Tịnh Độ Tông Việt Nam là một Hội Phật Giáo như tất cả các Giáo Hội khác tại Việt Nam, thành lập năm 1949 và được Chính phủ (cũ) cấp phép ngày 25.12.1955. Do Cụ Đoàn Trung Còn, pháp danh Hồng Tại sáng lập và làm Hội Trưởng, Trụ sở Trung Ương trước đặt tại Chùa Giác Lâm, Chợ Lớn; sau dời về Liên Tông Tự, Đường Đề Thám, Quận Nhì, Sàigon.

Chúng tôi trình bày về Tịnh Độ Tông Việt Nam nơi đđây là vì bản hoài của Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước khai sinh Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Ngài chỉ có một tâm niệm, một công việc hoằng dương chánh pháp, giáo hóa Tăng Ni, Phật Tử tinh chuyên tu hành, học đạo giải thoát theo pháp tu niệm Phật Tịnh Độ đặc biệt nơi núi non thâm sơn cùng cốc, không quan tâm đến việc lập Giáo Hội. Tịnh Độ Non Bồng không muốn có những tín điều sắp đặt trong một ý niệm về sự giải thoát, co cụm trong tổ chức như một xã hội nhỏ ở thế gian. Vì vậy khi khai đạo tại vùng núi Cổ sơn (địa danh do Đức Tôn Sư đặt tên) năm 1957, Ngài chỉ xin gia nhập tổ chức Hội Phật GiáoTịnh Độ Tông Việt Nam, làm phương tiện giúp cho Tăng Ni, Phật Tử thuận duyên an tâm tu học. Hơn nữa các điều khoản trong nội quy của tổ chức Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam có một số điều khoản phù hợp truyền thống tu hành của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng trong việc thừa kế xương minh “Pháp Môn Niệm Phật” và các Nhà sư Tăng, Ni đang tu học. Chúng ta có thể đơn cử một hạnh lành nhỏ trong tư liệu Nội Quy Hội Tịnh Độ Tông, có khoản nói :”…khi muốn đóng khuôn dấu xác nhận công việc Phật sự phải niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật…” hoặc :”tỏ tình đoàn kết với các tôn giáo khác…tôn trọng những Tăng Ni tinh chuyên giới luật…” Đây là công việc nhỏ trong một số điều khoản, nhưng chính những hạnh lành nầy là pháp tu, biểu tượng ứng dụng sách tấn cho người tu Phật. (ở khoản III về mục đích của Giáo Hội có nói: “Thành tâm mà niệm Nam Mô A Di Đà Phật, làm mọi việc có tánh cách Tôn Giáo và Từ Thiện để nâng cao hạnh phúc người đời… trang 3”. Điều IX nói về tu học Phật Pháp nghiên cứu học thuật, có nói: “Giáo Hội cũng ủng hộ sự tu hành Chánh Pháp, đề cao việc tu trì giới luật, rất kính trọng những Tu sĩ có đạo hạnh thanh tịnh, Tu Sĩ và Bổn đạo Tịnh Độ Tông sở trường về pháp môn Niệm Phật, thọ trì các kinh: A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Qui Nguyên Trực Chỉ và các kinh điển có giảng lý Tịnh Độ. Ngoài ra người trong đạo nếu có khả năng, thì có thể tu học các kinh điển Phật Giáo, nghiên cứu sách vở học thuật văn hóa …trang 21”. Trích bản Điều Lệ Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam).

Cụ Hội Trưởng Trung Ương Đoàn Trung Còn sinh năm 1902 tại Thắng Nhứt, thị xã Vũng Tàu, là một nhà trí thức Phật học lỗi lạc, ngoài công đức lập giáo và tư cách lãnh đạo Trung Ương Hội, Cụ còn là một nhà đại dịch giả, trước tác sách Phật thật uyên bác thâm sâu. Cụ rất thành công trên đường hoằng dương chánh pháp, hoằng truyền Tông Tịnh Độ. Cụ đã dịch, soạn, sáng tác trên 120 loại kinh, sách trong đó gồm có các bộ kinh Đại Thừa Phương Quãng, Pháp Hoa, Niết Bàn v…v….các loại sách Phật , Từ điển Phật học, Luật tứ phần (Tăng Đồ Nhà Phật), sách Nho giáo, Tứ thư Ngũ kinh, Đại học, Trung dung, có khả năng đủ cung cấp cho đọc giả, các học giả Tăng Ni, Phật Tử nghiên cứu tu học.

