Trên đường đạo, có nên tìm thầy hay không? Hình như chúng ta không đặt nặng vấn đề này lắm. Ông bà, cha mẹ của ta thường đến chùa cầu nguyện, cúng kiến nên ta đi theo chứ có bao giờ để ý tới việc tìm thầy, vì chùa nào mà chẳng có thầy. Đến chùa lạy Phật, tụng kinh, khấn vái rồi tụ họp ăn uống là phước lắm rồi. Đa số chỉ tìm đến thầy khi trong nhà có tang hoặc tai nạn xui xẻo gì đó. Tìm thầy kiểu này không phải là để học đạo mà là để đáp ứng nhu cầu tang lễ, tín ngưỡng.

Thuở xưa muốn cầu đạo phải đi tìm thầy, vì thầy là người trải qua kinh nghiệm tu tập và có khả năng truyền đạt lại cho ta. Hơn nữa muốn học đạo thì phải vào chùa, vì kinh điển ngày xưa khan hiếm chỉ được cất chứa ở trong chùa và người ta phải chép tay mà học. Ngày nay kinh sách được in ra dễ dàng và ấn tống khắp nơi, ai cũng có thể tìm đọc và tự học, do đó việc tìm thầy học đạo có vẻ không cần thiết lắm.

Nếu bạn muốn học nghề bác sĩ mà chỉ đi mua sách y khoa, vạn vật, sinh lý, hóa học, v.v... rồi tự nghiên cứu, không cần đến đại học học với giáo sư thì bạn có trở thành bác sĩ không?

Ngay cả với những môn học ngoài đời người ta cũng cần đến giáo sư chỉ cho sách nào nên đọc, môn nào nên học, và đề tài nào cần nghiên cứu. Đó chỉ là học về kiến thức mà còn cần đến thầy, huống chi học đạo giải thoát?

Trong đạo không phải chỉ học kiến thức thôi mà còn phải tu nữa. Một vị thầy trong đạo dạy ta giáo lý qua khẩu giáo và giới đức qua thân giáo. Chính thân giáo, tức hành động, nhân cách, giới phẩm và đức hạnh của vị thầy mới quan trọng, nó làm gương cho ta noi theo. Một trăm lần nghe không bằng một lần thấy. Một trăm lần đọc về từ bi không bằng một lần thấy hành động từ bi nơi vị thầy. Ngoài ra cầu học với một vị thầy sẽ giúp ta dẹp trừ nhiều tánh xấu như ngã mạn, cố chấp, kiêu căng, và khai triển tánh khiêm cung, lễ độ, tôn kính.

Y pháp hay y nhân?


Là Phật tử chúng ta thường nghe câu "y pháp bất y nhân[34]", tức là nương theo giáo pháp chứ không nương vào thầy. Phật dạy câu này vì phần đông chúng ta theo thầy không phải vì thực sự cầu pháp mà vì tình cảm hay thành kiến, vì thầy nổi tiếng, có chùa to, đông đệ tử, khéo léo chiều theo ý mình, v.v...

Theo tôi có hai giai đoạn:

1/ Y nhân: Bước đầu cần theo thầy để học đạo cầu pháp.

2/ Y pháp bất y nhân: Khi nghe được pháp rồi thì phải thực hành không nên bám víu vào thầy nữa.

Thường xuyên lui tới chùa và quy-y với thầy hơn mười năm, bạn đã học được gì? Có bao giờ bạn tự hỏi: "Ta học được gì với thầy trong mười năm qua?" Nếu có thì rất tốt, còn không thì phải làm sao? Bỏ thầy đi chùa khác hay tìm học với thầy khác? Làm như thế có phản thầy không? Quy-y với thầy rồi có phải suốt đời dính mắc với thầy không? Bạn nên nhớ chúng ta quy-y với tam bảo chứ không phải với thầy. Thầy bổn sư truyền giới chỉ là người đại diện làm lễ cho ta quay về nương tựa tam bảo mà thôi. Trong buổi lễ chắc bạn không bao giờ nói: "Con xin quy-y với thầy A hay thầy B".

Xưa kia lúc còn tầm đạo, thái tử Siddharta đến học với đạo sĩ Alara Kalama, sau khi chứng được thiền "Vô sở hữu xứ" và không học được gì thêm nữa thì ngài đã từ giã thầy. Kế tiếp ngài đến học đạo với Uddaka Ramaputta, sau khi chứng được thiền "Phi tưởng phi phi tưởng xứ" và không học được gì hơn thì ngài cũng kiếu từ ra đi. Nếu thái tử trung thành ở lại với Kalama hay Ramaputta thì chắc ngày nay chúng ta không có được đức Phật.

