Mục Lục
Chuyển thân hay tu thân là tập thay đổi những tập quán cũ, thực hiện những thái độ, cử chỉ, lời nóitương ưng với những ý nghĩ, hoặc chương trình tư tưởng mới (new programs).
Tập thể hiện
Sau khi thực tập những bài thiền quán trên, ta cần thể hiện những tính tình, đức tính mới qua lời nói và hành động, nếu không chúng vẫn còn ở trong trạng thái tâm ý, không đủ mạnh để chuyển hóa tập khícũ.
Thí dụ sau khi thầm xin người kia tha thứ cho mình, ta chờ cơ hội thuận tiện đến gặp hẳn người đó và nói lời xin lỗi. Nói ra được là thành công, còn người kia tha thứ cho ta hay không là quyền của họ. Thông thường khi ta biết lỗi và nói ra được thì người kia sẽ ngạc nhiên cảm động và dễ tha thứ cho ta hơn.
Về phần ta tha thứ cho người, cái này không phải dễ, không phải cứ nói suông trong đầu vài chục lần là xong, vì đây không phải nhồi sọ mà là một phương pháp quán chiếu. Trước hết cần kiểm lại xem người kia đã làm ta tổn thương ra sao, nhiều hay ít, vô tình hay cố ý, ta có thể tha thứ được hay không, nếu không thì tại sao, v.v... Trước khi tha thứ thì phải nói đến tổn thương, có tổn thương mới có tha thứ. Trên phương diện tuyệt đối thì không có Ai làm khổ Ai, vì không có cái Ta, lấy ai bị tổn thương, lấy ai đau khổ? Nhưng trên bình diện tương đối của thế gian thường tình thì có ta và có người nên nếu bạn thấy có người kia làm mình khổ thì cần nói ra cho họ biết là bạn bị tổn thương. Nói ở đây là nói trong ái ngữ, trong sự thương yêu và hiểu biết, nói lên cảm xúc hay tình cảm của mình chứ không lên án hay kết tội. Chúng ta hay để bụng và ghim trong lòng mỗi khi bị khổ đau, bất mãn, không chịu nói hay đúng hơn là không biết cách nói để nỗi khổ chồng chất thành nội kết chờ ngày nổ tung làm tổn thương cả hai bên (ta và người).
Thí dụ ta có thể nói như sau: "Hôm nọ anh/chị đã nói hay làm một điều (gì đó) khiến tôi cảm thấy bị xúc chạm và tổn thương. Có thể anh/chị không cố ý nhưng tôi cảm thấy buồn và giận anh/chị". Nói như vậy là nói lên cảm nghĩ và cảm xúc của mình mà không kết tội kẻ khác. Ngược lại nếu ta nói: "Anh/chị là người ác độc, ăn nói hồ đồ, mắng nhiếc bêu xấu tôi trước bà con cô bác làm tôi xấu hổ vô cùng". Nói như vậy là lên án và kết tội. Dù muốn tha thứ hay được tha thứ chúng ta đều cần nói ra cảm xúc khổ đau của mình để hai bên cùng ý thức. Có ý thức sự hiện diện của khổ đau thì mới hóa giải được, nếu như chỉ có bên này ý thức mà bên kia không hay biết gì hết thì rất khó hòa giải.
Sau khi nói ra được phần của mình rồi thì phải biết lắng nghe phần của người kia. Nhờ lắng nghe ta sẽ nhận ra người kia do vô tình, vô ý hay vụng dại chứ không cố ý nên ta có thể tha thứ dễ dàng.
Tập nói ra sự bất bình
Khi gặp chuyện trái ý hay bất bình thì phản ứng ra sao? Thông thường chúng ta có hai thái độ:
1/ Nổi giận cãi nhau hoặc chửi mắng.
2/ Im lặng nuốt giận nhưng trong lòng ấm ức.
Cái thứ nhất gọi là sân, cái thứ hai là nhịn (nhục). Cả hai đều không tốt vì gây tổn hại.
