Mục Lục
Xin bạn đọc chú ý, chữ vọng tưởng được dùng ở đây không phải là những ý nghĩ khởi lên loạn xạ trong lúc ngồi thiền như Thiền tông hay nói tới, mà là sự tin tưởng sai lầm.
Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong tiến trình tu sửa phiền não. Một (hay nhiều) tánh xấu không thể tự nhiên mà có. Nó có là vì những cái tưởng (croyances, belief systems) như thành kiến, quan niệm, tập quán, v.v... đúc kết thành một lề lối suy nghĩ khiến ta khởi ra tình cảm, tánh tình như vậy, đây chính là vọng tưởng mà tôi đã định nghĩa ở phần trước. Tìm và nhận ra vọng tưởng (croyance erronée, wrong belief) này không phải dễ, vì nếu dễ thì ta đã không khổ sở phiền não từ bấy lâu nay. Ngồi thiền nhìn ý tưởng, ý niệm khởi lên lăng xăng không ngừng tuy vậy mà còn dễ hơn đi tìm cái vọng tưởng (kiên cố) đã cho ra cái tánh xấu (vọng tình) kia. Xưa nay ta thường quen sống với những cái tưởng của mình và tin theo nó. Ta đã để nó nhập vào và trở thành tập khí, ta là nó, nó là ta, khi nó nghĩ thì ta tưởng mình nghĩ, khi nó suy tư thì ta tưởng mình suy tư, vì thế nên rất khó nhận ra nó! Mỗi khi có chuyện buồn phiền, ngồi xuống xét lại ta chỉ thấy mình đúng và kẻ khác sai. Ta quá quen thuộc với đường lối suy tư (ngã kiến, kiến thủ) đó nên dù suốt ngày suy nghĩ, cuối cùng ta cũng vẫn thấy mình đúng.
Ở đây cần nói thêm về tâm lý phức tạp của con người. Những ý nghĩ hay ý tưởng khởi lên trong tâm mà ta có thể biết được, đó chỉ là một phần nhỏ của tâm thức. Tâm thức của ta có thể ví như một tảng băng nổi (iceberg), phần nhỏ lú trên mặt biển là những vọng tưởng thô kệch hiện trên mặt ý thức, còn phần to tướng nằm ngầm phía dưới là những tập khí vọng tưởng kiên cố. Cái phần trôi ngầm ở dưới vượt ngoài tầm của Ý Thức (conscience). Tâm lý học hiện đại gọi phần ngầm ở dưới là Vô Thức (l'Inconscient). Cái vô thức này chứa đựng tất cả những thứ mà ta vô tình tích lũy như: vọng tưởng, quan niệm, thành kiến, tập quán, chương trình, nội kết, v.v... nói chung là nghiệp.
Ý thức
Vô thức
Trong đời sống hàng ngày chúng ta tưởng mình làm chủ được suy nghĩ, tình cảm và hành động của mình nhưng phần nhiều chúng ta bị Vô thức điều khiển mà không hay. Trong lúc ngồi thiền, có thể ta không có một ý tưởng (hay vọng tưởng) nào khởi lên, nhưng đó mới chỉ là trên mặt ý thức, những nội kết ngủ ngầm ở dưới vẫn còn nguyên chưa được chuyển hóa. Bởi thế có người tu thiền lâu năm, ngồi yên nhập định không suy nghĩ được một ngày đến vài ngày, nhưng tánh tình không thay đổi, vẫn kiêu căng, ngã mạn, sân, si, ái, ố, v.v...
* Thí dụ: mỗi khi bạn bè họp mặt nói chuyện vui là tôi cứ nhè anh Ba mà phê bình chỉ trích, dù anh không bao giờ nói một câu đả động xúc phạm đến tôi. Thái độ vô lý của tôi đã được bạn bè khuyên nhắc và mỗi lần ra về tôi đều công nhận là tôi vô lý vì anh Ba không có lỗi và chính tôi cũng không thù ghét gì anh ấy. Tôi đã ăn năn hối hận và tự nhủ lần sau cẩn thận không gây sự với anh Ba nữa. Nhưng sao kỳ quá, mỗi lần thấy anh tôi không kềm chế nổi, miệng cứ vọt ra lời chỉ trích!!! Suy nghĩ mãi mà không hiểu tại sao! Ý thức thấy rõ là không có lý do gì để chống báng chỉ trích anh Ba, nhưng tôi biết có một cái gì không ổn nằm ở dưới đáy tâm thức đã sai khiến tôi làm chuyện đó, để rồi về đến nhà thì lại ăn năn! Sau khi lắng tâm truy tìm tôi nhận ra là tôi đã có thành kiến xấu đối với anh Ba vì anh làm nghề lái buôn và tôi tin rằng người lái buôn là hạng lưu manh, xảo trá.
