Mục Lục
Sau khi nhận diện được những tin tưởng sai lầm (vọng tưởng), nguyên nhân phát khởi tánh tình xấu (phiền não) và tập thay thế nó bằng những tư tưởng mới, đó chỉ là tu tập trên phương diện của Ý thôi. Phiền não bắt nguồn từ tâm ý, thể hiện qua tình cảm và hành động, do đó phải tu sửa cả Tình và Thân nữa.
Trong phần chuyển Tình (hay tu Tình), ta tập phát triển những tình cảm, đức tính, tánh tình mới ngược lại với cái tánh xấu cũ, trong đạo gọi là dưỡng tánh (nuôi dưỡng tánh tốt).
Thí dụ đối với tánh hay sân hận thì ta tập phát triển tánh từ bi, đối với tánh ganh tỵ thì ta tập phát triển tánh hỷ, đối với tánh ghim chấp trong lòng thì ta khai triển tánh xả, đối với tánh nhút nhát thì ta tập tánh can đảm, đối với tánh lười biếng thì ta tập tinh tấn, đối với tánh bỏn xẻn ích kỷ thì ta tập bố thí, rộng rãi, đối với tánh khinh người thì ta tập khiêm nhường và tôn trọng kẻ khác, đối với tánh độc tài thì ta tập khoan dung, đối với tánh đa nghi thì ta tập thông cảm, v.v...
Một ý nghĩ nếu khởi lên đều đặn sẽ đúc kết thành một tánh tình hay tình cảm, một tánh tình nếu khởi lên thường xuyên thì sinh ra một thói quen hay quán tính. Vì thế muốn có một tánh tình mới thì phải bắt đầu bằng một ý nghĩ mới.
Tứ Vô Lượng Tâm
Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) là bốn đức tính cao đẹp mà người tu cần phải có, nếu không có hoặc chưa có thì phải cố gắng phát triển. Tứ vô lượng tâm thường được định nghĩa như sau:
Từ (metta): tình thương, lòng từ ái ban vui cho kẻ khác.
Bi (karuna): lòng bi mẫn thương xót, cứu vớt người khổ đau.
Hỷ (mudita): mừng lây với cái vui của kẻ khác.
Xả (upekkha): bình đẳng đối với mọi người dù thân hay thù.
Từ, bi, hỷ, xả là bốn tâm niệm, nhưng cũng là bốn thứ tình cảm. Tại sao lại có người từ bi hơn kẻ khác? Có người dễ hỷ xả hơn kẻ khác? Ai cũng muốn mình từ bi nhưng lòng từ bi không thể tự nhiên mà có, nó cần phải được trau dồi và phát triển. Muốn phát triển lòng từ, bi, hỷ, xả thì ta phải tập cho nó khởi lên thường xuyên trong tâm.
Sau đây là một bài nguyện ngắn về Tứ vô lượng tâm thường được tụng trong các khóa lễ Tây Tạng:
- Nguyện cho tất cả chúng sinh được an vui hạnh phúc, hay tạo hạnh lành[32].
- Nguyện cho tất cả chúng sinh được thoát ly mọi đau khổ phiền não, ngưng tạo điều ác.
- Nguyện cho tất cả chúng sinh đều có tâm hoan hỷ, không oán ghét lẫn nhau.
- Nguyện cho tất cả chúng sinh đều có tâm bình đẳng, không thương người này ghét người kia.
Phương pháp đọc tụng thường xuyên là tập gieo những lời hay ý đẹp vào tâm thức để nó hiện hành ra cử chỉ, hành động, giống như thiết lập chương trình (programming) điện toán tâm lý vậy.
Ngoài ra trong truyền thống Nam tông cũng có những bài Thiền quán về lòng từ gọi là Metta Bhavana. Hành giả ngồi thiền và khởi tâm cầu nguyện như sau:
- Cầu mong cho tôi được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, giận hờn, lo sợ, hằng ngày an vui, xa lìa khổ nạn.
- Cầu mong cho người thân của tôi (cha mẹ, anh em,...) được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, tâm không phiền não,...
- Cầu mong cho những người quen (tên...) được mạnh khỏe, bình an,...
- Cầu mong cho người xa lạ (tên...) được mạnh khỏe, bình an,...
- Cầu mong cho kẻ thù và oan gia của tôi ... được mạnh khỏe, bình an,...
- Cầu mong cho tất cả chúng sinh được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, giận hờn, lo sợ, hằng ngày an vui, xa lìa khổ nạn.
