Ông Cử Đa:

Năm 1896, sau những cuộc tham gia kháng chiến chống Pháp từ miền Trung đến miền Nam thất bại, tại miền Tây có Ông Cử Đa (Nguyễn Thành Đa) nhà yêu nước có truyền thống đạo giáo, xuất thân hành đạo khuyến thiện dân lành vùng Tà Lơn, Thiên Cấm sơn, phổ biến kệ kinh, sấm ký, trong đó có quyển “Lan Thiên” là những bài pháp ẩn ý đặc sắc nhất trong đời tu của Ông.

Trích câu nói về Ông lúc đi tu:

Lan thiên một cảnh chép chơi

Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng

Ông Cử Đa sinh dưới thời vua Tự Đức, khoảng năm Canh Tuất (1850) thuộc làng Thuộc nhiêu, Mỹ Tho đến năm Ất Tỵ (1895) ông tầm sư học đạo, lưu lạc nhiều nơi trong tỉnh Châu Đốc. Đến ngày 14/3/1896 (Bính Thân), ông thí phát quy y hiệu là Ngọc Thanh, tu tại điện Bồ Hong (đỉnh núi Cấm), rồi được tôn sư đưa lên ở nơi Trung Tòa, động Cao Vân (Sự tích ông Cử Đa đi tu của Trương Tấn Ngọc, ở Vĩnh Kim, Long Định).Trong bài văn Tà Lơn có câu:

Hắc y đổi lấy cà sa

Cái tên đặt lại hiệu là Ngọc Thanh

Tương truyền ông lúc thiếu thời ông có đến Bình Định học võ và thi đổ Cử nhân võ thời vua Tự Đức, nên thế thường gọi là Ông Cử Đa, lúc bấy giờ sống ở tại làng Bình Khê, Phù Cát, Bình Định. Năm 1862 vua Hàm Nghi xuất bôn truyền hịch Cần Vương, ông có tham gia cùng với triều đình Huế chống Tây, nhưng sau đó kinh thành Huế thất bại. Nhà vua bị bắt và bị đày sang Algiérie, ông trở lại Nam kỳ, lúc bấy giờ có nhiều cuộc khởi nghĩa như: Trương Định chết ở Gò công, Phan Thanh Giản tuẫn tiết ở Vĩnh long,Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực ẩn náu ở Kiên giang, Trần Văn Thành, Thủ Khoa Huân bị lưu đày sang đảo Réunion…các nhóm chống tây đều đã tan rã. Ngài Cử Đa một lần nữa xác định con đường đi riêng của mình:”…không làm anh hùng thì làm Bồ Tát…”. Kể từ đó có lúc ẩn danh vùng Thất Sơn, chờ thời cơ giúp nước, có lúc ông đi trong cô đơn từ Bến Tre, Cái Dầu (Châu phú, An Giang), Giang thành (Hà tiên), rồi lần sang đến đất nước Cambodge, đến ở tại Kampôt, Kam-phong Trạch và cuối cùng đến núi Tà Lơn (Bokor) tu hành.

Tương truyền năm Giáp tuất (1934) nhà văn Phan Khôi có kỳ ngộ với ông Cử Đa ở chợ Bến Thành (Saigon), lúc bấy giờ thế thường đồn Ông đắc đạo thành tiên khi ẩn khi hiện rất linh hiển, có khi xuống bút thành thơ có đạo hiệu là Hư Không. Ông có để lại cho đời bài Vãn Núi Tà Lơn bằng thơ lục bát có nhiều ẩn ý quan tâm đến việc đời.

Ngày 1 tháng 5 năm 1904 xảy ra trận bảo lụt, người dân đồng bằng Sông Cửu Long bị thiệt hại nặng nề. Cũng trong năm nầy nhà chí sĩ Phan Bội Châu có đến Bảy Núi tìm Đạo và tìm người cùng chí hướng chống Tây; ngoài ra còn có những vị Hòa thượng, Yết ma, Giáo thọ của Phật Giáo, các bậc truyền giáo đạo cao đức cả cũng hướng dẫn Phật tử vùng lên chống ngoại xâm như: Tổ Chí Thiền, Tổ Khánh Anh (Phật Học Đường Lưỡng xuyên), Tổ Huệ Quang, Tổ Khánh Hòa (Bến Tre), HT Trương Văn Đó (dịch giả kinh Pháp Hoa, Kiên Giang) Sư Thiện Chiếu, Ông Ba Thới, Ông Sư Vi Bán Khoai, Đức Phật Nằm, Đức Phật Trùm…

