Mục Lục
Nguyên tác: Pháp sư Khoan Tịnh
Lược thuật: Lưu Thế Khoa
Việt dịch: Hữu Từ, Tâm Hảo
QUAN ÂM TU VIỆN LƯU HÀNH NỘI BỘ
LỜI GIỚI THIỆU
Trong Luận Tỳ-Bà-Sa của Ngài Long-Thọ Bồ-Tát có lời xưng tán Phật A-Di-Ðà đại lược như vầy:
Nếu ai nguyện làm Phật
Tâm niệm A-Di-Ðà
Phật liền hiện thân đến
Cho nên tôi quy mạng
Do bổn nguyện của Phật
Nên thập phương Bồ-Tát
Ðến cúng dường nghe pháp
Vì thế tôi cúi đầu
Bồ-Tát ở Cực-Lạc
Thân xinh đẹp trang nghiêm
Ðủ cả các tướng hảo
Nay tôi quy mạng lễ
Bồ-Tát ở Cực-Lạc
Ngày ngày trong ba thời
Cúng dường thập phương Phật
Nên tôi cúi đầu lạy.
Nếu người trồng căn lành
Nghi thời hoa không nở
Người tín tâm thanh tịnh
Thời hoa nở thấy Phật.
Hiện tại thập phương Phật
Vì muốn độ chúng sanh
Mà ca tụng Di-Ðà
Nên tôi quy mạng lễ.
Cõi đó rất trang nghiêm
Thanh tịnh hơn Thiên cung
Công đức rất sâu dày
Nên tôi lạy chơn Phật.
Bài kệ này thắp sáng lên niềm tin cõi tịnh độ và cũng xưng tán công đức bổn nguyện của Phật A Di Ðà để cho chúng ta thấy bổn nguyện lực của Từ phụ A Di Ðà, Bồ Tát, Thánh chúng cõi Tây phương, cảnh giới trang nghiêm diệu mầu của cõi Cực Lạc. Nếu ai là liên hữu tu Tịnh độ sẽ thấy không pháp môn nào dễ tu dễ chứng và mau thành Phật bằng pháp môn niệm Phật.
Nên Ðức Ðại Thế Chí trong Pháp Hội Thủ Lăng Nghiêm đã dạy: "Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tiền cùng đương lai quyết định thấy Phật, gần Phật". Bồ Tát nói: "Phật thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con". Cảm động thay! Chúng ta nên thiết tha nhớ Phật và chí tâm niệm Phật để khỏi phụ lòng nhớ thương của Phật.
Trong Tống-Cao-Tăng Truyện Phật Tổ Thống Ký, Ðức Quán-Thế-Âm Bồ Tát hiển Thánh dạy Ngài Huệ Nhựt như vầy: "Ông muốn truyền pháp để độ mình, độ người thì nên chuyên niệm TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI A DI ÐÀ PHẬT và phát nguyện vãng sanh, lúc về Cực Lạc thấy Phật và Ta thời được lợi ích lớn, Ông nên biết rằng Tịnh độ pháp môn hơn tất cả các hạnh khác".
Ðức Văn Thù Bồ Tát cũng dạy: "Các môn tu hành, không môn nào qua môn niệm Phật cả. Niệm Phật là vua trong các pháp môn".
Ngài Ấn Quang Ðại Sư cũng nói: "Cửu giới chúng sanh rời pháp môn này thời chẳng thể viên thành Phật quả. Thập phương chư Phật bỏ pháp môn này quyết không thể độ khắp quần sanh".
Pháp môn tu Tịnh độ là pháp môn siêu thắng của Ðức Như Lai, mà Từ Phụ Thích Ca đã gọi Ngài Xá Lợi Phất để tuyên bày cảnh giới Tây phương Cực Lạc, cũng vừa là dạy Ngài Xá Lợi Phất, hàng môn đệ tại tiền và để lại một pháp môn phương tiện để tu, để chứng cho tất cả chúng sanh sau này nương theo nguyện lực của Phật tu hạnh thù thắng niệm Phật để được vãng sanh.
Ôi! Công đức sâu dày của đấng Ðại Bi Hùng Lực đã làm sáng chói hiện tiền cho môn đệ tu hành chứng đắc không biết bao nhiêu quả Bồ Tát thánh thiện siêu nhân, lại còn hoài bão thương nhớ chúng sanh thấp hèn chìm đắm trong bể khổ sông mê nên mở ra cửa pháp Tịnh độ. Nếu người tin sâu lập nguyện, lập hạnh tu hành chín chắn thì được vãng sanh về nước An Lạc không còn chịu tất cả những sự thống khổ của cõi Ta Bà.
