Ðột nhiên chuông reo, Bồ Tát Quan Âm nói: "Ðến giờ thuyết pháp rồi, tôi thấy tất cả bé gái lúc nãy chuyển mình thành bé trai cả, cũng 13, 14 tuổi thôi, nhưng dáng trai trẻ, mặt áo đỏ đai vàng óng, tóc để hai kết phía sau, đầu thân tay chân đều trong trắng thấu suốt. Cả hàng ngàn hàng vạn trẻ nhảy ra khỏi đài sen, cùng nhau xá lễ, nhạc trời ở đâu trỗi dậy du dương. Chim chóc các loại hòa lên niệm Phật, tiếp đó xuất hiện một vị Bồ Tát, toàn thân phóng ra ngàn muôn tia sáng đủ màu, toàn cảnh ấy đẹp đẽ vô cùng, Bồ Tát Quan Âm nói: "Vị nầy là Ðại Nhạo Thuyết Bồ Tát, hôm nay đến phiên Bồ Tát ấy trực tiếp thuyết pháp, trước hết Ngài hướng dẫn chúng sanh ở đây đi đảnh lễ mười phương chư Phật, Thánh". 

Lúc ấy, rợp cả bầu trời, trãi xuống từng chùm từng chùm các loại hoa đủ màu tươi thắm, các bé trai ấy tuy hàng ngũ rất chỉnh tề đứng dậy dùng vạt áo của mình hứng đầy những hoa tuyệt diệu ấy, đi cúng dường mười phương chư Phật. Thoáng chốc như những tia sáng xẹt tủa ra rồi xẹt trở lại ngay ngắn hàng lối để vào nghe giảng, vô cùng nhanh và đẹp mắt.

Ở trong Hạ Phẩm Hạ Sanh có một nơi gọi là phòng thuyết pháp "NGỮ NGÔN ÐÀ LA NI". Ngữ ngôn Ðà La Ni có nghĩa là Bồ Tát thuyết pháp câu gì chẳng biết, nhưng đến tai của người nào đều đã chuyển ngữ thành tiếng bản ngữ của xứ người đó, chẳng cứ gì người Quảng Ðông, Phước Kiến, Bắc Kinh, Giang Tây, Hải Nam, Triều Châu, Nhật Bản, Triều Tiên, Pháp, Mỹ, Việt Nam, Liên Xô, Phi Châu v.v... cứ như là Bồ Tát đang thuyết pháp bằng tiếng nước mình vậy, chẳng cần thông dịch viên cũng trực tiếp nghe được, đó là cái ảo diệu, nhiệm mầu của ngữ ngôn Ðà La Ni.

Ở Hạ Phẩm Hạ Sanh lại có một tòa tháp rất cao gọi là Tịnh Quán Tháp, chúng sanh ở nơi nầy nếu muốn lên tầng cao nhất của tháp, hoặc từ đó xuống dưới, chỉ cần khởi tâm niệm là lên xuống tự nhiên, chẳng cần thang máy như ở thế gian nầy, thân thể của họ như đã nói đều trong suốt, không gì trở ngại, chẳng cứ lên xuống, ngay cả đi lại vượt vách tường vân vân cũng cứ bước là qua, không hề vướng mắc, thậm chí cả ngàn cả vạn người tụ vào một gian phòng cũng không hề đụng độ va chạm đến vướng chân nhau, bởi lẽ thân thể họ vốn không máu xương vật chất mà là một thể thấu suốt vô ngại.

Tịnh Quán Tháp vô cùng to lớn, ở trong ấy cái gì cũng có thể thấy được, có thể ảnh hiện ra cả những cảnh giới của mười phương thế giới, nó như ngay tại chỗ ấy.

Chẳng hạn muốn thấy trái đất của cõi Ta Bà đây, đưa mắt dõi theo chỉ chừng một hạt cát, nhìn mặt trời cũng vậy, chỉ lớn hơn tí ít, nhưng nếu muốn nhìn rõ cảnh của một vùng nào đó, như Châu Á chẳng hạn, thì cảnh ấy hiện lên lớn ra, muốn thấy Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc chẳng hạn hay thậm chí nhìn kỹ trong nhà nào ở đâu, sinh hoạt hiện giờ ra sao, đều hiện rõ vanh vách ra trước mắt, hay nói cách khác, chỉ cần nghĩ tới đâu, trong Tịnh Quán Tháp sẽ hiện rõ nơi ấy, việc ấy, cứ như đài thiên văn vũ trụ tinh vi nhất vậy.

Vãng sanh đến Hạ phẩm Trung Sanh, là những người ở Ta Bà hằng làm việc thiện, tích lũy phước đức, hoặc niệm Phật hồi hướng vãng sanh tịnh độ, với sự gia bị của Phật A Di Ðà liền được cảnh giới nầy.

Vãng sanh đến Hạ phẩm Thượng sanh là những người ở Ta Bà tiến bộ hơn một bậc nữa, hằng gìn ngũ giới, Bát quan trai giới, tích cực hành thiện, bố thí, tu trì tương đối nghiêm cấm, mới vãng sanh đến nơi nầy.

Tham quan sơ qua những nơi nầy, Bồ Tát dẫn tôi lên cao hơn một tầng nữa, đến Trung Phẩm để viếng thăm.

Nguyên tác: Pháp sư Khoan Tịnh

Lược thuật: Lưu Thế Khoa

Việt dịch: Hữu Từ, Tâm Hảo



Có phản hồi đến “Viếng Tháp Tịnh Quán Và Ngữ Ngôn Đà La Ni”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com