Thuyết Tịnh Độ thường thấy ngươi thực hành trong mỗi ngày, mà bao nhiêu công niệm Phật bèn thấy kết quả nơi đời sau, lúc vãng sanh về Tịnh Độ. Người không biết tưởng niệm Phật là việc của đời sau, nào ngờ đâu công đức niệm Phật lại rất có lợi ích ngay trong đời nầy nữa vậy. Vì sao? Phật sở dĩ tha thiết dạy người làm lành, cũng như nhà Nho dạy người lánh dữ, nào có khác chi? Khác là khác có danh từ Phật với Nho vậy thôi. Thế cho nên người niệm Phật tu Tịnh Độ thường thấy trong mỗi ngày, ý tưởng Phật, miệng niệm Phật, thân làm việc Phật, thì đâu không phải là ba nghiệp thanh tịnh? Ba nghiệp thành tịnh là việc lành, làm lành thời là quân tử, là trang đại hiền, đương đời ai cũng quý mến phục luỵ. Thánh thần phò hộ phước lộc được tăng trưởng, sống lâu vô cùng tận. Do đây mà nói, thời để tâm nghe theo lời Phật dạy, thực hành theo pháp môn niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ, thì ai dám bảo rằng không lợi ích ngay trong đời nầy ư? (Long Thơ Tịnh Độ trang 25, bản dịch HT Hành Trụ).

Trong lúc biên soạn quyển sách Hoa Sen Vi Diệu Pháp nầy, tôi thường nghe bên tai, một Thiền Sư hiện đại rất già dặn, trong thuyết giảng sử dụng ngôn từ văn hoa lưu loát nhằm thu hút cho đệ tử thính pháp càng nhiều càng đông cho hơn các Chùa khác, không hiểu Ngài tu thiền có nghiệp dứt tình không chưa mà lại đi chê “pháp môn Tịnh Độ là thấp, tu không thành Phật, vì còn tu tướng”… Lại chê pháp môn Tịnh Độ của Phật, của Tổ Sư, chê bai Tịnh Độ Tông Việt Nam, các liên hữu Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Nên nay, nhân nói về pháp môn niệm Phật niệm danh hiệu A Di Đà Phật ở thời điểm cực thịnh, người trí thức, kẻ hàn nhân người người tu niệm Phật, mọi người tu niệm Phật, trai gái trẻ già đồng tu niệm Phật, chư Thiền Sư chuyển pháp tu niệm Phật, người Trung Hoa niệm Phật, người Triều Tiên niệm Phật, người Nhật Bản niệm Phật, người của tây bán cầu niệm Phật, soạn giả xin phép trích một đoạn sách Tịnh Độ “Vạn Thiện Đồng Quy Tập” của Ngài Vĩnh Minh: “Luận Trí Độ nói: ví như trẻ thơ nếu không gần cha mẹ thì sẽ sa hầm, sụp hố, bị những tai nạn nước lửa, thiếu sữa mà chết. Thế nên, cần phải thường gần gũi cha mẹ, được nuôi dưỡng khôn lớn mới có thể thừa kế gia nghiệp.

Bồ Tát mới phát tâm phần nhiều nguyện vãng sanh Tịnh Độ, thân cận chư Phật, tăng trưởng Pháp thân, vậy mới có thể thừa kế gia nghiệp của Phật, cứu tế chúng sanh trong mười phương. Có sự lợi ích như thế nên chư Bồ Tát phần nhiều nguyện vãng sanh”.

Hơn nữa xét trong các kinh, vãng sanh về cõi an dưỡng thì duyên lành mạnh mẽ, hoàn cảnh thù thắng, phước đức đầy đủ, tuổi thọ lâu dài, liên hoa hoá sanh. Được Phật đón rước liền lên bậc Bồ Tát. Nhanh chóng sanh vào nhà Như Lai, ở mãi nơi bậc bất thối chuyển, đều được thọ ký đạo Bồ Đề, thân đầy đủ tướng hảo ánh sáng, dạo nơi cây báu đài hương, cúng dường mười phương chư Phật, tinh thần an trụ nơi chánh định thanh nhàn, bên tai thường nghe pháp đại thừa, sánh vai cùng hàng nhất sanh bổ xứ, niệm niệm rỗng lặng, tâm tâm tịch tĩnh, ngọn lửa phiền não tắt ngúm, dòng suối ái dục cạn khô, tên gọi đường ác không còn, lẽ nào lại có sự luân hồi sanh tử ?

