Mục Lục
Nhân quyền
Một trong những nguyên nhân bận tâm nhất giữa những người không thuộc về các tôn giáo “Do Thái và Ả Rập” là vấn đề chuyển đạo trước khi cưới. Trong khi người Phật tử và Ấn độ giáo không bao giờ đòi hỏi là một cặp vợ chồng phải cùng theo một tôn giáo trước khi làm lễ cưới, có một số người lợi dụng sự khoan dung này.
Hôn nhân, trái với những gì mô tả trong các tiểu thuyết lãng mạn, không phải là sự hợp nhất tuyệt đối của hai cá nhân, đến mức mà người nam hay người nữ mất hẳn cá tính của mình. Khi một tôn giáo đòi hỏi hai người phải cùng một đạo, nhân quyền căn bản của con người đã không được tôn trọng, vì người nam hay người nữ không được theo đạo mà họ muốn. Lịch sử xã hội đã chứng tỏ rằng “hợp nhất những bất đồng” không những là việc có thể được mà còn là điều mong muốn. Không còn bất đồng, chúng ta sẽ tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Điều này cũng nên áp dụng cho hôn nhân. Rất nhiều kinh nghiệm sống khắp nơi trên thế giới cho thấy rằng người chồng và người vợ, giữ riêng tôn giáo của mình, vẫn sống một cuộc đời hạnh phúc và không hề chống đối lẫn nhau.
Người Phật tử không chống lại các tôn giáo khác cả ngay trong phạm vị gia đình. Thật đáng tiếc, thái độ bao dung này đã bị một số tín đồ vô lương tâm lợi dụng khi họ tìm đủ mọi phương tiện để đạt đến việc quy nạp tín đồ cho đạo mình.
Người Phật tử thông minh phải tỉnh thức trước các mưu mô này. Một người thông minh, tự trọng, và biết nhận thức niềm tin của mình, không bao giờ từ bỏ niềm tin của mình để thoả mãn yêu cầu sắp đặt của một tôn giáo khác. Người Phật tử không đòi hỏi người hôn phối phải theo đạo Phật, và cả hai bên đều không bỏ đạo của mình.
Nỗi buồn sau đám cưới
Khi hai người trẻ tuổi yêu nhau, họ sẵn sàng hy sinh mọi thứ để được lấy nhau. Nhưng vài năm sau, khi bắt đầu xây dựng một cuộc hôn nhân tốt đẹp thì thất vọng xẩy đến sau khi hy sinh tôn giáo của mình cho “tình yêu” : người hôn phối bắt đầu hối hận việc đã làm, rồi sự bất hoà vô lý tăng thêm. Điều này gây thêm căng thẳng khi đôi bên bắt đầu chán chường nhau, rồi cãi nhau. Một trong những lý do của việc cãi nhau là các con phải theo tôn giáo nào.
Vì vậy, điều quan trọng chúng ta cần biết là nếu chuyển đạo, việc này phải được căn cứ trên sự hiểu biết thật sự của mình chứ không phải chỉ cho tiện việc hay bị bó buộc. Phật giáo kính trọng sự tự do chọn lựa của một cá nhân. Nguyên tắc này phải được mọi người tuân theo.
Hôn lễ
Phật giáo không đặt để những nghi thức hay thủ tục đặc biệt nào trong việc cử hành hôn lễ. Phật giáo công nhận truyền thống và văn hoá của người dân trong mọi quốc gia. Vì vậy nghi lễ Phật giáo khác nhau từ nước này sang đến nước khác.
Theo nghi thức thực hành thông thường, một khoá lễ cầu phước để truyền đạt các lời khuyên cho tân lang và tân giai nhân được tổ chức tại chùa hoặc tại nhà để cuộc hôn nhân có nhiều ý nghĩa. Ngày nay, tại nhiều quốc gia, ngoài khoá lễ cầu phước; các tổ chức tôn giáo cũng được phép tổ chức các nghi thức và làm thủ tục cần thiết để cấp giấy hôn thú.
Nói rộng ra, điều quan trọng nhất là cặp vợ chồng mới phải thành thật hợp tác với nhau, và hiểu biết lẫn nhau chẳng những trong thời gian hạnh phúc mà trong bất cứ lúc nào gặp các khó khăn.
Ven. Dr. K. Sri Dhammananda
Thích Tâm Quang dịch