Chúng sanh trong Hạ Phẩm Hạ Sanh là những chúng sanh được đới nghiệp vãng sanh do nhất tâm niệm Phật cầu sanh tịnh độ. Thế nào gọi là đới nghiệp vãng sanh? Do ngày trước ở trong thế giới Ta Bà, những chúng sanh nầy, từng tạo ra vô số nghiệp ác như: sát sanh, trộm cắp, phỉ báng, dối gạt, hảm hại, tà dâm, nói thêu dệt v.v... nói về hành vi những người nầy lẽ ra không thể vãng sanh được; nhưng ở ngày sắp chết ấy, gặp được thiện tri thức dạy bảo niệm Phật cầu vãng sanh tịnh độ, do tâm bất loạn, niệm Phật liên tục trong phút cuối, lại được nguyện lực của Ðức Phật A Di Ðà gia bị cho, nên được tiếp dẫn đến Tây Phương Cực Lạc, hóa sanh trong ao sen của Hạ phẩm Hạ sanh. 

Nhưng mà trong chín phẩm hoa sen ấy, nếu muốn tu tiến từ phẩm thấp nhất là Hạ phẩm Hạ sanh đến phẩm cao nhất là Thượng phẩm Thượng sanh cần thời gian là 12 kiếp trên ấy, một kiếp trên ấy bằng 16.798.000 năm dưới nầy, muốn vượt thêm để thành Phật cần 21.576.000 năm dài. Thế mà, nếu ta nhất quyết chịu khó tu trì ở Ta Bà nầy, chỉ cần vài ba năm hay năm, bảy năm đã có thể ở Trung phẩm hay Thượng phẩm rồi; hoặc giả ráng tu hết kiếp có thể thành Phật đạo, do đó chúng ta cần biết quý cái "thân người khó đặng, nay đã đặng" để cần khổ tu hành, thì nhiều triển vọng thành Phật hơn ở bất cứ cảnh giới nào mới tu trì như gương của Ngài Ấn Quang Pháp Sư hay Hoằng Nhất Pháp Sư chẳng hạng, đang ở Thượng Sanh Thượng Phẩm vậy. 

Nhưng mà, nói qua cũng cần nói lại, chúng sanh ở thế giới Ta Bà nầy lại có rất nhiều loại khổ tâm, khó mà tránh nổi. Khổ tâm về cuộc sống, về sự già, bệnh, chết chóc, về oán ghét mà cứ gặp, về yêu thích mà cứ xa, về ngủ ấm dấy loạn, về ước mơ không đạt... Còn ở Thế Giới Cực Lạc, dẫu ở bậc thấp nhất là Hạ Phẩm Hạ Sanh thì cũng chỉ có an lạc mà không có khổ tâm, tuy cần 12 kiếp để đạt thành chánh quả, nhưng tuần tự từng bước, có bảo chứng rõ rệt không bị thoái chuyển để rớt xuống tam ác đạo, tứ ác thú, suốt quá trình tu tập vững như bàn thạch ở trong cảnh cực lạc mà trôi qua.

Hoa sen ở Hạ Sanh Hạ Phẩm, không giống hoa sen ở thế gian chúng ta, nó lớn cỡ 3 dặm đến 4 dặm, nó cao 3 đến 4 tầng lầu, hoa sen nào cũng phát hào quang, nếu mà chúng sanh trong hoa sen ấy khởi vọng tưởng các loại thì ánh sắc của hoa sẽ u trầm ảm đạm, nếu nội tâm thanh tịnh thì hoa sen sẽ rừng rực chiếu sáng. Bồ Tát Quán Âm nói: "Chúng sanh từ nhiều đời nay, tạo vô lượng những nghiệp không giống nhau, cho nên sau khi đới nghiệp vãng sanh, cách phản ánh vọng nghiệp cũng khác nhau, người trong Hạ Phẩm Hạ Sanh, nghiệp chướng tương đối nhiều, vì có sự khác biệt về nặng nhẹ, ít nhiều của nghiệp mang theo, nên trong các hoa sen ở Hạ Phẩm cũng chia làm ba bậc: Thượng, Trung, Hạ; phần nhiều là những loại ân tình luyến ái khó quên, như cha mẹ, anh em, chị em, bạn bè v.v... và cả ước mơ nào phú về vật chất mỗi mỗi đều phản ánh ra, cũng như ở thế gian chiêm bao vậy.Giờ đây tôi đưa ông đi xem tình hình thực tế của một phản ảnh vọng nghiệp ở nơi đây nhá!" 

