Mục Lục
Cuộc sống của con người không thể tách rời nhu cầu sanh hoạt thực tế về ăn, mặc, chỗ ở và làm việc; đồng thời không thể xa lià nhu cầu hoạt động tự nhiên: đi, đứng, nằm, ngồi.
Bạn xem kìa! Có người trên thân mặc gấm nhung, lụa là lại cảm thấy mắc cở vì thân hình mình xấu xí, bởi vì người đó không có mỹ cảm nội tại. Lại có người tuy mặc quần thô, áo vải, nhưng lại cảm thấy bằng lòng và an vui với những gì mình hiện đang có; là vì người đó vốn có nguồn mỹ cảm nội tâm và nhân cách cao thượng!
Người có linh nhãn cảm nhận đượcï những nét đẹp huyền diệu của cuộc sống. thì tuy sống trong hoàn cảnh bần hàn, nhà cửa chật hẹp nơi đường cùng góc hẽm, song vẫn tự cảm thấy trời đất cao rộng thêng thang và cùng trời đất thể hội cuộc sống an lạc, tiêu dao tự tại. Còn ngược lại, người không có tầm nhãn quang cảm thọ được chơn, thiện, mỹ của cuộc sống thì dẫu rằng có ruộng vườn bạt ngàn, cò bay thẳng cánh, nhưng luôn luôn cảm thấy trời đất nhỏ hẹp chật chội.
Nhan Hồi :<một chén cơm đạm bạc với một bầu nước trong , suốt cả đời người sống một cuộc sống thanh bần lạc đạo, không một lời than thở, ưu phiền> . Bởi vì Nhan Hồi thấu hiểu được nghệ thuật cuộc sống, cho nên đời sống của ông không bị các loại dục lạc vật chất trói buột làm khổ não.
Từ xưa đến nay đã có biết bao hàng thương nhân tỷ phú , hàng cao quan bá tước thối vị quay về ở ẩn vui thú điền viên, chỉ vì họ muốn vọng tầm cái đẹp sâu sắc tiềm ẩn trong sanh hoạt cuộc sống. Và cũng có người vì muốn thể hội cái đẹp trong cuộc sống phụng hiến mà buông bỏ mọi riêng tư , trọn đời hiến dâng tâm lực phụng sự quốc gia, dân tộc.
Tịnh Độ tông, kinh A Di Đà có đoạn miêu tả về mỹ cảm cuộc sống của đức Phật A Di Đà trên cảnh giới cực lạc ” Thất bảo hàng thọ, bát công đức thuỷ, đình đài lâu các; “Còn cảnh giới địa ngục” rừng đao, kiếm nhọn, biển dầu sôi sục, cột đồng rực đỏ, hầm gai tăm tối…” là trình hiện mặt trái hoạt cảnh mỹ học của đức Địa Tạng Vương Bồ Tát
Thiền sư Cao Phong lấy gốc cây làm nơi trú ngụ, không đắm trước vật thực,y phục của người cúng dường. Người đời dèm pha ngài thân hình cấu uế. Thiền sư nói:”Tôi tuy không cạo râu tóc , nhưng thân tâm đã tự thanh tịnh. Tôi tuy không có quần là áo lụa, nhưng biết tự lấy nhân cách để trang nghiêm. Tôi mặc dù không có sơn hào hải vị. Nhưng trọn cuộc sống đều có thiền pháp làm vị lạc thực bổ dưỡng thể lực và tinh thần. Thậm chí từ sơn hà đại địa, cho đến chim muông thú dữ đều là những người bạn thân yêu của tôi!”. Những nhân vật trên chính là những người chân thật hiểu thấu suốt về cuộc sống mỹ học.
Ngài Triệu Châu tám mươi tuổi còn đi hành khước hóa duyên, là vì ngài muốn suy tầm cái đẹp của cảnh giới, suy tầm cái đẹp của đạo lý. Tổ Bồ Đề Đạt Ma quay mặt vào vách chín năm cũng chỉ vì muốn tìm cái đẹp huyền diệu của nội tâm. Có vị thiền sư nọ khi đã ngộ đạo, có chim khổng tước ngày ngày hiến dâng hoa qủa cúng dường ; hổ báo, sư tử đều chầu bái. Những liệt tích đó đã thuyết minh cho chúng ta rõ, các vị thiền sư do dụng công hướng sâu vào thế giới mỹ của nôi tâm và ngoại cảnh mà thu hoạch được cái chân mỹ diệu kỳ của cuộc sống, mà tác động linh cảm đến vạn vật cùng tương tụ cộng hưởng .
Mỹ là một loại hình nghệ thuật, là sự cảm thọ của trái tim. Cái mỹ của tâm linh là tư sản trân quý nhất của mỗi người chúng ta. Khi trái tim có sự rung động cảm xúc về cái đẹp thì trong sanh hoạt tự nhiên không có nơi nào là không chơn; không có nơi nào là không thiện; không có nơi nào là không mỹ!
HT Tinh Vân