Thông thường trước khi đi khám bác sĩ ta phải ý thức được mình là người có bệnh. Cũng thế, trước khi đi tìm hạnh phúc ta phải ý thức được khổ đau. Có bệnh mới đi tìm bác sĩ, có khổ mới tu. Suy tư và thấm được chân lý khổ là điều rất quan trọng.

Ở đời không ai muốn khổ, nhưng có khổ thì mới trưởng thành. Khổ đau là một kinh nghiệm cần thiếttrên đường đạo. Người trí gặp khổ thì càng tinh tấn tu học cầu giải thoát. Vì thế nguời tu mỗi khi gặp cảnh khổ không nên thối chí mà hãy lấy ngay cơ hội đó để quán chiếu.

Phải biết yêu và khổ vì yêu rồi mới thấy tình là giây oan.

Phải trải qua đời sống vợ chồng tan vỡ, ly dị mới thấy đời sống gia đình không phải hạnh phúc như hằng mơ tưởng.

Phải đi làm cực nhọc, bị chèn ép ganh tị thì mới hiểu sống ở đời là kham nhẫn.

Phải bon chen, dành giựt, đua đòi mới thấy sống ở thành thị không phải sung sướng.

Phải nếm mùi sợ hãi, thèm khát, tuyệt vọng, thì mới thương cho kiếp con người.

Phải bị bệnh hoạn, tai nạn, đau nhức thì mới thông cảm người bệnh.

Phải gần gũi tiếp xúc với cảnh khổ thì lòng từ bi mới tăng trưởng.

Phải bị trái ý, vu oan, dèm pha thì mới tập hỷ, xả được.

Phải thấy rõ những phiền toái khổ đau của ái dục đem lại thì mới chấm dứt ham muốn.

Nhiều người trong lúc sống sung sướng không biết tu, chỉ lo hưởng thụ, phải chờ đến khi cuộc đời dội cho vài gáo nước lạnh, khổ đau, mất mát mới tỉnh cơn mê. Nhiều khi ta phải cám ơn bài học khổ, nhờ nó mà ta tỉnh ngộ tìm đường giải thoát, chứ nếu không thì chắc hãy còn lặn hụp trong thú vui dục lạccủa thế gian.

Giáo lý mà đức Phật giảng dạy ngay sau khi vừa chứng đạo là Tứ Diệu Đế, trong đó bài học đầu tiên là khổ đế. Phải ý thức được khổ mới tìm đường thoát khổ. Đức Phật có nói thí dụ về bốn loại ngựa để so sánh với bốn hạng người ở đời. Loại ngựa thứ nhất, chỉ cần thấy bóng cây roi là nó đi ngay. Loại ngựa thứ hai thấy bóng cây roi chưa chịu đi, phải đợi cây roi đụng nhẹ mới chịu đi. Loại ngựa thứ ba phải bị roi đánh thật mạnh vào da mới đi. Loại ngựa thứ tư phải bị roi đánh tét da chảy máu mới chịu đi. Con người cũng vậy, hạng người thứ nhất chỉ cần nghe nói về khổ liền tỉnh giác mau tìm đường giải thoát. Hạng người thứ hai phải chứng kiến cảnh khổ mới tỉnh ngộ tu hành. Hạng người thứ ba phải rơi vào cảnh khổ mới lo tu. Hạng người thứ tư phải chịu thống khổ đớn đau mới tìm đến đạo. Bạn kiểm xem mình thuộc hạng nào trong bốn loại người trên?

 Bài tập:
Bạn hãy suy tư những điều sau đây trong đời sống hằng ngày:

1) Có cái gì khổ cái đó.

2) Ý muốn có là bắt đầu khổ rồi.

3) Muốn có nhiều thì khổ nhiều, muốn ít thì khổ ít.

4) Mỗi khi gặp khổ, ta rút tỉa được bài học gì?

5) Ta có thể làm gì (trên Ý, Tình, Thân) để thay đổi hoàn cảnh?

