Đại sư là vị Tổ thứ chín trong Liên Tông, họ Chung, hiệu Trí Húc, quê ở đất Ngô Huyện. Người cha trì chú Đại Bi mười năm, mộng thấy Đức Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát bồng con trao cho mà sanh ra Ngài. Lớn lên ban sơ Ngài theo Nho Giáo, viết sách bày bác Đạo Phật, đến khi đọc qua bộ “Trúc Song Tuỳ Bút Lục” liền đốt bản thảo sách mình đã viết. Năm 24 tuổi, Ngài thú hướng làm người xuất gia, tu tập tham thiền, nhân bị bệnh hặng gần chết, mới chuyển ý phát tâm tu tịnh nghiệp niệm Phật, một lòng chuyên niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, bệnh được khỏi. Về sau Đại sư về núi ở ẩn nơi Chùa Linh Phong, trứ thuật rất nhiều sách Phật. Khi sắp viên tịch Ngài trối dạy đệ tử thiêu hoá sắc thân, lấy tro xương hoà với bột làm thành hoàn thí cho chim cá, đặng kết duyên Tây Phương Cực Lạc. Nói xong ngồi ngay ngắn, trang nghiêm mà viên tịch. Ba năm sau, hàng môn nhơn đệ tử mở Bảo Khám Thờ ra, thấy sắc diện Đại Sư như người sống, tóc mọc dài lấp cả tai, không nỡ theo lời di chúc, các môn đệ xây Tháp thờ nhục thân tại Linh Phong.

Đại sư dạy: Pháp môn niệm Phật không chỉ kỳ lạ, chỉ tín sâu nguyện thiết, gắng sức thực hành mà thôi. Điều cần yếu là tin cho thấu đáo, giữ chí cho bền lâu, một lòng chuyên niệm, mỗi ngày đêm hoặc mười muôn, hay năm muôn câu, lấy số quyết định không thiếu làm ước lệ. Hành trì như thế trọn một đời, thề không thay đổi, nếu không được vãng sanh, thì chư Phật ba đời thành ra nói dối. Khi được chứng vãng sanh, tất không thối chuyển, bao nhiêu pháp môn đều được thực hiện tiền. Rất kỵ tâm không thường hằng, nau vầy mai khác, thấy ai nói pháp chi huyền diệu liền xu hướng theo, thì không môn nào thành tựu. Đâu biết nếu phát tâm niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật niệm được thuần thục, thì ba tạng, mười hai loại kinh những giáo lý cực tắc đều ở trong đó; ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, ba tu tịnh giới cũng ở trong đó.

* Người chăm niệm Phật, buông bỏ cả thân tâm thế giới là đại bố thí; không còn khởi tâm tham giận mê là đại trì giới; không so đo phải quấy hơn thua là đại nhẫn nhục, không gián đoạn xen tạp là đại tinh tấn; không để vong tưởng buông lung là đại thiền định, không bị đường lối khác làm mê hoặc là đại trí tuệ. Thử tự nghiệm xét, nếu đối với thân tâm thế giới còn chưa buông bỏ, niệm tham giận mê vẫn còn hiện khởi, việc phải quấy hơn thua còn đeo nơi lòng, tâm vọng tưởng buông lung còn chưa trừ diệt, các đường lối khác còn làm mê hoặc ý chí, như thế không gọi là chơn niệm Phật.

* Muốn được cảnh giới “một lòng không loạn” cũng chẳng có phương chước chi lạ, lúc mới dụng công, cần phải lần chuỗi ghi số, mỗi ngày đêm định khoá là bao nhiêu câu đừng cho thiếu xót. Giữ đúng như thế, lâu ngày niệm lực sẽ thuần thục, thành ra cảnh “không niệm tự niệm”, chừng ấy ghi số hay không cũng được. Nếu lúc ban sơ muốn vội nói lời cao siêu, muốn không trước tướng, muốn học viên dung tự tại thì niệm lực khó thành. Như thế là tin không sâu, hành trì không hết sức, dù cho người có giảng được mười hai phần giáo, tỏ được một ngàn bảy trăm công án, đều là việc bên bờ sống chết luân hồi, khi lâm chung quyết định không dùng được.

