An Sơn Tự (Bồng Lai cổ tự)

Năm 1944 trở về Việt Nam du phương hành đạo đến an trú tại An Sơn Tự (Bồng Lai cổ tự), vùng núi Tượng, Ba Chúc, huyện Tri Tôn, Châu Đốc, An Giang cầu tu theo pháp Tứ Ân Hiếu Nghĩa, tu hành với Ông Ba Khỏe là vị Trưởng Gánh thuộc môn phái của Đức Bổn Sư Núi Tượng; thời điểm bấy giờ thì Đức Bổn sư đã không còn nữa, Ngài đã ra đi về với Tổ Phật. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là nền đạo đức rất phù hợp với “thổ dân” và “di dân” lập nghiệp ở vùng biên giới Việt-Miên.

Năm 1851 Bồng Lai cổ tự là nơi Đức Phật Thầy Tây An chỉ giáo cho Quản cơ Trần Văn Thành và một số tùy tùng lên núi tìm gỗ “lào táo” là lọai gỗ chắc để làm trụ cột gọi là “cây thẻ” hay “ông thẻ” cắm vào lòng đất, vuốt hình búp sen, có khắc bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương, cây thẻ số ba, thuộc hướng Tây (Tây Phương Bạch đế), nằm trấn biên giới Miên-Việt ở Bài Bài, bên kia bờ kinh Vĩnh Tế, thuộc xã Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang (lộ núi Sam vô 4 km).

Cây thẻ số một (Đông phương Thanh Đế) cắm ở lành Vĩnh Hanh; cây thể số hai (Bắc phương Hắc đế) cắm ở làng Vĩnh Thạnh Trung; cây thể số bốn (Nam phương xích đế) cắm ở Giồng Cát, Rừng Tràm, Vĩnh Điều; cây thẻ số năm cắm ở Thiên Cấm Sơn, gần hang Bác Vật Lang. cả năm cây thẻ đều thể hiện niềm tự hào về đất nước thống nhất có chủ quyền như ý nghĩa bài thơ “Nam quốc Sơn hà” của Lý Thường Kiệt.

Trong quá trình bị nạn chiến tranh, quý Thầy trong chùa lén đẻo “ông thẻ” số 3 trị bệnh cho bà con, ông Thầy bị chết “bất đắc kỳ tử”.

Thẻ hiện nay được bào chuốt lại kỹ lưỡng, đặt kính cẩn trên bàn thờ và được bà con khắp nơi chiêm ngưỡng lễ bái. An Sơn Tự phía trước thờ Phật Thích Ca, phía sau thờ Trăm quan thần cựu, bài vị thờ Phật Thầy Tây An, ông Đạo Lập và ông Cử Đa.

Việc ếm đối không có trong Đạo Phật, giáo lý nhà Phật không giáo hóa việc làm của “Tiên Thánh”, không cho phép làm những việc có tính cách thần thông biến hóa, tiên tri bốc phệ... Tuy nhiên qua bài viết nầy chúng tôi giới thiệu một ít nét chấm phá về việc ếm đối của các nhà phong thủy xưa, họ làm gì? để làm gì?

Như chúng ta đã biết không phải đợi tới năm 1849 Đức Phật Thầy Tây An, Đức Bổn sư núi Tượng, Ông Đạo Lập mới xuất hiện “mở ếm” giải thóat những khổ đói cho dân nước Nam và cũng không phải đợi đến năm 1714 mới có Mạc Cửu ở Hà tiên, bày vẻ việc “ếm đối” long mạch làm tắt mạch nhân tài nước Nam.

Trước đó có một số nhà phong thủy nổi tiếng như: Cao Biền, tướng quân Hòang Phúc đời Đường Trung Quốc đến Mạc Cửu được vua Nhà Thanh sai sang đất Việt ếm đối để làm cho không còn nhân tài kiệt xuất của nước Nam xuất hiện. Tuy nhiên, ở thời kỳ lập quốc, nước Nam vẫn còn những nhân tài kiệt xuất như Nhà sư Chân Nhân (852-936), Thiền sư Định Không, chùa Quỳnh Lâm, Đinh Bộ Lĩnh biết công phá sự “ếm đối” của Cao Biền. Sư Vạn Hạnh đôn đốc vua Lý Công Uẩn dời đô để “phá vỡ, mở toang” sự ếm đối của người phương Bắc; ông Tả Ao Nguyễn Đức Hiền, người làng Tả Ao lưu truyền sách phong thủy, Cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên đoán về sự thịnh suy của nước Nam để mở đường cho dân Nam biết cách tránh sự ếm đối của người Tàu; Đức Bổn sư núi Tượng thì “mở ếm” tại Thủy Đài Sơn, ông đạo Lập “mở ếm” tại Bài bài giúp cho dân tình an cư lạc nghiệp. Đức Phật Thầy Tây An làm năm cây thẻ để “phá trấn ếm” của người Tàu mở đường cho dân Nam văn minh tiến bộ, vượt qua nhiều ách đô hộ lâu đời của ngoại bang, giữ yên bờ cõi trường tồn bất diệt. Chúng ta là những người hậu học khi tìm hiểu, không nên lấy sự hiểu biết hạn hẹp, suy tư đắn đo mà làm thước đo sự hiểu biết vô vi vô bờ bến đó!

An Sơn Tự là nơi Đức Sư Ông tu hành đúng một năm, rồi sau đó về tại Ngọa Long Sơn, xây dựng Tổ Đình Bửu Quang.

