữa con người và con người, giữa con người và chúng sanh vạn loại. Tư tưởng canh tân đó chính là đạo Phật, do Đức Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni khai sáng và hoằng truyền.

Đức Thích Ca Mâu Ni là vị Hoàng Thái Tử, con Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia, được sinh vào khoảng năm 478 trước Tây Lịch. Khi lớn lên năm 29 tuổi (theo thuyết Nam truyền) xuất gia, tự tìm ra chân lý thoát khổ cho chính mình cho đồng loại và cho mọi loài.

Đến năm 35 tuổi (theo thuyết Nam truyền), Ngài tìm ra tiếng nói từ Chư Phật quá khứ và quyết định giáo hóa chúng sanh, cứu họ ra khỏi khổ đau phiền toái của cuộc đời, nâng đỡ họ có cuộc sống bằng tinh thần và hạnh phúc, chấm dứt sanh tử luân hồi trong tam giới.

Đức Phật Thích Ca hoằng Đạo suốt 45 năm (theo thuyết Nam truyền) không mòn mõi, đưa các bộ tộc thời bấy giờ tiến đến một cuộc sống trong một nền văn minh có một không hai trên hành tinh.

Đức Phật nhập Niết Bàn năm 80 tuổi, khoảng năm 398 trước Tây Lịch.

Sau khi Phật nhập diệt, giáo pháp của Ngài trải qua bao thăng trầm để đến với nhân loại và trở thành ánh hào quang soi sáng khắp năm châu. Đến thế kỷ thứ 11 quân Hồi Giáo xâm nhập Ấn Độ, đốt phá kinh sách, giết Chư Tăng, đốt Tăng Xá, làm phân rẽ Tăng Đoàn, chư Trưởng Lão đành phải mở một cuộc hành trình thiên niên kỷ đến các nơi về miền Đông Bắc Á, Nam Á và Đông Nam Á.

Đối với đạo Phật Việt Nam, theo tư liệu và lập luận của các học giả Đông Tây, thì Đạo Phật du nhập Việt Nam rất sớm, khoảng năm 240 trước Tây Lịch (sách Phật giáo Việt Nam và lịch sử văn minh nhân loại), có thuyết cho là cuối thế kỷ thứ II, tây lịch (Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của TT Mật Thể). Bởi con đường qua các Sa Mạc và Thảo Nguyên, con đường gia vị và con đường tơ lụa.

1. Phật Giáo truyền vào Việt Nam, theo đường hồ tiêu (đường biển) :

Sau khi Phật nhập diệt 07 ngày, chư Trưởng Giả trong giáo đoàn, đứng đầu là Ngài Ca Diếp, triệu tập đại chúng kết tập kinh điển Thinh Văn Tạng tại hang Thất La Phiệt (trong hang), thuộc thành Vương Xá. Số còn lại là chư vị Bồ Tát nội hộ và ngoại hộ (Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc) triệu tập đại chúng kết tập kinh điển tại núi Thiết Vi, tức ngoài hang Thất La Phiệt, nên gọi là Bồ Tát Tạng (Di Đà cớ sao, HT Thích Hành Trụ biên dịch, trang 8). Một trăm năm sau chư Trưởng Lão kết tập tại thành Tỳ Xá Ly. Vào khoảng sau Phật nhập diệt 200 trăm năm, phật giáo được truyền đi khắp đất nước Ấn Độ đến vùng Nam Ấn, Sri Lanka, Indonesia, Việt Nam. Lúc bấy giờ các nhà thương buôn giao lưu buôn bán (hồ tiêu) từ Ấn Độ đến các nước Đông Nam Á, do phải băng qua Ấn Độ Dương, sợ sóng to gió lớn, nên có cầu chư Trưởng Lão Tăng đi theo thuyền mua bán để cầu nguyện vượt trùng dương an toàn; nhờ nhân duyên này quý ngài đem đạo của Đức Phật truyền đến các nước, trong đó có xứ Giao Châu và kinh đô là Luy Lâu của Việt Nam.

