Tịnh Độ Tông thời nhà Minh, không chỉ có bấy nhiêu chư Tổ Sư, chư Đại Sư như đã nói trên. Còn rất nhiều những bậc chân tu thật đức, thạc học, tu chứng có điềm lành; từ giới xuất gia đến hàng tại gia. Trong giới Cư Sĩ thời điểm nầy, nghiên cứu qua sách Tịnh Độ, chúng ta còn thấy có Cư Sĩ Viên Hoành Đạo, một liên hữu vừa hộ thế, vừa tu tập pháp môn niệm Phật, hộ Phật, hộ Tăng khiến cho Tăng tục đồng quy hiệp nhứt, chuyên tu tịnh nghiệp, xương minh Tịnh Độ. Cư Sĩ biên soạn bộ “Tây Phương Hiệp Luận” dẫn chứng pháp môn tu, công nhận pháp môn tu có hiệu quả thực tiễn, giới thiệu pháp môn đến với các hàng thiện hữu tri thức và các giới sĩ, nông, công, thương, để lại cho hàng Cư Sĩ đời sau có phương tiện duyên tu tuyệt vời.

Viên Trung Lang tên thật là Hoành Đạo, hiệu Thạch Đầu, ở huyện Công An, tỉnh Hồ Bắc. Anh là Bá Tu, tên Tông Đạo, hiệu Hương Quang. Em là Tiểu Tu, tên là Trung Đạo, hiệu là Thượng Sinh. Cả ba anh em đồng một mẹ sinh ra. Thời niên thiếu nổi tiếng về văn học, lớn lên có duyên Phật pháp tín ngưỡng Thiền Tông. Niên hiệu Vạn Lịch thứ 42 (1573), đời Vua Thần Tông, nhà Minh, ba anh em đều đỗ tiến sĩ. Bá Tu làm quan đến chức Hữu Thứ Tử, Trung Lang làm quan tri huyện ở Ngô Giang. Ông giải quyết việc công rất sáng suốt, mau lẹ. Khi rảnh rỗi, Trung Lang thích ngao du sơn thuỷ. Sau được thăng chức lễ bộ chủ sự, lấy cớ bệnh, xin nghĩ việc hồi hương.

Ở Thành Nam, Cư Sĩ có lập một khu vườn trồng muôn cây liễu xanh tươi, gọi cảnh trí nầy là Liễu Lãng. Cư Sĩ thường cùng với các thiền nhân tham quan ở trong đó. Đầu tiên Cư Sĩ học Thiền với Lý Trác Ngô, tin hiểu thông suốt, biện tài vô ngại. Sau đó Cư Sĩ tự nghiệm xét: “bàn luận về cái không nầy chẳng phải thiết thực”, liền đổi pháp tu, hướng về Tịnh Độ, sớm hôm siêng năng lễ tụng và giữ gìn cấm giới. Bá Tu, Liễu Tu cũng đồng thời phát tâm niệm Phật. Trung Lang tuyển chọn trong các kinh giáo, biên soạn bộ “Tây Phương Hiệp Luận”. Nội dung bộ luận bàn về tánh, tướng đến chỗ viên dung, đi sâu vào pháp môn bất nhị. Viết xong Bá Tu ghi lời tựa. Sau đó Trung Lang nhận giữ lại chức cũ, rồi thăng tiến đến chức vụ Huân Ty Lang Trung. Chẳng bao lâu lại cáo bệnh, xin nghĩ về nhà chẳng mấy ngày rồi vào thành Kinh Châu, ở tạm trong Chùa chư Tăng lo bề tu niệm, tinh tiến niệm Phật, không bệnh mà quy Tây. Tiểu Tu làm quan đến chức Lễ Bộ Lang Trung ở phương Nam cũng xin nghỉ việc. Về già, Cư Sĩ siêng năng cần mẫn với việc lễ tụng kinh bái sám. Một buổi tối, khi khoá tụng xong, thần thức tham quan Tịnh Độ (trích Tây Phương Hiệp Luận, bản dịch Thích Trí Thông, trang 235, 236).

Thật là một gia đình có ba anh em, một đời tài hoa, tri thức vẹn toàn, tước quyền đầy đủ, gia phong nho nhã, nhàn hạ tiêu dao lại noi gương Phật Tổ từ bỏ thế sự, quyền lực thế gian phát khởi tâm tu Tịnh Độ niệm Phật, hiệu quả vô lường.