Bồ Tát dẫn tôi qua mấy ngã quẹo, đến một đoá sen tương đối ảm đạm tối, lúc đến gần thì thấy một tòa lâu đài, phòng ốc đẹp lớn hơn cung vua, vườn hoa vô cùng tráng lệ, trong nhà bày biện những vật cổ quý giá, tất cả bố trí trang nhã, cỡ như nhà tể tướng sang quý nhất vậy, trong ấy trai gái già trẻ mười người, quần áo giống ở thế gian ta, mấy người ra ra vào vào rất là nhộn nhịp như đang sửa soạn đãi đằng gì vậy. Tôi hỏi Bồ Tát Quán Âm: "Thưa Bồ Tát, tại sao trong Thế Giới Cực Lạc lại có cảnh sống như thế gian vậy?" Ngài trả lời: "Cảnh nầy là của một người lúc lâm chung ở Ta Bà rất là thanh tịnh, đới vãng sanh, nhưng những tánh thói của nghiệp vọng nhiều đời nhiều kiếp dầy đặc, chưa dứt hết hồng trần, nên một khi về nghỉ ở hoa sen hay đánh giấc mơ về dĩ vãng, những là ân tình cha mẹ, vợ con, người yêu, anh em, chị em, dâu cháu, quyến thuộc v.v... mà hễ vọng khởi thì hiển hiện ra ngay. Ở đây chỉ có an lạc mà không có khổ, dẫu là khổ cầu bất đắc. 

Cho nên khi vọng nhớ đến cha mẹ, cha mẹ hiện đến; nhớ nhà lầu cung son, đều hiện đến, muốn ăn món sơn hào hải vị, đều hiện đến ngay. Khi tỉnh lại, tất chẳng có món nào, đấy là cảnh phản ảnh của chiêm bao của thế gian vậy, chỉ là một thực sắc giả hiện, ngay khi ấy những thân nhân có hình ảnh hiện ra nếu còn sống đang ở thế gian cũng không hề hay biết". Lời của Bồ Tát khiến ta tỉnh thức, kỳ thực, cuộc sống ở thế gian nầy há chẳng giống một giấc mơ lớn hay sao? Ðua chen đã đời khi xuôi tay, tạ thế thì chẳng có món nào đem theo được, cho dù có khôn khéo dành dụm được vô vàn của báu, lúc cuối cùng cũng đành về với cái không ban đầu.

Bồ Tát Quán Âm còn cho biết: "Ðúng ra người đới nghiệp vãng sanh đến đây thì vọng tưởng còn nhiều hơn người thế gian, bởi ở thế gian là dạng vật chất, cách ngăn rất nhiều, vọng tưởng nầy được dựng lên thì che lấp vọng tưởng trước, nên cái nầy sinh làm cái trước diệt, sinh diệt liên tục làm luôn luôn không bỏ, không thỏa các ước mơ to lớn, nên hay có cái than vãn cầu bất đắc khổ; mà ở Cực Lạc Thế Giới thì khác, chỉ cần tưởng cái gì, thì cái đó trình diện ra ngay, cho hưởng dụng tối đa, bởi nơi đó tinh chất thuộc hư không, trải đầy pháp giới; còn ở cõi Trời lại là thần chất, tuy vậy vật chất do thần lực ngũ thông hiển hiện, nhưng cũng có lúc cầu không được, mà thế gian thuộc vật chất là ngàn trùng ngăn cách, cái cầu mong khó mà hiện thực được".

Tôi lại hỏi Bồ Tát: "Vọng cảnh (tức mộng) với thực cảnh thanh tịnh của Như Lai khác nhau chỗ nào?" Ngài dạy rằng: "Thực cảnh là còn mãi không mất, vĩnh viễn phóng ra muôn đạo ánh sáng, còn vọng cảnh thuộc về vô thường không thể phóng ra bất kỳ ánh sáng nào cả, mà cũng không có gì bền chắc; đến khi thức tỉnh ra rồi, không còn thấy gì tồn tại. Chúng sanh trong thế giới Ta Bà không biết hối tiếc tinh lực của cuộc đời, phung phí trong việc tranh dành đoạt lợi tạm bợ, đấu đá cho đến chín sống mười chết, rốt cuộc lại buông hơi tắt thở, chẳng vác được theo cái gì mà mình mất công trăm cay ngàn đắng để dành lấy được, thần thức lại bị đọa vào luân hồi lục đạo, trôi theo sanh tử, nương nghiệp báo mà nếm đủ chua, cay, đắng, chát. Bởi vậy, muốn thoát ra khỏi biển khổ, cần sớm thức tỉnh, dừng chân ác nghiệp".