Lập Hạnh

Ngày nay với khoa học văn minh, phương tiện truyền thông tối tân như Internet, mạng lưới toàn cầu (world wide web), kinh sách Phật giáo và băng nhựa thuyết pháp được phổ biến khắp nơi. Chịu khó ngồi trước máy vi tính (computer) bấm vào Internet, sưu tầm tra cứu là ta có thể trở thành một nhà phật họcuyên bác. Nhưng đạo Phật là đạo cứu khổ, quý nhất là thực hành. Nếu cứ mải học giáo lý, tánh Không, Bát Nhã, Duy Thức, Hoa Nghiêm, Kim Cang, v.v... ta sẽ rơi vào mê hồn trận của tri thức, của sở tri chướng và quên đi thực hành.

Nếu người nói nhiều kinh,
Không hành trì, phóng dật,
Như kẻ chăn bò người,
Không phần sa môn hạnh. (Pháp Cú, kệ 19)

Dầu nói ít kinh điển,
Nhưng y pháp hành trì,
Từ bỏ tham, sân, si,
Tâm thanh tịnh giải thoát,
Không chấp thủ hai đời,
Dự phần sa môn hạnh. (Pháp Cú, kệ 20)

Muốn thực hành không gì bằng Lập Hạnh. Lập hạnh giống như lập nguyện, chư bồ tát có những đại nguyện, đại hạnh, lục độ vạn hạnh. Hàng sơ cơ như chúng ta có thể bắt đầu bằng vài ba hạnh, khi nào thuần thục thì lập thêm hạnh mới.

Sau đây là vài hạnh, tôi lập ra để tự nhắc nhở mình:

1) Ghi nhận đúng như thật
2) Không nghĩ xấu kẻ khác
3) Ái ngữ và không nói xấu kẻ khác
4) Tập làm một điều tốt

1) Ghi nhận đúng như thật

Ghi nhận đúng như thật là không phê phán, chỉ trích, không thêm bớt ý kiến tốt xấu, hay dở của mình vào. Trong đời sống hàng ngày chúng ta thường ghi nhận sự vật qua lăng kính, vọng tưởng vọng tìnhcủa mình. Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng méo, khi thương ai thì người đó làm gì ta cũng thấy dễ thương hết. Khi ghét ai thì người đó làm gì ta cũng thấy dễ ghét! Thương nhau thương cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng! Khi ưa một thầy nào thì những gì thầy nói ta đều thấy hay và đúng. Khi ghét một thầy nào thì những lời thầy nói dù đúng chánh pháp ta cũng cho là sai, là dở. Chúng ta hay gán lên sự vật những nhãn hiệu (étiquette, label) do thành kiến, chấp trước ưa ghét của mình, rồi chấp cứng vào đó. Trong khi đó sự vật vô thường, thay đổi trong từng sát na. Anh B nói đúnghôm nay không có nghĩa là anh sẽ nói đúng ngày mai. Anh A là người xấu hôm nay nhưng chưa chắc sẽ xấu trọn đời.

Ghi nhận sự vật đúng như thật chưa đủ, ta phải tập chấp nhận sự vật như nó là (pháp nhĩ như thị). Gặp trời mưa, tôi ghi nhận là trời mưa và chấp nhận hôm nay trời mưa. Nhưng nếu trời mưa mà tôi nói là trời xấu rồi không bằng lòng, tôi muốn trời phải nắng đẹp mới chịu. Nói trời xấu là vọng tưởng, không vui là vọng tình!

Sống chung trong gia đình, mỗi người có mỗi tính mỗi tật, nếu biết ghi nhận như thật và chấp nhận tánh tình của mỗi người là như vậy (như thị) thì ta sẽ thoải mái không cảm thấy khó chịu hay vướng bận. Nếu không biết ghi nhận và chấp nhận sự vật đúng như thật thì ta sẽ muốn người này phải như thế này, người kia phải như thế kia rồi sinh ra buồn bực. Bản tính của con chó là hay sủa mà ta không cho nó sủa, muốn dạy nó phải nằm im, phải biết nghe lời ta, dạy hoài mà nó cứ sủa thì ta sẽ tức mình lấy gậy đánh nó. Khi nào hết nghiệp làm chó chuyển kiếp làm người thì tự động nó sẽ hết sủa. Cũng thế, ta không thể nào bắt người khác phải thay đổi tánh tình theo ý ta nếu họ không muốn. Ngay cả Phật cũng không thể dùng thần thông biến ta thành từ bi, trí huệ được. Chư Bồ Tát muốn độ sanh thì phải dùng lời nói dạy dỗ cho ta chứ các ngài không thể nhảy vào đầu mà chuyển hóa ta được.