Xin trích một đoạn trong “Tây Phương Hiệp Luận”, bản dịch Thích Trí Thông, Cư Sĩ Viên Hoành Đạo tán thán công đức cõi Tịnh Độ Tây Phương của Đức Phật A Di Đà: “Tịnh Độ Tây Phương của Đức Phật A Di Đà có công đức rộng lớn như biển cả, có bi trí rộng lớn như biển cả, có nguyện lực rộng lớn như biển cả. Nếu nói đầy đủ thì giả sử trên từ các Đức Phật, Bồ Tát, Thinh Văn, Bích Chi Phật, trời, người, ma, quả, súc sinh khắp cả mười phương thế giới, dưới đến loài sâu bọ và tất cả vật vô tri như cỏ cây, ngói đá, mảy bụi cực nhỏ, mỗi mỗi đều có đầy đủ vô lượng miệng, trong mỗi miệng đều có vô lượng lưỡi, trong mỗi lưỡi đều có phát ra vô lượng âm thanh, nói mãi, nói nhiều… Nói như vậy trải qua vô lượng trăm ức vạn thời kỳ vô số như cát bụi cũng không thể nào nói hết được…” (Tây Phương Hiệp Luận, trang 45).

Một người phàm phu, quanh năm suốt tháng, suốt đời làm điều thiện, một người phàm phu, quanh năm suốt tháng, suốt đời không làm điều thiện, một người phàm phu sống trong thế giới dẫy đầy những khổ đau oằn oại, một người cũng như thế và ngược lại, một khi đã giác ngộ, lìa bến mê nguyện sanh về cõi giác, tất cả đều thọ hưởng chung một phước huệ khôn lường, không thể nói hết được. Vì do chính tự họ kiến tạo cho mình một thế giới an lạc, một thế giới hạnh phúc, trang nghiêm, đẹp đẽ và vững niềm tin yêu nơi giáo pháp của Phật; chính họ đã nắm bắt hạnh nguyện ngàn đời của chư Phật, họ bước đi theo dấu chân của chư Phật, ý tưởng của họ một lòng trong sạch với Phật, lúc nào cũng tán thán ca tụng thế giới Phật, thế giới đó chính là thế giới nội tại của người con Phật mà Viên Hoành Đạo đã làm và thốt lên được trong “Tây Phương Hiệp Luận”.

Lại trong “Tây Phương Hiệp Luận”, Cư Sĩ Viên Hoành Đạo đã nghiên cứu về pháp môn niệm Phật rất sâu tế, Cư Sĩ đã làm một việc hy hữu trong một thời điểm mà Tịnh Độ Tông đến thời cực thịnh, người người, nhà nhà tu niệm Phật. Cư Sĩ đã tiếp nhận và biên soạn lại từ Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới nói về pháp môn niệm Phật và an trú trong pháp môn để tu hành. Lúc bấy giờ Ngài Đức Vân Tỳ Kheo bảo Thiện Tài Đồng Tử rằng: “Thiện Nam Tử! Ta được năng lực trí giải quyết định, tín căn thanh tịnh, trí tuệ sáng tỏ, quán khắp cảnh giới, xa lìa tất cả chướng ngại, đầy đủ hạnh thanh tịnh, tham quan khắp mười phương để cúng dường các Đức Phật, thường niệm tất cả các Đức Như Lai, ghi nhớ chánh pháp của tất cả các Đức Phật, thường thấy tất cả Đức Phật thuận theo các thứ tâm ưa thích của mỗi loài chúng sanh mà thị hiện các thứ để thành tựu tuệ giác vô thượng, ở trong đại chúng rống tiếng sư tử. Thiện Nam Tử, ta chỉ được pháp môn ánh sáng trí tuệ thấy khắp tất cả cảnh giới của các Đức Phật được ức niệm nầy”.

1. Pháp môn nầy mệnh danh là môn niệm Phật ánh sáng trí tuệ chiếu khắp, vì chúng sanh niệm Phật, thường thấy các cung điện trong cõi nước của tất cả các Đức Phật đều thanh tịnh, trang nghiêm.

2. Pháp môn làm cho tất cả chúng sanh niệm Phật, vì tuỳ theo sở thích của tâm chúng sanh đều làm cho họ thấy Phật, tâm họ được thanh tịnh.

3. Pháp môn làm cho chúng sanh an trụ nơi niệm Phật, làm cho họ nhập vào thập lực của Như Lai.

4. Pháp môn làm cho chúng sanh an trụ nơi pháp niệm Phật, vì họ thấy được vô lượng Phật, nghe được pháp vi diệu.

5. Pháp môn niệm Phật chiếu sáng rực rỡ khắp các phương, vì chúng sanh niệm Phật thấy cõi Phật trong tất cả thế giới đều rộng lớn như biển cả, bình đẳng không sai biệt.

6. Pháp môn niệm Phật là pháp nhập vào chỗ không thể thấy, vì chúng sanh niệm Phật thấy các việc thần thông tự tại của các Đức Phật trong tất cả cảnh giới vi tế.

7. Pháp môn niệm Phật trụ vào các kiếp, vì tất cả kiếp chúng sanh niệm Phật thường thấy các việc làm của Như Lai không ngừng nghỉ.