* Niệm Phật có sự trì, lý trì. Sự trì là tin có Phật A Di Đà ở phương Tây, mà chưa hiểu lý tâm nầy của Phật, tâm nầy là Phật, chỉ quyết chí cầu sanh, niệm Phật như con nhớ mẹ, không lúc nào tạm quên. Lý trì là tin Phật A Di Đà ở Tây phương là tâm mình sẵn có đủ, là tâm mình tạora, đem hồng danh sẵn đủ, tạo ra của tâm mình mà làm cảnh buộc tâm, khiến cho không tạm quên niệm Phật. Sau đây là bài văn Phát nguyện của Đại Sư:

                                      Con nguyện lâm chung không chướng ngại

                                      A Di Đà Phật rước từ xa

                                      Quan Âm cam lồ rước nơi đầu

                                      Thế Chí kim đài cho đỡ gót

                                      Trong một sát xa lìa ngũ trược

                                      Khoảng co tay duỗi đến Liên Trì

                                      Khi hoa sen nở thấy Từ Tôn

                                      Nghe được pháp âm liền hiểu rõ

                                      Nghe rồi tỏ ngộ vô sanh nhẫn

                                      Không rời an dưỡng tại ta-bà

                                      Khéo dùng phương tiện độ chúng sanh

                                      Hay lấy trần lao làm Phật sự

                                      Con nguyện như thế Phật chứng tri

                                      Tất cả về sau được thành tựu

          Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Đại Nguyện Đại Lực tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

          Trên đây là bài văn phát nguyện của Đại Sư, xưa nay có nhiều linh nghiệm. Các liên hữu đang lúc phát nguyện thấy các điềm lành. Có người trong lúc quán tưởng suy niệm thấy Phật phóng quang. Chư liên hữu nên niệm tưởng ân đức Phật A Di Đà với một lòng thành kính, tức là tự thương mình chướng sâu không được thấy Phật, nay sanh lòng hổ thẹn, tự sám hối ăn năn thống trách mình chướng sâu tội nặng, si mê lầm lạc, nên một lòng chí thành niệm Phật, để mong được thấy Phật. Làm như thế tất lâu ngày tâm tánh thuần thục, lục căn được phục chế, ắt đặng thấy được Phật  phóng quang tiếp độ.

          Pháp môn niệm Phật trong tôngTịnh Độ là một pháp môn tối thắng và cực tắc; tối thắng vì lợi lạc ba căn thiện tri thức nghiệp dứt tình không, bậc trung căn tuy có nghiệp lực song do sự tỉnh thức mà giác ngộ quay đầu, bậc hạ căn suốt đời đắm chìm trong bể khổ sông mê, lấy ác làm sự nghiệp… nếu biết giác ngộ hồi đầu, đều có thể tiếp nhận học tập và thực hành niệm Phật mà không phải gặp những điều kiện khó khăn, cho đến khi công viên quả mãn đều được vãng sanh như ý nguyện. Trong tông phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng từ 75 năm qua nhiều người quy thú tu hành chuyên cần niệm Phật, khi lâm chung đều hiện điềm lành, được đại chúng, chư liên hữu trợ duyên, tự chứng vãng sanh, thân an lạc mà hoá.

          Pháp môn niệm Phật là một pháp môn không chỉ dành riêng cho giới thượng lưu tri thức, những bậc xuất gia cắt ái từ thân, vào tu trong non núi, chốn tòng tâm an lan nhã. Mà còn tiếp nhận một cách dễ dàng đối với những vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, các vị nếu quyết tâm đều có thể tu chứng quả không kém bậc xuất gia. Như trong đời nhà Minh, không chỉ riêng cómột số các bậc Đại Sư Vân Thê, Trí Húc… mà còn có các vị tiên sinh trí thức cư sĩ nguyện tu tịnh nghiệp, chứng đắc có điềm lành tại tiền, trí tuệ rất siêu xuất hơn người, như Cư Sĩ Viên Hoành Đạo, Viên Trung Đạo… chẳng hạn, là một số nhà trí thức ở thế gian, nghiên cứu kinh Phật lão thông, các vị sớm quy y Tam Bảo, một lòng tin tưởng pháp môn niệm Phật, tu cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

          Nhân nói về Tịnh Độ Tông thời nhà Minh, trong đó có nhắc đến Cư Sĩ Viên Hoành Đạo là người Cư Sĩ có công tu hành niệm Phật, xương minh Tịnh Độ, xiển dương chánh pháp qua cửa ngỏ pháp môn niệm Phật, Cư Sĩ còn biên soạn bộ sách Tịnh Độ có giá trị lưu truyền trong đời. Trung Phước tôi xin được trích một vài ý tưởng của Cư Sĩ bàn về thế giới Tây phương là gia hương của chư liên hữu. Một cõi nước mà thân khắp cả chỗ, chỗ nào cũng có Phật pháp, lại còn có vô biên cõi nước, có Đức Phật A Di Đà phóng quang tiếp độ.