Trong kinh Khu Rừng[35] (Vanapatthanasutta), đức Phật dạy bốn điều kiện mà Tỳ Kheo nên tiếp tục ở hay từ bỏ nơi mình đang sống dù đó là khu rừng, làng mạc, thị trấn hay với bất cứ người nào:

1/ Sống gần một người mà tâm tu không tiến, vật dụng cần thiết cho đời sống lại hiếm hoi. Tỳ Kheo không phải xin phép, cần phải bỏ đi ngay, không cần theo sát người ấy.

2/ Sống gần một người mà tâm tu không tiến, vật dụng đầy đủ. Tỳ Kheo cần phải bỏ đi, không cần xin phép, vì xuất gia không phải để mưu cầu vật chất.

3/ Sống gần một người mà tu tiến, niệm, định, huệ tăng trưởng, nhưng vật dụng cần thiết lại hiếm hoi. Tỳ Kheo cần phải ở lại, không nên bỏ đi.

4/ Sống gần một người mà tu tiến, niệm, định, huệ tăng trưởng, và có vật dụng đầy đủ. Tỳ Kheo phải trọn đời theo sát người này, không được bỏ đi, dù có bị xua đuổi.

Bốn điều trên mặc dù Phật dạy cho Tỳ Kheo nhưng hàng cư sĩ cũng có thể áp dụng được. Theo một thầy nào mà không học được Phật pháp, tu hành không tiến bộ, phiền não không trừ giảm thì ta nên nghe lời đức Phật mà bỏ đi, không nên ở lại vì tình cảm ái luyến thế gian. Thầy trò là vấn đề nhân duyên, nhưng nếu nhân duyên không tốt thì phải sáng suốt chấm dứt.

"Y pháp bất y nhân" không có nghĩa là được pháp rồi thì không cần biết gì đến thầy. Học đạo không giống như học triết ở đại học, học đạo phải có lòng tri ân tôn kính thầy nhưng không bám víu và thần tượng hóa thầy. Theo thầy ta nên sáng suốt biết những gì cần phải học và biết luôn khuyết điểm của thầy để chấp nhận thầy là một con người như bao nhiêu chúng sinh. Một đồng tiền phải có hai mặt, người nào cũng vậy, có tánh tốt và tánh xấu.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới kể chuyện cầu đạo của Thiện Tài đồng tử với 53 thiện tri thức. Mỗi khi học xong và chứng được một tam muội thì vị thiện tri thức này lại giới thiệu Thiện Tài đi học với một thiện tri thức khác. Ta hãy noi gương học đạo của Thiện Tài đồng tử, nhưng không nên chạy lung tung, vì nhiều thầy thì nhiều ý có thể làm ta hoang mang. Cần nương theo một vị thầy chính và đi học thêm với nhiều thầy khác.

Thần tượng sụp đổ


Có hai thái cực mà người đệ tử thường mắc phải, một là quá tôn sùng thầy mình, hai là coi thường thầy. Nói cách khác: một là ái nhiễm, hai là ngã mạn. Người nữ thường có tâm ái nhiễm và người nam thường có tâm ngã mạn.

Khi theo một thầy nào chắc chắn ta phải kính phục thầy đó. Không ai dại gì theo học với một thầy dở. Nhưng nếu quá tôn sùng thầy mình tài giỏi, chứng đắc, chân tu đạo hạnh thì dễ sinh tâm phân biệt, khinh thường thầy khác cho họ không giỏi bằng thầy mình. Sau một thời gian khám phá ra điều gì đó không hài lòng thì tức giận, cảm thấy bị lừa gạt, phản bội. Có người tìm cách trả thù, rêu rao bêu xấu thầy để hả giận, có người buồn tủi, chán nản, mất lòng tin nơi tam bảo. Theo thầy mà không sáng suốt, để vọng tưởng, vọng tình chi phối, thần tượng hóa thầy thì có thể đưa đến hậu quả như vậy.

