TRIỀU ĐẠI NHÀ ĐƯỜNG TỊNH ĐỘ TÔNG HƯNG THỊNH:

Đại sư Đạo Xước và Đại sư Thiện Đạo là hai danh Tăng hoàn thành về giáo nghĩa của Tịnh Độ Tông, làm cho Tịnh Độ Tông rất hưng thịnh ở đời Đường. Tịnh Độ Tông có ba môn phái khác nhau:

1.Đại sư Đạo Xước, Thiện Đạo Lưu kế thừa về giáo nghĩa của Đại sư Đàm Loan.

2. Đại sư Từ Mẫn Lưu trực tiếp kế thừa Tịnh Độ Giáo ở Ấn Độ.

3. Tuệ Viễn Lưu thì xuất phát từ ở Lô Sơn.

Về giáo nghĩa của ba phái trên có một đôi chút khác nhau.

ĐẠI SƯ ĐẠO XƯỚC (562-645):

Đại Sư người đất Tịnh Châu, tỉnh Sơn Tây, sinh năm đầu niên hiệu Hà Thanh (562) đời Võ Đế Bắc Tề, 14 tuổi đi xuất gia, nghiên cứu Kinh Đại Bát Niết Bàn, đã trở thành học giả của Niết Bàn Tông. Chợt một hôm Đại Sư tới Chùa Huyền Trang ở núi Thạch Bích, được thấy bia đá, có ghi chép về sự tích Đại Sư Đàm Loan, Đại Sư rất lấy làm cảm kích, liền phát nguyện quy y Tịnh Độ Giáo, Đại Sư bỏ hẳn sự nghiệp giảng Kinh Niết Bàn, mà chỉ noi theo vào pháp thực tiễn tu hành của Tịnh Độ, Đại Sư, giảng về Quán Vô Lượng Thọ Kinh trước sau 200 lần, mỗi ngày niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà lên đến 70.000 câu. Đại Sư tận lực đem pháp môn tu Tịnh Độ giáo hóa cho nam nữ Phật tử ở các địa phương, chế ra tràng hạt để dạy cách trì danh hiệu Phật. Tại các vùng nông thôn, thì Đại Sư dạy lấy hạt đậu để đếm số niệm danh hiệu Phật, nên gọi là “Tiểu Đậu Niệm Phật” (ngày nay ở Việt Nam, nhất là Chư Tăng Ni, Phật tử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng sử dụng chân hương, hoặc sóng lá dừa cắt ngắn, rất dễ để công cứ đếm số niệm Phật). Ở ba huyện Thái Nguyên, Tần Dương, Văn Thủy (thuộc miền Trung tỉnh Sơn Tây), nam nữ từ 7 tuổi trở lên, hết thảy đều biết niệm Phật. Tới năm Trinh Quán thứ 19 (645) đời Đường thì Đại Sư viên tịch, thọ 84 tuổi. Đệ tử của Đại Sư là Đại Sư Thiện Đạo, Đạo Phú, Tăng Diên. Về trước tác của Đại Sư có rất nhiều, nhưng hiện nay chỉ có “An Lạc Tập” (2 quyển) còn lưu hành.

Sách An Lạc Tập, được Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch sang tiếng Việt vào thập niên 50-60, xuất bản và phát hành tại Chùa Vạn Đức (Thủ Đức).

ĐẠI SƯ THIỆN ĐẠO (613-681):

Đại Sư người đất Lâm Truy, tỉnh Sơn Tây, sinh năm Đại Nghiệp thứ Chín (613), đời Vua Tùy Dạng Đế. Sau khi đầu Phật xuất gia, Đại Sư nguyện du hóa khắp các Châu, huyện để tầm sư học Đạo, hơn 20 tuổi, Đại Sư tới học đạo với Đại Sư Đạo Xước ở Tịnh Châu học về pháp môn Tịnh Độ, và được Thầy truyền cho ý nghĩa của Tịnh Độ Tông. Sau khi Thầy viên tịch, Đại Sư về làm Trụ Trì chùa Quang Minh và chùa Từ Ân ở Tràng An để hoằng truyền pháp môn niệm Phật. Ở kinh thành Tràng An chẳng bao lâu khắp tất cả già trẻ nam nữ, ai ai cũng đều được dạy cho biết niệm Phật, Ngài biên tập được 100.000 quyển Kinh A Di Đà và 300 đồ hình tả cảnh giới Tịnh Độ để truyền bá lưu hành ở đời. Đến năm Vĩnh Long thứ 2 (681) đời Vua Tùy Cao Tôn thì Đại Sư viên tịch, thọ 69 tuổi. Đệ tử của Đại Sư là Đại Sư Hoài Cãm, Tịnh Nghiệp. Đại Sư Quang Minh Thiện Đạo trước tác rất nhiều sách Tịnh Độ: Quán Vô Lượng Thọ kinh sớ, Vãng Sinh Lễ Tán, Pháp Sự Tán, Quán Niệm Pháp Môn, Ban Chu Tán. Đại Sư Thiện Đạo là người hoàn thành về giáo nghĩa của Tịnh Độ Tông Trung Quốc.