8. Pháp môn niệm Phật trụ tất cả thời gian, chúng sanh niệm Phật thường thấy Như Lai thân cận ở chung, không hề xa cách.

9. Pháp môn niệm Phật trụ ở tất cả cõi, vì tất cả cõi nước, chúng sanh niệm Phật đều thấy thân Phật vượt trội hết thảy.

10. Pháp môn niệm Phật trụ vào tất cả đời, vì tuỳ theo điều ưa thích của tâm chúng sanh mà họ thấy khắp cả các Đức Như Lai trong ba đời.

11. Pháp môn niệm Phật trụ tất cả cảnh giới, vì trong tất cả cảnh giới, chúng sanh niệm Phật đều thấy các đức Như Lai lần lượt xuất hiện.

12. Pháp môn niệm Phật trụ vào chỗ tịch diệt, vì trong một niệm, chúng sanh niệm Phật thấy tất cả cõi, tất cả Đức Phật thị hiện Niết Bàn.

13. Pháp môn niệm Phật trụ vào xa lìa, vì ở trong một niệm, chúng sanh niệm Phật thấy tất cả Đức Phật từ chỗ trụ của Ngài rồi ra đi.

14. Pháp môn niệm Phật trụ vào chỗ quảng đại, vì tâm của chúng sanh niệm Phật thường quán sát thân Phật nào cũng đều đầy khắp hư không pháp giới.

15. Pháp môn niệm Phật trụ vào vi tế, vì ở đâu một mảy lông có Đức Như Lai xuất hiện, không thể nói hết, chúng sanh niệm Phật đều đến chỗ ấy để phụng sự.

16. Pháp môn niệm Phật trụ vào cảnh giới trang nghiêm, vì ở trong một niệm, chúng sanh niệm Phật thấy tất cả cõi đều có các Đức Phật thành tựu tuệ giác vô thượng hiển hiện thần thông.

17. Pháp môn niệm Phật an trụ nơi Phật sự, vì chúng sanh niệm Phật thấy tất cả Phật xuất hiện ở thế gian, phóng ánh sáng trí tuệ, chuyển pháp luân.

18. Pháp môn niệm Phật trụ vào tâm tự tại, vì tuỳ theo điều ưa thích của chúng sanh mà tất cả Đức Phật thị hiện các thứ thần thông.

19. Pháp môn niệm Phật trụ vào tự nghiệp, vì biết tuỳ theo nghiệp chúng sanh đã tích tập mà Phật hiện thân khiến họ được giác ngộ.

20. Pháp môn niệm Phật trụ vào thần thông, vì chúng sanh niệm Phật thấy Phật ngồi trên hoa sen rộng lớn, nở xoè trùm khắp pháp giới.

21. Pháp môn niệm Phật trụ vào hư không, vì chúng sanh niệm Phật quán sát Như Lai có thân như vầng mây để trang nghiêm pháp giới hư không giới. (Tây Phương Hiệp Luận, bản dịch Thích Trí Thông, trang 78-80).

Nhằm để phổ cập sâu rộng pháp môn tu niệm Phật vào trong quảng đại quần chúng Trung Hoa thời bấy giờ, Cư Sĩ Viên Hoành Đạo lại nói tiếp về pháp tu niệm Phật của Bồ Tát nghiên cứu trích từ trong Kinh Tịnh Danh như sau:

“Nầy Bảo Tích! Tâm ngay thẳng là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh không tâm dối trá đượ sanh về nước kia”.

- Tâm thâm sâu là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh công đức viên mãn sanh về nước kia.

- Tâm Bồ Đề là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh tu pháp đại thừa được sanh về nước kia.

- Bố thí là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh có thể xả bỏ tất cả được sanh về nước kia.

- Giữ giới là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh tu tập mười nghiệp lành được sanh về nước kia.

- Nhẫn nhục là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh ba mươi hai tướng trang nghiêm được sanh về nước kia.

- Tinh tiến là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh siêng tu tất cả công đức được sanh về nước kia.

- Thiền định là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh tâm không loạn động được sanh về nước kia.

- Trí tuệ là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành phật, chúng sanh chánh định được sanh về nước kia.

- Bốn tâm vô lượng là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh thành tựu từ bi hỷ xả được sanh về nước kia.

- Tứ nhiếp pháp là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh thuộc về giải thoát được sanh về nước kia.

- Phương tiện là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành phật, chúng sanh có phương tiện vô ngại đối với tất cả pháp được sanh về nước kia.

- Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh có bốn niệm xứ, có bốn chánh cần, có bốn thần túc, có năm căn, có năm lực, có bảy tuệ giác, có tám đường chánh được sanh về nước kia.

- Tâm hồi hướng là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, thì được cõi nước đầy đủ tất cả công đức.

