1. Vài nét về đất nước Nhật Bản

Muốn tìm hiểu về Phật Giáo Nhật Bản, trước nhất chúng ta cần tìm hiểu một số nét về đất nước con người Nhật Bản. Là một quốc gia theo chế độ Quân Chủ Lập Hiến, được phát triển nhanh về kinh tế, bước lên thành một cường quốc kinh tế từ thời đại Minh Trị Thiên Hoàng, nhờ lòng ái quốc và sự hy sinh vô bờ bến của người dân Nhật. Dù trãi qua biết bao nhiêu những cuộc chiến tranh nội chiến, ngoại chiến rất tàn khốc do chính bản quốc tạo nên nhưng rồi lại trở thành một đất nước giàu mạnh nhất Á Châu, vùng Đông Bắc A.

Nhật Bản là một quần đảo gồm 1,042 đảo lớn nhỏ ở phía Đông Châu Á, Bốn đảo lớn nhất là Hokkaido, Hondo, Sikok và Kiou-Siou. Sau thế chiến thứ hai diện tích đất đai Nhật Bản chỉ còn 369.644 km2 (trích tư liệu từ quyển La Japan d’aujourd’hui 1961). Từ Bắc xuống Nam dài 2.400km, chiều ngang khoảng rộng nhất đo được 275km.

Nhật Bản là một quần đảo có nhiều núi lửa. Trên chuỗi đảo Kouriles có 36 hỏa sơn, một nửa đương trong thời kỳ hoạt động, tiếp theo là hỏa sơn ở phía Tây Hokkaido, nhiều nhất là dọc theo vịnh phía Nam đảo mà người Nhật Bản mệnh danh là vịnh hỏa sơn. Ở đảo Hondo khu vực Fossa Magna có nhiều hỏa sơn, có một vài ngọn nỗi tiếng là ngọn Bandai – san, Shirané-san gần Nikko. Asama va Fousi ở phía Tây bình nguyên Tokyo. Nhiều ngọn thỉnh thoảng lại phun lửa gây tai hại nặng nề cho dân ở xung quanh. Năm 1983 ngọn Asama phun lửa làm 1200 người chết và tro phủ kín một diện tích rộng tới 10.200km2. Năm 1828 hỏa sơn Bandai nổ làm một tảng núi cao 678m vỡ vụn ra và phun lan rộng 1 km2 nham thạch. năm 1912 hỏa sơn Asama lại tiếp tục phun lửa, tung lên không trung những tảng đá dung tích 5m3, nhiều nhà ở cách hỏa sơn 15 km bị đổ vì sức chuyển vận của không khí.

Nhật Bản là miền có nhiều động đất nhất Châu Á. Đài khí tượng Gifu ghi được 500 cuộc động đất trong một năm là khu sung yếu nhất nước Nhật. Thỉnh thoảng có một trận động đất rất mạnh làm đổ nhà cửa và số người tử nạn rất lớn. Cuộc động đất ngày 01/09/1023 tàn phá hai đô thị Tokyo và Yokohama.

2. Bản hệ người Nhật Bản

Các nhà nhân chủng học Nhật Bản và Âu Mỹ đã dày công khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Nhật Bản, nhưng tới nay họ vẫn chưa đồng ý, Theo đa số thì từ ngay thời thượng cổ thì quần đảo Nhật Bản đã có người ở. Giống thổ dân cao lớn, râu tóc rậm da trắng. Ngày nay một số còn tồn lại trên đảo Hokkaido và người Nhật gọi là Ainou.

Về sau nhiều giống người từ các quần đảo rãi rác trên Thái Bình Dương tới lập nghiệp ở Nhật Bản, còn thổ dân lên các miền rừng núi. Đến lượt người Mông Cổ từ đại lục Trung Hoa qua Cao Ly tràn sang Nhật Bản. Sự pha trộn những giống trên tạo thành dân tộc Nhật Bản.