Ngoài ra, trong công cuộc truyền giáo, Cụ cũng rất quan tâm đến công đức hoằng giới giúp Tăng, Ni thọ học. Cụ thường xuyên tổ chức Tam đàn Thánh lễ, cung thỉnh các bậc Tôn túc Chư sơn, Thiền đức, như Đại lão Hòa Thượng thượng Huệ hạ Chiếu, Đại lão Hòa thượng thượng Hồng hạ Anh truyền giới cho Tăng, Ni lãnh thọ tu hành kế thế khai lai, báo Phật ân đức. Mỗi giới đàn có hàng trăm Tăng Ni trên cả Nước về Trung Ương Hội đăng ký thọ giới.

Một công đức lớn kế tiếp, tại Đại hội Tịnh Độ Tông toàn quốc vào cuối năm 1965, theo yêu cầu của hàng giáo phẩm Chư Tăng, Ni, các Nhà sư tu theo pháp hạnh Khất sĩ thật tu thật học, Trung Ương Hội triệu tập Hội Nghị Đại Biểu Tăng Ni toàn quốc để quyết định thành lập Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Trung Ương. Đại hội suy cử Thượng Tọa Thích Giác Hải, Trụ Trì Phổ Minh Bửu Tự, Quận 8 giữ chức vị Tăng Trưởng Giáo Đoàn. Đoàn Du Tăng đáp ứng nhu cầu phát triển tổ chức, đồng thời cũng tạo diều kiện thuận lợi cho các Nhà Sư Du Tăng Khất Sĩ có đủ tư cách pháp nhân, pháp lý tu học hành đạo. Phật sự này giúp cho đa số nhà Du Tăng Khất Sĩ chân tu thật đức thật rất hoan hỷ tán đồng ủng hộ .

Đối với Đạo Phật Non Bồng, Cụ Hội Trưởng Trung ương Đoàn Trung Còn cũng là Người bạn sen lớn của chư giáo phẩm Tăng Ni. Đồng thời trong hàng Cao Tăng, Thiền đức thì Hòa Thượng Thích Thiện Phước là người đắc ý nhất đối với Trung Ương Hội và kể cả cá nhân Cụ Hội Trưởng. Về Tăng, Ni, Bổn đạo, Tín đồ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng chiếm khoãng 2/3 Hội viên Trung Ương Hội (trên 200 ngàn Hội viên Nhà sư, Bổn Đạo, Tín đồ), vì thế trong khoãng thập niên 1960 đến 1980 khi nói đến Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam là mọi người nghĩ đến Hòa Thượng Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước tu hành ở vùng non núi; thậm chí mọi người còn cho rằng Phật Giáo Tịnh Độ Tông là do Hòa Thượng lãnh đạo.

Tuy nhiên với nhãn quan của người sau, sau khi nghiên cứu văn hệ tư tưởng Phật giáo Tịnh độ tông của Cụ Đoàn Trung Còn như chúng tôi cũng phải nhìn nhận Cụ là người có công rất lớn trong công đức hoằng pháp lợi sanh, là nhà Đại dịch giả (Cụ dịch kinh Pháp Hoa từ năm 1930) trong giới Phật Học trong trường phái Phật GiáoTịnh Độ Tông Việt Nam.

Có điều đặc biệt là mỗi khi muốn giải quyết một vấn đề tối quan trọng đối với Trung Ương Hội, thì Cụ Hội Trưởng thường hay tham vấn hỏi ý kiến của Hòa Thượng Thích Thiện Phước, mặc dù Hòa Thượng không nhận một nhiệm vụ nào ở Trung Ương Hội (Đức Tôn Sư chỉ cho đệ tử tham gia).

Ngoài ra đối với Giáo Hội bạn, Cụ Đoàn Trung Còn là bạn đồng hành của Hòa Thượng Thích Huệ Thành, Tăng thống Phật giáo Cổ Truyền, Hòa Thượng Thích Thành Đạo, Hòa Thượng Thích Thiện Hào, Hòa Thượng Thích Bửu Ý … trong những năm 1950 tại Trung Ương Hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử, Cụ làm Phó Hội Trưởng Hội Lục Hòa Phật Tử.

Hầu hết Tăng, Ni của các Giáo Hội bạn rất tôn trọng Cụ, các nhà Học giả thường xuyên sử dụng những công trình soạn dịch của Cụ. Những kinh sách, Kinh Pháp Hoa, Vô Lượng Thọ, A Di Đà Kinh, Pháp Bửu Đàn Kinh, Từ điển Phật Học, Tăng Đồ Nhà Phật, Yến Sáng Á Châu, Xứ Phật Huyền Bí do Cụ sáng tác, dịch thuật, biên soạn trở thành những tác phẩm kiệt tác có giá trị để nghiên cứu trong giới làm công tác biên dịch giáo lý Phật học.

Cụ Đoàn Trung Còn viên tịch ngày 30 tháng Giêng năm Mậu Thìn, nhằm ngày 17 tháng 2 năm 1988.