Nổi giận cãi nhau thì gây thù oán, giận hờn, làm sứt mẻ tình cảm. Đa số người tu đều được dạy là không nên nổi giận. Nhưng nếu không nổi giận thì rơi vào trường hợp thứ hai: câm miệng làm thinh, đè nén nuốt giận vào bên trong. Một đàng khạc cái giận ra bên ngoài làm tổn thương người kia, một đàng đưa cái giận vào bên trong làm tổn thương chính mình. Cả hai trường hợp đều có người tổn thương, đều là bạo động (violence).
Chúng ta cần có một giải pháp thứ ba: đó là diễn tả, nói ra sự bất mãn của mình trong hoà bình, còn gọi là chánh ngữ.
Trong nền giáo dục đông phương, con cái không được nói lại hay cãi lại bề trên, nếu nói lại là hỗn láo, dù nói đàng hoàng nhỏ nhẹ hay lễ phép. Bề trên luôn luôn có quyền và có lý, còn kẻ dưới phải nghe lờivà khuất phục. Giáo dục như vậy làm con người bị kềm tỏa áp bức, thụ động, không có óc sáng tạo. Ngày nay ở thế kỷ 21 chúng ta cần phải sửa lại chương trình, cho phép và khuyến khích mọi người nói chuyện với nhau trong chánh ngữ và ái ngữ, không dùng uy quyền đàn áp kẻ khác.
Thí dụ: Dì Sáu có năm người con. Dì rất thương con và muốn mấy đứa thương yêu hòa thuận với nhau, nhưng dì có cái tật là khi gặp cô Hai, con gái lớn, thì dì kể chuyện và than thở trách móc cô Ba. Khi gặp cô Ba thì dì than thở cô Tư thế này thế nọ, không thương chồng, không biết lo cho má, v.v... Gặp đứa này dì than thở trách móc đứa kia, gặp đứa kia dì than thở trách móc đứa này. Từ đó mấy đứa con của dì đâm ra ghét nhau vì nghĩ mấy người kia bất hiếu với má. Duy có cô Tư biết rõ nguyên nhân gây ra bất hòa giữa mấy chị em là do má cứ hay than thở trách móc hoài. Nhiều lúc cô rất bực mình nhưng cả nể không dám mở miệng vì sợ nói ra dì Sáu sẽ buồn, cho cô là đồ bất hiếu hỗn láo. Mà không nói thì cô khó chịu ấm ức trong lòng tại sao má cứ hay chia rẽ mấy chị em. Khạc ra không được mà nuốt vào không xong nên cô Tư rất khổ sở, không muốn về thăm má để khỏi phải thấy nghe những điều trái tai gai mắt. Nhiều lúc cô tự nhủ nếu dì Sáu không phải là má cô thì cô đã la cho một trận nên thân rồi. Cô Tư không biết phải đối phó làm sao với cái giận, vì khi giận mà mở miệng thì cô chỉ biết la hét chửi bới chứ không biết nói từ tốn, và nếu làm vậy thì tình mẹ con coi như chấm dứt. Do đó cô phải ráng im miệng nuốt cái giận vào trong.
Theo giải pháp thứ ba thì cô Tư phải tập nói ra sự bực tức của mình một cách ôn hòa, từ tốn, không hung dữ. Thí dụ như cô mời dì Sáu ngồi xuống rồi nắm tay dì nói: "Má à! Mỗi lần về thăm, nghe má than trách kể chuyện xấu về mấy chị em, con cảm thấy rất khó chịu và buồn bực, vô tình má làm cho tụi con ghét nhau. Con rất thương má và thương mấy chị em, con xin má lần sau có kể chuyện gì về tụi con thì má cẩn thận một chút."