Ông Ba Thới:

Ông Nguyễn Văn Thới tức Ba Thới là một nông dân có học chữ Hán, sinh năm Bính Dần (1866) đời Tự Đức thứ 19 tại làng Mỹ Trà, ấp Long Hậu, tổng Phong-thạnh, quận Cao Lãnh (Sađec). Ông Ba tướng người cao lớn nước da trắng, râu tóc nhiều mỗi khi tóc buông ra thì chấm đất có dư, khi về già râu bạc và dài xuống tới rún. Tánh tình cương quyết, nóng-nảy thích ngắm kiểng xem hoa, thường hút thuốc điếu và một đôi khi cũng có ăn trầu.

Mùa đông năm Bính Ngọ (1906), ông Ba tìm đến ông Trần Văn Nhu là con của Quản cơ Trần Văn Thành, đại đệ tử của đức Phật Thầy Tây An, và cũng là một nghĩa sĩ chống Pháp, xin quy y với ông Hai ở Láng-linh. Sau ông đem cả gia đình về ở nơi đây.

Trong thời gian này, ông Ba viết ba quyển: Vân-Tiên, Thiện-Từ, Cổ Vãng Kim Lai.

Vì có sự ghen ghét của Nguyễn-văn-Phẩm là cháu của ông Hai Nhu đưa đến việc Bửu-Hương Tự bị nhà cầm quyền Pháp bao vây (ngày 21 tháng 2 năm Quí-Sửu 1913). Ông Ba thoát , ông Hai thì phải trốn tránh, nhưng con trai của ông Ba là Nguyễn Văn Tuấn lại bị bắt cùng một một lượt với 56 người đồng đạo đến cúng chùa.

Thấy tình đời đen bạc, đau buồn vì cảnh chùa tan nát, ba hôm sau (24/2/1913), vào giờ ngọ, ông Ba dùng dao cạo cắt họng để tự sát. Vết thương đứt tới phân nửa cuống họng, nhưng ông không chết. Người nhà hốt hoảng, chiều tối lại chở lên nhà thương Châu Đốc điều trị. Ông không chấp nhận việc chữa trị của người Pháp, ông cự tuyệt và gỡ bỏ hết. Độ vài tháng sau liệu bịnh-tình ông Ba không thể chữa được, nhà thương đem bỏ ông ra nhà xác. Ông trốn được ra ngoài rồi nhờ người nhà chở về.

Tháng bảy năm Giáp dần (1914) ông Ba dời nhà về doi Lộ lở (làng Kiến An, tổng Định Hòa, Long Xuyên), giả dạng người thường, làm ruộng rẫy sinh sống cho qua ngày.

Trong chuỗi ngày tàn, ông ký thác lòng mình vào những quyển Ngồi Buồn, Kiểng Tiên, Kim Cổ Kỳ Quan, Cáo Thị, Tứ-Đại và Thừa Nhàn

Như chúng ta đều biết vào đầu thế kỷ hai mươi, tại miền Nam nổi lên một phong trào văn chương đại chúng. Văn chương này phát xuất từ những nông dân hoặc những hàn nho. Nội dung văn chương này có hai điểm chính : văn chương yêu nước và văn chương tôn giáo.

Đây là lúc quân Pháp xâm chiếm Việt Nam mà Nguyễn Đình Chiểu phải chạy về Bến Tre và sáng tác các bài văn tế Trương Công Định, văn tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc. Đây cũng là lúc phát sinh các tác phẩm khác như Thơ Sáu Trọng, Thơ Năm Nhỏ, Thơ Năm Tỵ, Thơ Cậu Hai Miêng... thể hiện tinh thần yêu nước chống Pháp và sinh hoạt xã hội..

Trước đó không lâu, Bửu Sơn Kỳ Hương với Đức Phật Thầy ra đời (1849), truyền xuống đến các đệ tử như Phật Trùm, Đức Bổn Sư Sư Vãi Bán Khoai và Huỳnh Giáo Chủ.