          * Pháp thân Phật bình đẳng y báo, chánh báo đan xen lẫn nhau. Mười phương cõi Phật nhơ sạch, không có sai biệt. Chỉ vì hạnh nghiệp của chúng sanh bất đồng, nên các Đức Phật hoá hiện có khác nhau, hoặc nói quyền thừa, hoặc nói pháp tạng, hoặc nói pháp thông, hoặc nói pháp viên đốn, hoặc giảng nói tiệm tiến, hoặc nói pháp bí mật, bất định giáo, vũ hành nhiều phương tiện độ sanh.

          Bức thông điệp của Phật trôi theo dòng chảy thời gian, dù trải qua trên 2000 năm, nhưng chân lý tuyệt vời của Ngài thì chỉ có một, mà giáo tướng của có đến tám muôn bốn ngàn pháp môn. Công cuộc hoằng đạo của Đức Phật, rất khéo vận dụng dòng pháp đúng người, đúng thời điểm, hợp phương hướng xứ sở từng cá nhân, từng cộng đồng, nhất là những cộng đồng ngoại đạo ngự trị thời gian dài trên đất Ấn xa xưa, nên giáo pháp của Ngài đi đến đâu, mọi người dễ tiếp nhận, và thuận lợi trong thực hành. Cuộc hoằng truyền ấy, đã thấm nhuần con người trên đất Ấn mênh mông, trải qua những sa mạc hoang sơ Bamiyan. Đến sau khi Ngài tịch diệt, thì chư Tổ Sư rất thuận lợi hoằng truyền đến tận vùng cao nguyên Tây Tạng, đài nguyên Thanh Hải vượt núi non trùng điệp đến các quốc gia bên bờ biển Đông, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, hay ở thế giới Phương Tây.

          Điều nầy cũng dễ hiểu khi Phật Pháp đến với con người, không chỉ kiến tạo con người từ Vua Chúa đến hàng thứ dân trở thành người xuất gia đến hàng Sa Môn như Phật, mà còn được người thế gian từng mỗi thế hệ đón chào, tiếp nhận những tư tưởng từ bi trí tuệ, những trào lưu học đạo giải thoát gần như muốn biến các quốc gia có tín ngưỡng trở thành quốc giáo của quốc gia đó; huống chi là con người.

          Trên đất nước Trung Hoa hay Việt Nam; từ Hàn Quốc đến Nhật Bản có biết bao nhiêu người phát tín tâm nhiếp nhận tư tường hiếu hoà của đạo Phật; họ trở thành những Cư Sĩ cân tu thạc đức như Sa Môn, họ thật học không kém người xuất gia, họ tu phạm hạnh, gần như có một đôi khi người xuất gia cũng không sánh bằng.

          Từ những sự hội nhập như thật của Đức Phật Thích Ca, cũng như đệ tử của Ngài từ suốt trên hai ngàn năm qua, đã mang Phật pháp cống hiến cho con người những tinh hoa giáo lý qua cửa ngõ pháp môn niệm Phật, để lại biết bao giáo môn kinh luận, thi kệ, sách sử nói về Tịnh Độ đã từng làm hài lòng các học giả, nhà nghiên cứu khó tính, những người đã giác ngộ hoặc chưa giác ngộ, những người còn trầm nịch trong thế giới phàm phu. Trung Phước tôi xin giới thiệu một số tinh hoa những kinh, sách, những bài luận, yếu chỉ, bài thuyết giảng nói về thế giới Tây Phương Cực Lạc, pháp môn niệm Phật Tịnh Độ Tông thật vi diệu để làm tiền đề và phá nghi trong tu học và tiện việc nghiên cứu xiển dương.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Tịnh Độ Tông Triều Đại Nhà Minh - Đại Sư Trí Húc Linh Phong”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com