Trong quá trình tầm sư học đạo, tôi đã phân vân nhiều lần giữa y pháp và y nhân. Nhất là khi tu theo Phật giáo Tây Tạng, tôi thấy họ có vẻ "y nhân nhiều hơn là y pháp" vì "chánh nhân thuyết tà pháp, tà pháp tất quy chánh; tà nhân thuyết chánh pháp, chánh pháp tất quy tà". Họ xem các Lạt ma tái sinh là bồ tát hóa thân (tulku), họ xem đức Dalai Lama là hóa thân của Quán Thế Âm, đức Ban Thiền Lạt ma (Panchen Lama) là hóa thân của Phật A Di Đà. Trường phái Kagyupa mà tôi theo thì họ xem ngài Karmapa là hóa thân của Quan Thế Âm, ngài Shamarpa là hóa thân của Phật A Di Đà, Tai Sitoupa là hóa thân của Di Lặc, Jamgon Kontrul là hóa thân của Văn Thù Sư Lợi, Gyalsapa là hóa thân của Đại Thế Chí, v.v... Khi ngài Karmapa thứ 16 viên tịch thì bốn đại đệ tử chính là Shamarpa, Tai Sitoupa, Jamgon Kontrul, và Gyalsapa cùng nhau trông coi tông phái và lo việc đi tìm hậu thân tái sinh của ngài Karmapa. Khi bắt đầu đi tìm Karmapa thứ 17 thì có sự chia rẽ, Shamarpa và Jamgon Kontrul tìm ra được một hậu thân còn Tai Sitoupa và Gyalsapa lại tìm ra một hậu thân khác, không bên nào chấp nhận đứa bé của bên kia là Karmapa thứ 17. 


Bốn đại đệ tử đều ngang nhau nên không ai nghe ai, cuối cùng Tai Sitoupa phải nhờ đến đức Dalai Lama quyết định và ngài công nhận đứa bé do Tai Sitoupa tìm ra chính là Karmapa thứ 17. Tuy vậy Shamarpa vẫn không đồng ý và tiếp tục tôn đứa bé do mình tìm ra lên làm Karmapa thứ 17. Hiện nay phái Kagyupa có tới hai Karmapa 17. Tôi kể câu chuyện này vì nó xảy ra vào năm 1992, lúc tôi còn nhập thất tu với Lama Guendune Rinpoché. Shamarpa bị đe dọa ám sát nên đã ghé đến tu viện nơi tôi đang tu là Kundreul Ling để tá túc làm cho tăng chúng xào xáo, không ai lo tu niệm gì nữa, hễ gặp nhau là bàn cãi lung tung. Nhiều người tự hỏi tại sao mấy Lạt ma cao cấp, hóa thân của bồ tát (tulku) mà còn tranh chấp chia rẽ nhau như vậy?!? Có vài người đồng tu với tôi bị hoang mang và mất niềm tin, họ phân vân không biết các Lạt ma Rinpoché kia có thật sự là bồ tát hóa thân hay không? Rồi họ lại có mặc cảm tội lỗi khi thấy mình không tin tưởng bề trên nữa. Xôn xao như vậy gần hai tuần thì Shamar Rinpoché trở về Rumtek và mọi việc lắng xuống.

Chắc có người thắc mắc tại sao tôi được tu học với các Lạt ma mà không truyền bá Kim Cang Thừa Tây Tạng? Xin trả lời có nhiều lý do:

1) Về phương diện thể xác, người Việt Nam sống ở vùng nhiệt đới, thể chất gầy nhỏ, không giống người Tây Tạng to lớn chịu nổi cái lạnh của núi Tuyết Sơn. Phật giáo Việt Nam có quan niệm ăn chay, trong khi đó tu với Tây Tạng nếu ăn chay thì khó tập được những pháp môn bí truyền như Trulkor, Sáu pháp du già của Naropa (Naro du già lục pháp) và Mật giáo tối thượng. Nếu chỉ tu theo Kinh giáo (Sutrayana) thì ăn chay không có vấn đề gì vì không cần vận dụng khí lực theo các đường kinh vi tế (channel, tsa). Và nếu chỉ tu theo Hiển Giáo thì đâu cần phải theo Tây Tạng, vì Đại Thừa Việt Nam đã có nhiều Kinh điển rồi.

2) Về phương diện nghi lễ, Mật tông Tây Tạng có quá nhiều nghi lễ phức tạp. Ở các chùa Việt Nam, những khóa lễ tụng kinh dài lắm chỉ hai, ba tiếng đồng hồ. Nếu lâu hơn thì Phật tử mệt mỏi không còn chú tâm nữa. Trong khi đó các buổi lễ của Tây Tạng kéo dài từ sáu đến tám tiếng đồng hồ và kéo dài nhiều ngày, với nhiều khí cụ và lễ vật như torma, kapala, rượu, thịt, v.v... Những thứ này người Việt lấy đâu ra? Nếu muốn thì phải vào tu ở một tu viện Tây Tạng mới học được.