Từ những luận chứng về các chủng tộc hợp chủng trên, chúng ta có thể thấy người dân Nhật Bản chịu ảnh hưởng rất sâu xa của Phật Giáo từ đại lục Trung Hoa, chư Đại sư truyền bá chánh pháp đến tận các quần đão ven bờ Thái Bình Dương thêm vào đó sự tín ngưỡng về Phật của người Nhật Bản. Nên đại đa số ngưởi Nhật cũng hết lòng thành kính, tìm cách xuất dương du học về giáo pháp của Phật, để đem về truyền đạt lại trên đất nươc Phù Tang. Chúng ta sẽ thấy sự truyền bá giáo lý Đức Phật và đạo Phật du nhập nước Nhật ở những tiết mục sau thật rõ ràng chính xác.

3. Người Nhật tín ngưỡng Thần Linh:

Bản chất người Nhật tin có linh hồn tồn tại sau khi chết, họ rất sợ linh hồn người chết; vì sẽ đem đến tai họa cho bản thân và gia đình. Nhưng thần linh thì không phải chỉ có linh hồn người chết. Ngày nay người ta tìm thấy nhiều loại tượng bằng đất nung. Cho dù không thể nói dứt khóat rằng đây là lối tượng sùng bái tín ngưỡng, là vật thể linh hiển gì, nhưng dường như tổ tiên người Nhật thường mượn tư thế linh hồn của con người để biểu hiện đó là thần linh đem tâm sùng bái linh hồn người chết như một vị thần. Đứng về gốc độ vũ trụ và nhân sinh quan, thì đây là một hiện tượng tự nhiên của vạn sự vạn vật đều có sự tồn tại về tinh hoa hay linh hồn của vật thể: “Thần” hay “Linh”.

Tuy nhiên không phải chỉ có sự tín ngưỡng thần linh trong tự nhiên giới. Từ việc kính tin linh hồn người chết, người Nhật nghĩ đến vấn đề đạo đức có tính chách thuần lương để bảo vệ gia phong, nên họ sinh ra việc tín ngưỡng linh hồn của người chết, cũng tức là một tập tục thờ cúng tổ tiên ông bà quá thế. Họ thờ cúng tổ tiên của những người trong một gia phong có chung một huyết thống. quê hương. Rồi tiếp tục thờ vị thần tổ tiên, nguyên mẫu của thần thị tộc. sau đó diễn ra sự hợp thể của tự nhiên thần (vũ trụ như Thần Sông, Thần Núi…) và nhân cách thần (nhân sinh như Ông, Bà, Cha mẹ…) Nên sự tín ngưỡng thờ phượng cũng không xa lạ gì với các dân tộc An, Hoa hay Việt Nam thời cổ đại.

4. Người Nhật tin Phật:

Năm 552, triều đình Bách Tuế gửi tặng Nhật Hoàng Khâm Minh một tượng phật bằng đồng , Nhật Hoàng tin và chấp nhận. Việc tặng tượng Phật được xem như một dấu ấn đầu tiên phật Giáo được truyền vào đất nước Nhật Bản. Đương nhiên cũng như các quốc gia khác, trước năm 552 Phật giáo đã được truyền vào và người dân Nhật đã biết và tin theo đạo của Đức Phật.

Đến năm 584 Soya No Umako có thỉnh thêm một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và một tượng Đức Bồ Tát Di Lặc bằng đá từ hai người Nhật gốc Triều Tiên, sau đó cho sứ giả đi khắp bốn phương tìm người học đạo, thì gặp được Đạo sư Huệ Tiên người Cao Ly nhưng đã hoàn tục. Soga Umako theo học đạo với Huệ Tiên, cho con gái là Shiba Tatsuto cùng hai người phụ nữ khác trong vọng tộc xuất gia. Ba vị tịnh nhơn nữ này vào năm 588 du học sang Cao Ly và thọ giới Tỳ Kheo Ni và đem Phật pháp về bổn quốc truyền bá.

