Mục Lục
(Ðem theo vọng nghiệp mà vãng sanh)
Chưa nói được mấy câu đã đến ao sen Hạ Phẩm rồi. Thoáng nhìn qua, đã thấy bãi đất bằng như bàn tay đều do cát vàng trải phủ kín, óng ánh vàng rực, trên bãi đất rộng mênh mông ấy có vô vàn các bé gái chừng 13, 14 tuổi, các bé ấy mặc cùng một loại áo màu lá mạ, váy màu hồng đào, đeo đai vàng óng. Mà lạ! Tất cả các đứa bé cùng cỡ tuổi, cùng chung một dáng dấp mặt mũi y như nhau. A! Thế ra Tây Phương Cực Lạc Thế Giới cũng có con gái nữa. Tôi bèn hỏi Bồ Tát Quán Âm: "Thưa Bồ Tát, nghe kinh Phật nói ở Thế Giới Cực Lạc không có sự phân biệt nam nữ, cớ sao ở đây lại có con gái nữa?"
Ngài trả lời: "Ðúng vậy, ở nơi đây không hề có sự phân biệt tướng nam tướng nữ, ông thử nhìn lại thân hình ông xem thì biết!" Tôi nhìn lại mới hết hồn, thì ra cũng có dáng dấp của bé gái 13, 14 tuổi, mặc áo váy y như các bé kia, mặt mũi chưa biết thế nào chứ tay chân bím tóc, đay áo, váy chẳng khác các nữ chúng ở đây tý nào. Tôi ngạc nhiên hỏi Bồ Tát: "Thưa Bồ Tát tại sao như thế này được?" Ngài bảo: "Ở đây có một vị Bồ Tát chủ trì, biến nam thì toàn bộ là nam, biến nữ thì toàn bộ là nữ, đều từng ấy tuổi, thực ra dẫu có biến nam hay nữ thì tất cả đều từng ấy tuổi, đều như nhau, đâu có sự phân biệt khác phái được, hơn nữa từ hoa sen hóa sanh ra là không có máu thịt mà một thể trong suốt, chỉ thay đổi ở dáng dấp ngoài thôi. Ông nhìn xem có phải vậy không?" Tôi nhìn lại thân thể mình đúng là trong vắt như pha lê chiếu sáng, không có xương thịt máu, móng tay chân.
Những người được vãng sanh đến ao Hạ Sanh Hạ Phẩm nầy đều đới nghiệp vãng sanh, không luận là trai, gái, già, trẻ sau khi từ hoa sen hoá sanh ra, nhất loạt biến thành bé 13, 14 tuổi, cùng một cách ngây thơ xinh đẹp như vậy. Tôi hỏi Bồ Tát Quán Âm: "Thưa Bồ Tát, tại sao người vãng sanh đến đây lại biến thành cùng một dáng dấp, lại cùng một độ tuổi vậy"? Ngài trả lời rằng: "Tại vì Phật tánh bình đẳng. Phật lực của A Di Ðà tiếp dẫn họ đến hóa sanh bằng hoa sen, tất cả đều được tiếp độ, tất cả đều được liên hoa hóa sanh, cho nên tất cả đều được đãi ngộ như nhau, không cứ là cụ ông cụ bà, trai tráng; sau khi từ hoa sen nở ra đồng loạt trở thành đứa bé mười mấy tuổi là nguyên lý ấy. Tướng mạo y như nhau, kháu khỉnh dễ thương y như nhau".
Sau khi được hoa sen hóa sanh ra trong ao Hạ Sanh Hạ Phẩm, mỗi ngày trong sáu thời có một thời là hội giảng kinh do một vị Bồ Tát chủ trì, khi đến giờ chuông pháp reo vang, người trong ao sen hoặc trong lầu các, nhất loạt biến thành nam hoặc biến thành nữ có một hình tướng nhất định, trang phục như nhau, toàn do Phật lực hoặc do Bồ Tát điều khiển. Những người trong Hạ Sanh Hạ Phẩm nầy ban ngày rời khỏi hoa sen ra ngoài chơi giỡn, hoặc ca hát, hoặc nhảy múa, hoặc lễ bái, hoặc niệm Phật, hoặc tụng kinh và tất cả hoạt động theo ý thích.
Ðến giờ nghỉ ngơi buổi chiều tối thì mỗi mỗi đều trở về hoa sen của mình; hay nói cách khác ban ngày sen nở, ban đêm sen úp, khi đã trở vào hoa sen rồi sẽ không được hoạt động lăn xăn như bên ngoài, chỉ có thể niệm Phật hoặc có thể trầm tư suy tưởng những vọng ảnh, vì Hạ Sanh Hạ Phẩm nầy là đới nghiệp vãng sanh, nên khó tránh được những phản ảnh của vọng nghiệp được đem đến từ đời quá khứ. Bồ Tát Quán Âm dẫn tôi đến một quảng trường, thoạt đầu, tôi chỉ thấy chừng một vài chục bé gái, rồi vài chục, rồi vài trăm, vài ngàn, vài vạn bé.
Trong chốc lát, cả cái sân rộng mênh mông của quảng trường đã đầy ắp các bé gái có dáng dấp y như nhau, quần áo, độ tuổi cũng như nhau, tập trung lại xếp thành hàng ngũ chỉnh tề, việc ấy như là một chuyện rất dễ dàng nhẹ nhàng vậy; chẳng giống như ở thế gian mình đây, muốn tập trung xếp hàng một lúc hàng vạn người, hay nói dễ hơn chừng ít ngàn người thôi cũng tốn bao nhiêu công sức, thời gian để chỉnh đốn hàng lối rồi. Tôi lại được dẫn đến bên ao sen; lạ quá, nước trong ao lềnh bềnh như mặt thoáng hơi nước, như mây, như không khí vậy, chớ không giống nước thể lỏng ở thế gian này, Bồ Tát bảo: "Ông xuống tắm thử đi" Tôi lo lắng "rồi ướt hết áo thì sao, thưa Bồ Tát?"
Ngài bảo: "Không ướt đâu, không giống ao ở thế gian làm ướt áo lúc tắm đâu." Tôi vâng lời mạnh dạn xuống tắm, đúng như vậy, quần áo không hề ướt, tôi vốn sợ xuống ao hồ vì không biết bơi, nhưng ở đây lại có thể theo ý nghĩ của mình, muốn lên xuống, qua trái qua phải, toàn theo ý điều khiển. Tôi thích thú bay lượn trong ao sen tắm và giỡn nước, vì hiếu kỳ tôi thử hớp một ngụm nước, ôi ngọt quá, thế là tôi... há to miệng hớp lấy hớp để, càng uống thì tinh thần càng khỏe khoắn toàn thân nhẹ thênh thênh, lúc ấy tôi bay tới giữa ao thấy rất nhiều đóa sen vô cùng đẹp đẽ, nở sáng lạn, có người ngồi ngay ngắn trên hoa niệm Phật, nhưng cũng có một số hoa sen đang úa héo, hoặc gãy gấp, thậm chí có đóa tàn lụn. Nước ao sen nầy chính là loại nước mà kinh A Di Ðà ghi là Bát Công Ðức Thủy ấy.
Nguyên tác: Pháp sư Khoan Tịnh
Lược thuật: Lưu Thế Khoa
Việt dịch: Hữu Từ, Tâm Hảo