Để tưởng nhớ công ơn sâu dầy của Cụ, hàng Giáo Phẩm Tăng, Ni, Phật Tử Quan Âm Tu Viện, Tổ Đình Linh Sơn, Nhứt Nguyên Bửu Tự cùng với Tăng, Ni, Phật Tử, đại diện trên 420 Tự Viện của hệ phái trên toàn quốc kính cẩn suy tôn giác linh Cụ lên hàng giáo phẩm Hòa Thượng để làm tiêu biểu cho hậu thế soi chung.

Kim quan nhục thân Cụ được làm lễ trà tỳ tại đài hỏa táng Nam tông Phật Giáo của Trưởng Lão Pháp Tri. Trong ngày hỏa táng nhập Tháp, Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác Viện Chủ Quan Âm Tu Viện có làm bài Điếu văn để tán thán công đức của Cụ cố Hội Trưởng .

ĐIẾU VĂN

niệm ân công đức cố Hòa Thượng THÍCH HỒNG TẠI

Hội Trưởng Trung Ương Hội Phật Giáo

TỊNH ĐỘ TÔNG VIỆT NAM …

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Giờ phút sau cùng tiễn đưa Cụ về nơi nước Phật Tịnh bang. Chúng con hàng giáo phẩm Tăng, Ni, Phật Tử Quan Âm Tu Viện, cùng các Tự, Viện trong Tông môn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và của Giáo Hội, họp đồng hiếu quyến vân tập trước kim quan, xin nghiêng mình đảnh lễ, dâng lên lời tán dương công đức. Ngài đã khổ công vì đạo pháp và sự tu hành tinh tấn của Ngài với hàng vạn Tăng, Ni, Phật Tử trong và ngoài nước.

Nhớ thuở nào Cụ còn là Nhà Học Giả, tham cứu Phật Học, Ngài cũng dày công biên soạn dịch ấn bản kinh sách, đóng góp công đức lớn với Phật Giáo Cổ Truyền (Lục Hòa Tăng Việt Nam), với Phật Giáo Việt Nam. rồi sau vì lòng từ, Ngài khai sơn cửa pháp trên mãnh đất lành nhiều tình thương nơi đây. Ngài cùng Giáo Hội dựng xây nên ngôi Liên Tông Tự để phổ độ chúng sanh, hoằng dương Chánh pháp.

Thế là ngày 25 tháng 12 năm 1955 Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam ra đời.

Liên Tông Tịnh Độ chốn đất lành,

Hoằng dương chánh pháp độ chúng sanh

Ai người thế tục mau niệm Phật

Giải thoát trần gian đến Lạc Thành.

Cụ nguyện cho bốn mùa sen được nở,

Ao bát đức được rực nở mùi thơm

Sen trắng, vàng, đỏ, tím được đơm

Và trong đó có con là người thứ

bốn trăm sáu tám(*)

Năm chín dự vào Liên Hội(**)

(*)bốn trăm sáu tám (468) là danh bộ thẻ Tăng Tịch Hội Viên nhà sư của Ni Sư Viện Chủ Quan Âm Tu Viện.

(**) năm chín tức là 1959 là năm cấp thẻ Tăng Tịch Hội Viên Nhà sư cho Ni Sư Viện Chủ Quan Âm Tu Viện.

Đạo Phật là phẩm chất của hoa sen

Nên mọi người phải vun bón lấy chồi sen

Phải vậy không thưa Cụ?

Ai nguyện về nước Cực Lạc Tây Phương

Và tu hành chín chắn

Thì sẽ được lên chín phẩm sen vàng

Đức Phật A Di Đà Đã dạy:

Theo nguyện lực của ngài

“Nếu chúng sanh lòng thành phát nguyện

Tín tâm kiên cố cần chuyên

Một lòng niệm chữ A Di Đà

Thì sẽ được toại nguyện như ý

Hiện tiền chư Thiên thương mến hộ trì

Bồ tát chúng Long Thiên thường gia bị

Lâm chung Từ Phụ đưa tay vàng

tiếp độ vãng sanh”.

Theo như sách bốn mươi tám lời nguyện

của Đức Phật A Di Đà

mà Cụ đã dịch ra chữ nghĩa khai thông,

đọc lên cõi lòng ai cũng phấn khởi.

Kính Thưa Cụ,

Với tuổi trẻ hậu học của chúng con về kinh điển, luận đàm nghĩa lý, kinh, thư, Khổng Thánh phần nhiều đầu tiên do Ngài dịch ra, con thấy trong kho tàng “ Tòng Thơ Phật Học ” của Ngài. Ngài là nhà học giả uyên bác, nghiên cứu Đạo Phật, tu Phật với thuở ban đầu, công đức sâu dày đáng lưu ý là bộ kinh Duy Ma Cật, Na Tiên Đàm Luận Nghĩa, Pháp Hoa Diễn Nghĩa, Tam Kinh Nhựt Tụng hán nghĩa lưu thông, nào Tứ thơ, Ngũ kinh của Khổng Tử, nào Bách Vịnh Sơn Cư, Quy Nguyên Trực Chỉ của Đại sư Nhứt Nguyên Tông Bổn, ai dám sánh,ai dám bì !