Ban đầu bạn học thuộc lòng và đọc thầm bài trên, sau một thời gian bạn có thể thay đổi và thêm bớt tùy theo sở thích để khi cầu mong bạn cảm thấy tình thương của mình thực sự gửi đến đối tượng. Ngoài giờ thiền quán bạn vẫn có thể tiếp tục tu tập được bài trên trong đời sống hàng ngày, thí dụ đi đường thấy một người nào đó có vẻ buồn khổ thì bạn khởi ngay trong tâm: cầu mong cho ông/bà được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, ..., xa lìa khổ nạn. Xa hơn nữa, mỗi khi giận người nào hoặc bị người đó làm phiền thì bạn cũng khởi lên câu nguyện kia: cầu mong cho anh/chị được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, v.v... thay vì khởi lên ý nghĩ giận hờn, thù ghét. Bình thường khi tức giận ta chỉ muốn mắng chửi, trù ẻo: cầu cho tên đó bị trời đánh thánh đâm, hoặc bị xe cán chết cho rồi, v.v... Khởi lên một ý nghĩ tốt lành cho kẻ thù không phải là dễ, ban đầu chưa quen nên ngượng ngạo, không tự nhiên nhưng từ từ sẽ thành công.
Một mặt khởi lên ý tưởng thương yêu, từ bi trong tâm ý, một mặt tập biểu lộ nó ra ngoài hành động và lời nói (tu Thân). Ta có thể thực tập thương yêu với chính ta bằng cách ban cho ta một nụ cười hoặc mua cho ta một bó hoa, rồi dần dần tập ban cho người khác một nụ cười, một lời khen khuyến khích, hoặc một món quà gì đó. Thiền Sư Nhất Hạnh thường nhắc nhở chúng ta mỉm cười:
Thức dậy mỉm miệng cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Hoặc sống chánh niệm:
Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời.[33]
Nụ cười không tốn tiền mua nhưng chúng ta hay quên lãng hoặc không biết tặng cho chính mình. Ta cứ tưởng phải có chuyện gì vui thì mới được cười, đó là một thành kiến sai lầm làm cho cuộc đời nặng nề khó thở.
Hai đức tính từ và bi thường được nhấn mạnh và đề cao vì nó là nền tảng của đạo đức, nhưng hai đức tính hỷ và xả cũng quan trọng không kém, nhiều khi còn khó làm hơn nữa. Sống trong cộng đồng xã hội, gia đình, suốt ngày phải va chạm tiếp xúc với người xung quanh nên khó tránh khỏi phiền não. Phiền não phát sinh do tình cảm bị tổn thương, tình cảm tổn thương thì sinh ra nội kết. Muốn chữa vết thương lòng thì phải biết tha thứ, hỷ xả.
Sau đây là hai bài thực tập về tha thứ và xả:
Quán Tha Thứ
1/ Nếu tôi đã từng làm ai đau khổ hay tổn thương bằng tư tưởng, lời nói hay hành động thì tôi xin được tha thứ.
2/ Tôi cũng xin hoàn toàn tha thứ cho những ai đã từng làm tôi đau khổ hay tổn thương.
3/ Tôi cũng xin tha thứ cho những điều lầm lẫn vụng dại của tôi.
4/ Cầu xin cho tất cả mọi người biết tha thứ cho nhau và không ôm ấp hận thù.
Câu thứ nhất xin người tha thứ cho ta, câu thứ hai ta tha thứ cho người, câu thứ ba ta tha thứ cho chính mình, và câu thứ tư ta cầu mong cho mọi người biết tha thứ lẫn nhau.
Cũng giống như phần trên, ban đầu bạn học thuộc lòng bài thiền quán này và tập nhớ lại một cách tổng quát trong lúc ngồi thiền, sau đó bạn đi xa hơn vào chi tiết nghĩa là xét lại mình đã làm người nào đau khổ, người đó là ai? Bạn đã làm tổn thương họ ra sao? Bằng lời nói hay hành động? Và sau cùng bạn thầm xin người đó tha thứ cho bạn.
Có người rất kiêu căng, ngạo mạn, nhiều khi biết mình có lỗi nhưng không chịu nhận lỗi và xin lỗi. Thực tập câu thứ nhất sẽ giúp cho họ bớt kiêu căng và thông cảm niềm đau của kẻ khác.