Trong những tác phẩm tôn giáo xưa như Vãn Núi Tà Lơn của ông Cử Đa, Giảng Xưa của Đức Sư Vãi Bán Khoai, Sấm Giảng của Hùynh Giáo Chủ thì tác phẩm Kim Cổ Kỳ Quan có vị trí khá quan trọng. Trong Kim Cổ Kỳ Quan, ông tự giới thiệu như sau:

Quê ngụ miền Cao Lãnh

Tôi nay Ba Thới xưng danh

Từ theo Thầy học đạo minh thanh

Cửu thu mãn thính danh dư tuế (Kim cổ)

Tôi nay Ba Thới tùng Quới Mỹ Trà

Tên Thạnh Phật bà chủ nhà Sa Đéc

Nhiều người ghen ghét mở bét bạc bôi

Nhiều việc thương vôi thương ôi ong bướm

Việc đời lụy ướm như bướm gầy ong

Tên Thành là ông Quan-Công thuở trước

Phò vua giúp nước thuở trước rất miêng

Phật Thầy Trần Nguyên dạy yên lê thứ

Trần Nhu chiếm cứ nhị tứ Láng Linh

Hai Lãnh trung tinh độ tinh gò sặt

Hai Ngôn thậm ngặt oán giặt (giặc) hỏa thiêu

Căm hờn quần yêu bao nhiêu chẳng cử

Chú tư biện xử tích cử tòa chương

Nhiều việc tủ thương lưới vương Châu Đốc

Hai Nhơn tử tốc vị bốc cáo trình

Nhiều việc bất bình thương tình chú bảy dám bì (Cáo thị)

Ông Ba Thới mất vào lúc năm giờ sáng (giờ Dần), ngày mùng chín tháng tư năm Bính dần (1927), thọ 61 tuổi. Ông để lại cho đời chín văn phẩm kiệt tác về đạo đức lẫn văn chương, và một tấm gương tiết tháo kiên trinh bất hoại.

Đức Phật Trùm:

Hiện thân của đức Phật Thầy Tây An, là người Việt gốc Khmer; ngài tên thật là Tà-Pênh, nói tiếng Việt không thông thạo lắm, vốn sinh được bốn người con gái. Năm 1866 sau những ngày lâm bệnh nặng hôn mê, bỗng dưng tĩnh táo lại, tự nhận mình là hậu thân của Phật Thầy Tây An, là “hồn Trùm của Phật”, nên được tín đồ gọi là Đức Phật Trùm, qua những lời sám giảng còn lưu truyền:

Ơ đời hạ giới yêu ma

Phật cho Thầy xuống để mà giảng dân

Tuy là phần xác của Miên

Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời

Tuy là người Miên, nhưng ngài giảng giáo lý toàn là tiếng Việt. Giống như Đức Phật Thầy Tây An, Đức Phật Trùm có phát lòng phái giữ Đạo, trổ tài trị bệnh lạ thường. Mọi người đồn rằng:”mỗi lần trị bệnh, Ngài dùng đèn sáp đốt lên, bắt bệnh nhân ngửi khói sáp mà hết bệnh, nên người đương thời gọi ngài là Ông Đạo Đèn:

Lâm san nghe tiếng Đạo Đèn

Gần xa thiên hạ ngợi khen vô cùng

Kẻ thời đến lãnh giấy thông

Người thời đến lãnh phù ông đem về

Đương thời hành đạo rất thịnh, nên ngài bị vu cáo âm mưu tổ chức chống Tây, nên bị người Tây bắt nhốt kế án đưa đi tù đày. Về sau khi được thả, ngài đến tậm xứ Cambodge giảng đạo. Ngày 13 tháng 3 năm Ất Hợi (1875), ngài viên tịch. Mộ của ngài được xây trên lưng chừng núi Sàlon, một núi nhỏ thuộc ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, một không nấm, theo chủ trương của giáo pháo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Ông Sư Vãi Bán Khoai:

Tín đồ các giao pháo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hòa Hảo đều tin rằng ngài Sư Vải là hiện thân thứ ba của Phật Thầy Tây An tiếp tục làm việc giáo hóa người đời ở đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.