Lành thay! Quý hóa thay! Pháp môn Tịnh Ðộ! Pháp môn này không dành riêng cho tất cả chúng sanh ở trình độ căn bản cơ thấp hèn mà Phật, Bồ Tát, các Ðại Sĩ, chư Tôn đều ca tụng khen ngợi là pháp môn thù thắng của Như Lai. Từ ngàn xưa đã có biết bao nhiêu vị tu được vãng sanh có chứng tích rõ ràng, cả xuất gia và tại gia. Pháp môn này nếu ai nguyện làm Phật, tâm niệm A Di Ðà, Phật liền hiện thân đến.
Thập phương chư Phật, vì muốn độ chúng sanh mà ca tụng A Di Ðà. Hiện nay gần nhất là Ngài Pháp Sư Khoan Tịnh, Ngài đã tu thiền, niệm Phật và may mắn được Bồ Tát Quan Âm hiện đến tiếp độ thần du các cảnh giới Tam Thánh Tây Phương rồi về (từ 25-10 âm lịch 1967 và trở lại nhân gian 08-04 âm lịch 1973). Ngài đã thuyết giảng tại núi Nam Hải Phổ Ðà (Tân Gia Ba) tháng 04-1987. Cư sĩ Lưu Thế Hoa ghi chép lại những lời khẩu thuật này thành tập "TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI DU KÝ" bằng chữ Hán, Phật tử Hữu Từ và Tâm Hảo đã dịch ra quốc ngữ.
Với tâm tu tịnh độ, tôi nghiên cứu đọc qua thấy có phần lợi ích cho các liên hữu tu tịnh độ. Cũng như thả thuyền ra khơi mà được thuận buồm xuôi gió thì thuyền sẽ đến nơi được an ổn. Người tu pháp môn niệm Phật được duyên may đọc tập truyện này sẽ thấy phấn khởi, duyên tu thêm tinh tấn, tín niệm được kiên cố, hạnh nguyện sớm được viên mãn trên bước đường về Lạc Quốc.
Cho nên Ngài Cổ Khê Thiền sư cũng nói lên lời kệ khuyến khích:
Ðường tu mười vạn một đầu lòng
Ai gọi trời Tây lộ viễn vông
Cảnh Phật chung ngoài tâm thấy được
Chơn dung nơi định vẫn thường trông.
Ngài Tây Trai cư sĩ cũng đã nhắn nhủ đôi dòng kệ:
Sớm về an dưỡng mà ngơi nghỉ
Ðừng đối Ta Bà luận có không
Lửa nghiệp khi lừng dùng nước định
Niệm trần lúc khởi gắng ra công
Nén hương thiêng lễ ba ngàn Phật
Xâu chuỗi cần chuyên một tấc lòng
Xót cảnh mẹ già trông tựa cửa
Hững hờ du tử chạy tây đông
Ôi! Mặc ai lưu luyến lối hiểm sơn khê
Trăng gió cố hương vẫn chờ người viễn khách.
Vậy các liên hữu còn chần chờ chi mà không tín, hạnh, nguyện, tinh tấn niệm Phật.
Ðây cũng bài kệ xưng tán Ðức Phật A Di Ðà mà Ngài Long Thọ Tôn Giả cũng nói và diễn rõ các giới tánh, cảnh giới Cực Lạc như thế này:
Nếu người muốn biết rõ
Chư Phật trong ba đời
Nên quán pháp giới tánh
Tất cả duy tâm tạo.
Ngài ví dụ người tu Tịnh độ như một kẻ họa sư kia do một tâm chuyển biến, không lìa nơi ngòi bút mà tạo thành cung Bảo Vương nơi Cực Lạc. Ôi! Thanh tịnh nhiệm mầu huyền diệu thay nếu có duyên niệm Phật, do một niệm lành kia sẽ được ngôi bất thối. Thật là đường muôn ức không xa, ngay đây niệm Phật là đầy đủ.
Nguyện tất cả những ai được đọc và nghe thấy quyển "TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC DU KÝ" nầy đều được công đức hồi hướng Tây Phương Trang Nghiêm Tịnh Ðộ, Ðệ tử và chúng sanh về nước An-Dưỡng.
NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT
Mùa An Cư năm Tân Mùi 1991
QUAN ÂM TU VIỆN
Thành ý kính đề
Ni sư HUỆ GIÁC