An Quốc Sớ nói, gọi là Cực Lạc bởi vì có hai mươi bốn điều vui:

1. Lan can bao quanh

2. Lưới báu giăng trên hư không

3. Bóng mát che đường đi

4. Ao tắm bằng bảy báu

5. Nước tắm công đức lắng trong

6. Thấy tận cát vàng

7. Bậc thềm lấp lánh ánh sáng

8. Lâu đài ở giữa hư không

9. Bốn loại hoa sen toả hương ngào ngạt

10. Đất bằng vàng ròng

11. Thường tấu diễn tám âm thanh

12. Mưa hoa ngày đêm

13. Sáng sớm đã được nhắc nhở tu hành

14. Nhặt những hoa đẹp

15. Cúng dường chư Phật các phương

16. Đi kinh hành nơi cõi nước mình

17. Các loài chim cùng hót vang hoà điệu

18. Nghe pháp sáu thời

19. Thường nghĩ nhớ Tam Bảo

20. Không có ba đường ác

21. Có Phật biến hoá

22. Cây lay động dưới lau

23. Ngàn cõi nước đồng thinh khen ngợi

24. Hàng Thanh văn phát tâm đại thừa.

Lại nữa, sách Tịnh Độ Quần Nghi Luận nói, Tây phương Tịnh Độ có 30 điều lợi ích:

1. Thọ dũng cõi Phật thanh tịnh

2. Được niềm vui Phật pháp rộng lớn

3. Tuổi thọ gần bằng Phật

4. Dạo khắp mười phương cúng dường chư phật

5. Được chư Phật thọ ký

6. Tư Lương phước huệ chóng được viên mãn

7. Mau chứng đắc đạo giác ngộ ngân chánh vô thượng

8. Cùng chúng Bồ Tát dự chung pháp hội

9. Thường không thối chuyển

10. Vô lượng hạnh nguyện tăng tiến trong mỗi niệm

11. Chim anh vũ, xá lợi tuyên dương pháp âm

12. Gió mát lay động cành cây như diễn tấu các loại âm nhạc

13. Dóng nước có ngọc ma ni lượn vòng, diễn thuyết các giáo nghĩa khổ không

14. Các loại nhạc khí tấu vang âm thanh vi diệu

15. Bốn mươi tám nguyện của Phật, dứt hẳn ba đường ác

16. Đạt được thân sắc vàng

17. Hình tướng tốt đẹp

18. Đầy đủ năm thứ thần thông

19. Thường trụ nơi chánh định tụ

20. Không có các điều bất thiện

21. Mạng sống lâu dài

22. Y phục và thức ăn tự nhiên hoá hiện

23. Chỉ hưởng thụ những điều vui

24. Đầy đủ ba mươi hai tướng tốt

25. Không có người nữ thật

26. Không có hạng tiểu thừa

27. Xa lìa tám nạn

28. Đạt được ba pháp nhẫn

29. Thân tướng thường có ánh sáng

30. Được thân Na La Diên bền chắc.

(Vạn Thiền Đồng Quy Tập, bản dịch Thích Minh Thành, trang 107-111)

Qua những lời phán dẫn chứng về thế giới tây phương Tịnh Độ trên, chúng ta thấy rằng, nơi có Đức Phật kiến tạo nên một cuộc sống an bình cho con người và chúng sanh, một người phát tín tâm niệm Phật thì sẽ được an lạc, sống vui sống khoẻ trong môi trường tinh khiết, không “có ngựa xe như nước, áo quần loè loẹt như nêm”; gió bụi, khói công nghiệp của nền văn minh bằng khoa học thật mịt mờ làm đen tối cả bầu trời, ô nhiểm sinh thái đời sống con người.

Cũng không có những tình cảm riêng tư, cục bộ, không đấu tranh lẫn nhau, vì tất cả chỉ là một, một tâm thanh tịnh niệm Phật, cùng chung ý tưởng chơn như Phật, không tranh chấp đồ đệ, môn phong, hệ phái; hằng ngày chỉ có những người tu toàn đạo hạnh liêm khiết, sống đạo không vướng chút bụi nhơ, không lắm những điều tình ái, cờ bạc rượu chè, khoe khoang, chê bai giỏi dở, tâm ai nấy giữ thân ai nấy trao dồi, không xem người kia làm việc gì, mà chỉ trông vào mình đã làm được gì, tu được bao nhiêu, đắc đạo đến đâu? – Người có muốn chê bai ai, cũng không chê được, vì miệng thì hôi nhơ, nhưng tâm họ đã thanh tịnh! Nên lời chê bai thị phi trở thành những bài pháp lành, cuộc đấu tranh chống chọi người khác trở thành những cuộc đấu tranh chống lại những tham sân si của chính mình… Ngài Lục Tổ Huệ Năng dạy phải tự trở về xem lại những hành vi cử chỉ chơn tâm của chính mình, chính là “bản lai chân diện mục”.

Người sống ở thế giới Tây phương Cực Lạc, Niết Bàn, giải thoát của Đạo Phật là như thế!

