Song song với việc tìm thầy học đạo, chúng ta còn vô số kinh điển của Phật để lại, biết học kinh nào trước, kinh nào sau? Kinh (sutra, sutta) là lời dạy của Phật, hay đúng hơn là những sách ghi chép lời Phật.

Thời đức Phật còn tại thế, các đệ tử được học trực tiếp với ngài. Sau khi Phật nhập Niết Bàn thì các đệ tử trùng tuyên, đọc tụng lại những điều được nghe từ đức Thế Tôn. Khoảng hơn 300 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn kinh sách mới được ghi lại trên lá bối. Kinh sách xuất hiện ban đầu là Kinh Bộ (Nikaya, Pali). Khoảng 600 năm sau Phật nhập Niết Bàn thì kinh điển Đại Thừa xuất hiện như Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Duy Ma Cật, Pháp Hoa, v.v...

Ngày nay cũng như ngày xưa, Phật tử chia ra hai nhóm Tiểu Thừa (Hinayana) và Đại Thừa(Mahayana). Tiểu thừa chỉ tin vào Kinh Bộ (Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ, Tiểu Bộ) còn những kinh khác thì họ không công nhận. Đại Thừa ngoài những Kinh A Hàm (Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm) tương đương với Kinh Bộ, còn có rất nhiều kinh khác. Danh từ Tiểu Thừa ngày nay được thay thế bằng Nguyên Thủy (Theravada) có nghĩa là Thượng Tọa bộ.

Những danh từ Đại Thừa, Tiểu Thừa, hay Nguyên Thủy đều tương đối và chủ quan. Đại Thừa gọi những người không theo mình là Tiểu Thừa, Tiểu Thừa đính chánh lại mình là chánh thống Nguyên Thủy. Theo lịch sử Phật Giáo, thời kỳ đức Phật còn tại thế cho tới sau Phật nhập diệt khoảng 100 năm được gọi là Nguyên Thủy Phật giáo vì lúc này chưa chia thành bộ phái. Sau kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhì, tăng đoàn chia thành hai nhóm Thượng Tọa Bộ (Theravada) và Đại Chúng Bộ (Mahasamghika), sau đó từ hai bộ phái này xuất phát ra 18 bộ phái khác nhau nhưng vẫn chưa có danh từ Đại Thừa và Tiểu Thừa, đây là thời kỳ Bộ Phái Phật giáo. Từ cuối thế kỷ thứ 2 tây lịch đến cuối thế kỷ thứ 7 là thời kỳĐại Thừa Phật Giáo phát triển và hưng thịnh nhờ các luận sư nổi tiếng như Long Thọ, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân hệ thống hóa và xiển dương tư tưởng Đại Thừa. Trong thời kỳ Bộ Phái Phật Giáo, các bộ pháiđều có riêng tam tạng kinh điển của mình và không công nhận kinh điển của phái khác. Đại Thừa Phật Giáo không phải đột nhiên mà xuất hiện, tư tưởng Đại Thừa đã tiềm tàng trong giáo nghĩa của các bộ phái trước đó rồi.

Có người cho kinh điển Đại Thừa là do các tổ sư sau này như Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, v.v... trước tác, còn các Kinh Bộ (Nikaya) Pali mới đúng là của Phật, vì các nhà sử học đã nói như thế! Các sử gia thời nay cách Phật 2500 năm, phải tìm tòi, khảo cổ, đào chỗ này chỗ kia chắp vá lại đưa ra giả thuyết. Trong khi đó chỉ mới cách Phật 100 năm mà tăng đoàn đã không đồng ý với nhau và phải họp lại kết tập kinh điển lần thứ nhì. Giáo lý được truyền khẩu gần 300 năm mới được biên chép, và tiếng Pali không phải là ngôn ngữ duy nhất đức Phật đã nói khi còn tại thế, ngài còn nói nhiều thứ tiếng khác như Magadhi, Prakrit, và thổ ngữ bắc ấn Gandhari[36]. Tiếng Pali là tiếng được dùng ghi chép kinh điển phương nam Ấn Độ, cũng như tiếng Sanskrit là tiếng được dùng kết tập ở phương bắc. Do đó kinh điển Pali còn được gọi là Kinh Tạng Nam truyền, và kinh điển Sanskrit là Kinh Tạng Bắc truyền.