Năm 240 trước Tây lịch, Trưởng Lão Mahoda, con Hoàng Đế Asoka đem Đạo Phật vào Việt Nam. Theo sách “Lĩnh Nam Chính Quái” một sự kiện chứng tỏ Đạo Phật có mặt vào thời Vua Hùng Vương thứ 3, câu chuyện công chúa Tiên Dung con gái Vua Hùng thứ 3 lấy Đồng Tử. Chữ Đồng Tử và Tiên Dung lập phố xá buôn bán giao thiệp với người nước ngoài. Một hôm Đồng Tử theo một khách buôn ngoại quốc đến núi Quỳnh Viên và tại đây Đồng Tử gặp một nhà sư Ấn Độ truyền đạo Phật. Nhờ đó Đồng Tử và Tiên Dung biết đến Đạo Phật. Chúng ta có thể nhận định Phật Giáo do các Trưởng Lão Tăng Ấn Độ truyền vào Việt Nam khá sớm.

Theo tư liệu Phật Giáo Việt Nam và Thế Giới của Thiền Sư Định Lực và Cư Sĩ Nhất Tâm, bài viết của nhà nghiên cứu sử học Việt Nam thì: “vùng Đồ Sơn hiện nay chính là thành Nê Lê thuở xưa, nơi có Bảo Tháp của Hoàng đế Asoka. Như vậy, theo nhận định thì Đạo Phật truyền vào Việt Nam vào khoảng trước thế kỷ thứ 3. Sách Phật “Thuyền Uyển Tập Anh” cũng ghi lại cuộc thảo luận của Thiền Sư Thông Biện và Bà Thái Hậu Ỷ Lan, khi Bà hỏi về nguồn gốc của Đạo Phật nước Đại Việt vào dịp các Cao Tăng Việt Nam hội họp tại Chùa Khai Quốc (nay là Chùa Trấn Quốc-Hà Nội) vào ngày rằm tháng 2, năm 1096. Thiền Sư Thông Biện dẫn chứng lời của Pháp Sư Đàm Thiên (542-607): “một phường Giao Châu, đường vào Thiên Trúc, Phật Pháp lúc mới tới thì Giang Đông Trung Quốc chưa có, mà Tuy Lâu (kinh đô của Việt Nam) lại dựng Chùa hơn 20 ngôi, độ tăng hơn 40 người, dịch kinh được 15 quyển, vì Đạo Phật sớm vàoViệt Nam trước vậy. Vào lúc ấy thì đã có Khưu Đà La, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác…”.

Theo Pháp Sư Đàm Thiên, Phật Giáo du học vào Việt Nam trước khi du nhập đất nước Trung Hoa. Với lập trên thì Phật Giáo có mặt tại Việt Nam vào thế kỷ thứ 3 trước tây lịch.

Tuy nhiên, theo sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang cũng nhận định Phật Giáo du nhập Việt Nam trước khi vào Trung Hoa, nhưng các ngài Khưu Đà La, Ma Ha Kỳ Vực, Khương tăng Hội, Mâu Bác được ghi lại là có mặt sớm nhất ở Giao Châu vào Khoảng thế kỷ thứ 2, thứ 3 sau Tây lịch.

Qua hai nhận định trên, chúng ta có thể hiểu, dù các Ngài truyền Đạo Phật vào Việt Nam trứơc hay sau, sớm hay muộn cũng đều là sớm nhất, sớm hơn Trung Hoa, vì lúc bấy giờ đất nước Trung Hoa còn bị chia cắt nhiều tiểu quốc, nhiều Vua Chúa, mỗi vị Vua chỉ lo bảo vệ Vương Quyền, hùng cứ một phương, trong đó chỉ có Ngô Tôn Quyền Vua nước Ngô (thời Tam Quốc) sang Việt Nam cầu học Đạo và có thỉnh Thiền Sư Khang Tăng Hội, người tu đắc đạo tại Giao Châu sang nước Ngô thuyết giảng kinh truyền Đạo cho Ngô Tôn Quyền (trích dẫn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang và Lược Khảo Phật Giáo Việt Nam của Vân Thanh).