* Thí dụ khác: Cô Hai là người giàu sang, hiền hậu, duyên dáng, có học thức, được chồng con yêu mến, bạn bè kính nể. Cô có đầy đủ vật chất tiện nghi và tình cảm nhưng trong tận đáy lòng cô vẫn cảm thấy buồn, một nỗi buồn man mác vô duyên cớ. Có nhiều người mơ ước thèm được như cô là họ sung sướng lắm, nhưng tại sao chính cô lại cảm thấy không hạnh phúc? Ý thức biết rõ không có lý do gì để buồn khổ, nhưng cô có một niềm u uẩn nào đó nằm sâu trong tiềm thức thường theo ám ảnh mà cô không hay biết.
Ở giai đoạn này người tu rất cần sự trợ lực bên ngoài, đó là thầy lành, bạn tốt. Người ta thường nói: "việc người thì sáng, việc mình thì quáng". Thầy bạn là những người ngoài cuộc, có thể đưa ý kiến giúp ta vượt thoát đường lối suy tư lẩn quẩn của mình.
Thí dụ về cái giận
Ai nấy trong chúng ta đều biết thế nào là cái giận. Bình thường khi mọi việc êm xuôi thì không ai nổi giận. Chúng ta nổi giận khi bị xúc phạm, trái ý hoặc gặp việc gì không vừa lòng. Như vậy nguyên nhân đưa đến cái giận chính là sự trái ý.
Khi ta giận một người nào đó thì có hai trường hợp:
1) người kia cố ý chọc tức, gây sự hoặc mắng chửi ta.
2) người kia vô tình, không cố ý chọc tức gây sự mà ta tức giận, bởi vì ta không chấp nhận hoặc không hài lòng điều gì đó nơi người kia.
Trường hợp thứ nhất, nếu người kia cố ý gây sự mà ta nổi giận thì ta lỗi 50%. Tại sao lại 50%, đúng ra phải là 0% chứ? Theo quan niệm ngoài đời, khi bị người khác gây sự kiếm chuyện thì ta có quyền nổi giận, đó là điều đương nhiên. Nhưng theo đạo thì người kia gây sự nhưng giận hay không là do ta, ta làm chủ, nếu ta nổi giận tức là ta đã dính mắc, chấp trước rồi, tôi cho lỗi 50% là còn khoan dung. Vì theo luật nhân quả thì ta đã làm gì để khiến người kia gây sự với ta? Không thể vô duyên vô cớ mà gây sự được.
Trường hợp thứ nhì, người kia không cố ý chọc tức, gây sự mà ta nổi giận thì đó là ta lỗi 100%. Vì do tập khí, phiền não đã khiến ta không chấp nhận và bực mình người kia, vậy thì ta phải quay trở vào tâm mình mà sửa. Tâm bình thì thế giới bình.
* Hai vợ chồng anh Bảy đều theo đạo Phật, nhưng anh Bảy thích tu Thiền còn chị Bảy thích Tịnh Độ. Anh Bảy tánh tình dễ dãi ai tu cái gì cũng được, miễn có tu là tốt rồi. Nhưng vợ anh lại muốn anh tu Tịnh Độ vì chị tin rằng thời nay là đời mạt pháp, chỉ có Tịnh Độ mới là con đường duy nhất để giải thoát. Mỗi khi nói chuyện đạo mà anh Bảy nhắc đến các kinh như Đại Niệm Xứ (Maha Satipatthana) trong đó Đức Phật nói hành thiền Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát thì vợ anh lại nổi giận khó chịu. Cả hai đều tu theo Phật mà tại sao phiền não hục hặc nhau hoài? Vấn đề ở chỗ nào?