Khai sơn chùa Bửu Quang

Năm 1945, Đức Sư Ông hành đạo về tại Ngọa Long Sơn, đến địa điểm Ô Tam Cấp, cạnh núi Văn Liên an trú. Trên lưng chừng núi non hiểm trở, xây dựng chùa Bửu Quang với tranh lá đơn sơ, nơi giữa rừng vắng hoang vu linh thiêng huyền bí tu hành khổ hạnh, ngày thì canh điền tác rẫy để có phương tiện nuôi thân, đêm về am thanh cảnh vắng, giữa chốn tịch dương sôi kinh nấu sử, bái sám tịnh niệm và cứ như thế Ngài tấn tu tịnh nghiệp không hề nhàm trễ. Đức Sư Ông rất tiết độ về ăn uống, ngày chỉ ăn một ngọ trưa, vì muốn cho thân xác được nhẹ nhàng, nên khi ăn, chỉ ăn lường một bát cơm, cháo rau đạm bạc để vừa đủ nuôi thân mà thôi.

Lúc bấy giờ còn có tu sĩ Nguyễn Thành Nam tìm non núi tu hành, cũng đến cùng ở tu với Đức Sư Ông, tu sĩ Thành Nam có hạnh tu đặc biệt: “mỗi lần Đức Sư Ông kết khóa ngồi tịnh niệm Phật, tu sĩ cũng đến hành pháp ngồi đối diện với Sư Ông để niệm Phật, Sư Ông quay về hướng khác, tu sĩ cũng quay theo hướng khác, Sư Ông quay hướng nào tu sĩ cũng quay theo hướng đó để cùng tu cùng tịnh niệm…”. Tu sĩ Nguyễn Thành Nam sau về quê hương Bến Tre lập đạo Hòa Đồng Tôn giáo, đến năm 1967 lập thành Hòa Hiệp Tôn giáo, do chính tu sĩ làm Giáo trưởng.

Theo lịch sử địa danh Ba Chúc thì năm 1949, quân Pháp mở trận càn quét lớn vào vùng bảy núi, chùa Bửu Quang của Đức Sư Ông cùng một hòan cảnh “bị giặc Tây đốt cháy”, nhưng lúc bấy giờ Sư Ông không khuất phục trước những cách đối xử với người tu Phật của bọn Tây, nên cương quyết không xuống núi, mà xây dựng lại ngôi tam bảo Bửu Quang để hành đạo.

Theo lời kể của cư sĩ Thiện Phước, người đứng ra trùng tu ngôi chùa Bửu Quang và Ông Trưởng Ấp An hòa B (cháu của Sư Thiện Thới) hôm ngày mùng 9 tháng 12, năm Canh dần, 2011 như sau:

“…Cho đến năm 1959, chế độ cũ của Ông Ngô Đình Diệm lập khu trù mật, chính quyền ra lệnh bắt buộc chùa phải di dời xuống núi về tại lộ 30, tọa lạc dưới chân núi Dài (Ngọa Long Sơn). Thời kỳ chiến tranh Việt Mỹ, Đức Sư Ông và huynh đệ tu trong chùa tham gia họat động ủng hộ che dấu Cách mạng, do đó đến ngày 17/4/1963 chùa bị chế độ cũ bắn phá đốt cháy, có bốn vị tu sĩ cư trú tu hành bị thương vong hiện nay vẫn còn chứng tích. Chùa Bửu Quang lại phải di dời về phía sau chợ Ba Chúc; lúc bấy giờ chùa được xây dựng lại khang trang cao ráo nhưng bằng gỗ lợp lá; chùa được trung ương Giáo hội Phật Giáo Tịnh Độ tông Việt Nam đặt văn phòng trở thành trụ sở Quận hội Phật Giáo Tịnh Độ tông Việt Nam, do Hòa Thượng Thích Thiện Niệm làm Hội trưởng...” Kể từ năm 1965, hằng năm vào ngày 19/Giêng sọan giả cùng với chư Tăng thuộc Đòan Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, Tịnh xá Thiện Chơn, Quan Âm Tu Viện, Tổ Đình Linh Sơn đều có tổ chức thành đoàn đi về viếng Đức Sư Ông tại tịnh thất Đại Quang Minh, thăm Tu Vũ Tự và chùa Bửu Quang.

Chùa Bửu Quang là ngôi chùa duy nhất thuộc hội Phật Giáo Tịnh Độ tông nằm trong lòng thánh địa Phật Giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đến năm Mậu thân, 1968 thời kỳ chiến tranh Việt Mỹ, Tổ Đình một lần nữa lại bị đốt cháy. Sau ngày hòa bình 30/4/1975 quý vị đệ tử Đức Sư Ông, như cư sĩ Thiện Huệ, cư sĩ Thiện Phước, cư sĩ Tiền Định và chư huynh đệ nam nữ Phật tử…trở lại trùng tu tạm ở tu hành, nhưng đến năm 1979 giặc Miên đến tàn phá thị trấn Ba Chúc, tàn sát dân lành đốt phá chùa một lần nữa, giết chết thật nhiều các đồng đạo Phật Giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, trong đó có đệ tử Đức Sư Ông là Cụ Sáu Muôn tử vì đạo, Cô Tám Phiến cũng bị giặc Miên bắt nhưng thoát nạn…thật đau lòng cho con cháu môn đệ của Đức Bổn sư cũng như của Đức Sư Ông.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Nơi Đức Sư Ông Tu Hành Và Khai Sơn Đạo Tự”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com