Đất nước Trung Hoa chưa có, làm gì có Phật Giáo truyền vào Trung Hoa? Có chăng Phật Giáo có thể truyền vào những lân quốc, tiểu vương quốc biên thùy Ấn Độ?...

Do vậy các Thiền Sư Khưu Đà La, Ma Ha Tỳ Vực, Khương Tăng Hội… có thể truyền đạo sau một số Trưởng Lão khác, nhưng vì niên đại trước công nguyên, đất nước Việt Nam chưa xác định được vị trí chủ quyền nên không được các nhà làm sử kế tục ghi lại rõ ràng. Vả lại, thời nguyên sơ của tổ quốc Việt Nam, cuộc sống của người dân còn theo thể thức du canh, du cư, cuộc sống trăm bề khó khổ, rất ít người chú trọng đến đạo đức, nhất là Phật Giáo, một trong số ít người đó là thương buôn, các nhà xuất nhập cảng, trao đổi hàng hóa giữa Giao Châu và Thiên Trúc (Ấn Độ), thường hay thỉnh cầu chư Trưởng Lão tụng kinh cầu nguyện thần Phật gia hộ cho họ làm ăn khá giả, nên họ bái lạy xây Tháp tôn thờ?...

Phật Giáo du nhập Việt Nam bằng đường biển, tức là đường buôn bán hồ tiêu, cũng gọi là đường gia vị, nói lên tính tự chủ của Phật Giáo Việt Nam, cũng là tính độc lập chủ quyền khai sinh nền văn hóa Việt Nam buổi hoang sơ.

2. Phật Giáo du nhập qua đường Đồng Cỏ:

Đường Đồng Cỏ, tức là đường bộ, còn gọi là đường tơ lụa, nối liền Đông Tây, xuất phát từ vùng Đông Bắc Ấn, Assam thuộc Trung Á, một nhánh của con đường tơ lụa từ Châu Âu qua các vùng thảo nguyên và vùng sa mạc ở Trung Á tới Lạc Dương, Thiểm Tây, Cam Túc, Tây An của Trung Quốc (con đường tơ lụa của tác giả Xa Mộ Kỳ, do Nguyên Phổ dịch thuật).nhiều đoàn người sống du canh du cư, trao đổi buôn bán tơ lụa và những mặt hàng đặc sản của từng quốc gia mà đoàn thương buôn đi qua, họ đi suốt khoảng đường từ Đông sang Tây, không ngại những hiểm nguy của núi rừng, hổ dữ hay những sự mênh mông của sa mạc một dấu hiệu không bao giờ có nước uống, thức ăn khi đói khát, họ tải hàng bằng phương tiện lạc đà, và là phương tiện duy nhất để băng đồng.

Các thương nhân và Tăng sĩ Thiên Trúc hòa nhập thành những đoàn người đi lại qua vùng Tây Tạng, nguồn thượng lưu sông Mêkông, sông Hồng, sông Đà mà vào Việt Nam. Quyển “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam” (xuất bản tại Hà Nội năm 1988) có nói: “các thương nhân xuất phát từ miền Trung Ấn, có thể dùng tuyến đường bộ đi qua đèo Bà Chùa, theo dòng sông Kanburi, mà xuống châu thổ Ménam; bằng tuyến đường hiện nay vẫn nối liền cảng Moulmein với thành phố Kaheng, nằm trên một nhánh của sông Ménam. Chính tuyến đường này dẫn tới vùng Bassak thuộc trung lưu sông Mêkông địa bàn vương quốc Kambijan. Vương quốc này có thể do những di dân Ấn Độ thành lập trước tây lịch, các Tăng sĩ Trưởng Lão Ấn Độ vào đầu công nguyên đã theo con đường nầy mà đến đất Laos, rồi vượt Trường Sơn sang Thanh Hóa, Nghệ An… các Ngài đã mang đến những đóa sen hồng Phật Pháp tươi thắm và gieo những giống sen vi diệu mầu nhiệm nầy trên đất nước Việt Nam từ buổi sơ khai.