Tiếp theo Đại Sư Quang Minh Thiện Đạo còn có Đại Sư Từ Mẫn (680-748), tức là Ngài Tuệ Nhật, người đất Thái Châu, tỉnh Sơn Đông, chấn hưng Phật pháp, chủ trương “nhập Trúc cầu pháp”, đem giáo pháp Tịnh Độ từ phương Tây Vực về kết hợp hoằng truyền giảng dạy, sách tấn người người niệm Phật, thừa kế đúng với giáo nghĩa của Đại Sư Thiện Đạo, nên Tịnh Độ Tông vào thời điểm nầy rất thịnh hành, sự tín ngưỡng Phật A Di Đà được phổ cập trong khắp quãng đại quần chúng, xã hội.

TỊNH ĐỘ TÔNG TRIỀU ĐẠI NHÀ TỐNG BÊN TRUNG HOA:

Triều đại nhà Tống, Tịnh Độ Tông trở thành môn tu học chung cho tất cả các Tông khác, không còn là pháp môn tu dành riêng cho pháp niệm Phật Tịnh Độ Tông. Nghĩa là Thiên Thai Tông, Tiền Tông, Luật Tông ở trong mỗi Tông đều lấy môn tu Tịnh Độ làm môn tu thiết yếu (tại Việt Nam hầu hết các Chùa đều gọi là Thiền Môn, tức là cửa Thiền, đại chúng trong Chùa lúc nào cũng tu tập về Thiền, nhưng từ những thập niên 20 đến nay, các Chùa tuy là có nguồn gốc Thiền,, nhưng đại chúng cũng đều tụng kinh nhị thời, tam thời, tứ thời hay lục thời. Y nghĩa chư Tăng Ni tụng kinh, khóa lễ tụng kinh chính là khóa tu của các liên hữu tu Tịnh Độ, không như quan niệm làm Thầy tu ở Chùa phải tụng kinh để đền đáp ơn đàn na tín thí…).

Đặc biệt Tịnh Độ Tông thuộc hệ thống Thiên Thai lại rất thịnh đạt ở thời nầy. Đại biểu hoạt động của hệ thống đó là các Đại Sư Tuân Thức, Trí Lễ, Trí Viên.

Đại sư Nguyên Chiếu thuộc Luật Tông và đệ tử của Đại Sư cũng nhiệt tâm tu cả Tịnh Độ niệm Phật.

Về Thiền tông, trước hết có Đại Sư Diên Thọ đề xướng ra tư tưởng “Niệm Thiền Nhất Chí”, nghĩa là tu Tịnh Độ niệm Phật và tu Thiền dung hòa với nhau. Ngoài ra còn có các Đại Sư Tôn Di, Tôn Bản, Pháp Tú, Nghĩa Hoài cũng đều kế thừa phương pháp tu Thiền Tịnh dung thông. Về phía Cư Sĩ cũng nối tiếp pháp tu có các vị Dương kiệt, Vương Nhật Hưu (vị trước tác bộ Long Thư Tịnh Độ còn lưu truyền đến ngày nay).

Tịnh Độ Tông thời nhà Tống rất thịnh hành đến độ các Đại Sư lập ra nhiều Hội Niệm Phật, Đại Sư Tĩnh Thường lập hội “Tịnh Hạnh Xã” ở Chùa Chiêu Khánh, Đại Sư Tuân Thức lập “Tịnh Độ Hội” ở Chùa Bảo Vân, Đại Sư Trí Lễ lập ra “Niệm Phật Tịnh Xá” ở Chùa Diên Khánh, Đại Sư Linh Chiếu lập ra “Liên Xã” ở Chùa Siêu Quả, Đại Sư Đạo Thâm lập ra “Tịnh Độ Kế Niệm Hội” ở Chùa Nam Hồ, Cư Sĩ Vương Trung ở Hàng Châu lập ra “Liên Xã”, Cư Sĩ Phùng Ấp dựng ra “Kế Niệm Hội” ở Tứ Xuyên, Cư Sĩ Trương luân lập ra “Bạch Liên Xã” ở Từ Châu… Những hội niệm Phật kể trên đều có mục đích khuyến khích nhau chuyên tâm niệm Phật để cầu vãng sanh Tịnh Độ (Tại miền Đông Nam Phần Việt Nam, Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước, biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai năm 1965, nương theo phước huệ của các bậc Đại Sư hoằng truyền Tịnh Độ mà lập ra khóa “Niệm Phật Bá Nhựt trì Danh, Cầu Sanh Tịnh Độ” câu hội hàng chục vạn Tăng Ni, Phật tử khắp nơi trên cả nước về niệm Phật trong ba tháng, kể từ ngày mùng 08 tháng 08 âm lịch đến ngày 17 tháng 11 âm lịch, lễ vía Phật A Di Đà mãn khóa. Từ năm 1965 đến 2005 được 40 khóa tu).

Vào thế kỷ 17 có Tổ Sư Nguyên Thiều Húy Siêu Bạch Hoán Bích hoằng truyền đem Phật pháp từ miền Trung vào miền Nam tại ấp Bình Thảo, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai ngày nay, cũng hoằng truyền giáo pháp Thiền Tịnh song tu thịnh hành một thuở (về hành trạng của Đại Sư sẽ được nói ở phần Tịnh Độ phát triển ở Việt nam).

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Tịnh Độ Tông Triều Đại Nhà Đường Và Nhà Tống”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com