Đạo Phật chỉ có một vị duy nhất, đó là vị giải thoát. Tất cả kinh điển Phật giáo đều nhằm mục đích giải thoát khổ đau. Đối với tôi kinh nào cũng hay hết, vấn đề quan trọng không phải là kiểm chứng xem ai đã nói, Phật nói hay tổ nói, mà là cái đó có đúng hay không, có đem lại lợi ích trong sự chuyển hóa khổ đau hay không? Tuy nhiên khi tu học cần phải có thứ lớp, giống như xây nhà cần phải có nền móng vững chắc rồi mới xây tầng lầu. Ta nên học tập những kinh Nguyên Thủy trước vì trong đó lời dạy của Phật đơn giản, dễ hiểu và thiết thực. Sau khi nắm vững giáo lý căn bản như Tứ Diệu Đế, Tam Pháp Ấn, luật nhân quả, nhân duyên và nếm được chút ít hương vị giải thoát, lúc đó ta có thể đi vào giáo lý Đại Thừahọc những kinh lớn như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn, Bát Nhã, v.v... Giáo lý Nguyên Thủy giống như rễ và thân cây, giáo lý Đại Thừa giống như cành lá bên trên. Thân cây có vững chắc thì cành lá mới đơm bông nở trái.

Kiến thức, tín ngưỡng và tu tập


Khi học kinh ta nên kiểm lại xem mình học kinh với mục đích gì? Nếu nghiên cứu kinh điển, tầm chương trích cú, suy luận diễn giải mà không biết áp dụng vào cuộc sống để tu tâm sửa tánh thì đó chỉ là thâu thập kiến thức, nhiều khi trở thành "sở tri chướng". Nguy cơ hiện nay là người tu học (trí thức) thường quan tâm đến sự giải thích về con đường tu hơn là chính con đường, thích chú trọng vào những lý thuyết và hình thức khác nhau của Phật giáo thay vì liên hệ đến những kinh nghiệm tu tập của chính mình.

Có những người rất thông minh, biết đủ loại giáo lý, biết về lý Trung Quán, Tánh Không, Bát nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, v.v... nhưng lại không biết mình có những tánh hư, tật xấu nào cần phải sửa. Do đó những cái lý cao siêu kia sẽ mãi mãi chỉ là lý như bao nhiêu triết lý khác, không giúp ích gì được cho việc tu hành chuyển hóa khổ đau.

Ngược lại với kiến thức là tín ngưỡng, thích thờ lạy, lễ bái, xem kinh như một thứ thần chú hay bùa hộ mạng, tụng kinh để cầu xin điều này điều nọ, không chịu học hỏi để hiểu và tu tập. Nghe ai nói tụng kinhnày linh, kinh kia tốt thì làm theo, thành tâm tin tưởng, tụng hết bộ này đến bộ khác. Siêng năng tụng kinh như vậy cũng tốt, vì trong lúc tụng thì miệng không nói bậy, tuy không hiểu nghĩa nhưng lời kinh không ít thì nhiều cũng rơi vào tâm thức chờ một thuận duyên nào đó sẽ nở ra hạt giống trí tuệ.

Học mà không tu (thực hành) là cái đãy đựng sách, là một thư viện biết đi. Tu mà không học là tu mù. Đức Phật có nói: "tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta". Tại sao vậy? Vì đạo Phật là đạo cứu khổ bằng tuệ giác chứ không phải bằng cầu xin, đức Phật (Buddha) là người giác ngộ chỉ cho ta con đường thoát khổ chứ ngài không thể cứu ta bằng thần thông. Nếu chỉ muốn tin Phật mà không học hiểu thì đó là mê tín, xem Phật là một loại thần thánh ban phúc giáng họa như bao nhiêu thần thánh ngoại đạo. Đó không phải phỉ báng Phật là gì? Học kinh để hiểu Phật, tin Phật và làm theo lời Phật thì niềm tin này là hoa trái, kết quả của tuệ giác, là chánh tín chứ không phải mê tín. Chánh tín là một loại tín ngưỡng trong sạchgiúp con người trở nên đạo đức. Những người vô thần, không tin vào thần thánh, nhưng họ tin vào mãnh lực đồng tiền, tin vào quyền lực nên tha hồ làm tội ác. Ngày nay ở Âu Mỹ, người ta có đầy đủ tiền bạc, tiện nghi vật chất nhưng vẫn thấy thiếu thốn và bất an, bởi vì đời sống tâm linh nghèo nàn, không có niềm tin, không biết tin vào cái gì đem lại hạnh phúc thực sự. Là Phật tử chúng ta có niềm tin nơi tam bảo, khi khổ đau thì có chỗ trở về nương tựa, đó là một điều may mắn.