Có người biết nhận lỗi và xin lỗi nhưng trái lại hay ghim trong lòng những niềm đau nên khó bỏ qua hoặc tha thứ cho kẻ đã làm mình tổn thương. Thực tập câu thứ hai sẽ giúp cho họ mở tâm độ lượngbao dung.
Có người biết tha thứ cho kẻ khác một cách dễ dàng nhưng lại không tha thứ được cho mình mỗi khi lầm lỗi. Họ mang mặc cảm tội lỗi và tự trách móc mình như: tại sao tôi dở quá, tại sao tôi có thể làm những chuyện ngu si tồi bại như vậy, v.v... Thực tập câu thứ ba sẽ giúp cho họ biết thương yêu và tha thứ cho chính mình.
Câu thứ tư tập cho tâm mở rộng hướng đến tất cả chúng sinh.
Quán Xả
1/ Tôi cố gắng giúp đỡ và làm vui lòng người khác, nhưng nếu họ vẫn không vui và đau khổ thì tôi biết chấp nhận vì hiểu đó là nghiệp quả của họ.
2/ Tôi biết tôi không thể thay đổi tính tình hay nghiệp quả của người khác nếu họ không muốn.
3/ Cầu mong cho tôi biết chấp nhận mọi sự việc xảy ra với tâm bình thản không ưa ghét, buồn giận.
4/ Cầu mong cho tôi không bị xao động bởi những biến cố đến và đi.
Chữ Xả (upekkha, upeksha) trong tiếng Việt thường có nghĩa là tha thứ và bỏ qua, không cố chấp, ai làm mình buồn phiền thì mình tha thứ bỏ qua, nhưng Xả trong tiếng Anh và Pháp được dịch là bình đẳng (equanimity, équanimité) có nghĩa là tâm bình thản xem mọi sự việc như nhau, không ưa không ghét, không bám víu cũng không xua đuổi, biết chấp nhận sự việc như chúng là (accept things as they are).
Xả không có nghĩa là dửng dưng mặc kệ không đếm xỉa tới, ngược lại ta vẫn cố gắng làm hết sức mình cho mọi việc tốt đẹp, nhưng nếu nó không xảy ra theo ý muốn thì ta bình thản chấp nhận.
Bình thường khi thương ai thì ta muốn làm cho người đó an vui hạnh phúc, nhưng nhiều khi quên mất là họ có cuộc sống riêng và nghiệp quả riêng. Ta chỉ có thể xen vào ảnh hưởng đôi chút, nếu họ đồng ý. Trong gia đình cha mẹ con cái muốn giúp đỡ và làm vui lòng nhau nhưng nhiều khi vô tình làm phiền nhau nhiều hơn người ngoài. Vợ chồng sống chung cũng vậy, người nào cũng muốn thay đổi tính tìnhcủa người kia, khi thay đổi không được thì bất mãn, buồn giận, chán ghét, v.v...
Một bác sĩ tài giỏi nhất trên đời cũng không thể nào cứu sống được bệnh nhân nếu người đó không chịu uống thuốc. Đức Phật với lòng đại từ đại bi thương chúng sinh, dùng đủ phương tiện giáo hóa, nhưng nếu chúng sinh không nghe thì Phật đành chịu, không thể dùng thần thông cứu được.
Cha mẹ thương con, lo cho con ăn học đầy đủ, muốn con trở thành bác sĩ, kỹ sư, giàu sang sung sướng, nhưng nếu con không chịu học, hoặc học xong thất nghiệp thì cha mẹ nên biết mình đã cố gắnglàm phần của mình rồi, còn con cái thành tài giàu sang hay nghèo khổ thì đó là nghiệp của nó và bình thản chấp nhận.
Khi làm ăn may mắn, có nhà lầu, xe hơi, tiện nghi sang trọng thì ta biết hưởng và sống rộng rãi, đến khi xui xẻo gặp thiên tai, chiến tranh, tai nạn, nhà tan cửa nát thì ta biết chấp nhận và giữ vững lòng tin để làm lại cuộc đời, không la khóc rầu rĩ, than trời trách đất.
Thuở xưa, đức Phật thường bị ngoại đạo oán ghét, tìm cách vu oan, mắng chửi, não hại nhưng ngài luôn luôn bình thản, vắng lặng. Tâm xả không phải là dửng dưng, vô tri vô giác như gỗ đá mà ngược lại lúc nào cũng tỉnh thức, biết rõ sự vật đang xảy ra như thế nào và biết chấp nhận như thế đó, không khởi tâm ưa ghét, khó chịu hay bực bội.
HT Thích Trí Siêu