Đừng lầm lẫn con người với hành động


Anh Tư là người học thức tốt nghiệp kỹ sư kinh tế nhưng anh lại đi buôn lậu. Tuy buôn lậu nhưng anh rất tốt với gia đình, mỗi khi trúng được áp phe nào lớn là anh cho tiền cha mẹ và anh em bạn bè. Có người biết anh buôn lậu nên họ nói anh là một tên lưu manh, trong khi đó người trong gia đình lại cho anh là người tốt. Vậy anh Tư là người tốt hay xấu? Sau một thời gian buôn lậu, nhiều đồng nghiệp bị bắtở tù, thấy thế anh Tư bỏ nghề buôn lậu trở về làm ăn buôn bán đàng hoàng. Lúc đó người ta lại nói anh Tư là người lương thiện. Vậy thì anh Tư là người lưu manh hay lương thiện?

Anh Tư không phải là người tốt và cũng không phải là người xấu, chỉ có hành động của anh lúc xấu, lúc tốt. Hành động buôn lậu là một hành động lưu manh, phi pháp, đáng bị ở tù, còn hành động rộng rãigiúp đỡ gia đình là một hành động tốt đáng khen.

Chúng ta không thể và không nên phán xét hay đánh giá một người nào bởi vì người đó không bao giờ hoàn toàn là một cái gì, chúng ta chỉ có thể phán xét hành động của người đó là phải hay trái, tốt hay xấu mà thôi.

Trong gia đình có nhiều bậc cha mẹ thường mắng con là đồ ngu, đồ lười, đồ ăn hại, v.v... Khi mắng như vậy họ không biết đã vô tình làm hại đứa nhỏ, gieo vào đầu và làm cho nó tưởng nó là người ngu, lười và ăn hại không làm nên trò trống gì cả. Lớn lên nó sẽ có mặc cảm sợ sệt, nhút nhát vì trong tâm nó nghĩ nó là đồ ngu, ăn hại, vô dụng. Khi đứa nhỏ chơi dại thì ta nên la nó: con đừng chơi dại, đây là một hành động ngu xuẩn. Khi đứa nhỏ không chịu học bài, chỉ thích đi chơi thì ta nói cho nó thấy đó là một hành động lười biếng, không nên tiếp tục. Đứa nhỏ không phải là một người lười, vì nó chỉ lười học chứ đâu có lười đi chơi. Một người nếu là ngu thì chắc chắn sẽ không thể thông minh được, một người nếu thực sự là ác thì sẽ không bao giờ trở thành tốt được.

Mỗi khi phán xét một người nào chúng ta phải cẩn thận, đừng đóng khung và dán cho họ một nhãn hiệu do chính ta làm ra.

2) Không nghĩ xấu kẻ khác


Trong sự giao tiếp hàng ngày, mọi sự xích mích bất hòa đều bắt nguồn từ "nghĩ xấu và nói xấu nhau". Nghĩ xấu người khác tức là hại mình trước, vì sao? Vì mình đã làm nhơ và đầu độc tâm mình. Khi tôi nghĩ anh Sáu là người lưu manh, gian xảo thì đương nhiên tôi sẽ nghi ngờ và ghét anh ấy. Xa hơn nữa tôi sẽ chỉ trích và đối xử xấu với anh và tạo thêm nghiệp oán thù. Muốn không nghĩ xấu về người khác thì phải tập đừng nhìn lỗi người. Vì thấy lỗi người thì ta dễ sanh lòng chỉ trích, buồn phiền, khó chịu.