Mọi tiến trình tu tập cần trải qua ba giai đoạn: văn, tư, tu. Văn là nghe, tư là suy nghĩ, tu là sửa. Học hỏikinh điển là văn, tụng kinh cũng là văn vì miệng tụng và tai lắng nghe lời dạy của phật. Nhưng nếu học mà không sửa là kiến thức suông, có văn, tư mà thiếu tu. Còn tụng mà không học hỏi nghĩa lý thì biết đâu mà sửa, có văn mà không có tư và tu, dễ rơi vào mê tín.

Bởi thế cách học đạo thông minh là mỗi khi đọc hay học một kinh nào đó, ta nên suy nghĩ và trả lờinhững câu hỏi như sau:

- Đại ý kinh này nói gì?

- Làm sao áp dụng kinh này vào đời sống hằng ngày?

- Nếu áp dụng thì được lợi ích gì?

- Có giúp ta bớt khổ hay không?

- Có giúp ta trở nên thánh thiện hơn không?

Nếu một kinh nào áp dụng vào đời sống hằng ngày, giúp ta bớt khổ, chuyển hóa được nội kết và tính xấu thì ta nên đọc tụng thường xuyên để nó đi vào tâm khảm nhắc ta tu hành. Học kinh như vậy mới có lợi ích.

Trí thức và trí huệ


Những người có học thức, có bằng cấp thế gian thì ta gọi là trí thức. Người trí thức được xem là thông minh vì có sự hiểu biết rộng rãi. Khi đến với đạo Phật, họ có thể hiểu giáo lý nhanh chóng hơn người bình dân thất học, nhưng không phải vì vậy mà được xem là có trí huệ. Những giáo sư Phật học ở các đại học là người biết nhiều về Phật giáo, nhưng những điều họ dạy không ăn nhằm gì đến cuộc sống của họ cả. Họ vẫn uống rượu, hút thuốc, chơi bời, hưởng thụ, tham dục, chìm đắm trong cuộc đời như bao nhiêu người không biết đạo. Do đó đối với đạo họ vẫn là người vô minh. Có trí huệ là người thấy rõ nguyên nhân của khổ và biết tu tập, ly dục, để thoát khỏi vòng chi phối của tham, sân, si. Trí thức là cái biết đến từ bên ngoài nhờ thâu thập kiến thức, còn trí huệ là cái biết xuất phát từ bên trong nhờ sự tu tập, thực hành được những điều mình biết và nó có công năng giải thoát. Thí dụ ta biết đời là khổ, vô thường, vô ngã, nhưng ta vẫn bám víu vào cuộc đời, bám víu vào của cải vật chất, danh vọng và đau khổ vì chúng, như vậy cái biết này tuy có mùi đạo nhưng vẫn còn thuộc về trí thức chứ chưa phải là trí huệ. Chỉ khi nào cái biết khiến ta thực sự xả bỏ mọi bám víu, ham muốn, ưa ghét, giận hờn thì đó mới là trí huệ.

Tiến trình tu hành

Phật pháp mênh mông như biển cả làm người học đạo nhiều lúc hoang mang không biết bắt đầu từ đâu, làm những gì và cuối cùng đi về đâu?

Muốn học thì học hoài không bao giờ hết, nhưng muốn hành thì ta có thể tóm tắt con đường tu tập theo bài kệ thứ 183 của kinh Pháp Cú, đó là:

Không làm mọi điều ác,
Gắng làm các hạnh lành
Giữ tâm ý trong sạch
Chính lời chư Phật dạy.

Bài tương đương chữ Hán là:

Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tụ tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.

1/ Không làm điều ác

Thế nào là thiện và ác? Theo quan niệm bình dân cái gì đem lại an vui hạnh phúc cho mình và người là thiện. Ngược lại, những gì làm hại và tổn thương người và vật thì đó là ác! Muốn tránh làm điều ác thì ta phải tôn trọng và giữ gìn giới luật. Nhưng nếu muốn dứt trừ tận gốc điều ác thì phải tu tập quán chiếu vô ngã trong Tam Pháp Ấn (đã nói ở phần trước). Tất cả mọi việc ác đều bắt nguồn từ sự chấp ngã, vì chấp ngã nên mới ích kỷ lợi mình hại người.

2/ Gắng làm hạnh lành

Tất cả việc thiện bắt nguồn từ đâu? Phải chăng từ tâm từ, bi, hỷ, xả? Muốn làm tất cả việc lành thì phải tu tập phát triển Tứ vô lượng tâm. Đại Thừa Phật giáo đi xa hơn dạy phát bồ đề tâm và thực hành bồ tát đạo, cứu giúp tất cả chúng sanh.