Năm 585, Umako xây chùa Pháp Hưng tại Asuka: Trong năm này có các vị Tăng như Huệ Tống, Linh Cân …đem xá lợi Phật sang tặng các Tu sĩ Nhật Bản. Sau đó tiếp tục đem tặng ngọc xá lợi Phật và cử các vị Tăng chư như Linh Chiếu Luật sư, Linh Oai Đại sư, Huệ Chúng, Huệ Túc, Đạo Nghiêm, Linh Khai Đại Sư…

Chùa Pháp Hưng là ngôi chùa đầu tiên trong việc Phật giáo được truyền vào đất Nhật. Lúc bấy giờ có vị Tăng tên Tuệ Từ đến từ Cao Ly và Tuệ Thông đến từ Bách Tuế, được thỉnh về trụ trì chùa này đồng thời trở thành người Thầy dạy đạo cho Thái Tử Thánh Đức (Shotoku). Đến năm 606, Thiên Hoàng Suy Cổ (Suiko 554 – 628) tự thân cùng với Thái Từ Thánh Đức, Umako, quý vị vương tử và quần thần phát tâm đúc tượng Phật bằng đồng để dâng cúng tại một ngơi chùa của Umako. Được biết tin này. Đại Hưng Vương vua nước Cao Ly gởi tặng cúng dường 300 lạng vàng; tượng Phật sau khi hoàn thành được tôn trí thờ phượng tại chùa Pháp Hưng. Phật Giáo bắt đầu phát triễn rộng rãi trên đất nước Nhật Bản. Tại điều thứ hai trong bản Hiến Pháp của Nhật Bản lúc bấy giờ gơi ý người dân Nhật “Phải hết lòng kính tin Tam Bảo”… vì kính tin Tam Bảo thì không làm điều ác, không làm ác thì không phạm tội…

Phật giáo kể từ khi du nhập vào đất nước Nhật Bản, trải qua các triều đại như Asuka Thái Tử Thánh Đức 574 – 622, triều đại Nara Thiên Hoàng Hiếu Đức 596 – 654, triều đại Heian Thiên Hoàng Hoàng Vũ 737 – 806 suốt gần 300 năm các Thiên Hoàng đều tín ngưỡng Phật Giáo, chế định pháp lệnh quy định cho Phật Giáo và Phật Giáo rất hưng thịnh, trở thành quốc giáo của Nhật Bản (Lịch sử Phật Giáo Nhật Bản, nhà xuất bản Tôn Giáo năm 2002).

5. Người Nhật tin theo pháp môn Tịnh Độ:

Sự tín ngưỡng về Đức Phật rất đa dạng phong phú, từ tín ngưỡng Phật như một đấng thần linh ban phước lành cho dân tình, trãi qua nhiều sự tiến bộ nhanh của người dân Nhật, đã tiếp thu những giáo lý mới tín ngưỡng Mật Giáo, Thiền Giáo Tông, Tịnh Độ Giáo…nhất là Thiền Tông sau khi còn du nhập vào Nhật Bản, được người Nhật sùng bái tín ngưỡng tu theo và có rất nhiều người trở thành người con Phật ngoan đạo. Phật Giáo còn được triều đình bảo hộ đến nỗi Phật Giáo Thiền Tông trở thành quốc giáo, tu hành theo Pháp Lệnh của triều đình. Đồng thời, có ảnh hưởng rất lớn hơn nữa đến nền văn minh lâu đời đất nước “mặt trời mọc”; ảnh hưởng đến tập quán địa phương, trở thành những nét đẹp, những phong hóa hoàn mỹ chân quê của một dân tộc thuộc con cháu của “Thái Dương Thần Nữ” tạo nên không biết bao nhiêu các bậc thiền sư tu đắc đạo truyền thừa chánh pháp Phật.

Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn xiển dương về Tịnh Độ giáo nên chỉ xin trình bày những nét đặc trưng về truyền thừa Tông Tịnh Độ của Phật Giáo Nhật Bản.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Phật Giáo Nhật Bản”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com