Vào năm Tân sửu (1901,1902) có một người đàn ông hình dạng nhỏ bé ốn yếu, như người đàn bà, mặc quần áo có mang yếm trước ngực và trông giống như một ni cô đi bán khoai ở vùng Thất Sơn và kinh Vĩnh Tế để tùy cơ khuyến thiện người đời. Ông thường dùng vãi áo, vãi khăn của mình mà cho người bệnh , để chữa khỏi bệnh, người đời đặt cho ông biệt hiệu là Sư Vãi hay Sư Vãi Bán Khoai. Ngòai tài chữa bệnh, ông còn giỏi võ. Như lúc ở Vĩnh Thông (Châu Đốc, An Giang), một hôm ông đi chặt bàng để dệt đệm, bỗng nghe có tiếng người lẫn tiếng cọp vang rần ở đó. Ông cầm mác chạy lại thì thấy ông Mạng, người cùng xóm đang hỗn chiến với cọp. Tức thì, ông nhảy đến tiếp tay và giết được mãnh thú.

Ngài Sư Vãi Bán Khoai có hành đạo đến Cù Lao Ông Chưởng (Chợ Mới, An Giang) một lần và sau đó trở về Thiên Cấm Sơn. Ngài vân du dãy đời hai năm (1901,1902) rồi mất dạng.

Cuộc đời hành đạo của ngài có để lại một bộ “Sám giảng người đời” 11 quyển, 422 câu và ba bài kệ 128 câu, giảng theo thể văn lục bát với nội dung nhằm phác họa một thế giới quan đời hạ nguơn dẫy đầy những tai ương và chết chóc, khổ đau:

Bấy lâu dạy chẳng nghe lời

Để cho ác thú trên trời xuống ăn

Đoái nhìn lửaa cháy tứ giăng

Trên non chín động binh chằn kéo ra

Lao xao kẻ khóc người la

…rồi khuyến thiện, dạy người làm lành lánh dữ và trung thành với tổ quốc giang sơn, để được sống một cuộc sống thánh thiện ở đời thượng nguơn:

Ai mà lòng quỷ dạ yêu

Tham tiền, thích ác có siêu bao giờ

Sư đà có dạ đợi chờ

Rao cho bá tánh trên bờ dưới sông

khuyên niệm Phật:

Niệm Phật thì phải chí tình

Ơn cha nghĩa mẹ giữ mình cân phân

Niệm Phật phải giữ tứ ân

Ơn nhà nợ nước xử phân trọn nghì

Hay:

Thảo cha ngay chúa xưa nay

Dẫu mà có thác miễu son tạc thờ

Xem trong các truyện các thơ

Nịnh thần có thác, miễu thờ ở đâu

…sách đến nay vẫn còn truyền tụng tại miền Tây nam phần Việt Nam. Trong tủ sách Non Bồng của Liên Tông Tịnh Độ cũng có lưu một bản quyền của ngài Sư Vãi.

Theo truyền thuyết thì ngài Ngài Sư Vãi Bán Khoai:

“…truyền đạo giáo hóa người đời hai năm thì mất dạng…”

Thuyết khác:”…năm 1902 sau khi truyền lại bộ “Sám giảng người đời” cho một gia đình người dân hiền đức ở địa phương. Cho đến khi người kia đọc được, cho người chạy đi tìm thì ông đã đi xa, và cũng từ đó mọi người không còn trông thấy bóng dáng ông ở đâu nữa…”

Thuyết khác: Ở Bến Tre có ngôi mộ của ông Sư Vãi Bán Khoai, có tên là Hùynh Phú Minh, pháp danh Sư Vãi Bán Khoai, sinh năm 1898, mất lúc 21 giờ, ngày mùng 10 tháng hai, năm Đinh dậu (1957), hưởng dương 59 tuổi. Khi an táng tại Cầu móng, Bến Tre, sau cải táng tại xã Hương mỹ, Mỏ cày, Bến Tre. Tuy nhiên mọi người tin mộ phần nầy không phải là mộ của ông Sư Vải Bán Khoai hành đạo ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đức Phật Nằm (Ông Đạo Nằm):

Đức Phật Nằm, theo sử liệu có quá ít văn ngôn nói về ngài, thường khi nhắc đến ngài thì gắn liền ngôi chùa Thành Hoa linh thiêng cổ kinh đẹp, như:”…đến với Cù lao giêng, du khách Phật tử thường đến chùa Ông Đạo Nằm linh thiêng…”

“…khách đến thăm Cù Lao Giêng vào các dịp ngày rằm , lễ lớn thăm viếng chùa Ông đạo Nằm có tên là Thành Hoa Tự…”