Sửa cái giận
Trước kia, mỗi khi bị trái ý hoặc bị ai nói xỏ xiên, chế nhạo là ta nổi sùng, cất tiếng chửi bới hoặc ăn thuađủ với người kia. Nay muốn sửa cái giận thì phải làm sao? Cần phải thay thế cái phản ứng chửi lại bằng một phản ứng khác. Thí dụ như thầy Nhất Hạnh dạy mỗi khi giận thì ta phải nắm lấy hơi thở và thực tậpchánh niệm: "Thở vào tôi biết là tôi đang giận và ôm cái giận của tôi vào lòng, thở ra tôi săn sóc cái giận của tôi như một người mẹ săn sóc đứa con", đó là một cách. Bạn có thể tạo ra nhiều cách khác, thí dụnhư khi giận thì bạn hít thở thật sâu rồi niệm "Nam mô A Di Dà Phật" thay vì trả lời người kia, cứ hít thở và niệm như vậy cho tới khi nào cơn giận lắng xuống thì mới thôi, hoặc ngưng ngay cuộc nói chuyệnquay mặt đi nhìn chỗ khác, hoặc mỉm cười hít một hơi dài và chắp hai tay lại, v.v...
Nói chung có hai giai đoạn:
1/ tỉnh giác ghi nhận (chánh niệm)
2/ áp dụng phương pháp: nắm lấy hơi thở, hoặc niệm Phật, hoặc làm bất cứ cái gì thực tiễn hướng tâm đến chuyện khác, v.v...
Bài tập:
1) Nếu một người nào đó làm bạn tức giận thì bạn sẽ làm gì hay nói gì? Hãy ghi ra và sau đó diễn tảmột mình.
2) Giận tức có thay đổi được vấn đề không?
3) Thật sự vấn đề có nghiêm trọng đến nỗi phải tức giận hay không?
4) Nếu bạn không tức giận thì bạn sẽ nói hay làm gì? Hãy ghi ra và diễn tả bằng lời nói, hành động.
4) Hãy ý thức về những cảm giác của bạn khi trả lời mấy câu trên. Sau đó bạn lựa chọn, hoặc làm theo câu 1 hoặc làm theo câu 4. Nên nhớ kỹ bạn có toàn quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm về những phản ứng của mình.
Tìm người mẫu
Hồi nhỏ chúng ta có tật hay bắt chước người lớn, thấy ai làm gì thì âm thầm làm theo. Con gái thấy mẹ bồng em thì cũng lấy búp bê ra bồng, con trai thấy cha đóng đinh đục gỗ thì cũng lấy búa ra đập. Người mà ta bắt chước nhiều nhất là cha mẹ, anh em. Mỗi khi cha ta không bằng lòng điều chi thì ông ấy làm gì? Nổi giận quát tháo, la hét làm cho vợ con sợ hãi nghe lời. Đó là một sự thị uy, ra oai có hiệu quả. Chứng kiến những cảnh đó nên dù muốn dù không, vô tình ta bị ảnh hưởng và bắt chước, tức là mỗi khi bị trái ý, không bằng lòng thì ta cũng nổi giận, la lối, quát tháo. Mỗi khi mẹ ta bị áp bức hay buồn giận thì bà phản ứng ra sao? Khóc lóc, than thở hay cắn răng làm thinh chịu đựng? Đương nhiên không phải đứa con nào cũng bắt chước cha mẹ một cách rập khuôn, y như đúc vì khi tái sinh trở lại mỗi người đều mang theo vốn liếng tập khí riêng từ nhiều đời trước, nhưng bây giờ sống trong môi trường mới, những điều mắt thấy tai nghe cộng với chủng tử cũ sẽ cho ra một tánh tình, tư cách mới.