Với thâm ý của Đức Lục Tổ Huệ Năng ở thời xa xưa, người tu đã là nghiệp dứt tình không, nhứt thời tỏ ngộ bỏ phàm làm Phật trong lúc hiện tiền, ở đây và bây giờ thân tâm toàn chơn Phật, không một mãi mai bợn nhơ nhiễm bẩn.

Người liên hữu Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, được sinh ra trong thời mạt pháp, gặp Phật Pháp muộn màng, được Tôn Sư giáo hoá học đạo niệm Phật pháp môn chốn non xanh Bồng Đảo; nhưng ý chí quyết tâm một đời học đạo giải thoát, không xa rời pháp môn một ly tấc, với lời dạy của Đức Tôn Sư, hằng ngày ngoài thực tập công phu, tụng kinh niệm Phật còn phải tự kiểm điểm thân tâm mình: Một là thấy mình – Hai là biết mình – Ba là xem mình – Bốn là nhớ mình – Năm là nghe mình – Sáu là xử mình – Bảy là học mình – Tám là tu mình – Chín là phân biệt mình – Mười là thương mình. Phải chăng đây cũng chính là lời dạy trùng hợp với tư tưởng của Ngài Huệ Năng, được áp dụng cho Tăng Ni, Phật tử phát tâm tu hành ở thời mạt pháp.

Trong tam kinh Tịnh Độ của Phật thuyết và một bộ Luận Ngài Thiên Thân Bồ Tát giảng thuyết, minh triết và Tịnh Độ: “chúng ta thử xem như Ngài Văn Thù, kiết tập kinh giáo Đại Thừa, trụ thế lưu thông đã bốn trăm năm mươi năm. Còn sau khi Phật nhập Niết Bàn cách ba trăm bảy mươi năm thì Ngài Mã Minh Bồ Tát ra đời; cách năm trăm ba mươi năm, thì Ngài Long Thọ Bồ Tát xuất thế; đến sau khoảng chín trăm năm, thì Ngài Thiên Thân Bồ Tát hiện thân giáo hoá. Các Ngài ấy đều là bậc Đại Thánh nhơn ở Tây vực, mà cũng đều là Tổ Sư bên Tịnh Độ Tông cả. Vậy chỗ phát nguyện của Tịnh Độ Tông có từ thời xa xưa và y cứ của Tịnh Độ Tông rất xác đáng, chuẩn mực.

Huống chi chẳng những kinh giáo ấy chuyên nói về Tịnh Độ Tông, lại như các kinh Đại Thừa kiêm nói thuyết Tịnh Độ, hay là nói các pháp khác mênh mông cao viễn, mà khi kết luận thì thú hướng về pháp môn thù thắng tông chỉ Tịnh Độ, rất nhiều vô số.

Tại sao? Vì pháp môn tịnh độ là một pháp môn rất viên đốn, cực tắc, thiệt trong phương tiện mà phương tiện tột bực, trong thiệp cảnh mà thiệp cảnh cực điểm, cao hơn các pháp, lợi khắp các căn; có năng lực đưa chúng sanh ra khỏi tam giới, người tu tiến thẳng bồ đề, chẳng những chúng ta là hạng chúng sanh khổ não, thấp hèn ở trong đời ngũ trược nầy phải tín thọ phụng hành mà thôi, mà cho đến hết thảy chúng sanh trong mười phương pháp giới, nếu bỏ Tịnh Độ mà cầu giải thoát, thì trên không thể viên mãn đặng Phật quả, dưới không thể độ được hàm linh.

Cho nên, nói gì thì nói, tu theo pháp môn nào rồi thì cuối cùng cũng phát nguyện cầu sanh Tây phương Cực Lạc, và hạnh môn nào cũng do đó mà an trú, cho đến chư Phật trong mười phương đều dùng tướng lưỡi rộng dài mà tán thán tuyên pháp môn nầy và lấy cõi Tịnh Độ của Đức A Di Đà là chỗ quy hướng cho thế giới của mình.

Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: Ngài Thiện Tài đồng Tử đi du phương học đạo trải qua năm mươi ba người thầy, thiện tri thức vĩ đại đã chứng đặng phẩm vị đẳng giác, nhưng cuối cùng, đồng với bốn mươi mốt vị pháp thân đại sĩ hồi hướng phát nguyện vãng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc Thế Giới, để có cơ sở quyết định cho Phật sự viên mãn.

Chúng ta liên hữu Tịnh Độ nào dám khinh thường pháp môn tu, mà lại là lời dạy của Phật, Tổ Sư… đến nay vẫn còn gía trị và pháp môn vẫn phù hợp, rất phù hợp với thế giới hiện đại của thế kỷ 21!

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Tịnh Độ Tông Triều Đại Nhà Minh - Thuyết Tịnh Độ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com