Bồ Tát bảo căn nhà nầy là của người Phổ Ðiền tỉnh Phước Kiến, đồng hương với tôi được đới nghiệp vãng sanh. Bồ Tát bảo tôi vào nhà xem thử. Tôi gõ cửa vào nhà, nhà đang bày tiệc, có chừng sáu bảy chục người đang say mê chè chén, trên bàn đầy dẫy những món trân quý, có một ông già chừng 70 tuổi ra tiếp tôi dáng hào phóng, có thể là chủ nhà, ông ta hỏi: "Mời ông vào tiệc, ông ở đâu đến đây?" Tôi trả lời: "Tôi là người đồng hương với ông, tôi đến từ Phổ Ðiền tỉnh Phước Kiến". Ông ta nghe nói đến đồng hương là hớn hở ra mặt. "Ồ! Thế thì hay quá, quý hóa quá, mời vô". Tôi hỏi: "Ông đang ăn mừng việc gì vậy?" Ông cười cười hỏi lại: "Ông làm sao mà đến đây được vậy?" Tôi đưa tay chỉ ra ngoài cửa nói: "Do Bồ Tát Quan Âm dẫn tôi đến đây tham quan các chỗ rồi về". Tôi vừa nói xong câu ấy, tất cả cảnh vật ở đây đột ngột biến mất, ông già ấy vừa nghe Thánh hiệu Quan Âm liền rùng mình một cái, lộ vẻ bẽn lẻn sám hối, trước mắt tôi cảnh ồn ào chè chén của sáu bảy chục người lúc nãy trong căn nhà bày biện lộng lẫy giờ đây tan biến đâu hết, mà hiện lại là một đóa hoa sen, trên ấy có cô bé 13, 14 tuổi trong vắt, trong hào quang niệm Phật đẹp vô cùng.

Sau đó ông ta kể: "Tôi người thôn Ða Ðầu, Hàm Giang thuộc Phổ Ðiền của tỉnh Phước Kiến, tên là Lâm Ðạo Nhất, nhà giàu có, thuộc gia đình danh vọng trong thôn, ngày lâm chung được Thiện Tri Thức chỉ dẫn mười niệm vãng sanh, cái mà tôi xấu hổ nhất là nghiệp chướng vọng tưởng quá nhiều, không thể trừ hết, ân tình khó dứt, nên ưa nghĩ bậy bạ, hiện ra đủ thứ vọng cảnh, Bồ Tát Quan Âm từng gọi tôi lên hai lần dạy dỗ, bảo tôi sửa sai, thế mà tật cũ tôi cứ vướng phải, sửa chữa không được, tôi có đứa cháu tên là A Vương đang ở Tân Gia Ba, ông nói giùm với con tôi là tôi vãng sanh tịnh độ Tây Phương rồi.

Bồ Tát Quan Âm thường khuyên nhủ những người đới nghiệp vãng sanh nầy nên thường đến tắm trong nước Bát Công Ðức Thủy để rửa đi vọng tưởng trong lòng, cho mình trở về được thanh tịnh ban đầu, hiện ra bản lai diện mục của mình.

Tôi lại được dẫn đến một thung lũng hẹp giữa hai bờ vách cao, tôi được mục kích một hiện tượng lạ, một cô bé chừng hai mươi tuổi ngồi khóc rống thê thảm, tôi ngơ ngác nghĩ: "Thế giới Cực Lạc không hề có sự khổ tâm mà sao lại có cô gái khóc lóc thảm thương vậy nhỉ?" Bồ Tát như hiểu ý tôi, bảo tôi tới đó xem. Tôi bèn đến bên cô gái, chấp tay hỏi: "Nguyên cớ đâu lại khóc sướt mướt vậy?" Cô bé ngước nhìn thấy tôi, không những không khóc nữa mà cười xòa nói với tôi: "Dạ thưa không có chi, mà chỉ vì tâm linh vọng nhớ bậy bạ thôi". Nói rồi, cô chuyển mình thành bé gái 13, 14 tuổi thân trong vắt ngồi ngay ngắn chắp tay trên đóa hoa sen tỏa chiếu ánh hào quang. Cảnh thung lũng với vách núi cao khi nảy biến mất, cô bé mĩm cười nói với tôi: "Cháu người Thuận Xương tỉnh Phước Kiến, năm 1960 cháu 21 tuổi, gia đình ép gã chồng, cháu cương quyết xuất gia học Phật, gia đình không cho, bức bách quá cháu nhảy xuống vực như nãy ông thấy đó để tự sát, việc này vốn trong thập ác tử, không được siêu sanh, nhưng Bồ Tát Quán Âm vì thương cảm cháu một lòng một dạ vững quy y đầu Phật tiếp dẫn đến chốn nầy, vì cháu mới đến không lâu nên vọng nghiệp chưa dứt trừ, do đó thỉnh thoảng không kìm chế được nỗi kinh hoàng khi té chết, dễ bị phản ánh ra ngoài, hiện tượng nầy giống như thế gian gặp ác mộng, thường hiện ra cảnh giới hãi hùng. Dù được Bồ Tát Quan Âm thuyết pháp dạy bảo nhưng cháu vẫn chưa gọt sạch được". Tôi nhắc khéo cô bé: "Cô coi, đứng bên tôi không phải là Bồ Tát Quan Âm sao?" Cô nhìn lại, vội vã quỳ xuống đảnh lễ Bồ Tát. Bồ Tát chỉ dạy cô ta, dặn cô bé hãy xuống ao nước Bát Công Ðức sẽ dần hồi tiêu trừ những nghiệp chướng nầy.