Nam phương Phật Tích kể sao cho cùng nói sao cho hết. Ngài đem văn hóa, thi thơ làm đẹp ngôi nhà Phật Giáo, ca ngợi nét đẹp quê hương, làm sáng đẹp tánh nhân từ hiền đức của người Việt Nam sùng kính tôn thờ Đạo pháp, Tam Bảo, trong đó có ý lành đức tốt của Ngài, thường hành hạnh Phổ Hiền từ bi hỷ xả, Ngài thương và thương tất cả mọi người, Ngài muốn ai cũng làm hiền làm lành, cũng biết niệm Phật cầu vãng sanh, để thoát kiếp trần gian đau khổ.

Với bao nhiêu công đức đó, cũng đáng kính và đáng yêu Ngài biết mấy, đáng thương, đáng nhớ Ngài là người hiền, người tốt, người góp công đức cao dày với Phật Pháp.

Nhắc lại, nhớ năm nào cách nay ba mươi lần cái năm con là Ni Cô Chú Tiểu, trốn nhà bỏ học để đi tu về núi non quyết tâm theo Đức Tôn Sư tìm chân lý …

Một sáng tinh sương, Ông Năm đất Gò Thâm (sau xuất gia tức Trưởng lão Thích Từ Quang, bậc trưởng thượng của môn phong) tiến dẫn dắt con về gặp Ngài để xin giấy chứng nhận Hội Viên Nhà Sư, Ngài vui vẻ hóa giải những ưu phiền và tiếp nhận giúp con với niềm thương quý báu.

Cụ nói lời ngọc trang vàng

Ni Cô ráng tu đắc đạo cứu trần gian

Và làm tỏ sáng cho muôn ngàn Tăng lữ

Gắng giữ gìn đức hạnh đoan trang

Để xứng đáng là hàng Ni giáo phẩm

Cụ ơi : rồi cách đây một năm

Cụ đến Tu viện Quan Âm

Tiển đưa Thầy Mẹ chúng con về nơi đất Phật .

Cụ nhẹ nhàng an ủi chúng con rằng :

“Nên tinh tiến, tinh tiến tu hành đừng thối chuyển

“Thầy Mẹ về nhưng mãi mãi còn đây

“Để tiếp độ chúng sanh qua khổ hãi

“Và Cụ nói Ni Sư Trưởng Tử là người thừa kế,

“Con của Phật Bà chớ có nệ hà nữ hay nam

“Việc Phật Pháp phải ráng đứng ra gánh vác

“Ai có đức lành là lãnh nhiệm mà thôi”.

Nghe Cụ nói nước mắt con tuôn chảy

Con im lìm chẳng dám nói ra

Nghĩ phận bạc con nào đâu dám nệ

Con hứa với Cụ là làm con hiếu thảo trọn đời

Theo châm ngôn Phật Giáo Việt Nam

Làm tốt đạo đẹp đời khắp nơi nơi

Con nguyện lòng con chung thủy

Khi Cụ tại tiền hay Cụ về nước Phật

Ánh diệu mầu đạo pháp ngát hương liên

Rồi hôm nay Cụ đã ra đi vì tuổi già sức yếu

Chúng con mất đi một người hiền đức

Một thạch trụ trong ngôi nhà Phật Giáo

Một trái tim nhân ái, tình Bồ Tát bao la

Cụ ơi ! hôm nay đạo pháp tỏ rạng sáng ngời

Việt Nam thấm đượm nguồn sinh sống mới

Hài hòa đẹp tươi,

Xây hạnh phúc tương lai cho nhân thế

Cụ có về nơi nước Phật Lạc Bang

Xin Cụ hoan hỷ cho chúng con tất cả Đạo tràng

Lam thắm, y vàng được thanh nét đẹp

Trang nghiêm giữa Liên Hoa hải hội

Chúng con nguyện vững niềm tin bất thối

Là cây xanh bóng mát đẹp tình người

Là hương hoa hiếu thảo,

Cúng dường Tam Bảo khắp nơi nơi

Là những người con trọn đạo

của Tổ Thầy muôn thuở

Nguyện trọn tu cho kiếp này viên mãn

Khắp đạo tràng tiếng hát tán ca dương

Công đức sâu dầy của Cụ vô lượng

Phật Pháp Tăng khắp mười phương pháp giới

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

HT Thích Giác Quang




Có phản hồi đến “Hội Tịnh Độ Tông Tại Việt Nam”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com