Dễ thay thấy lỗi người,
Lỗi mình thấy mới khó,
Lỗi người, ta phanh tìm,
Như sàng trấu trong gạo,
Còn lỗi mình, che đậy,
Như kẻ gian dấu bài. (Pháp Cú, kệ 252)

Hãy tập đừng nghĩ xấu về người khác. Nếu thấy người làm ác thì ta nên suy nghĩ như sau: vì vô minh, phiền não làm mất sáng suốt nên người đó mới hành động sai quấy như vậy. Họ là người đáng thương, đau khổ đời này và cả đời sau (vì phải chịu quả báo).

Không nên nhìn lỗi người,
Người làm hay không làm,
Nên nhìn tự chính mình,
Có làm hay không làm. (Pháp Cú, kệ 50)

Người tu cần phải "phản quang tự kỷ" tức là quay cái nhìn trở lại nơi mình, xem mình có làm lỗi hay không. Có thấy lỗi mình thì mới tu sửa để trở nên thánh thiện. Còn người khác có làm sai quấy hay không thì đó là chuyện của họ, không nên dại dột ôm thêm phiền não vào mình. Không nghĩ xấu kẻ khác tức là đang thanh lọc tâm ý của mình và làm đúng lời Phật dạy. Tụng kinh, sám hối mà tiếp tục nghĩ xấu kẻ khác thì nghiệp cũ chưa sạch lại tạo thêm nghiệp mới.

Nếu gặp trường hợp mình không nghĩ xấu kẻ khác mà ngược lại họ nghĩ xấu mình thì sao? Thật ra vấn đề này không cần đặt ra, vì ta chưa có tha tâm thông nên không thể biết được trong tâm người khác nghĩ gì về ta. Ta chỉ có thể nghi, hoặc đoán là họ nghĩ xấu mình qua cử chỉ lời nói hành động của họ. Họ nghĩ gì về ta thì đó là vấn đề của họ vì họ phải sống với những ý nghĩ đó.

Không nghĩ xấu kẻ khác là một hạnh tu rất khó làm, không phải một sớm một chiều mà làm được ngay. Có người sau một thời gian tu hành, biết phải trái rồi tâm bỗng sinh ra phân biệt, so sánh, phán xét kẻ khác, thí dụ như thấy bạn đồng tu không giữ giới, không tụng kinh, không thiền định, không chánh niệm, không ăn chay, v.v... Nói ra sợ mích lòng tạo khẩu nghiệp, không nói thì trong lòng bực bội, khó chịu. Tu như vậy thì càng tu càng khổ, và đương nhiên là tu không đúng. Tu sửa phải có từ bi và trí huệ. Nếu tập khí phân biệt, phán xét quá sâu dày thì ta tập chuyển như sau: mỗi khi thấy ai làm điều gì sai quấy thì ta liền phát nguyện cầu cho người đó nghiệp chướng tiêu trừ, căn lành tăng trưởng. Mình tu thiền Tứ Niệm Xứ mà thấy người khác không có chánh niệm thì liền phát nguyện cầu cho người này sẽ có chánh niệm. Mình thông hiểu kinh điển mà thấy người khác tụng như vẹt thì phát nguyện cầu cho họ sớm hiểu được nghĩa mầu. Cứ thế mình luôn trải tâm ra cầu mong những sự tốt đẹp đến với mọi người. Như vậy thì cái tâm phán xét được chuyển thành tâm từ bi.

3) Không nói xấu kẻ khác


Nói là một khả năng đặc biệt của con người, là một phương tiện truyền thông, nhưng hầu hết những vấn đề vui buồn, sung sướng, khổ đau đều bắt nguồn từ lời nói. Thương nhau cũng vì lời nói mà ghét nhau cũng từ lời nói. Một lời nói có thể gây ra chiến tranh mà cũng có thể đem lại hòa bình. Vì thế đức Phậtdạy tu là phải kiểm soát ba nghiệp: thân, khẩu, ý cho thanh tịnh. Về ý thì ta đã lập nguyện ở trên là không nghĩ xấu kẻ khác, bây giờ về khẩu tức là cái miệng thì ta tập không nói xấu kẻ khác. Nói xấu kẻ khác thì ta được lợi ích gì? Không được lợi ích gì hết mà ngược lại, trước hết tạo khẩu nghiệp, sau là nói xấu người thì sẽ bị người nói xấu lại. Nói xấu người là làm dơ miệng mình trước.