Có một bài văn ngắn nói như sau về ngài Phật Nằm:”… khỏang đầu thập niên 1850, có một ông ở vùng Xếp Cả kích bên Cao Lãnh được dân chúng mệnh danh là ông Đạo Nằm, trắng trẻo, trái tai dài lớn như tai Phật, tính tình hiền lành ai cũng quý mến. Người ta đồn ông là ông không bơi mà vẫn nổi trên mặt nước, bồng bềnh trên dòng sông Tiền Giang, nước ròng trôi lên, nước lớn trôi xuống. Có kẻ nghĩ là ông trêu thiên hạ, nằm trên cái phao gì đó cho nỗi, bèn bơi ra sông, lặc xuống nước, tò mò rờ xem ông có kê gì ở dưới lưng chăng nhưng chẳng thấy gì cả. Dân Saigon gom tiền góp của đem đến Cù lao Giêng (Ven) xây một ngôi chùa, đón ông về trông coi nhang khói.

Đúng ngày khánh thành, chùa đang đầy thiện nam tín nữ thì một tóan lính Tây xông vào nổ súng. Ông Đạo Nằm và mấy người đệ tử nữa tử nạn, nhiều người bị thương. Bà Năm Mẫn, năm 1897 trên bảy mươi tuổi, hiện còn sống ở Cù lao Giêng cũng bị thương tật. Vụ việc ngài thọ nạn, trước đó ngài có báo cho chư đệ tử là “không qua khỏi” vì vậy mà ngài không trốn, mà phải trả “quả từ tiền kiếp”.

Năm 1966, chúng tôi Đòan Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng 125 vị, có thân hành đến Cù lao Ven, thăm viếng chùa Thành Hoa được người trong chùa tiếp đãi tử tế lịch sự, chùa cung cấp thị giả phục dịch chu đáo cho đến khi khách rời khỏi chùa. Chùa cũng thường phục vụ cho các Nhà Sư tu hành thật đức, khi Nhà Sư nhập thất thì chùa sẽ hộ trì cho nhập thất đến khi viên mãn thất.

Tại bản địa Cù Lao Ven, tuy là phần đất nhỏ nhưng có nhiều dấu ấn di tích lịch sử: Khu di tích lăng mộ “Ba quan thượng đẳng” có công với đất nước: Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Diện; di tích cách mạng năm 1930 với lá Cờ Đỏ Búa Liềm trên cột dây thép xã Long điền A, từng là căn cứ địa của Xứ Ủy Nam Kỳ, nơi đây cũng là quê hương của nữ anh hùng Hùynh Thị Hường, một Võ Thị Sáu kiên cường của miền Tây.

Cù lao Ven (Giêng), dài 12 km, rộng 7 km, gồm 3 xã Tân mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân…thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang còn có các danh hiệu khác là Giêng, Giên, Diên, Riêng, Den…người Khmer gọi là Koh-teng. Người đia phương thường gọi tên Cù Lao Giêng là tiếng đọc trại ra từ chữ Doanh. Đất nầy vào thuở xa xưa gọi là Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu, cảnh trí thần tiên, nơi có tiên ở

Ngòai ra còn có các cơ sở tôn giáo lớn, như Phật Giáo có chùa: Thành Hoa của Đức Phật Nằm linh thiêng, chùa Phước Thành, chùa Phước Minh (chùa Bà Vú) cổ kính có tháp chín từng, cổng tam quan lớn đi thẳng vào chùa; đền thờ ngài Quản Cơ Trần Văn Thành, người có công dẹp giặc Xiêm, do con trai của ông là Trần Văn Nhu đứng ra xây dựng vào năm 1879; nhà thờ cổ của người Kitô giáo mang đậm nét kiến trúc Roman do linh mục Gaphignol xây dựng từ năm 1875 với tòa tháp chuông cao vút; có những ngôi nhà xưa, Phủ thờ Nguyễn tộc được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, mang lối kiến trúc nhà rường gỗ ba gian hai chái, tường gạch bao tứ diện, ngôi nhà nầy có điểm đặc biệt theo kiến trúc nam bộ nên được giữ nguyên những cấu trúc “chân quê” ngày xưa.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Các Bậc Siêu Nhân Kiệt Xuất Trong Thời Điểm Đức Sư Ông Ra Đời”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com