3/ Giữ tâm ý trong sạch

Muốn giữ tâm ý trong sạch thì phải có niệm, định và huệ. Niệm hay chánh niệm là khả năng nhận diệnnhững gì đang xảy ra trong tâm. Định là khả năng làm chủ tâm ý, làm cho vọng tưởng dừng lại. Huệ là khả năng thấy rõ và hiểu sâu xa sự vật. Muốn có niệm, định, huệ thì phải tu tập thiền định.

Giới Định Huệ

Bất cứ sự tu hành nào cũng phải nương theo giới, định, huệ. Giới, định, huệ chẳng qua là một lối diễn tảkhác của bài kệ ở trên. Không làm điều ác, gắng làm việc lành chính là giới. Giữ tâm ý trong sạch là định và huệ. Tuy nhiên ở đây giới, định, huệ liên hệ nhau như một tiến trình. Giữ giới không phải chỉ tránh làm ác mà phải ly dục, xa lìa sự ham muốn ở đời. Nhờ ly dục, bớt ham muốn nên tâm ít phiền não, được yên tĩnh (định). Sau đó dùng tâm định tĩnh suy tư, quán chiếu đề mục thì huệ mới phát sinh. Huệ là khả năng thấy và hiểu rõ thực tướng của sự vật (tri kiến thanh tịnh). Trong ba cái, huệ là mục tiêutối hậu vì nhờ huệ mà vô minh được diệt trừ tận gốc. Do đó ta có thể nói giới và định là phương tiện, còn huệ là cứu cánh. Trong kinh Trạm Xe[37] (Rathavivuta sutta) có nói về bảy giai đoạn tu hành theo thứ lớp để đạt đến giải thoát, trong đó giới và định là hai giai đoạn đầu, năm giai đoạn sau thuộc về huệ.

Tuy nhiên có người không biết điều đó nên chấp vào giới và định rồi sinh bệnh.

Có giới mà thiếu huệ nhiều khi gây thêm phiền toái vì không biết khi nào cần và khi nào không cần giữ giới. Giới luật được đặt ra vì một lý do và một hoàn cảnh nào đó. Khi gặp một hoàn cảnh cấp bách thì Phật cũng khai giới. Giữ giới để làm lành lánh ác, tự lợi lợi tha chứ không phải giữ giới để giới trở lại trói buộc, giữ giới để cầu tiếng khen, hoặc khen mình chê người, đó là chấp thuốc thành bệnh.

Tu định chỉ lo nhập định, dứt bặt suy nghĩ mà không hướng đến huệ thì khi xả định hay định lực hết thì phiền não xuất hiện trở lại.

Tìm Pháp môn

Nhiều người mới tu thường lo đi tìm pháp môn. Tu một thời gian không thấy gì lạ thì bỏ đi tìm pháp mônkhác. Tìm pháp môn để tu tập là điều tốt, nhưng việc quan trọng đầu tiên là phải biết mình tu để làm gì, tại sao phải tu? Sau khi biết rõ mình muốn cái gì rồi thì mới đi tìm phương tiện. Trên đường tu đạochúng ta nên theo tiến trình của Tứ Diệu Đế (khổ, tập, diệt, đạo), phải thấy rõ và ý thức được những phiền toái, khổ đau của mình, kế tiếp là học đạo, học kinh để tìm nguyên nhân khổ đau, sau cùng mới đi tìm pháp môn để tu sửa. Tu một thời gian phải kiểm chứng lại xem có hiệu quả hay không?

Pháp môn là gì?
Là một phương pháp hay phương tiện giúp ta đạt đến mục đích (cứu cánh). Tất cả Kinh Phật đều là những pháp môn. Nếu mục đích của bạn là làm sao bớt nóng giận, biết thương người thì bạn nên học kinh Từ Bi (Metta sutta) và thực hành theo kinh Từ Bi, đó là bạn tu theo pháp môn Từ Bi. Xưa kia chư tổ nương theo một kinh để tu tập rồi từ đó phát xuất ra một tông phái, như Pháp Hoa tông chuyên tu theo kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm tông chuyên tu theo kinh Hoa Nghiêm, Tam Luận tôngtu theo ba bộ luận, v.v...

Thay vì bỏ thì giờ đi tìm pháp môn tốt hơn nên tìm lại xem bệnh của mình là gì? Vì biết bệnh mới dễ tìm thuốc. Bệnh chung của đa số con người là gì? Là vô minh, ái dục, chấp ngã, tham lam, giận hờn, lo sợ, bất an, v.v... Không biết bạn đang tu theo pháp môn gì, nhưng nếu tâm bạn được bình an, bớt giận hờn, lo âu, biết thương yêu và thông cảm kẻ khác thì đó là pháp môn tốt nhất cho bạn!

HT Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “17. Học Kinh”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com