Người đời có tật hay nói, thích nói, nhất là những chuyện thị phi, bàn tán, chê bai người này, chỉ tríchngười kia, phán xét người này tốt người kia xấu. Nghe một thì đồn mười, chuyện có thì nói không, chuyện không thì nói có, gây ra xích mích giận hờn lẫn nhau. Cổ nhân có câu "bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất", nghĩa là các thứ bệnh đều từ miệng mà vào, mọi tai họa đều từ miệng mà ra, và "khẩu khai thần khí tán, thiệt động thị phi sanh", mở miệng thì thần khí tiêu hao, lưỡi động đậy nhiều thì sanh chuyện phải trái. Do đó tu hành chúng ta cần phải tỉnh giác giữ gìn cái miệng của mình. Nếu được thì nên tập bớt nói, và khi nói thì phải cẩn thận. Người xưa thường căn dặn trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần để đừng nói bậy gây tổn thương cho mình và người.

Trong năm giới căn bản của Phật tử tại gia thì ba giới đầu: sát sanh, trộm cắp, tà dâm thuộc về thân, còn hai giới sau: nói dối, và uống rượu thuộc về miệng. Đúng ra giới thứ tư bao gồm cả bốn điều là không: nói dối (vọng ngôn), nói thêu dệt (ỷ ngữ), nói hai chiều (lưỡng thiệt), và nói xấu người (ác khẩu).

Lời nói rất lợi hại trong việc giao tiếp với đời. Nghĩ xấu người khác thì chưa nặng lắm vì nó hãy còn nằm trong tâm và làm một mình ta khổ thôi, còn nói xấu người khác thì cả hai đều bị tổn thương. Vì thế tu hành không phải chỉ có tu tâm như một số người lầm tưởng mà phải tu cả miệng nữa. Tu miệng tức là tập chánh ngữ (điều thứ ba trong Bát Chánh Đạo). Chánh ngữ không phải đơn giản chỉ nói sự thật mà nó bao gồm năm điều sau, như Đức Phật dạy trong Kinh Ví dụ cái cưa (Trung Bộ Kinh 21): "Chư Tỷ Kheo, có năm loại ngôn ngữ mà các thầy có thể dùng khi nói với người khác:

1/ đúng thời hay phi thời
2/ chân thực hay không chân thực
3/ nhu nhuyến hay thô bạo
4/ có lợi ích hay không lợi ích
5/ với tâm từ hay tâm sân."

Qua lời dạy trên, ta thấy không phải cứ nói đúng sự thật là tốt. Có những sự thật không nên nói và có những sự thật cần nên nói. Sự thật mà nói không đúng lúc (phi thời) thì sẽ không ai nghe. Sự thật mà nói một cách hung hăng thô bạo thì người ta ghét và không chấp nhận. Nói sự thật mà gây tổn hại chia rẽ không đem lại lợi ích cho ai thì nói làm chi? Nói sự thật mà lòng tức giận thì sự thật đó chỉ là một cái cớ hại người, nói ra cho hả dạ. Vì thế Chánh Ngữ cần bao gồm năm điều sau:

1/ nói sự thật
2/ nói đúng lúc
3/ ôn hòa ái ngữ
4/ có lợi ích
5/ nói với tâm từ mong cho người nghe được an vui hạnh phúc.

Nhiều người cho rằng khi mình nói sự thật, đúng lẽ phải thì người khác phải nghe, nếu họ không nghe thì mình nổi giận. Đây là một ý tưởng sai lầm cần phải sửa và kiểm lại xem mình có nói theo chánh ngữhay không?