Những sự kiện Phật giáo du nhập bằng con đường Gia Vị và đường Đồng Cỏ vào Việt Nam có liên quan đến sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc, tuy chưa có nhiều sử sách minh chứng cụ thể. Nhưng có những chứng tích mà lịch sử còn để lại, dù truyền miệng hay thành văn theo lịch sử Phật giáo Việt Nam thì vào thế kỷ thứ II trước Tây lịch, vua Ấn Độ Asoka sau khi hộ trì cuộc đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba tạo Hoa Thị thành (Pataliputra), nhà Vua và Trưởng Lão Tissa Magaliputta đã phái nhiều sứ giả lên đường truyền bá chánh pháp tại các nước thuộc vùng Viễn Đông (bán đảo Đông Dương – Indochina và kể cả Thái Lan). Trong đó có đoàn của hai vị cao tăng là Uttara và Sona được phái đến Suvana – Bhimi, xứ Kim Địa, theo sách Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới thì xứ Kim Địa tức bán đảo Đông Dương từ Myanmar kéo dài đến Việt Nam. Quyển Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam viết: “hai vị Cao Tăng Uttara và Sona đã đến Myanmar truyền giáo, nhưng sử liệu Phật Giáo Thái Lan cũng có ghi là hai Cao Tăng Uttara và Sona có đến Thái Lan truyền giáo. Có học giả dựa vào tài liệu Phật Giáo Trung Hoa nói rằng ở Giao Châu (Việt Nam) tại thành Nê Lê có Pháp Bảo của Vua Asoka và các học giả xác định thành Nê Lê chính là Đồ Sơn, hiện nay cách thành phố Hải phòng 12 km.

Qua các trích đoạn dẫn chứng của các sử liệu Phật giáo trên, người Phật tử Việt Nam nhận thấy Đạo của Đức Phật lưu truyền đến đâu nhân dân nơi đó đều được an cư lạc nghiệp và còn góp kiến tạo phát huy một nền văn hóa đặc sắc của tổ quốc và dân tộc đó. Vì Phật giáo truyền bá giáo lý thông qua con đường kinh tế, con đường hòa bình và sự giao thoa văn hóa rất có nề nếp theo bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc tại các quốc gia có mặt Phật giáo.

Chẳng những Phật giáo truyền đạo bằng con đường hòa bình, mà còn góp phần kiến quốc, chống ngoại xâm giữ gìn bờ cõi, xây dựng và bảo vệ tổ quốc tại các quốc gia mà chư Trưởng Lão đặt chân truyền bá tư tưởng Phật Giáo. Xa hơn nữa Phật giáo còn làm rạng rỡ cho quốc gia đó tại các nước lân bang. Cụ thể như Phật giáo Việt Nam, theo “Việt Nam Phật Giáo sử luận” của nguyễn Lang (chương III, trang 74), vào cuối thế kỷ thứ II, tây lịch, chúng ta có thể tin tưởng rằng, tuy Phật giáo Việt Nam còn phôi thai tại quê hương Trung Tâm Phật Giáo Tuy Lâu, nhưng đã có quy cũ Tăng đoàn, tổ chức truyền giới theo phép “thập nhân thọ”, truyền giới cho Ngài Khương Tăng Hội và sau khi đắc đạo với Chư Tôn Đức Tăng Già Bắc Việt, Ngài được Vua Ngô Tôn Quyền thỉnh cầu sang truyền đạo tại kinh đô Lạc Dương thuộc nước Ngô. Cho thấy buổi sơ khai Phật giáo tại Tuy Lâu có một tổ chức quy cũ nề nếp vững vàng theo tiến trình thời điểm và làm nền tảng cho hậu tấn ở tương lai.

Chúng ta có thể thấy các bậc đại đạo sư ở thời buổi sơ nguyên của Phật giáo không những là những bậc tri thiện thức trác việt, mà còn có ý thức hệ về sự truyền thừa, sự hội nhập của con người Phật giáo; các Ngài là những đóa hoa sen vi diệu pháp nở rộ trong đầm sen liên trì nơi Tịnh Độ chốn trời Tây, làm tiền đề cho người con Phật rộng đường truyền đạo theo nhiều xu thế thời đại.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Phật Giáo Việt Nam ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com