3) Truyền lễ quán đảnh (Wang, initiation). Muốn tu theo Mật tông Tây Tạng thì phải thọ lễ quán đảnh. Nhưng Ai là người có thể truyền lễ quán đảnh? Chỉ có những Lạt Ma cao cấp, hoặc tu viện trưởng mới truyền được. Tuy được học và hành trì nhưng tôi không có tư cách để truyền lễ quán đảnh. Như vậy làm sao truyền bá Mật tông? Nếu chỉ truyền vài ba câu thần chú thì Kinh sách mật tông Việt Nam đã có nhiều thần chú như Lăng Nghiêm, Đại Bi, thập chú, Chuẩn Đề, v.v...

4) Điều đặc biệt nhất của Mật giáo vô thượng du già (Anuttarayogatantra) là xử dụng năng lượng tính dục (énergie sexuelle) để khai mở luân xa, sạn đạo trong việc giác ngộ. Trong khi đó phong tục, tập quán của người Việt xem sắc dục, tính dục là điều xấu xa, dâm đãng, không phải của người tu hành. Toàn bộ kinh điển Nam tông và Bắc tông đều lên án việc dâm dục. Tóm lại nếu theo Mật Giáo Tây Tạng mà chỉ tụng chú, học kinh điển hiển giáo, hoặc các bộ luận của chư tổ Tây Tạng thì cũng tốt, nhưng những thứ này Đại Thừa đã có đầy đủ rồi.

Người ta thường đứng núi này trông núi nọ, chính tôi đã như vậy nên rất thông cảm cho những ai muốn sang núi bên kia. Hãy để cho họ đi rồi họ sẽ thấy cỏ bên kia núi cũng không xanh hơn cỏ bên này. Phật giáo Tây Tạng đương nhiên có nhiều điều đặc biệt, nhưng ta phải xét lại tâm nguyện học đạo của mình. Học đạo để tu sửa, để tích tụ kiến thức, hay luyện thần thông bùa chú? Nếu để tu sửa thì Phật giáo Nguyên Thủy và Đại thừa đã dư đủ pháp môn cho ta rồi.

Điều khiển thầy

Tìm thầy để học đạo chứ không phải để dạy thầy học đạo. Có người ban đầu tìm thầy để học đạo, nhưng sau một thời gian thì quay ngược lại kiểm soát thầy có tu hành hay không, có tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền không? Nếu không thì buồn phiền, chỉ trích, đi rêu rao thầy tu không đàng hoàng, bê bối, v.v... Hoặc có người đến chùa tìm thầy không phải để học đạo mà để chen chân vào ban quản trị, ban này ban kia để điều khiển chùa, điều khiển thầy, điều khiển Phật tử. Trường hợp này gọi là lấy "Đạo tạo Đời", lợi dụng môi trường đạo để thực hiện thói xấu ngoài đời. Đây là một ác nghiệp rất nặng vì phá đạo và ngăn cản sự tu hành của nhiều người khác.

Học đạo quý nhất là lòng thành kính khiêm tốn và kỵ nhất là kiêu mạn. Người khiêm tốn đi đâu hỏi đạo ai cũng thương và sẵn sàng chỉ dạy. Còn người kiêu mạn đi hỏi đạo thì gặp khó khăn, từ chối và không được truyền dạy hết lòng.

Chờ thầy

Có một vị du tăng nọ thường đi thuyết pháp tại các làng mạc hẻo lánh, lời giảng của thầy chan chứa tình thương và hiểu biết làm nhiều người kính phục quy y. Trong số đó có anh Năm nhà nghèo nhưng rất tốt bụng, quá cảm động sung sướng sau khi nghe giảng anh đánh bạo đến gần thầy và thưa: "Bạch thầy, con biết thầy rất bận vì ai cũng muốn thỉnh thầy, nhưng tâm con được khai mở và tràn đầy tôn kính, con muốn thỉnh thầy đến nhà thọ trai ngày mai. Con xin lỗi đã thưa hỏi đường đột, mong thầy hứa khả."

Với ánh mắt từ bi, vị thầy trả lời: "Hãy sửa soạn bữa cơm, ta sẽ đến." Sau đó vị thầy tiếp tục lên đường.