4) Tập làm một điều tốt

Tập được hai hạnh trên: không nghĩ xấu và không nói xấu kẻ khác là chúng ta đã tiến bộ khá xa trên đường Đạo. Tuy nhiên đây mới chỉ là một phần ba đường, không làm điều ác (chư ác mạc tác). Một phần ba kế tiếp là tập làm điều lành (chúng thiện phụng hành).

Về thân thì ta tập bố thí, cúng dường, giúp đỡ, làm công quả, v.v... Bố thí cúng dường là một hạnh căn bản trên đường đạo, nó chuyển hóa lòng keo kiệt bám víu tài sản, khai mở tâm xả và rộng lượng, phần đông người trí thức rất ít để ý tới hạnh này. Các vị Bồ Tát lớn trong kinh Đại Thừa đều có những hạnh nguyện đặc biệt và nó trở thành tên của các ngài, thí dụ như Thường Tinh Tấn Bồ Tát, Thường Bất Khinh Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Trì Địa Bồ Tát trong kinh Pháp Hoa. Thường Bất Khinh Bồ Tátthường hành một điều đơn giản là thấy ai ngài cũng lễ xá và nói: "Tôi không dám khinh quý vị, vì quý vị đều sẽ thành Phật". Quán Thế Âm Bồ Tát thì tu hạnh lắng nghe và cứu người khổ đau."Trì Địa Bồ Táttừng làm hạnh bồi bổ đường xá, đất đai, bờ bến, khiến cho người bộ hành được vững bước, xe cộ được lưu thông, ghe thuyền được qua lại dễ dàng. Ngài lại còn khuân vác đồ đạc cho người ta ở những nơi chợ búa, thành phố mà không thọ lãnh tiền công[43]".

Ngoài những hạnh nơi thân, ta có thể lập hạnh nơi miệng như tập khen tặng người khác, đó là ban chohọ sự hoan hỷ. Tâm lý chung của con người chỉ thích được khen chứ không biết khen. Mỗi khi thấy ai làm điều gì tốt đẹp ta nên tùy hỷ và khen tặng, khen như vậy là ý thức được điều tốt nơi tha nhân. Ta vừa có công đức và người kia được hoan hỷ, đấy không phải tự lợi lợi tha là gì?

Bài tập:

1) Một ngày qua ta đã làm gì lợi ích cho mình và người khác?

2) Ta có đem lại niềm vui cho ai không?

3) Ta đã sửa đổi được tánh xấu nào?

4) Ta có làm đúng theo hạnh của mình không?

Tóm lược


Trên đường đạo, chúng ta cần nương theo một vị thầy để học hỏi giáo lý kinh điển, trau dồi giới, định, huệ và lựa một pháp môn tu trì. Nếu chưa tìm ra thì có thể lấy pháp môn thiền tịnh song tu và sau cùng là lập hạnh để tu tập trong đời sống hàng ngày. Vì tu không phải là chạy trốn cuộc đời mà là chuyển hóamình ngay trong cuộc đời.

HT Thích Trí Siêu

-ooOoo-


[34] Kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Tứ Y, Phật dạy: y theo pháp không y theo người, y theo nghĩa không y theo lời, y theo trí không y theo thức, y theo kinh liễu nghĩa không y theo kinh chẳng liễu nghĩa.

[35] Kinh thứ 17 thuộc Trung Bộ Kinh.

[36] HIstoire du Bouddhisme Indien. Etienne Lamotte

[37] Kinh thứ 24 của Trung Bộ. Thích Minh Châu dịch.

[38] Đôi nét về Tổ Sư Thiền. Thích Phước Sơn

[39] Yếu Chỉ Thiền Tông. Thích Thanh Từ

[40] Yếu Chỉ Thiền Tông.

[41] Tên những hành tinh bằng tiếng Pháp.

[42] Vĩnh Minh đại sư là một thiền sư giác ngộ và cũng là tổ thứ 6 của Tịnh Độ tông.

[43] Trích Phật Học Từ Điển 3. Đoàn Trung Còn


Có phản hồi đến “20. Ý Thức Khổ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com