Nên tu Thiền hay tu Tịnh? Ngày nào còn Phật Pháp, còn Phật tử thì câu hỏi này vẫn còn được đặt ra. Người thì nói nên tu Thiền, vì chính Phật Thích Ca xưa kia nhờ tu Thiền mà giác ngộ. Người thì bảo thời nay mạt pháp, căn cơ hạ liệt tu thiền dễ tẩu hỏa nhập ma, tốt hơn nên tu Tịnh Độ. Người tu Thiền thì xiển dương Thiền, kẻ theo Tịnh Độ thì xiển dương Tịnh Độ, điều này không có gì sai quấy, nhưng trong lúc xiển dương pháp môn của mình thì vô tình rơi vào độc tài chỉ trích pháp môn khác, hoặc nói tu phápmôn nào thì phải chuyên tu một thứ thôi, không nên tu hai ba cái một lúc. Chúng sinh đa bệnh, một thứ thuốc không thể chữa hết bệnh được. Phật pháp cũng giống như một nhà thuốc tây (pharmacie), nếu ta nhức đầu thì vào đó tìm thuốc nhức đầu, hết nhức đầu mà còn đau bụng thì vào tìm thuốc đau bụng. Đâu có lý nào lỡ uống thuốc nhức đầu rồi mà cứ phải uống hoài khi bị đau bụng? Nhiều khi vừa đau bụng vừa nhức đầu thì phải uống hai ba loại cùng một lúc. Điều quan trọng là bệnh nào thì dùng thuốc nấy.

Thiền và Tịnh là những loại thuốc tốt, nhưng bệnh của bạn là gì? Có thể bạn thích Thiền nhưng bệnh của bạn cần thuốc Tịnh mới hết, hoặc ngược lại bạn thích Tịnh nhưng bệnh của bạn phải uống thuốc Thiền mới hết, hoặc uống cả hai mới hết.

Ở đây tôi không nói nhiều về Thiền và Tịnh vì có rất nhiều băng sách làm chuyện đó rồi nhưng phần đông là Thiền và Tịnh đi riêng, không hợp tác chung.

Mục đích của Thiền là gì? Tôn chỉ của Thiền tông là "kiến tánh thành Phật", nhưng bạn có thấy ai kiến tánh chưa, nhất là thời nay năm 2002? Và nếu có thì những người kiến tánh đó thành Phật chưa? Từ lúc kiến tánh cho đến thành Phật còn không biết bao lâu nữa, hành giả vẫn phải tiếp tục tu tập, thanh lọc tâm ý, loại trừ vọng tưởng, tích tụ phước huệ. Người tu thiền cần phải nhớ lại Phật là ai? Đâu phải chỉ trở về sống với Phật tánh là đủ thành Phật, Phật có mười danh hiệu, trong đó có Minh Hạnh Túc(Vijjacaranasampanno), tức là trí huệ và đức hạnh đầy đủ. Ngoài ra Minh còn có nghĩa là tam minh: thiên nhãn minh, túc mạng minh, lậu tận minh, ba thứ minh mà Đức Phật chứng được khi thành đạo.

Thiền tông thường lấy bài kệ sau đây làm tôn chỉ:

Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.

Nhưng "bốn câu kệ này không phải của Đạt Ma mà do người đời sau sáng tạo. Theo Tông Giám, tác giảbộ "Pháp chánh truyền của Phật Thích Ca" soạn năm 1257, đó là sáng kiến của Nam Tuyền Phổ Nguyện"[38]. Câu "kiến tánh thành Phật" thường gây hiểu lầm. Trong sách "Yếu Chỉ Thiền Tông", Hòa thượng Thanh Từ có nói rõ: "Yếu chỉ Thiền tông là kiến tánh khởi tu. Chữ kiến tánh có nghĩa là ngộ đạohay giác ngộ. Song ngộ đạo có chia ra giải ngộ và chứng ngộ, giác ngộ có chia phần giác và toàn giác. Chữ kiến tánh này tương ưng với nghĩa giải ngộ và phần giác. Cho nên người kiến tánh chỉ gọi là Thiện Tri Thức hay là Tổ ... Sau khi kiến tánh cần phải khởi tu mới đạt chứng ngộ, giải thoát sanh tử, đắc thành Phật quả... Nếu không phải là người kiên trì tỉnh giác bền bỉ lâu dài, dù có giải ngộ cũng không giải thoát sanh tử"[39].

Bạn tu Thiền để bớt phiền não khổ đau hay để kiến tánh? Và dù cho bạn đã kiến tánh rồi cũng chưa chắc thoát khỏi sinh tử luân hồi. Vì nếu "công phu chưa viên mãn thì tùy phước nghiệp cao thấp, dầy mỏng, đến cảnh tương ưng thọ sanh"[40]. Như vậy tu Thiền mà chưa chứng ngộ thì chết sẽ theo nghiệp thọ sanh như bao nhiêu người khác. Và nếu phải thọ sanh thì tại sao không cầu sanh về cõi Phật A DiĐà? Là Phật tử (con Phật) cầu về với Phật, về nước của Phật thì có gì sai quấy? Chư Bồ Tát Phổ Hiền, Văn Thù, Quan Âm, Thế Chí, Mã Minh, Long Thọ là những người đã chứng ngộ mà còn cầu sanh về cõi Phật, huống chi chúng ta.

HT Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “18. Thiền Tịnh Song Tu”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com