Vấn đề nằm ở chỗ tin và chấp vào một điều cho là đúng, là tốt rồi muốn người khác cũng phải tin theo mình. Đây là một vọng tưởng (fausse croyance, wrong belief), nguyên nhân dẫn đến tranh luận và bất hòa.
Đúng lý ra anh/chị phải làm như thế này mới đúng. Nếu anh/chị không làm như vậy là sai, tôi không chấp nhận được nên tôi nổi giận.
Ta có quyền tin những gì mình tưởng là đúng, nhưng nếu muốn người khác phải tin theo ta thì đó là một loại tin sai lầm (vọng tưởng). Tệ hơn nữa là cuồng tín, cho rằng giận là phải nếu người khác không làm theo ý của ta.
* Tôi đến thăm chị Ba, thấy chị đang giận dữ quát tháo thằng Tí:
- Tôi giận quá là giận!
- Tại sao vậy?
- Vì tôi nói nó không nghe lời.
- Chị nói nó không nghe lời thì sao?
- Thì đó là chọc giận tôi chứ sao!
Ở đây chị Ba tin tưởng hai điều :
1) những gì chị nói là đúng.
2) việc chị giận thằng con cũng đúng luôn.
Vì thấy giận như thế là đúng nên chị nổi giận đều đều, giận thường xuyên. Ban đầu giận thằng con không nghe lời mẹ, sau tới giận chồng không nghe lời vợ, kế đến giận bà con bạn bè không nghe lời chị, v.v...
Niềm tin sai lầm (vọng tưởng) của chị Ba là: tất cả những gì chị nghĩ, nói, làm đều là đúng. Hễ ai trái ý chị là chị phải giận, có quyền giận, và giận như vậy là đúng.
Thông thường điều làm cho ta dễ nổi giận là cố chấp cho mình đúng và đòi hỏi người khác phải thuận theo mình, không được chống trái lại mình, đạo Phật gọi đó là ngã kiến hay ngã kiến thủ.
Thí dụ về cái sợ
Chị Ba có tật hay sợ, sợ bị chỉ trích phê bình. Mỗi khi chị đang nói chuyện mà có ai chau mày, nhíu mắt, mỉm cười, nhếch môi, đùa giỡn, v.v... là chị cảm thấy mắc cở, lo sợ nghĩ rằng chị đã lỡ lời hay làm điều gì sai quấy không ổn và người kia sẽ đi rêu rao nói xấu chị. Sau buổi nói chuyện chị về nhà tâm hồn bất an, hối hận và lần sau sợ hãi và tránh né người hôm nọ đã chau mày nhíu mắt.
Tâm trạng sợ (bị chỉ trích phê bình) của chị Ba đối với đạo Phật trên lý thuyết không có gì hại và không nằm trong 10 phiền não chính, nhưng thật ra nó là một phiền não. Vì phiền não có nghĩa là não hại và làm mình buồn phiền.
Chị Ba có đến gặp tôi và bày tỏ nỗi sợ "vô duyên" của chị. Tôi dẫn giải cho chị hiểu cái làm cho chị hay sợ không phải là sự chau mày, nhíu mắt, mỉm cười, nhếch môi, của những người kia, mà là cái ý nghĩ : "Tôi không muốn bị phê bình chỉ trích! Nếu họ chau mày, nhíu mắt, đùa giỡn tức là họ khinh thường tôi, coi tôi không ra gì và sẽ đi nói xấu tôi với người khác." Chị Ba đã đóng khung cái ý nghĩ này và ghi khắc nó vào trong tâm. Từ đó ý nghĩ này trở thành một sự thật đối với chị, nhưng chị quên mất đâu phải ai chau mày, nhíu mắt đều có nghĩa là khinh chị hay chống báng chị, nhiều khi họ bị nắng chói phải chau mày, nhíu mắt, hoặc bị bụi bám vào mắt, v.v... Khi chị nói mà họ mỉm cười có thể là họ đồng ý, hoặc gợi cho họ một chuyện vui nào đó chứ đâu phải chế nhạo chị.