Trong ao sen nầy, tôi lại thấy một số sen cũng toả sáng, một số sen lại úa héo ảm đạm và lụn tàn, tôi thấy lạ bèn hỏi Bồ Tát, Ngài trả lời: "Một đóa sen tàn héo là bởi có người thoạt đầu tin Phật, niệm Phật tinh tấn lắm nên đã gieo vào ao sen, mầm nẩy hoa cũng đẹp sáng, nhưng siêng sắn ít lâu đã uể ỏi, giải đãi tâm ban đầu, không những không niệm Phật mà còn gây tội nghiệp thập ác, do đó thiện căn tuy nó thành hoa sen nhưng cũng úa héo gãy tàn đi, ông xem đây, hoa sen kia là của một ông người Giang Tây, lúc đầu quy niệm Phật, sau đó được ra làm quan chẳng niệm Phật nữa, mà mở sòng chứa làm chuyện thập ác, bị chính phủ phán xử án tử hình, cho nên hoa sen bị héo gãy luôn. Còn một đóa nầy nữa, quy y niệm Phật được ba năm, hoa nọ coi kha khá, rồi gặp dịp làm ăn lớn cật lực hốt của phi nghĩa, cuối cùng bị phá sản, hết đường tính kế, tự sát chết, phạm thập ác là không được vãng sanh mới khiến hoa sen ông ấy tàn lụn vậy đó".

Tôi lại hỏi Bồ Tát: "Thưa Bồ Tát, Thường Lương Pháp Sư tại tiền có nói với con là 'niệm một câu Phật diệt hằng sa tội', người ấy niệm Phật những ba năm, sao mà chẳng có công quả gì vậy?" Ngài bảo: "Câu ấy là chỉ cho kẻ nương đời tạo ác, sau nghe thiện tri thức khuyên mới hồi tâm hướng thiện, sám hối lỗi xưa, thề không phạm nữa, thật lòng bỏ ác làm lành, niệm Phật một câu các tội tiêu sạch, tiếp tục không ngừng niệm Phật, chết đi vãng sanh Lạc Quốc, dẫu đới nghiệp vãng sanh cũng quyết không thoái chuyển, sau rốt thành Phật".

Bồ Tát ngưng một hồi rồi nói tiếp: "Nhưng cũng có người trên môi niệm Phật, lòng như rít rắn, âm thầm hại người, tác ác gian phi, ấy vẫn hành vi thập ác không vãng sanh được, chỉ có gieo được chút ít căn lành, thế nhưng nếu người ấy một mai thức tỉnh, sửa sai làm lành, niệm Phật sám hối, hoa sen ấy lại vươn lên sáng đẹp như thường".

Ðang nói, tôi đột nhiên gặp ni cô ngoài 30 tuổi, tiến về tôi reo mừng, tôi nhìn kỹ thì ra ni sư Pháp Bổn trụ trì của Dân Am, núi Vân Cư, tỉnh Giang Tây. "A! Khoan Tịnh Sư Huynh đã đến rồi, hoan nghênh, hoan nghênh..." Tôi hỏi cô: "Cô vãng sanh lúc nào? Sao tôi không biết?" Cô ấy bảo: "Năm 1971, tại vì không chịu hoàn tục, bị ép quá tôi nhảy sông tự sát, lẽ ra phạm sát nghiệp (thập ác) là không được vãng sanh, nhưng Ðức Phật mở lượng từ bi thương cho thân nữ chưa nhiễm hồng trần, nhất tâm niệm Phật, nên tiếp dẫn cho vãng sanh đến đây, cũng chưa được bao lâu". Tôi lại hỏi: "Vãng sanh Hạ Phẩm tất cả dáng dấp 13, 14 tuổi, sao cô lại vẫn hiện tướng ni cô ngoài ba mươi tuổi vậy?" Cô trả lời: "Nghe sư huynh đến, muốn dễ dàng cho sư huynh nhận mặt mới dám phản ánh theo vọng nghiệp chút đỉnh, sư huynh về rồi, nhắn giùm sư huynh Khoan Trung hãy yên tâm mà tinh tấn tu hành, muội đã vãng sanh tịnh độ rồi".

Nguyên tác: Pháp sư Khoan Tịnh

Lược thuật: Lưu Thế Khoa

Việt dịch: Hữu Từ, Tâm Hảo




Có phản hồi đến “Cách Phản Ánh Vọng Nghiệp Của Chúng Sanh Trong Hạ Phẩm Hạ Sanh”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com