Nếu cha của bạn nổi sân, mẹ bạn hay khóc mỗi khi bị trái ý và bạn cũng phản ứng giống như vậy thìnên biết là bạn đã thâu những chương trình (programs) đó vào tâm của bạn rồi. Bây giờ bạn cần đi tìm một chương trình khác hay hơn, thông minh và nhiều tuệ giác hơn để thay thế vào. Nếu là Phật tử thì bạn hãy tự hỏi, nếu đức Phật bị mắng chửi, mạ nhục thì ngài phản ứng ra sao? Nếu gặp hoạn nạn thì các bậc A La Hán đối xử ra sao? Một người tu hành chân chính sẽ có thái độ gì trước những cảnh như vậy? Trả lời được thì tốt, còn nếu không bạn hãy tìm đọc những tích truyện Phật giáo kể về đời sốngcủa đức Phật và các đệ tử. Sau đó bạn nên đi tìm một người nào có những tư cách, cử chỉ, thái độ mà bạn muốn có, và xem họ như một người mẫu mới, một người mẫu sống động (un modèle vivant, a live model). Chúng ta muốn thành Phật nhưng khổ nỗi chưa bao giờ tận mắt thấy Phật mà chỉ có những khái niệm về Phật. Ai cũng biết đức Phật từ, bi, hỷ, xả nhưng không làm theo được. Vì sao? Vì từ, bi, hỷ, xả vẫn còn là những khái niệm trừu tượng. Ta cần phải thấy tận mắt, tiếp xúc, sờ mó được từ, bi, hỷ, xả thì những đức tính này mới thấm vào ta được. Vì thế sự gần gũi những người đạo đức, những bậc tu hành rất ích lợi và cần thiết trong việc tu tâm dưỡng tánh.
Có nhiều người nói: "tôi chỉ tu tâm thôi, không cần tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, bố thí, trì giới, v.v..." Như đã trình bày ở trên, Ý, Tình, Thân liên quan và hoạt động chặt chẽ với nhau nên muốn tu sửa phiền não thì phải tác động trên cả ba mặt, tức là tu (sửa) tâm ý, tu (sửa) tình, và tu (sửa) thân. Nếu chỉ lo tu tâm, ngồi thiền suốt ngày, không khởi vọng tưởng suy nghĩ thì tình sẽ khô khan, không biết thương xótgiúp đỡ kẻ khác, hết ngồi thiền thì tình cảm nội kết sẽ hiện hành trở lại, chứng nào tật nấy. Nếu chỉ tu tình, lập đi lập lại những đức tính tốt trong tâm mà không tu thân, không thể hiện những đức tính đó ra thân và miệng thì tánh tốt làm sao phát triển. Nếu chỉ tu thân, đi đứng oai nghi, giữ giới trang nghiêm mà tình, ý không sửa thì đó là hình dáng giả tạo bề ngoài.
Tóm lược
Muốn chuyển hóa hay tu sửa một tánh tình xấu thì đầu tiên ta phải ý thức nhận diện ra nó. Kế tiếp là tìm xem ta đã có những ý nghĩ, tư tưởng, quan niệm nào khiến cho tánh tình kia phát sinh. Sau khi tìm ravọng tưởng nguyên nhân thì ta phải thay đổi ý nghĩ. Mọi sự chuyển hóa đều đắt đầu từ sự thay đổi ýnghĩ. Muốn sự thay đổi được hiệu quả thì phải thực tập trên ba phương diện Ý, Tình, Thân, hoặc ít nhấtlà trên Ý và Thân. Do luật tương quan tương sinh thì khi ta sửa Ý và Thân thì Tình sẽ được chuyển hóa.
HT Thích Trí Siêu
[23] Kinh thứ 59 của Trung Bộ. Thích Minh Châu
[24] Trung A Hàm. Viện nghiên cứu Phật học Viêt Nam ấn hành 1991.
[25] Vô thức còn được gọi là tiềm thức, có nghĩa là cái thức nằm ở phía dưới.
[26] Trung A Hàm, phẩm Xá Lê Tử Tương Ưng. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1991.
[27] Trong kinh dùng chữ "tịnh hạnh", ở đây tôi không trích nguyên văn mà chỉ lấy đại ý.
[28] xem Vô Ngã của Thích Trí Siêu.
[29] Kinh thứ 8 của Trung Bộ. Thích Minh Châu
[30] Kinh thứ 20 của Trung Bộ
[31] Kinh Trung Bộ I, Thích Minh Châu.
[32] Semchen thamché déwa tang déwai gyu tang denpar gyur chik...
[33] Trích "Từng bước nở Hoa Sen" của Nhất Hạnh, Lá Bối.