- Khéo nói để loại bỏ tám tai nạn là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, cõi nước khôn có ba đường dữ, tám tai nạn.

- Tự giữ giới hạnh, không nói lỗi người là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, cõi nước không có danh từ phạm giới.

- Mười nghiệp lành là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh không chết yểu lại rất giàu có, đủ phạm hạnh, nói thành thật nói hoà nhã, quyền thuộc không lìa nhau, khéo hoà giải người thưa kiện, nói hữu ích, không ganh ghét, không giận dữ, chánh kiến, được sanh về nước kia (Tây Phương Hiệp Luận, bản dịch Thích Trí Thông, trang 81-83).

Chuyên tu sâu vào pháp môn niệm Phật, chúng ta mới thấy được pháp môn tu là tối thắng thượng của các Đức Như Lai, không như những hạng phàm phu lòng trần còn mãnh liệt, ham thích lợi danh, bon chen từ lời nói, việc làm, tranh lần từ quyền thế đến tiền bạc… mà lại đi đánh giá chê bai pháp môn niệm Phật; thấy người tu niệm Phật thì tìm cách vu khống cho là tu theo tà kiến, mê tín dị đoan! Chỉ có những hạng ngu phu ngu phụ mới xem thường pháp môn niệm Phật, vì họ có tu bao giờ đâu mà rõ; chỉ có điều tâm họ không an, vọng niệm dẫy đầy, không rảnh rang mà thực hành tu niệm, ít nhất cũng làm gương cho đoàn hậu tấn! Những người có tánh hay chê khen, chê người khen mình, thường là chẳng có quan đến việc tụng niệm công phu công quả gì cả, chỉ làm tổn hao tiền của đàn na tín thí, uổng phí công sức Tổ Thầy của họ mà thôi!

Vào năm 1971, lúc bấy giờ có chư Tăng Khất Sĩ thường xuyên đến học Phật Pháp với Đức Tôn Sư Mẫu Trầu, có cả chư Tăng Ni của Sư Trưởng Thiền Đức, Đức Tôn Sư có bài thuyết giảng về pháp môn niệm Phật cho chư Tăng Ni, Phật Tử tại Tịnh Xá Thắng Liên Hoa. Sau thời thuyết giảng có lưu ký lại một số Phật sự quan trọng cho chư Tăng Ni trên bước đường hoằng hoá pháp môn:

- Quyết định thứ nhất: Non Bồng Tịnh Độ Chánh Tông, pháp môn niệm Phật kể từ ngày nay đến vô lượng nghìn thu vị lai bất thối chuyển.

- Quyết định thứ hai: Thủ trì kinh Đại Thừa Đại Tạng của Phật Tổ Như Lai bất thối chuyển, vô lượng nghìn thu bất thối chuyển. Kinh Đại Thừa của Từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết tại xứ Ấn Độ cách đây 2515 (tính từ năm 1971).

- Quyết định thứ ba: Non Bồng thủ trì thần chú Đại Bi của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát vô lượng nghìn thu bất thối chuyển. Kể từ ngày hôm hay đến vô lượng nghìn kiếp vị lai bất thối chuyển.

- Quyết định thứ tư: Phạm hạnh, Tịnh hạnh, Bồ Tát hạnh, thủ trì cội Bồ Đề bất thối chuyển, năng tác Phật sự, năng hành pháp lục độ bất thối chuyển, đời đời kiếp kiếp bất thối chuyển.

- Quyết định thứ năm: Chín tuổi đạo trọn lành, trường chay niệm Phật, hoặc tại gia, hoặc ly gia, mới được quy y Tam Bảo. Không phạm năm tội ngũ nghịch. Ly gia mười tám tuổi đạo trọn lành mới được thọ giới Sa Di (không được phạm năm tội ngũ nghịch) không được phạm giới cấm. Ly gia hai mươi bảy tuổi đạo trọn lành (không được phạm năm tội ngũ nghịch), không phạm thập giới, mới được thọ Cụ Túc giới Tỳ Kheo.

- Quyết định thứ sáu: của Non Bồng Y Bát Đầu Đà, khất thực lập hạnh giải thoát là duy nhất của Non Bồng. Phạm hạnh trang nghiêm là tối thượng của Non Bồng, Bồ Tát hạnh, Bồ Tát đạo, Bồ Tát giới, Bồ Tát tánh là cốt tỷ của Non Bồng.

- Quyết định thứ bảy: Tín, Hạnh, Nguyện Thệ và Nguyện Hải của Như Lai, bổn hạnh nguyện của thập phương Bồ Tát là nền tảng giáo lý Tịnh Độ Non Bồng vô lượng nghìn thu bất thối chuyển.

Ngày mùng Hai, tháng Năm, năm Tân Hợi, 1971.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Tịnh Độ Tông Triều Đại Nhà Minh - Tây Phương Hiệp Luận”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com