Trên đây chỉ là một thí dụ về cái sợ. Sợ là một tâm sở, người nào cũng có sợ, không sợ nhiều thì sợ ít, không sợ cái này thì sợ cái kia. Đối tượng của sợ có nhiều loại: sợ ma, sợ chuột, sợ rắn, sợ mèo, sợ bóng đêm, sợ ăn trộm, sợ xe đụng, sợ tai nạn, sợ thất nghiệp, sợ vợ hay chồng bỏ, sợ bệnh, sợ chết, sợ cô đơn, sợ đám đông, sợ cảnh sát, sợ chiến tranh, sợ thiên tai bão lụt, v.v...
Trong những cái sợ nêu trên, ta có thể chia ra hai loại: cái sợ hữu lý và cái sợ vô lý. Cái sợ hữu lý là cái sợ cần thiết cho cuộc sống, được mọi người công nhận như: sợ ăn trộm, sợ xe đụng, sợ tai nạn, sợ thất nghiệp, sợ cảnh sát, sợ thiên tai. Vì sợ xe đụng nên ta không dám băng qua đường ẩu, nhờ vậy bảo toàn tánh mạng cho mình và kẻ khác. Vì sợ ăn trộm nên mỗi khi đi vắng ta khóa cửa nhà cẩn thận. Vì sợ thất nghiệp nên ta cố gắng đi làm đúng giờ, làm việc đàng hoàng không cẩu thả. Vì sợ cảnh sát nên ta không dám vi phạm luật lệ, nhờ vậy mà xã hội được an ninh. Sợ bão lụt nên ta đắp đê đào mương, v.v...
Cái sợ vô lý là cái sợ bắt nguồn từ sự khủng hoảng tinh thần (trauma), yếu bóng vía, và đối tượng của cái sợ không gây nguy hiểm đến tánh mạng như: sợ ma, sợ chuột, sợ bóng đêm. Ma không thể bóp cổ hay giết người được, từ xưa tới nay không hề thấy có chuyện ma giết người mà chỉ có người mới giết người được. Con chuột hình thù ghê tởm nhưng nó không thể ăn thịt ta được. Bóng đêm dù bao phủ lên người cũng không thể làm hại ta được.
Cái sợ dù vô lý hay hữu lý, nếu nó làm phiền và ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống hàng ngày thì ta cần phải tu tập để chuyển hóa.
Thí dụ về cái lo
Chị Hai có tật hay lo. Mỗi khi anh Hai hoặc hai đứa con trai đi đâu về trễ, ở nhà chị rất lo, đi ra đi vào đứng ngồi không yên, đầu óc suy nghĩ, tưởng tượng đủ chuyện không may bất trắc xảy ra cho chồng và con. Đến khi chồng con về thì chị mới yên tâm nhưng lại buồn bực, la mắng, trách móc tại sao đi đâu về trễ mà không báo cho chị hay. Nguyên nhân lo của chị là cái tưởng : "đi đâu về trễ tức là bị tai nạn". Chị không thể nào nghĩ khác hơn là tai nạn. Vì nghĩ và tin là tai nạn nên chị đâm lo.
Tóm lại trong đời sống hàng ngày, mỗi khi cảm thấy buồn phiền, bực tức, khó chịu, bất an, lo âu, sợ hãi, v.v... đó là lúc ta cần xét lại và tìm cho ra những vọng tưởng, ý nghĩ, thành kiến nào đã khiến cho ta phản ứng (vọng tình) như vậy.
* Mỗi khi có việc cần sự giúp đỡ, tôi đi hỏi những người quen và nếu họ từ chối thì tôi cảm thấy xấu hổ, chán đời và chán ghét tất cả mọi người. Lúc này tôi cần ngồi xuống để nhận diện:
- Tôi đã nhận thức thế nào về sự việc trên? Ghi nhận đúng như thật hay đã nhìn qua lăng kính vọng tưởng?
- Tôi đã có ý nghĩ gì trước khi đi nhờ vả người khác?
- Khi bị từ chối thì tôi đã nghĩ gì để cảm thấy xấu hổ?
- Ý nghĩ của tôi có chắc là đúng không?
- Nếu chỉ bị vài người từ chối mà cho tất cả mọi người trên thế gian này đều xấu, rồi sinh ra chán đời. Sự suy tư phán xét như vậy có hợp lý (logic) không?
- Một ý nghĩ đưa đến khổ đau có đáng cho ta tin và chấp nhận không?
HT Thích Trí Siêu