Nghe đáp như vậy, anh Năm vui mừng không bút mực nào tả xiết. Anh nôn nóng chờ đợi ngày mai để tiếp rước và diễn tả lòng tôn kính của anh đối với thầy. Ngày mai là ngày quan trọng nhất đời anh vì thầy sẽ đến thọ trai và anh được đặc biệt hầu thầy, chỉ có anh và thầy thôi. Thế là anh đi gom góp vay tiền mua thức ăn ngon và y phục đẹp để cúng dường thầy. Anh dọn dẹp lau chùi nhà cửa, trang hoàng lại bàn ghế đồ đạc cho tươm tất.

Ngày hôm sau, mới chín giờ sáng anh Năm đã chuẩn bị xong xuôi và bắt đầu chờ. Khoảng mười giờ có tiếng gõ cửa. Mừng rỡ, anh chạy ra mở cửa nhưng không phải thầy mà là một bà lão ăn xin. Bà lão nói: "Tôi đói quá, ông có gì cho tôi ăn không?" Anh Năm hơi thất vọng nhưng vốn tốt bụng anh mời bà lão vào nhà và vì nhà chật nên đành cho bà ngồi chỗ đã dành cho thầy, chia cho bà thức ăn đã làm để cúng dường thầy. Ăn xong bà lão cảm động cám ơn rồi ra đi.

Anh Năm chưa kịp lau dọn bàn ghế thì bên ngoài lại có tiếng gõ cửa. Lần này là một khách bộ hành vừa băng qua sa mạc. "Tôi sắp chết khát, ông có gì cho tôi uống không?" Anh Năm lại thất vọng vì thấy không phải là thầy tuy nhiên anh cũng mời người đó vào nhà, nhường chỗ đã dành cho thầy và mang nước đã mua để cúng dường thầy ra cho khách uống. Uống xong người bộ hành cám ơn rồi ra đi.

Vừa dọn dẹp bàn ghế xong thì có người gõ cửa. Mở ra thấy một thằng bé khoảng mười tuổi. Thằng bé vừa run vừa nói: "Tôi lạnh quá, ông có gì cho tôi mặc đỡ lạnh không?" Anh Năm lại một phen thất vọng nhưng nhìn kỹ đứa bé, anh thấy thương và tội nghiệp quá nên kêu nó vào và cho nó quần áo mà anh đã mua cho thầy. Thằng bé cúi đầu cám ơn rồi ra đi.

Anh Năm kiên nhẫn sửa soạn lại nhà cửa và bữa ăn để chờ thầy tới, nhưng chờ mãi đến chiều anh thất vọng thực sự vì biết là thầy sẽ không tới. Anh nghĩ thầm: "Mình biết trước là không thể mong thầy ghé đến cái nhà nghèo này. Thầy đã nhận lời thỉnh của mình nhưng chắc có chuyện quan trọng hơn nên thầy không đến được. Tuy không đến nhưng ít nhất thầy đã hứa khả lời mời của mình, bấy nhiêu đó cũng đủ cho mình hạnh phúc rồi."

Nghĩ như vậy, anh đứng dậy thu dọn đồ ăn và đi ngủ. Đêm đó anh mơ thấy thầy ghé đến nhà anh. Anh Năm vui mừng đón tiếp thầy và không biết đó là một giác mơ. Anh nói: "Thầy đã tới! Thầy đã giữ lời hứa."

Vị thầy trả lời: "Phải, ta đã giữ lời và đã tới nhà anh nhiều lần rồi. Khi ta đói bụng anh đã cho ta ăn. Ta khát nước anh đã cho ta uống. Ta bị lạnh anh đã cho ta quần áo. Tất cả những gì anh làm cho kẻ khác, đó chính là làm cho ta vậy."

Anh Năm chợt tỉnh giấc, lòng tràn đầy vui mừng hạnh phúc, anh hiểu được lời dạy của vị thầy. Với tình thương vô bờ, thầy đã gửi ba người sứ giả mang đến cho anh một bài học quý giá, đó là: "Thầy có mặt trong mọi người." Khi anh cho cơm kẻ đói, cho nước kẻ khát, cho áo kẻ lạnh, tức là cúng dường tình thương của anh đến Thầy.

Ban đầu ta cần tìm một vị thầy bằng xương bằng thịt, giảng đạo nói pháp cho ta nghe, hướng dẫn ta tu học nhưng sau đó phải tập tu sửa để nhìn thấy thầy ở khắp mọi nơi.

HT Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “16. Trên Đường Tìm Đạo - Tìm Thầy”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com